Những khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử ngành thiết kế [phần 2]

eBoy xuất hiện

Những chương trình đồ họa máy tính đầu tiên chỉ có thể tạo ra các hình ảnh đơn giản bằng nhiều điểm ảnh (pixel) khác nhau hợp lại, và từ đó công nghệ này không ngừng được cải tiến về mặt kỹ thuật để ngày một hoàn thiện hơn, nâng cao hơn tính chân thực cho các sản phẩm. Steffen Sauerteig, Svend Smital và Kai Vermeer là những nhà sáng lập ra eBoy vào năm 1997, họ lựa chọn phát triển lĩnh vực mỹ học kỹ thuật số còn non trẻ và biến chúng thành một phong cách vẽ minh họa cực kỳ phổ biến, mang phong cách  đặc trưng của riêng mình.

Universal Everything và Nokia

Đó là một tác phẩm về sự độc đáo, tính tương tác và khả năng thực hiện mọi việc dễ dàng hơn, tuy rằng cũng có hơi khó tin đôi chút, cụ thể các nhà thiết kế Universal Everything đã sử dụng hình ảnh hàng nghìn quả bóng màu và bóng đen trắng xoay tròn, khẽ chạm nhau để sáng tạo nên một thước film nghệ thuật thể hiện câu chuyện cảm động, đầy sức cuốn hút nhằm quảng cáo cho Nokia e71.

Set the Twilight Reeling

Loạt tác phẩm mang đầy tính bản năng của Stefan Sagmeister đã xây dựng nên danh tiếng của ông vào năm 1996. Với poster quảng cáo cho album Set the Twilight Reeling của Lou Reed, ông viết lên khắp mặt của nam ca sĩ này, còn poster thú vị dành cho Fresh Dialogue talk của AIGA thì ông khắc họa hình ảnh hai chiếc lưỡi chuyên gây phiền toái bị sưng phồng lên. Sau đó, vào năm 1999 ông đã đưa tác phẩm của mình lên đỉnh cao khi tự khắc chữ vào thân người trong một poster khác cho AIGA.


Sự phức tạp đầy tính nghệ thuật  trong tác phẩm của Si Scott

Thiết kế với đường xoắn tròn tuyệt đẹp dần chạy lướt ra khỏi ký tự đậm màu, toát lên cảm giác huyền ảo, tinh tế thật khác biệt với kiểu chữ truyền thống đã mở ra một không gian sáng tạo mới, khơi dậy một cách nhìn thật sự mới mẻ: phong cách trang trí chữ đặc biệt này của Si Scott khi vừa bắt đầu sự nghiệp vào năm 2006 đã thu hút mạnh mẽ sự chú ý của công chúng. Sau đó, Si Scott tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm minh họa, hình ảnh động kỳ lạ đến mức phi thường và giờ là những đột phá trong thiết kế ứng dụng kỹ thuật 3D. Hãy khám phá không gian này nhé!

Sunshine in a bag – Niềm hy vọng mới

Người ta cho rằng Gorillaz – ban nhạc ảo đầu tiên trên thế giới là ý tưởng kết hợp của Damon Albarn, thành viên ban nhạc Blur và nghệ sĩ vẽ tranh biếm họa Jamie Hewlett vào năm 1997. Sau đó Gorillaz có thêm sự góp mặt của giám đốc sản xuất phim hoạt hình Pete Candeland – người thực hiện tất cả các video cho nhóm. Đĩa EP đầu tiên “Tomorrow Comes Today” ra đời năm 2001 đã giới thiệu các nhân vật Murdoc, 2D, Noodle và Russel Hobbs.

Jon Burgerman và những thiết kế trang bìa độc đáo

Là một trong những nhà thiết kế được yêu thích nhất của chúng tôi, Jon Burgerman đã đảm nhận việc thiết kế khá nhiều trang bìa cho Comuter Arts trong các năm qua. Trang bìa của ấn phẩm 127 xuất bản tháng 9 năm 2006 là tác phẩm đầu tiên ông trình làng, thể hiện sự phối hợp tài tình giữa những đường xoắn uốn lượn nguệch ngoạc được bố trí khéo léo với nhiều sắc màu rực rỡ. Ông trở lại trong ấn phẩm số 151, không chỉ thiết kế trang bìa mà còn chia sẻ suy nghĩ của mình ẩn sau cách lựa chọn bố cục, sắp xếp trong tác phẩm mà ông tự triển lãm.

