10 cách để kết hợp giữa tư duy nghệ thuật và logic

Bế tắc trong lối mòn thiết kế có thể cực kỳ mệt mỏi với bất cứ ai.

Dù bạn là một người sử dụng não trái để tổ chức công việc chi tiết và logic, hay một nghệ sĩ não phải sử dụng trực giác, hẳn có rất nhiều lần chúng ta vật lộn với việc đưa ra giải pháp sáng tạo, hoặc mang đến một ý tưởng đổi mới.

Vấn đề là, tất cả những chuyện về não trái não phải  vẫn là một bí ẩn.

Tuy nhiên có một sự thật rằng chức năng não bộ của chúng ta thực hiện được cả bên trái và phải, chúng hoạt động cùng nhau để thực hiện những công việc theo cách thức phức tạp hơn nhiều so với định nghĩa “trái” hoặc “phải”, và bạn đang tự hại mình nếu như bạn tin rằng mình chỉ sử dụng một trong hai bên não.

Nếu bạn không  có thiên hướng sáng tạo, hoặc nếu bạn rất sáng tạo nhưng lại gặp một giai đoạn khó khăn khiến bạn trói chặt những ý tưởng ngông cuồng của mình vào tư duy thông thường, hãy cùng RGB đọc tiếp nhé. Sau đây là 10 cách dựa trên khoa học giúp bạn mở khóa tiềm năng sáng tạo đề đạt được kết quả mình mong muốn.

[quote]01. Thường xuyên nghỉ giải lao trong khi làm việc[/quote]

RGB_creativetips_01

Có thể là bạn đã nghe chuyện này rồi, nhưng rất đáng để nhắc lại. Nếu bạn cố nghĩ ra ý tưởng mới nhưng lại gặp rào cản trong sáng tạo, đó chính là lúc để đi bộ một chút. Đi bộ giúp tăng lượng lưu thông máu đến não và đã được chứng minh rằng nó có thể khai thông dòng chảy ý tưởng. Đó có thể là một động lực cần thiết để bạn đạt được khoảnh khắc “A-ha!” đấy.

Để trí óc dạo chơi trong lúc nghỉ ngơi cũng rất quan trọng. Một bài nghiên cứu từ University of British Columbia chỉ ra rằng việc mơ mộng thực sự là một quá trình nhận thức cực kỳ quan trọng khi chúng ta không thể tập trung vào công việc trước mắt mà lại cố suy nghĩ, nó giúp ta giải quyết được những vấn để lớn hơn thế. Science Daily giải thích rằng:

 “Kết quả nghiên cứu cho thấy mơ mộng – điều có thể chiếm đến 1/3 thời gian khi chúng ta thức – là một trạng thái nhận thức quan trọng nơi ta có thể biến sự tập trung từ một công việc trước mắt thành việc ngẫm nghĩ các vấn đề quan trọng khác trong cuộc sống một cách vô thức.”

Vậy nên, khi cảm thấy hoang mang, hãy nghỉ ngơi một chút nhé.
[quote]02. Luôn giữ một quyển sổ tay bên mình[/quote]
RGB_creativetips_02

Okay, thật ra việc giữ một cuốn sổ tay không khiến bạn bỗng dưng sáng tạo một cách thần kỳ. Nhưng ai cũng có khoảnh khắc nảy ra một ý tưởng tuyệt vời trong khi đang làm gì đó hoàn toàn chẳng liên quan, và sau đó mất cả đời bạn cũng không thể nhớ được nó là gì.

Đừng để những giây phút xuất thần đó trôi đi mất! Hãy cầm theo một quyển sổ tay ở mọi nơi (hoặc sử dụng notepad của điện thoại), ví dụ như khi đang chạy bộ, trong buồng tắm (đúng vậy, người ta làm ra sổ tay chống thấm là vì vậy đó), và ngay cả khi đang lái xe (chỉ cần ghi âm nhanh lại thôi – đừng viết gì hết và lái xe đi nha!)

Lý do chúng ta thường có xu hướng nảy ra ý tưởng hay nhất tại những thời điểm bất tiện nhất là do những điều đã giải thích ở mục đầu tiên. Khi bộ não ở trạng thái nghỉ ngơi của luồng suy nghĩ, ý tưởng sáng tạo sẽ xuất hiện bất ngờ và không bị lẫn giữa hàng tá tư duy khác.
[quote]03. Tìm đến thiên nhiên để được truyền cảm hứng[/quote]

RGB_creativetips_03

Đây là một ý tưởng cực kỳ hữu ích cho cả những người nghĩ rằng mình sáng tạo và không sáng tạo. Khi cố gắng cho ra một sáng kiến mới, hãy nhìn vào những hình mẫu và cách thức mà mẹ thiên nhiên đã sử dụng.

