Nghề làm kỹ xảo điện ảnh [Phần 1]

RGB xin giới thiệu đến các bạn chuyên đề về “Nghề làm kỹ xảo”. Những bài viết trong đây được chúng tôi tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, hy vọng giúp các bạn hình dung được một phần nào đó về kỹ xảo trong điện ảnh cũng như các khái niệm liên quan.

Nhiều bộ phim nổi tiếng, thu hút khán giả ngoài nội dung hay, còn phải nhờ đến kỹ xảo điện ảnh, như: Titanic, Công viên khủng long, Trân Châu Cảng, Xác ướp Ai Cập, Người Hùng…Vậy kỹ xảo điện ảnh được sử dụng ra sao?


Sử dụng phương pháp mô hình

Một phương pháp đơn giản nhất mà các nước có nền điện ảnh phát triển đã sử dụng từ trước đến nay. Nếu cần một cảnh một tòa nhà cao tầng bốc cháy, người ta sẽ tạo một mô hình giống y như tòa nhà thật, rồi sử dụng góc độ camera, ánh sáng để quay cảnh mô hình bị bốc cháy.

Ngày nay kỹ thuật máy tính ngày càng phát triển, việc tạo hiệu quả phim bằng mô hình cũng hiện đại hơn, thật hơn. Nhưng yêu cầu bắt buộc, người làm công việc này phải giỏi về kỹ thuật máy tính và chương trình đồ họa 3D.

 

Kết hợp cảnh quay thật, kỹ xảo máy tính và mô hình

Cách dùng kỹ xảo máy tính để tạo cảnh quay người bay lượn trên không trung, chia làm hai công đoạn quay: quay người trước một phông xanh và quay phong cảnh đã chọn. Yêu cầu người quay phim phải nắm được ý đồ của đạo diễn để có khuôn hình giữa người và cảnh khi lồng ghép sẽ hợp lý. Người phụ trách phần kỹ thuật của kỹ xảo sẽ có những cách thứuc riêng để lồng ghép cảnh vào nhau.
Ngoài ra, phim viễn tưởng người ta còn tạo hình bằng phần mềm đồ họa 3D. Nhân vật được tạo ra theo một kích thước nhất định, sau đó được điều khiển bằng một hệ thống điện tử như kiểu người máy.

Ở Hollywood, sản xuất một bộ phim viễn tưởng phải mất hàng năm, với sự tham gia của hàng trăm người. Phim có hay, hấp dẫn hay không phụ thuộc hoàn toàn vào óc tưởng tượng phong phú của đạo diễn và tài năng của người làm kỹ xảo.


Việt Nam với kỹ xảo điện ảnh

Dù kỹ xảo điện ảnh Việt Nam đang ở mức “chưa có gì”, nhưng một vài bộ phim ở ta đã có chút hơi hướng kỹ xảo, như: Tình yêu bên bờ vực thẳm, Hôn nhân không giá thú, Ngã ba Đồng Lộc… và gần đây là bộ phim Trò đùa của Thiên Lôi(Hãng phim truyện Việt Nam), một bộ phim “thực hành” nhiều kỹ xảo 3D.

Tuy nhiên, thực trạng cho thấy, vấn đề sử dụng kỹ xảo trong phim Việt Nam rất hạn chế, vì hai lý do là công việc không đơn giản và rất tốn kém. Do vậy đã dẫn đến một loạt phim có những chi tiết “ly kỳ” thì không tài nào chuyển tải được, phim trở nên nhàm chán và cứng nhắc.

Một ngành điện ảnh đã có thì không thể không có bộ phận kỹ xảo điện ảnh. Nếu dùng kỹ xảo đúng liều lượng, phim Việt Nam chắc chắn hấp dẫn khán giả hơn.

(Theo Thế Giới Phụ Nữ)

 

Kỹ xảo trong phim VN: Có thị trường mới nuôi được hứng thú sáng tạo

Sự vụng về đến mức ngây ngô của kỹ xảo trong phim VN đầu những năm 1990 được số đông khán giả chấp nhận vì… “thương các anh quá nghèo”.

Lần đầu tiên khán giả VN được xem kỹ xảo “cây nhà lá vườn” là trong hai bộ phim cổ tích VN: Học trò thủy thần và Sự tích dã tràng.