Tạm biệt Beige

Vào năm 1999, máy tính cá nhân đã đạt đến trình độ xử lý Photoshop hiệu quả hơn bao giờ hết, trong khi Mac vẫn bị xem là những “chiếc hộp” đắt tiền cho đến khi Apple tung ra thị trường sản phẩm Power Mac G3 với hộp máy (case) màu xanh dương sáng làm bằng thủy tinh hữu cơ. Ngay lập tức nó trở thành một công cụ chuyên nghiệp dành cho lĩnh vực thiết kế .

War Orphans

Công ty quảng cáo của Đức – Kolle Rebbe – đã giành được giải thưởng bút chì đen do D&AD tổ chức vào năm 2007 với tác phẩm minh họa cho chiến dịch hoành tráng nhằm quảng bá chương trình từ thiện của Misereor mang tên War Orphans. Đó là hình ảnh mộc mạc minh họa cảnh thương tâm của một gia đình có cha mẹ bị giết bởi bom đạn. Chiến dịch này nhằm phản đối những cuộc chiến tranh ở Somalia, Irag và Chechnya.

Chuck Anderson và ESPN

Được sáng tác dựa trên sự phối hợp yếu tố truyền thông vào kĩ năng tuyệt vời trong lĩnh vực công nghệ số,  tác phẩm minh họa cho phong trào thể thao của Mỹ đăng trên tạp chí ESPN của Chuck Anderson vào năm 2004 là bước khởi đầu tốt đẹp mà tác giả gặt hái được. Kể từ đó ông đã làm việc với nhiều công ty quảng cáo hàng đầu, nhiều nhãn hiệu tiêu dùng nổi tiếng thế giới và đặc biệt là với Computer Arts.

Latte, Double Shot

Vào năm 2011, Starbucks đã thiết kế lại logo của mình nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập công ty với một thay đổi táo bạo là bỏ hoàn toàn dòng chữ viền bên ngoài. Trong lần chỉnh sửa trước đây, biểu tượng nàng tiên cá từng gây nên những chỉ trích là quá khêu gợi cũng đã bị bỏ đi bộ ngực. Đáng tiếc thật!

Công ty của niềm hạnh phúc

Vào năm 2006, nhờ vào ý tưởng tuyệt vời của Wieden + Kennedy và kỹ năng đồ họa xuất sắc của Psyop, chúng ta có thể cảm nhận được bên trong mỗi chiếc máy bán Coca-Cola là một thế giới của nghệ thuật “steampunk” cổ điển xen lẫn hiện đại, một khu rừng nhiệt đới đầy sinh vật dễ thương. Khi cả hai đơn vị phối hợp làm việc cùng nhau, họ như đang sáng tạo ra từng chai từng chai Coca-Cola mát lạnh.

Unit Edition

Bộ đôi gồm nhà phê bình thiết kế nổi tiếng Adrian Shaughnessy và Tony Brook của Spin đã mang đến cho thế giới tác phẩm kinh điển Unit Editions vào năm 2009, được xuất bản thành một bộ sách và poster thú vị với phương châm “do nghệ sĩ thiết kế đồ họa, vì nghệ sĩ thiết kế đồ họa”. Mỗi một ấn phẩm mới được xem là một “unit”.

Onedotzero được thành lập

1996: Không một đơn vị nào có thể thực hiện tốt việc nuôi dưỡng, đào tạo những tài năng phim kỹ thuật số hơn onedotzero – công ty chuyên về nghệ thuật số có trụ sở tại London. Nhờ vào sự năng động của những nhà quản lý mới, công ty đã cho ra đời nhiều bộ phim ngắn đầy sáng tạo, tổ chức hàng loạt sự kiện với chủ đề khác nhau để quảng cáo, trưng bày các sản phẩm của mình khắp thế giới.

Video của Radiohead – một video đặc biệt không cần đến máy quay

Video House of Card của nhóm nhạc Radiohead phát hành năm 2008 do James Frost đạo diễn không hề sử dụng đến bất kỳ máy quay nào. Thay vào đó, ông sử dụng hệ thống thông tin hình học để chụp ảnh ban nhạc dựa vào công nghệ ảnh 3D và dùng những chùm tia laser dễ bốc hơi quét qua màn ảnh khi tạo hình cho video.

