[Showcase] Interactive Visual: Trải nghiệm nghệ thuật mới cùng Tùng Khỉ

Như đã giới thiệu ở showcase trước đây – Tùng Khỉ, một người nghệ sĩ luôn tìm kiếm những trải nghiệm, những hướng đi mới mẻ trong ngành của mình – đã mang đến cho chúng ta nhiều bất ngờ thú vị khi biết anh đang tìm tòi về Photo Manipulation với concept sâu hơn và mới lạ hơn. Hôm nay, RGB tiếp tục mang đến cho mọi người thêm một khám phá độc đáo trong những công việc anh làm gần đây, những tác phẩm Interactive Visual, đẹp và lạ đến kinh ngạc!

Chào anh, dạo gần đây nghe đồn anh đang nghiên cứu một lĩnh vực mới ạ?

Thời gian này anh chủ yếu nghiên cứu những kỹ thuật interactive visual. Nói dễ hiểu thì nó là một bộ phận của performance art, nhưng sự tương tác giữa người + âm nhạc + visual được đẩy chuyên sâu hơn. Với sự trợ giúp của các phần mềm tạo hiệu ứng hình ảnh tương tác, và những thiết bị như Kinect hay LEAP, mà sự qua lại giữa người và các thông số máy móc được hoà quyện vào nhau, gần như không có khoảng cách.

Hình thái đồ hoạ này đã được thể nghiệm từ rất lâu ở các nước phương tây, và Nhật Bản, và đã chính thức trở thành một bộ môn nghệ thuật mới, nằm trong cụm New Media.


— Tùng Khỉ (Crazy Monkey) trình dienx Interactive Visual trong chương trình Thời Trang & Nhân Vật

Chà, nghe có vẻ thú vị nhỉ, anh có thể giới thiệu cho các độc giả của RGB một số tác phẩm mà anh đã thực hiện và đôi nét về nó không ah?

Dĩ nhiên rồi 🙂 . Hôm nay anh nói sơ qua về 3 tác phẩm cho các RGBer mà anh tâm đắc ha.

 

LIGHT:

[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=hCqzG_dGlso[/youtube]

Visual: Crazy Monkey
Music: Overdone (Anneka Remix by XXYYXX)

Tác phẩm LIGHT là một chuỗi những video thể nghiệm với ánh sáng của mình. Những hình ảnh đồ hoạ được chiếu từ projector, tự nó đã là một hình thái khác hẳn của việc trình chiếu, hay nói cách khác là của ánh sáng. Bạn biết Analoge visual không? Nó là một từ dùng để chỉ những hiệu ứng hình ảnh đặc biệt không được tạo bởi máy tính, hay máy tính chỉ là thứ yếu. Từ những thập niên 70 khi công nghệ đồ hoạ còn chưa phát triển, những người làm phim đã biết lợi dụng góc máy, ánh sáng hay có khi là một tấm gương lớn để tự tạo ra những hiệu ứng hình ảnh mà sau này chúng ta được biết trong các phần mềm Adobe. Mình muốn tận dụng điều này, chơi đùa với thứ ánh sáng màu sắc đó, và làm một series. Cách những hình ảnh đồ hoạ được tạo ra sẽ không theo những cách truyền thống, nó được tạo ra bởi chất liệu mà mình chiếu ánh sáng projector vào. Như ở tập LIGHT đầu tiên, hình ảnh đồ hoạ được nhân lên trên nhiều lớp kính, tạo thành một hiệu ứng chiều sâu khá thú vị. Ở tập LIGHT tiếp theo, mình sẽ thử nghiệm lên kính một lớp và lụa. Chưa chắc đó đã là ý tưởng hay nhưng việc của mình là phải thử.