Và sau gần 20 năm, kỹ xảo trong phim ta vẫn không có gì tiến bộ, các đạo diễn rất ngại dùng kỹ xảo vì tốn kém mà hầu như không mang lại hiệu quả gì. Hai bộ phim gần nhất có sử dụng kỹ xảo (Ký ức Điện Biên và Hà Nội – 12 ngày đêm) đều làm ở nước ngoài.

Nhưng có một đạo diễn trẻ vẫn rất kiên trì “chơi” kỹ xảo trong các phim truyền hình dài tập và các video clip của mình, đó là Đỗ Đức Thành – người lập danh với tư cách quay phim trong 12A và 4H,Người Hà Nội; sau đó tiếp tục gặt hái thành công trong nghề đạo diễn với các phim truyền hình nhiều tập Con nhện xanh, Những ngọn nến trong đêm, Những giấc mơ dài…

* Nhiều người kêu ca là anh hơi lạm dụng kỹ xảo trong chín tập phim Những giấc mơ dài. Có nhất thiết phải dùng nhiều đến thế?

– Đạo diễn Đỗ Đức Thành: Tôi cố tình dùng nhiều như thế. Toàn bộ chín tập phim có 16 phút kỹ xảo. Tôi cố tình “chơi” kỹ xảo để nhắc mọi người nhớ là phim VN vẫn có thể và nhiều lúc nên dùng kỹ xảo (tất nhiên hiệu quả đến đâu lại là chuyện khác!).

Tôi cũng biết các đạo diễn hiện còn rất ngại dùng kỹ xảo trong phim vì trước hết là nó tốn kém. Nhưng không thể né tránh nó mãi. Rồi cũng đến lúc ta phải làm phim cổ tích tử tế cho trẻ em hoặc là phim lịch sử hoành tráng không thể không dùng kỹ xảo. Cứ né tránh mãi thì sợ đến lúc ấy không hình dung ra được phải làm như thế nào chứ chưa nói đến làm thành công.

* Vậy cái sự “cố tình” của anh phải trả giá bao nhiêu – trong khi kinh phí làm phim là cố định?

– Tôi được sự động viên (bằng tinh thần) của ban giám đốc Hãng Phim truyền hình VN (VFC), cho phép tự do thể nghiệm. Và quan trọng là được sự giúp đỡ cũng hơi điên của những người bạn ở Công ty IDS Media. 16 phút kỹ xảo với giá tối thiểu khoảng 200 triệu đồng đã được IDS tặng không (có kèm một chầu bia tươi).

* Nhưng tương lai của công nghệ làm kỹ xảo chuyên nghiệp không thể trông cậy vào sự giúp đỡ, nó phải là quan hệ kinh tế, có hợp đồng đàng hoàng thì mới mong có chất lượng tương xứng?

– Vâng, tôi cũng biết thế, nhưng đến điện ảnh của chúng ta cũng còn đang nghiệp dư thì làm sao mà kỹ xảo – một phần của điện ảnh – lại có thể chuyên nghiệp ngay được.

Ở VN, chẳng có công ty nào chuyên làm kỹ xảo cho điện ảnh mà lại sống được trong thời điểm này, họ phải làm kỹ xảo cho phim quảng cáo là chính. Rồi lấy tiền đó mà nuôi những ý tưởng điên rồ đại loại như của tôi chứ.

Họ giúp tôi cũng là một cách tự quảng cáo cho mình, vì tôi – cũng như rất nhiều đạo diễn khác – là loại “khách hàng tiềm năng”, chúng tôi cũng làm phim quảng cáo và khi đó sẽ nhớ ngay đến họ để thuê làm hậu kỳ.

* Sắp tới anh sẽ còn sử dụng kỹ xảo trong tác phẩm nào của mình?

– Của tôi thì chưa vì tôi chưa có kịch bản ưng ý, nhưng tôi đã “xúi bẩy” được anh Phi Tiến Sơn làm kỹ xảo cho phim Cầu Ông Tượng ở trong nước. Tôi đã thấy các chuyên viên kỹ xảo VN ngồi làm 3D cảnh hàng trăm con voi đứng làm trụ cầu cho xe tải và bộ đội qua sông, hàng chục máy bay trực thăng HU1A lượn như chuồn chuồn. Cũng ấn tượng lắm! Mà không làm kỹ xảo không được.