Saville đưa hình ảnh Manchester đến với thế giới

Khi Peter Saville trở thành giám đốc sáng tạo của Manchester vào năm 2004, trung tâm Urbis đã tổ chức một chương trình triển lãm các tác phẩm do ông sáng tác nhằm vinh danh tài năng và những đóng góp của ông. Peter Saville đảm trách công việc cùng với bộ phận marketing của Hội đồng thành phố Manchester xây dựng, thực hiện các chiến lược quảng bá hình ảnh của Manchester ra thế giới. Hơn nữa, ông cũng góp phần giúp làm sống lại nhiều phong trào sáng tạo nghệ thuật ở đây.

Paula Scher: người mẹ của Moma

Người ta nghĩ rằng cộng sự Paula Scher của Pentagram không hẳn là người khai sinh ra MoMA. Mặc dù trên thực tế cô ấy được ủy nhiệm sáng tác logo cho bảo tàng nghệ thuật đương đại nổi tiếng khắp thế giới có trụ sở đặt tại New York này vào năm 2004. Logo do Paula Scher sáng tác toát lên phong cách hiện đại cũng như những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày trong đó vậy.

Non-Format cộng tác cùng chúng tôi

Trang bìa của ấn phẩm mà chúng tôi xuất bản vào tháng bảy năm 2009 là do  Non-Format thiết kế. Trên nền bìa trắng, họ đã khắc họa nhiều hình khối đồ họa dạng die-cut khác nhau. Khi gấp bìa theo chiều ngược lại, chúng ta sẽ thấy được một mảng hình ảnh đầy màu màu sắc trải dài trên giấy tạo thành chữ “birth” theo đúng phong cách trừu tượng.

Barnbrook tạo ra Patriot

Năm 1997, Jonathan Barnbrook đã mở rộng hệ thống font chữ Exocet bằng cách tạo ra Patriot – một dạng font chữ không có vạch ngang mảnh ở đầu các nét chính của một ký tự hay còn gọi font chữ không chân (font sans serif). Hệ thống font chữ Exocet là do Émigré  sáng tạo vào năm 1991 và được sử dụng rất phổ biến trong lĩnh vực giải trí, chẳng hạn như trong phim Dogma và Demolition Man hay game Diablo trên máy tính, do những tựa đề này đều có chữ “D” viết hoa. Nó được xem là một trong những font chữ được bắt chước nhiều nhất lúc bấy giờ.

Cuộc chiến giữa những nhà sản xuất máy ảnh

Vào năm 2004, hai hãng Nikon và Canon đã thực hiện một chiến dịch chạy đua khốc liệt nhằm tranh giành thị phần đối với sản phẩm máy ảnh kỹ thuật số, điển hình là khi Nikon giới thiệu máy ảnh D70 thì Canon cũng tung ra dòng sản phẩm EOS 300D của mình. Đôi lúc, người ta chỉ quan tâm đến những chiếc máy ảnh kỹ thuật số với chất lượng tuyệt vời và mức giá phải chăng ở góc độ là công cụ giúp cho việc chụp ảnh ngày một dễ dàng, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, chúng thực sự đã góp phần mang nét sinh động, tươi mới của vạn vật từ mọi góc nhìn cuộc sống vào trong các bức ảnh được chụp khắp đó đây.

Hào quang của Vasava

Được thành lập vào năm 1997 tại Barcelona, Vasava thật sự thành công khi khiến cho hầu hết những nhà thiết kế phải thán phục khi chiêm ngưỡng tác phẩm của mình. Studio này được lựa chọn là một phần trong chiến dịch quảng cáo ra mắt Adobe CS4, và họ đã tạo nên hình ảnh minh họa trực tuyến mang tính siêu thực cho Adobe CS4 với những áng mây mờ, không gian vũ trụ bao la, huyền ảo cùng ánh sáng từ những vì sao lấp lánh. Tác phẩm này sau đó được đặt tên là “Melted Thoughts: An Allegory for Creative Mind”.