 

Interactive Dance:

[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=a4svIkNCqPY[/youtube]

Interactive Dance là phần ghi hình lại buổi biểu diễn của mình tại Yoko vài tháng trước. Ở lần đó, mình thử nghiệm việc dùng một camera Kinect để hỗ trợ việc biến điệu múa của dancer thành các hình ảnh đồ hoạ. Kinect có thể nhận diện được các điểm trên cơ thể như tay – chân – đầu rồi gửi các thông tin đó vào máy tính. Qua đó mình có thể làm được vài hiệu ứng như gắn những file PNG hay MOV vào các bộ phận của dancer và cho chúng đi theo điệu múa. Tiềm năng của Kinect là vô giới hạn và mình vẫn đang nghiên cứu nó. Ở buổi diễn tại Yoko, mình còn có sự kết hợp với anh Phan Vũ Linh, bằng cách chồng hai projector lên nhau và những hiệu ứng đồ hoạ của cả hai anh em cùng được trộn vào nhau, tạo nên một hiệu quả thị giác rất thú vị. Mình rất tiếc vì video ghi hình lại chỉ diễn tả được 20% hiệu quả visual tối hôm đó.

 

2020:

[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=dTmlblTzzjk[/youtube]

A film by: Colin Weiss (https://www.colinweissdesign.tumblr.com)
Fashion Designs by: Nguyen Thuy Trang
Model: Hoang Thuy
3D projection mapping by: Crazy Monkey
B-Camera: Kelly Padgett
Edit/Post_Production: Colin Weiss

[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=vUnGlkchHh0[/youtube]

2020 là một sự thể nghiệm của mình với phim thời trang, hợp tác với người bạn thân Colin Weiss. Với bộ quần áo được thiết kế dựa theo các khối 3D bằng giấy của nhà thiết kế Thuỳ Trang, mình dán visual lên từng bề mặt đó, các bạn có thể gọi đó là Projection mapping. Hoàng Thuỳ là một người mẫu đẹp và có tinh thần làm việc cao nhất mà mình từng được cộng tác. Thuỳ đã mặc trang phục đó và đứng yên trong 2 tiếng đồng hồ chỉ để mình thực hiện công đoạn mapping, vì chỉ cần xê dịch một chút thôi thì những hình đó sẽ bị lệch và lại phải làm lại từ đầu. Ở các cảnh sau thì có phần dễ chịu hơn khi Thuỳ chỉ cần múa thoải mái, và visual sẽ chạy theo người vì mình dùng Kinect để capture cử động của Thuỳ. Bộ phim này đã được thực hiện từ đầu năm, và sau đó mình đã có thêm rất nhiều dự án kết hợp giữa Projection Visual với phim, ví dụ như Trailer bộ sưu tập Bướm Đêm của Đỗ Mạnh Cường, hay video clip Crazy của Hoàng Thuỳ Linh. Mới đây là một videoclip khá ” dị” của một ca sĩ xin được giấu tên, mình sẽ đưa nó lên trang web sớm, ngay sau khi nó được public ra ngoài.

 

Thât tuyệt vời, cám ơn anh vì đã chia sẻ cực kì chi tiết về các tác phẩm Interactive Visual độc đáo này! Nếu muốn chiêm ngưỡng thêm nữa thì các bạn có thể:

Xem các project của anh ấy tại: www.crazymonkeybox.com

Và các thể nghiệm visual của anh tại: www.youtube.com/khidai

 

Có lẽ còn rất nhiều câu hỏi, thắc mắc xoay quanh Tùng Khỉ về con đường nghệ thuật, cảm hứng sáng tác, và nhiều nhiều vấn đề nữa. Nhưng hãy để dành để khám phá sâu hơn về người nghệ sĩ không mệt mỏi trên con đường chinh phục nghệ thuật sáng tạo này vào bài phỏng vấn Tùng Khỉ sắp đến trên RGB.vn nhé!

Chào tạm biệt và hẹn gặp lại! 😉

 

Ban biên tập RGB.vn


Trong nỗ lực đem đến nhiều hơn nữa những bài viết chất lượng dành cho độc giả, RGB.vn mong muốn sẽ giới thiệu đến các bạn những bài viết nội dung hay được biên tập kỹ lưỡng và nghiêm túc. Hy vọng các bạn sẽ tiếp tục ủng hộ chúng tôi. Khi trích dẫn lại bài viết xin vui lòng ghi rõ nguồn, link RGB.vn và người biên tập.