Như Janine Benyus, co-founder của Biomimicry Institute giải thích:

 “… tự nhiên đã giải quyết được rất nhiều vấn đề mà chúng ta đang phải vật lộn. Động vật, cây cối, và vi khuẩn là những kỹ sư xuất sắc. Sau hàng tỷ năm nghiên cứu và phát triển, những gì thất bại chính là các hóa thạch, và những gì đang tồn tại quanh ta cũng chính là bí quyết để tồn tại.”

Con người có xu hướng phức tạp hóa mọi chuyện. Bằng việc quay lại với các nguyên tắc phối màu có sẵn trong tự nhiên (hoa văn camo) hoặc thiết kế lấy cảm hứng từ những cấu trúc đã được thử thách qua quá trình tiến hóa (tổ ong), chúng ta đã có thể hình dung ra nguồn cảm hứng và lóe lên những ý tưởng sáng tạo mới nếu chịu khó để ý và tìm tòi. (– Bài viết do RGB.vn thực hiện. Vui lòng liên hệ tác giả và rgb.vn khi đăng tải lại bản dịch này)
[quote]04. Tìm kiếm những trải nghiệm mới[/quote]

RGB_creativetips_04

Một ý kiến được nhiều người tán đồng cho rằng ý tưởng mới đến từ việc khám phá các mối quan hệ của lượng kiến thức hiện có. Chúng ta thu nhặt kiến thức, ngay cả khi nhận thức được điều đó hay không, bằng việc mở ra những trải nghiệm mới. Điều này có thể được học từ các phương pháp cơ bản khác nhau, từ tham gia một lớp học hay đọc sách nhiều hơn, đến du lịch và học hỏi về những nền văn hóa khác, điều này buộc chúng ta phải cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề và giao tiếp.

Có thêm những trải nghiệm và học hỏi điều mới giúp ta biết thêm nhiều nguồn kiến thức và góc nhìn khác. Có nhiều hơn những trải nghiệm để tìm tòi, cũng như nhiều khía cạnh khác nhau của một quan điểm là một chất liệu tốt cho việc tạo nên mối liên kết mới giữa các yếu tố riêng biệt.

Và bằng những “trải nghiệm mới”, không có nghĩa rằng nó sẽ hoàn toàn thay đổi cuộc đời bạn. Điều đó chỉ đơn giản như việc bạn có thêm một cách làm việc mới, thử một hướng đi mới hoặc tìm đến một quán coffee mới để làm việc. Những thay đổi nhỏ bé này trong cuộc sống hằng ngày có thể đủ để giúp bạn hình dung ra những sự kết nối mà bạn chưa bao giờ thấy.

[quote]05. Thiền[/quote]

RGB_creativetips_05

Lợi ích của việc thiền đã được ghi chép lại rất nhiều, và không chỉ dành cho các phật tử. Càng ngày càng có nhiều người kết hợp thiền vào trong cuộc sống hàng ngày của họ như một bài tập để tập trung và thư giãn nhờ vào các lợi ích của nó, và cải thiện sự sáng tạo cũng nằm trong số đó.

Trong một bài nghiên cứu năm 2013, các nhà nghiên cứu đã đào sâu vào 2 loại thiền chính – thiền tập trung (focused attention meditation – FA), nơi mà các cá nhân tập trung vào một suy nghĩ và chủ động quên đi những sự xao lãng cùng cảm giác của bản thân, cùng với thiền hướng mở rộng (open-monitoring meditation – OM), nơi mà mỗi cá nhân đều tự do quan sát và nhận thức những suy nghĩ hoặc cảm giác của mình một cách linh hoạt.

Mục đích là để tìm ra những tác động của các phong cách thiền khác nhau lên hai loại hình chính của tư duy sáng tạo – tư duy hội tụ (convergent thinking) và tư duy phân kì (divergent thinking). Với tư duy hội tụ, chúng ta cố gắng đưa ra những giải pháp sáng tạo cho một vấn đề cụ thể. Còn với tư duy phân kì, ta nhắm đến việc tạo ra nhiều ý tưởng khả thi trong một tình huống khi hiểu rằng vấn đề đó không chỉ có duy nhất một giải pháp.

Sau cùng, những gì các nhà nghiên cứu tìm ra là, trong khi thiền FA không chỉ hỗ trợ riêng tư duy hội tụ như giả thuyết, thì thiền OM cũng tác động cải thiện tư duy phân kì (nghĩ ra ý tưởng) và chắc chắn có thể giúp bạn tăng sự sáng tạo. Vậy nên, dĩ nhiên rằng việc kết hợp thiền vào thói quen hàng ngày của bạn là rất đáng giá.

