Framestore – Thế giới hiệu ứng hình ảnh bậc thầy

Tản bộ dọc khu Soho – London, bạn sẽ bắt gặp những thứ kỳ quái đang chuyển động, nghe thấy tiếng khủng long gầm hay vấp phải một tiểu phù thủy.

Đừng vội ngạc nhiên, đấy không phải là xu hướng mới của London, đó chỉ là một ngày rất đỗi bình thường ở xưởng Framestore – nơi sản sinh những điều kỳ diệu trên màn ảnh.

Framestore – Thế giới hiệu ứng hình ảnh bậc thầy

Framestore là xưởng chuyên về hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình lớn nhất châu Âu, nơi góp phần cho thành công của các bộ phim đình đám như Avatar, Harry Potter, Where the Wild Things Are,… hay các bộ phim, các chương trình ti vi và các quảng cáo ấn tượng khác. Dù bạn sử dụng bất kỳ loại màn hình hay thiết bị trình chiếu nào thì kỹ xảo hình ảnh do Framestore làm cũng đều đạt được hiệu ứng cao nhất.

Thành lập năm 1986, mục tiêu chính của xưởng là làm phim với máy tính – tham vọng lớn cần đến sự hỗ trợ của công nghệ. Ông William Sargent, giám đốc điều hành Framestore cho biết: “Thời gian đầu, chúng tôi chủ yếu làm quảng cáo cho các chương trình truyền hình. Sau đó, chúng tôi sớm biết rằng mình muốn làm hiệu ứng hình ảnh cho các bộ phim. Tuy nhiên, thời gian đó, chúng tôi chưa có sự ổn định về kinh tế lẫn sự khả thi thực tế”.

Cho đến năm 1994, khi công nghệ đạt được những bước tiến xa hơn, Framestore đã có thể hiện thực hóa mục tiêu của mình. Bắt đầu từ đây, xưởng phim liên tục đạt được những giải thưởng danh giá. Sargent luôn tin tưởng: “Khi bạn đã có ý tưởng thì bạn có thể biến mọi thứ thành sự thật”

Framestore biết rằng cách kể chuyện phim thông thường đã không còn hấp dẫn nữa. Vì thế xưởng chuyển sang hướng viết những kịch bản hấp dẫn và sáng tạo hình ảnh để đưa những câu chuyện đó lên màn ảnh. Những cá nhân làm việc tại xưởng không chỉ có khả năng sử dụng công nghệ tốt mà còn có những cái đầu bùng nổ. Làm việc ở Framestore nghĩa là bạn cần có sự tinh tế, tư duy đa chiều, hiểu biết về nghệ thuật kể chuyện và các kỹ thuật minh họa truyền thống.

Giám đốc sáng tạo Mike McGee chia sẻ: “Những thành viên Framestore chúng tôi mỗi người xuất phát từ một lĩnh vực khác nhau. Một người nghiên cứu khảo cổ ở trường đại học, một người chuyên nghiên cứu ứng dụng toán học và vật lý học, còn tôi là học viên của trường nghệ thuật. Song chúng tôi đều có chung niềm đam mê với lĩnh vực truyền thông và sáng tạo hình ảnh dù chưa nhiều kinh nghiệm.” Việc hướng dẫn mọi người hiểu và sử dụng các thiết bị không khó. Việc khó khăn nhất đối với Framestore là đào tạo cho các thành viên của mình các kỹ năng về nghệ thuật kể truyện truyền thống bởi ấy là điều “chỉ những người tinh tế mới có thể cảm nhận được điều đó”, McGee nói.          Đội ngũ Framestore đã chia thành hai nhóm: nhóm những người nghiên cứu về nghệ thuật trong phim và nhóm những người giỏi công nghệ hiệu ứng hình ảnh. Kevin Spruce, Giám đốc phân xưởng hoạt hình đã từng tham gia 2 bộ phim 2D Hercules (Disney) và Space Jam (Waner Bros’) cho biết: “Đến tận năm 2000 khi tôi tới Framestore và học về 3D, tôi vẫn không biết chút gì về máy tính. Dự án đầu tiên của tôi là Dinotopia – một trong những dự án 3D lớn của Framestore cho truyền hình, và nó cũng bắt đầu cho cuộc hành trình lớn trong việc sản xuất của chúng tôi”.

Việc phát triển như vũ bão của công nghệ 3D gần đây có thể khiến mọi người cho rằng phần mềm hỗ trợ 3D có thể làm tất cả nhưng theo Spruce, quan trọng hơn cả là những kỹ thuật truyền thống. “Một nghệ sĩ vẽ hoạt hình 2D có những kiến thức truyền thống về hoạt hình sẽ sắc sảo hơn một người học 3D bởi họ hiểu được cấu tạo, sự đổ bóng của nhân vật và họ cũng có con mắt sáng tạo hơn” – Spruce giải thích.

