Phản gián vi phạm bản quyền – Một góc nhìn kĩ thuật cơ bản (Phần 1)

Bản quyền trong ngành Thiết kế Sáng tạo tại Việt Nam vẫn luôn là một đề tài khá mơ hồ nhưng nó vô cùng quan trọng và cần thiết cho tất cả những người làm sáng tạo. Để làm nghề một cách chuyên nghiệp, hiểu biết về bản quyền là một yếu tố không thể bỏ qua, nhất là trong thế giới “rất phẳng” hiện nay, Designer Trương Huyền Đức đã tổng hợp và chia sẻ những kiến thức cơ bản về vấn đề này trong loạt bài viết “Phản gián vi phạm bản quyền – Một góc nhìn kĩ thuật cơ bản”. Mời các bạn cùng nghiên cứu.

[quote]1. Hệ thống giấy phép bản quyền Creative Commons [/quote]

Creative Commons viết tắt là CC (Tài sản sáng tạo công cộng) là một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc mở rộng số lượng tác phẩm có tính sáng tạo mà người khác có thể tạo lại hoặc chia sẻ.

Được thành lập từ năm 2001, CC chưa được nhiều nước hỗ trợ như công ước Berne. Tuy vậy, CC luôn có một đội ngũ hùng hậu về pháp lý cũng như các quan hệ thương mại đủ để hỗ trợ các đối tác về tranh chấp bản quyền.

rgb_creative_banquyen_1

Bản đồ quốc tế của Creative Commons

rgb_creative_banquyen_2

Xanh lá: đã ký kết – Xanh dương: đang ký kết – Xanh Lơ: đang chuẩn bị ký kết.

CC hiện tại đang có 5 dạng giấy phép bản quyền như sau (copyright license):

1 – Public Domain (CC0):

Dạng này được phép sử dụng thoải mái, miễn trừ ràng buộc bản quyền, miễn trừ tối đa quyền tác giả tác phẩm.

Ví dụ điển hình là các “meme”.

2 – Atrribution (BY):

Được phép copy, phân phối, trưng bày, và chỉnh sửa, cắt ghép tự do nhưng phải có đính kèm nguồn cho tác giả gốc theo đúng yêu cầu của tác giả đề ra.

Ví dụ tác giả đòi tên phải viết hoa lấp lánh màu hồng với lồng hình trái tim thì phải làm đúng thế cho tác giả, làm sai tác giả hông chịu là cũng vi phạm, nhưng thông thường tác giả cần tên, trang web hay link đăng tác phẩm gốc là đủ.

3 – Share-alike (SA):

Tương tự như Copyleft, được phép copy, phân phối, trưng bày, chỉnh sửa và cắt ghép tự do.

Tuy nhiên các tác phẩm được hình thành ra từ tác phẩm gốc với license SA/Copyleft cũng sẽ phải là tác phẩm License SA. Tức tác phẩm B được tạo ra từ A thì sau đó tác phẩm C cũng được quyền tạo ra từ B thoải mái, B không có quyền trở thành hàng độc quyền.

Điều này tương tự như tinh thần của Mã nguồn mở (Open Source Software). Giấy phép chính xác của Copyleft bên phần mềm thì bạn có thể tham khảo BSD, GNU LGPL và GNU GPL.

4 – Non-commercial (NC):

Phi thương mại, được phép copy, phân phối, trưng bày, chỉnh sửa và cắt ghép tự do,… Miễn sao không dành cho mục đích thương mại.

5 – No Derivative Works (ND):

Được phép copy, phân phối, trưng bày nhưng phải trung thành với nguyên tác, không được phép cắt phép chỉnh sửa.

rgb_creative_banquyen_3

Logo các dạng license của CC

Trên đây là các dạng giấy phép, còn giấy phép cuối cùng thì là tổ hợp của nhiều dạng trên, và khi tổ hợp sẽ ưu tiên từ số 5 đến số 1, ví dụ:

CC BY ND:

Được phép copy, phân phối, trưng bày nhưng phải trung thành với nguyên tác, không được phép cắt phép chỉnh sửa. ND phủ định việcđược phép cắt ghép chỉnh sửa của BY vì thứ tự ưu tiên 5>2. Kèm theo đó sản phẩm cuối phải có trích dẫn nguồn gốc theo đúng yêu cầu của tác giả đề ra.

rgb_creative_banquyen_4

Một số tổ hợp giấy phép thường gặp

Lưu ý: Một form bản quyền có liên quan có logo chữ (C) tức All rights reserved là dạng độc quyền triệt để (ngược hoàn toàn với CC0). Tất cả các tác phẩm được cộp mác này thì đến đều không có quyền chia sẻ, chụp ảnh lại,…

rgb_creative_banquyen_5

Thứ tự các dạng giấy phép bản quyền. Từ thoải mái đến nghiêm cấm sử dụng, sao chép,..

Tóm lại, khi sử dụng một tác phẩm hay hình ảnh stock nào đó, các artist/designer cần kiểm tra kĩ giấy phép sử dụng, xem thuộc dạng nào, để sử dụng vào mục đích chính xác và phù hợp. Ví dụ như chúng ta muốn tác phẩm cuối cùng của chúng ta có thể trở thành tác phẩm độc quyền thương mại, nhưng lại remix hay dùng một stock Share-Alike, khi đó người khác sẽ có thể remix hay cắt ghép chỉnh sửa tác phẩm của chúng ta mà chúng ta không có quyền can thiệp do tính kế thừa của giấy phép bản quyền SA.

Nguồn tham khảo:

https://en.wikipedia.org/wiki/Creative_Commons_license

https://wiki.creativecommons.org/wiki/Version_3#Further_Internationalization

https://wiki.creativecommons.org/wiki/License_Versions

“What is Copyleft?”. Retrieved 29 August 2010.

https://creativecommons.org/licenses/by/2.5/au/legalcode

https://www.technollama.co.uk/us-court-interprets-copyleft-clause-in-creative-commons-licenses

Digital Copyright and the Consumer Revolution: Hands Off My Ipod – Matthew Rimmer – Google Böcker. Books.google.se. Retrieved December 24, 2012.

Tác giả: Trương Huyền Đức