[quote]06. Lợi dụng các giới hạn để khơi nguồn sáng tạo[/quote]

RGB_creativetips_06

Điều này có vẻ hơn phản trực giác một tí, nhưng nó đáng để thử. Trong một bài nghiên cứu xuất bản trong cuốn Journal of Organizational Behavior, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng bạn sáng tạo tốt khi ở dưới điều kiện khắc nghiệt, và hơn thế nữa khi sự hạn chế này không bị áp đặt từ bên ngoài.

Có nghĩa là, nếu bạn tự đưa ra cho bản thân những hạn chế nhất định, bạn có thể thật sự thúc đẩy giới hạn sáng tạo của mình. Khi có quá nhiều lựa chọn và hướng đi, chúng ta thường lại không biết làm gì. Việc lợi dụng những giới hạn sẽ đưa ra cho bạn một vài chất liệu mới và có thể thúc đẩy bạn vào guồng quay sáng tạo.

Những giới hạn này có thể bao gồm những điều như hạn chế thời gian, deadline ngắn, hay làm từng việc một; nghĩa là, chỉ làm một việc duy nhất trong một khoảng thời gian và cố gắng chống lại việc làm nhiều thứ cùng một lúc. Bạn thậm chí có thể nâng cấp từng bước một, như ép bản thân tạo ra một vài ý tưởng nhất định thật chất lượng, hoặc viết ra điều gì đó trong một giới hạn chữ cụ thể.

[quote]07. Cải thiện Brainstorm[/quote]

RGB_creativetips_07

Tôi chưa bao giờ thích những buổi brainstorming truyền thống, và tôi nghĩ cuối cùng tôi đã hiểu tại sao. Phần lớn mọi người đều im lặng, và những kẻ táo bạo sẽ nhanh chóng hô to ý tưởng của mình. Và kể từ lúc đó, chúng là những ý tưởng duy nhất được nghe thấy, và cũng là những ý tưởng sẽ được thực hiện. Điều tệ là những ý tưởng hiển nhiên nhất lại luôn là ý tưởng đầu tiên được bật lên, và đó thường không phải là ý tưởng sáng tạo. Điều này dẫn đến việc “groupthink” và mọi người lại bắt đầu bám theo cái ý tưởng duy nhất đó, vậy nên không may là ý tưởng càng sáng tạo, cần nhiều tư duy để được nói ra thì lại không bao giờ được nghe thấy.

Một giải pháp kỳ diệu cho vấn đề này chính là “brainwriting” một thuật ngữ được tạo ra bởi giáo sư Paul Paulus của UT Arlington. Đây là một sáng kiến cho rằng ý tưởng nên được tạo ra trước khi bắt đầu thảo luận nhóm.

Trong bài nghiên cứu ông chỉ ra rằng, một nhóm tham gia viết ý tưởng của họ lên một mảnh giấy bằng viết màu và dán chúng xung quanh bằng kẹp giấy, mỗi người trong nhóm lần lượt viết thêm các ý tưởng vào đó. Việc này tiếp diễn trong 15 phút. Trong khi đó, một nhóm khác sẽ thực hiện việc ghi lại ý tưởng 1 cách đơn lẻ từng người.

Paulus tìm ra rằng những ý tưởng chất lượng nhất được cho ra bởi nhóm  thực hiện “viết nhóm” – groupwriting, và thậm chí hiệu quả hơn nếu các thành viên được hướng dẫn để cố gắng và ghi nhớ tất cả những ý kiến đã được viết ra.

Brainwriting chắc chắn là một công cụ hiệu quả và có thể chính là điều mà team của bạn đang cần để tính sáng tạo được tuôn trào.

[quote]08. Tập trung rèn luyện sáng tạo một cách có chủ ý[/quote]

RGB_creativetips_08

Trái với suy nghĩ thường thấy, sáng tạo có thể dạy và học được. Tuy nhiên, để học thứ gì đó, chính bạn phải xem thứ đó là một kỹ năng và tin rằng có thể học được. Điều này có thể thay đổi suy nghĩ cố hữu của chúng ta về sự sáng tạo, rằng sáng tạo là một năng khiếu chúng ta thừa hưởng từ lúc sinh ra, hoặc có hoặc không, không thể thay đổi. Giờ thì chúng ta có thể tin rằng, sáng tạo cũng như thể thao thôi, học được và cần rèn luyện.

Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã thử xem liệu có thể bồi dưỡng kỹ năng sáng tạo cho các sinh viên kĩ thuật không. Họ làm 1 bài kiểm tra sức sáng tạo trên 64 sinh viên sau khi cho họ tham gia 3 bài giảng về sáng tạo. Kết quả bài kiểm tra là có 37 sinh viên tiếp nhận các kiến thức được giảng, trong khi 21 sinh viên khác thì không.