Làm sao mà dựng được cảnh thật, dù có hàng triệu USD đi nữa. Thật vô lý khi làm kỹ xảo ở VN chỉ khoảng 10.000 USD/phút mà lại cứ thích đi làm ở nước ngoài – vừa không chủ động được thời gian, vừa bất đồng ngôn ngữ (đa số đạo diễn không biết tiếng Anh), lại tốn kém (ít nhất 50.000 USD/phút).

Nhưng tôi cũng mới chỉ rủ rê được một mình Phi Tiến Sơn – may mà ông này cũng mê máy móc và các trò mới lạ giống tôi.

 

 

 

(Theo Tuổi Trẻ)


Cần kỹ xảo tiến bộ cho phim Việt Nam

Đã nhiều năm qua, kỹ xảo trong phim của ta chưa có gì tiến bộ. Các đạo diễn đều ngại dùng kỹ xảo, bởi tốn kém mà kỹ xảo thực hiện trong nước chưa có hiệu quả cao. Các bộ phim có dùng kỹ xảo gần đây như: Hà Nội 12 ngày đêm, Ký ức Điện Biên đều làm ở nước ngoài.

Còn kỹ xảo của những phim cổ tích trong nước rất thô sơ, bởi đưa ra nước ngoài làm kỹ xảo chi phí rất cao. Tuy vậy, hiện nay vẫn có người cố gắng làm phim trong nước với kỹ xảo tiến bộ như đạo diễn Đỗ Đức Thành, người đã thực hiện các bộ phim truyền hình nhiều tập: Những ngọn nến trong đêm, Con nhện xanh, Những giấc mơ dài. Trong phim Những giấc mơ dài, đạo diễn Đỗ Đức Thành đã thực hiện 16 phút kỹ xảo đạt hiệu quả cao. Anh bày tỏ rằng mình tích cực làm kỹ xảo như vậy để nhắc các nhà làm phim là vẫn có thể thực hiện được những kỹ xảo tốt đẹp cho phim trong nước, mà chi phí ít hơn đưa đi làm kỹ xảo ở nước ngoài.

Thực tế các đạo diễn vì ngại tốn kém nên không muốn làm kỹ xảo. Tuy nhiên, làm phim thì không thể tránh kỹ xảo mãi được, khi kỹ xảo của điện ảnh thế giới đã tiến bộ tuyệt vời. Đã đến lúc những bộ phim cổ tích của chúng ta và cả phim lịch sử hoành tráng cần đến kỹ xảo. Nếu cứ tránh né mãi, thì đến lúc cần chưa có thể hình dung nổi phải làm kỹ xảo thế nào cho hay, nói gì đến việc thể hiện. Vì phim trong nước chưa chú trọng đến kỹ xảo, nên chưa một công ty nào có thể sống nổi với việc gia công kỹ xảo. Còn về khả năng thì đạo diễn Đỗ Đức Thành với sự giúp đỡ của các người bạn ở Công ty IDS Media đã làm được 16 phút kỹ xảo rất hay cho bộ phim “Những giấc mơ dài”. Công ty IDS Media đã tặng cho bộ phim này 16 phút kỹ xảo, với trị giá khoảng 200 triệu đồng VN để giới thiệu khả năng làm kỹ xảo cho phim trong nước. Những người làm kỹ xảo tiến bộ trong nước hiện nay chủ yếu là thực hiện kỹ xảo cho phim quảng cáo. Song họ có thể sẵn sàng đảm nhiệm những kỹ xảo chất lượng cao cho phim truyện VN.