Có rất nhiều trường đào tạo hoạt hình ở Pháp, trong đó có Gobelin, Framestore đã thu nhận một số thực tập sinh từ trường này bởi họ được đào tạo một cách bài bản. McGee nhận xét: “Với các dự án trước đây, chúng tôi sử dụng những nhân vật hoạt hình 2D và hướng dẫn họ phát triển nhân vật đó theo giáo án của xưởng. Chỉ vài người trong nhóm những người khá nhất của chúng tôi mới vượt qua được, trong khi đó thì giờ đây chúng ta có quá nhiều người mới rời ghế nhà trường, dựng được một khối cubic xoay tròn từ A đến B đã tự gọi mình là hoạt họa viên.”

Giám đốc xưởng kinh doanh thương mại công nghệ 3D – Diarmid Harrison Murray đánh giá cao các hồ sơ ứng viên có các tác phẩm thể hiện sự nhạy cảm, tinh tế đối với nghệ thuật thị giác. “Đôi khi các tác phẩm không hẳn đã mang lại đánh giá chính xác về tác giả.” – Murray nói. “Điều tuyệt vời nhất khi được làm việc ở đây là tất cả chúng tôi đều gắn kết với nhau bởi đam mê làm phim” Sargent chia sẻ. “Mọi người đi xem phim mỗi tuần một đến hai lần, từ những bộ phim bom tấn đến cả những bộ phim Nga vô danh. Không chỉ yêu thích hiệu ứng hình ảnh trong phim, mọi người còn chú ý đến cách quay phim và cách đặt máy quay.”

Framestore – Thế giới hiệu ứng hình ảnh bậc thầy

1. Avatar:

Framestore là cơ sở duy nhất ở Anh được nhận giải thưởng Quay phim xuất sắc với phim Avatar. Bộ phim đã được lên ý tưởng trước khi công nghệ hiệu ứng hình ảnh đáp ứng được nhu cầu của đạo diễn Cameron và vì thế bộ phim được xếp lại để 14 năm sau, khi công nghệ phát triển mới chính thức được phát hành.

Framestore – Thế giới hiệu ứng hình ảnh bậc thầy

2. Harry Potter và Bảo bối tử thần – phần 1:

Framestore hợp tác cùng các nhà sản xuất phim Harry Potter đã sáng tạo rất nhiều những sinh vật trong phim, đồng thời thực hiện các hiệu ứng hình ảnh trong series phim này. Trong Bảo bối tử thần, Framestore tái tạo lại nhân vật Dobby cũng như nhân vật gia tinh Kreacher. Hơn 60 nhân viên Framestore đã làm việc cật lực trong suốt 16 tháng để hoàn thành bộ phim.

Framestore – Thế giới hiệu ứng hình ảnh bậc thầy

3. Biên niên sử Narnia: Hoàng tử Caspian

Trong phần 2 này, Framestore đã dựng lại chúa tể Aslan cùng các nhân vật Truflehunter và Pattertwig. Xưởng đảm nhận xử lý hiệu ứng hình ảnh của hơn 520 cảnh phim, bao gồm có các cảnh nền và các cảnh không gian xung quanh.

Framestore – Thế giới hiệu ứng hình ảnh bậc thầy

4. Notting Hill:

Framestore đảm nhận các cảnh chuyển mùa khi nhân vật đi trên phố. CEO William Sargent nói: “Với những bộ phim thông thường, để chuyển tải sự thay đổi về mặt thời gian, người ta sẽ có một dòng phụ đề “Một năm sau” hay đại loại thế, nhưng đạo diễn của Notting Hill đã có một cách thể hiện hoàn toàn khác.”

Framestore – Thế giới hiệu ứng hình ảnh bậc thầy

5. Clash of the Titans (Chiến tranh giữa các vị thần):

Framestore đã tạo ra hơn 400 hiệu ứng đặc biệt trong câu chuyện thần thoại về việc tranh đấu giữa con người và các vị thần Hy lạp cổ. Nữ thần đầu rắn Medusa là nhân vật được đầu tư hiệu ứng hình ảnh nhiều nhất. Bên cạnh đó Framestore cũng tập trung nhiều vào gần 300 cảnh quay hoành tráng về các sinh vật và các cảnh không gian trong phim.

Yến LH (Dịch từ Computer Art 1085) / FPT Arena