Sau 6 tuần, họ kiểm tra lại lần nữa thì phát hiện ra nhóm sinh viên biết tiếp nhận kiến thức về sáng tạo thật sự có tư duy đổi mới hơn nhóm còn lại. Các thiết bị được chế tạo bởi họ hiện đại, thanh lịch, và dĩ nhiên, sáng tạo hơn nhóm kia.

Việc học một thứ mà trước giờ bạn luôn tin rằng do di truyền quyết định cũng hơi thách thức đúng không? Nhưng không sao, giờ có thể tin và bắt đầu luyện não được rồi nhỉ.

[quote]09. Không ngừng thắc mắc[/quote]

RGB_creativetips_09

Bản chất việc nảy ra một ý tưởng mới thật ra là chúng ta vừa tự trả lời một câu hỏi của chính mình. Vấn đề là, khi chúng ta cứ đặt ra những câu hỏi như nhau, thì chúng ta cũng chỉ có những câu trả lời loanh quanh như vậy.

Cho nên, những câu hỏi mới sẽ tạo điều kiện cho não bộ sản sinh ra những câu trả lời mới và dẫn chúng ta đến những ý tưởng sáng tạo mới. Einstein từng nói: “Nếu tôi có 1 giờ để để giải quyết 1 vấn đề mang tính vận mệnh với đời tôi, tôi sẽ dành 55 phút để xác định câu hỏi thật sự đằng sau vấn đề đó, và dành không quá 5 phút còn lại để giải quyết.”

Nhìn nhận mọi việc đa chiều hơn sẽ khiến cho bạn biết cách đặt những câu hỏi mới hơn và đúng trọng tâm hơn. Đừng hỏi bản thân những câu hỏi mơ hồ, hãy hỏi càng chi tiết càng tốt. Ví dụ, khi một người đứng trước một tấm canvas trơn và hỏi “Vẽ gì giờ?” thì thay vào đó, anh ta có thể tự vấn “Tôi phải làm thế nào để hình ảnh hóa một sự lo lắng chen lẫn phấn khích khi bắt đầu một chương mới cuộc đời?”. Thách thức chứ, buộc phải động não đúng không?

Hãy luôn rèn luyện cách đặt vấn đề với chính mình để ngày càng sáng tạo năng suất hơn.
[quote]10. Thoát li thực tại[/quote]
RGB_creativetips_10

Nghe hơi điên điên khi bảo chúng ta phải thoát li thực tại để sáng tạo hơn, vì suy cho cùng, những rào cản mà chúng ta phải giải quyết luôn là những thứ rất thực, rất đời thường. Nhưng mà này, khi chúng ta lùi vài bước, tách tư duy của mình xa các vấn đề cần giải quyết ra thì thật sự sẽ khiến chúng ta sáng tạo hơn. Điều này đã được 2 nhà khoa học Mỹ Oren Shapira và Nira Liberman minh chứng.

Có nhiều cách để “thoát li” về mặt tư duy khỏi vấn đề mình đang đối mặt. Ví dụ như hình dung nó ở góc nhìn của một ai đó khác, hoặc coi chúng như việc không có thực. Bằng cách này, chúng ta đặt suy nghĩ của mình sang những tư duy đa chiều hơn, tạo ra những liên tưởng khác hơn khi chỉ khăng khăng tập trung vào thực tế.

Tưởng tượng cách chính mình vài năm sau giải quyết vấn đề hiện tại ra sao, hoặc tưởng tượng vấn đề này ở đâu đó xa chúng ta, cũng như các cách thoát li tư duy khác đã được chứng minh rằng có thể tăng cường sức sáng tạo.

OK, giờ thì sẵn sàng sáng tạo chưa?

Dù bạn là một cô nàng đang bối rối với tiềm năng sáng tạo của chính mình hay một anh chàng đã mất đi cảm hứng sáng tạo sau nhiều năm chinh chiến vùi dập trong ngành, những phương pháp này hoàn toàn có thể giúp bạn tái khởi động động cơ và nhập cuộc lần nữa với sân bóng sáng tạo.

Hãy phá vỡ bức tường cũ kỹ, biến những suy tư viễn vong thành lễ nghi mỗi sớm mai của một con chiên sáng tạo ngoan đạo. Không ngừng thắc mắc những câu hỏi mới và kiên trì với việc rèn luyện sự sáng tạo. Brainstorming kiểu mới và thách thức bản thân với những nguyên tắc nghiêm khắc đê bùng nổ năng lượng sáng tạo.

Bằng việc kết hợp các phương pháp trên, RGB tin rằng bạn sẽ bị nhấn chìm trong những cơn sóng ý tưởng ào ạt kéo đến! 

Nguồn: designschool.canva.com | Việt hóa: Chi & Liu May | Vẽ minh họa: Liu May | Ban biên tập RGB.vn
Xin ý kiến tác giả khi đăng tải lại bài viết | ideas@rgb.vn.