Đạo diễn Đỗ Đức Thành cho biết đã có người đồng tình với anh là đạo diễn Phi Tiến Sơn. Thực hiện bộ phim “Cầu Ông Tượng” đạo diễn Phi Tiến Sơn đã mời nhóm chuyên viên kỹ xảo tiến bộ trong nước làm những kỹ xảo chất lượng cao. Khán giả xem phim “Cầu Ông Tượng” sẽ được thấy cảnh hàng trăm con voi đứng làm trụ cầu cho xe tải và bộ đội qua sông, cả đàn máy bay trực thăng HU 1A… bay lượn như chuồn chuồn rất ấn tượng. Những cảnh như thế chỉ có cách dùng kỹ xảo, bởi dù có cả triệu USD cũng không dựng được cảnh thật. Đấy, kỹ xảo trong nước bây giờ đã tiến bộ như thế…

Rất vô lý và lãng phí khi làm kỹ xảo trong nước chỉ tốn gần 10.000 USD/1 phút, mà lại phải đưa ra nước ngoài thực hiện, vừa mất nhiều thời gian, vừa tốn tiền nhiều hơn (với ít nhất 50.000 USD/1 phút).

Điện ảnh trong nước ngày càng phát triển, phim VN cũng được đưa ra nước ngoài ngày càng nhiều hơn, rất cần kỹ thuật hiện đại và những kỹ xảo hấp dẫn. Vì vậy, các đạo diễn và các nhà sản xuất phim trong nước cần quan tâm đến khâu kỹ xảo cho phim VN, chứng tỏ nền điện ảnh tiến bộ và phim VN có sức thu hút số đông khán giả trong và ngoài nước. Sự thuận lợi cho vấn đề này là đã có các chuyên viên trong nước thực hiện được kỹ xảo chất lượng cao, đang sẵn sàng cộng tác với những hãng phim VN.

 

 

 

(Theo Báo Bình Dương)

 

Kỹ xảo trong phim Việt Nam

Kỹ xảo ư? Tốn kém lắm! Đó là câu cửa miệng và cũng là suy nghĩ của không ít đạo diễn. Đành là tốn kém nhưng sao người ta không nghĩ tới hiệu quả hình ảnh và âm thanh mà kỹ xảo mang lại cho bộ phim của mình?


Kỹ xảo: Anh ở đâu?

Rất tiếc, với nhiều người, việc thay đổi cách làm phim cũ là quá khó trong khi việc dùng kỹ xảo trong tương lai là điều không thể tránh khỏi. Không phải đợi đến bộ phim truyền hình nhiều tập Những giấc mơ dài của đạo diễn Đỗ Đức Thành người ta mới biết thế nào là kỹ xảo trong phim VN nhưng bộ phim này lại cho khán giả VN cái nhìn trực diện về kỹ xảo.

ĐD Đỗ Đức Thành đã tiếp cận, học hỏi và quyết định đưa kỹ xảo vào phim. Nhưng mọi sự thử nghiệm ban đầu đâu có dễ dàng như vậy: “Trong Những giấc mơ dài có nhiều đoạn nhà văn Nguyễn Thị Kim Huệ viết rất khó. Tôi có cảm giác như đánh đố đạo diễn vậy. Đó là cảnh nhân vật Phan đấu tranh nội tâm với những hình ảnh rất khác nhau của mình. Tôi đã dựng một cảnh Phan đánh nhau với chính bản thân anh ta trong trường quay và nhờ kỹ xảo can thiệp. Nó phần nào thể hiện được điều mà kịch bản muốn nói. Có nhiều đoạn trong Những giấc mơ dài cần phải làm đẹp, đẹp như mộng và điều đó cần được làm bằng kỹ xảo”.

IDS Media là một trong những nơi đầu tiên ứng dụng đưa kỹ xảo vào phim, kết hợp với các hãng phim truyền hình và phim nhựa làm kỹ xảo được 2 năm nay và được các đạo diễn tin tưởng giao phó đứa con tinh thần của mình. Sau màn ra mắt ấn tượng của IDS Media với Trò đùa của Thiên Lôi, bộ phim giả tưởng của ĐD Nguyễn Quang.

Cho dù chưa thực sự hài lòng với phần kỹ xảo thể hiện trong phim vì chưa được thoả sức sáng tạo nhưng dù sao cũng đã gạt phăng những lực cản vô hình mà kẻ khai phá mảnh đất kỹ xảo trong phim VN gặp phải. ĐD Đỗ Đức Thành ví mảnh đất làm kỹ xảo VN như một vạt rừng chưa có ai khai phá và anh tự nhận mình là người mở đường. “Trong quá trình mở đường đó, có thể ta chưa đi đúng đường, có thể ta đi rất chậm và có lúc chưa tìm được đường đúng nhưng nếu không đi thì không bao giờ đến. Nếu ta sợ sai, không rút kinh nghiệm cho bản thân thì không thể làm phim kỹ xảo. Tôi không sợ mình sai, chỉ sợ mình không tìm được chỗ sai thôi”.