Attik tạo nên những tiếng vang

Noise 4 ra đời vào cuối năm 2001, khi phương Tây vẫn còn hoảng loạn sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 và ngành thiết kế phải gánh chịu cuộc khủng hoảng trầm trọng do sụt giảm nhu cầu sử dụng các dịch vụ liên quan đến internet cũng như công nghệ số. James Sommerville, người đồng thiết kế Noise 4 nhớ lại: “Chúng tôi vô cùng phấn khởi khi có trong tay những bản in của ấn phẩm này vào ngày 10 tháng 9 năm 2001, nhưng chỉ một ngày sau đó mọi việc đã hoàn toàn thay đổi. Dù có gởi chúng đến ai có gì chẳng còn quan trọng nữa vì chẳng ai quan tâm”.

Tuy nhiên, bộ sách Noise 4 đồ sộ, chứa đựng tâm huyết của các nhà thiết kế thuộc Attik có mặt khắp nên trên thế giới thật sự ấn tượng và hấp dẫn. Ngay thời điểm chúng tôi vừa xuất bản, rất nhiều nhà thiết kế đã săn lùng nó như kiến tìm mật. Để xuất bản quyển sách dày 504 trang này, Attik đã hợp tác với Harper Collins. Nó đúng là một tác phẩm lớn, đầy công phu.

Các ấn phẩm tái bản lần đầu và lần sau của Noise cũng rất tuyệt, thể hiện sự khác biệt cả về cỡ khổ, khuôn thức, phương pháp in ấn và phong cách thiết kế. Simon Needham chia sẻ: “Ở góc độ quảng bá và giới thiệu, Noise dường như đã tự thực hiện điều đó một cách xuất sắc cho mình “. Ông giải thích thêm rằng: “Noise nhận được sự phản hồi tích cực từ phía độc giả, họ gọi cho chúng  tôi, hào hứng với nhiều câu hỏi, đại loại như: các bạn có biết hình ảnh và kỹ thuật đã sử dụng trong trang này như thế nào không? Cách thức thực hiện ra sao? Tôi muốn thảo luận và sử dụng một số kỹ thuật trong sách…”

Ông cũng nhấn mạnh: “Mục tiêu mà chúng tôi thực sự hướng đến khi thực hiện Noise chính là tạo sự kết nối với chủ doanh nghiệp, các cá nhân giàu có, nhóm những nhà kinh doanh hoặc người có vai trò quyết định trong các công ty, tổ chức. Nếu họ quan tâm đến phong cách sáng tạo nghệ thuật của chúng tôi, họ sẽ tạo cho chúng tôi cơ hội hợp tác kinh doanh.

Amelia’s Magazine ra đời

Bắt đầu từ năm 2004, Amelia Gregory đã tạo nên hiện tượng đáng chú ý trong giới thiết kế khi lập nên Amelia’s Magazine với 10 ấn bản đặc sắc – là kết quả từ sự hợp tác cùng nhiều nhà thiết kế triển vọng từ khắp nơi. Dựa trên nền tảng kiến thức phong phú về thời trang và văn hóa, Gregory đã đưa tạp chí này lên đỉnh cao thành công như mong muốn, mang đến cho những nhà thiết kế nhiều chủ đề để sáng tác và sau đó đăng tải các tác phẩm của họ, ngoài ra tạp chí còn có bài viết về những nhóm thiết kế chưa có tên tuổi, những tài năng trẻ…Nó hoạt động  hoàn toàn không vì mục đích lợi nhuận. Đến năm 2009, sau khi cho ra đời một ấn bản đặc biệt, Amelia Gregory đã chuyển sang tập trung vào trang web và  những sản phẩm có quy mô lớn hơn như Amelia’s Illustration Anthology.

Neville Brody chia sẻ thông tin cá nhân

Chúng tôi thật hân hạnh có được sự góp mặt của nhà thiết kế lừng danh Neville Brody trong ấn phẩm Computer Art số 159 xuất bản tháng 3 năm 2009. Ông đã chia sẻ với chúng tôi về chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa Thatcher, về các dự án thiết kế mới cho Dom Pérignon, Kenzo, Lamborghihi cũng như việc thiết kế lại logo cho The Times. Ngoài ra ông còn tiết lộ việc mình vừa ghi danh theo học khóa vẽ sinh vật và người tại St Martins.

Còn tiếp

Hồng Ngọc biên dịch theo Computerart | RGB.vn