Những lực cản không dễ vượt qua

Trong cuộc hành trình chồng chất thách thức để gây dựng một nền kỹ xảo VN, những kẻ dám chấp nhận và thích sáng tạo đã có lúc nản chí vì đã vác trên vai một gánh nặng mà không thể bỏ giữa chừng. Ngoài việc chứng minh cho thiên hạ biết khả năng làm kỹ xảo của mình, họ còn muốn nhiều hơn thế, “chứng minh rằng VN hoàn toàn có thể làm được kỹ xảo”.

Thế nhưng, tìm được những chuyên gia có thể làm được kỹ xảo với vốn kiến thức và kinh nghiệm kha khá trong tay đâu có dễ, nhất là khi tại VN chưa có bất cứ trường lớp đào tạo chính quy nào về kỹ xảo. Trong khi đó muốn làm kỹ xảo cho phim khó hơn kỹ xảo 3D ứng dụng cho những lĩnh vực khác rất nhiều. Điều đó đòi hỏi những người làm kỹ xảo phải từ học hỏi và tái đào tạo. Anh Nguyễn Hồng Quân, GĐ IDS Media cho biết để làm kỹ xảo ra hồn, ngoài việc đầu tư cho máy móc với những RAM lên đến hàng chục GB với số tiền lớn, người ta còn phải chịu khó đầu tư cho con người và phần mềm, không mua được thì xin phần mềm thử nghiệm từ chính hãng do chi phí quá lớn.

Tuấn Linh, nhà phát triển trong cộng đồng 3DVN cho rằng do những giới hạn về phần cứng, phần mềm, con người nên ứng dụng của kỹ xảo trong điện ảnh ít người dám làm. “Ở VN kỹ xảo chưa có đất để phát triển. Cái chúng ta thiếu là chưa được đầu tư lớn vì nghĩ đến kỹ xảo người ta nghĩ đến những dàn máy khủng khiếp và những con người có kỹ năng tốt”.

Khó khăn là vậy nhưng Giám đốc IDS Media vẫn nuôi hy vọng vào triển vọng công việc của mình: “Việc chúng tôi đầu tư vào lĩnh vực kỹ xảo có hai lý do. Thứ nhất, dù là IDS Media hay bất cứ công ty nào có khả năng làm dược kỹ xảo thì đây là cơ hội rất lớn vì các nhà làm phim VN cũng đã bắt đầu để ý đến lĩnh vực này. Thứ hai, có rất nhiều mảng có thể ứng dụng được kỹ xảo trong đó có kinh dị, sử thi… Đó là tiềm năng, cơ hội lớn. Tuy nhiên sẽ cần phải 3-5 năm nữa vì đây là ứng dụng công nghệ cao và cần đầu tư rất nhiều. Mảng kỹ xảo, truyền hình, kiến trúc đều cần sự hỗ trợ của kỹ xảo… Cuối cùng, lý do đơn giản tôi muốn chứng minh là VN cũng có thể làm được kỹ xảo”.

ĐD Đỗ Đức Thành chia sẻ: “Tôi hy vọng VN sẽ sớm có một đội ngũ làm kỹ xảo chuyên nghiệp cho phim truyền hình và hy vọng việc làm kỹ xảo được coi như một phần không thể thiếu được của điện ảnh cũng như truyền hình. Người ta cảm thấy chán nản khi phải nhìn thấy mớ hình ảnh như đã thấy cách đây vài chục năm. Tôi hy vọng việc làm kỹ xảo được nhìn nhận một cách công minh hơn, được sự khuyến khích của những người đầu tư vì kinh phí chưa biết lấy ở đâu ra và cũng chưa có tiền lệ đầu tư làm kỹ xảo cho phim, trừ phim đặt hàng”.

 

(Theo VietNamNet)