Một nhân viên Ogilvy Philippines chết vì làm việc quá giờ – câu chuyện cân bằng cuộc sống ở Agency

Một Strategic trẻ của Ogilvy & Mather Philippines vừa qua đời vào cuối tuần trước do làm việc quá giờ quy định trong khi đang mắc bệnh viêm phổi.

rgb_creative_ogilvymanila-TEXT-2017

Mark David Dehesa đã có ít nhất 1 năm làm việc ở bộ phận PR của Ogilvy Manila. Trước đây, anh từng làm cho Publicis, JWT và BBDO. Anh mất vào ngày chủ nhật, điều này đã dấy lên một cuộc tranh luận về vấn đề cân bằng giữa công việc – cuộc sống agency và làm việc quá sức là chủ đề đặc biệt gây tranh cãi ở châu Á.

“Chúng tôi rất đau lòng khi phải xác nhận sự ra đi đột ngột của người đồng nghiệp Mark Dehesa do những biến chứng của viêm phổi vào chủ nhật 19 tháng 2, 2017”, CEO của Ogilvy Philippines, Elly Puyat phát biểu trong một tuyên bố. “Mark là một thành viên rất được yêu quý và là người quan trọng của gia đình chúng tôi ở Philippines, xin được chia buồn và gửi những lời cầu nguyện của chúng tôi đến với anh, gia đình và bạn bè vào thời điểm hết sức khó khăn này.”

Agency này đã từ chối giải thích thêm và cho rằng các chi tiết về cái chết của Dehesa là “một vấn đề riêng tư”.

Theo một đồng nghiệp cũ, Dehesa đã làm việc xuyên suốt từ sáng sớm thứ sáu tuần trước để chuẩn bị cho một cuộc họp, sau đó ở lại văn phòng cho đến cuối buổi tối trước khi được đưa vào bệnh viện và qua đời tại đây.

“Khách hàng luôn yêu cầu và đòi hỏi những thứ tốt,” copywriter của Ogilvy, Jeff Stelton đã viết trong một bài đăng Facebook sau khi biết tin về cái chết của nhân viên. “Chúng tôi làm việc cứ như thể tự đày đọa chính mình, hy sinh thời gian quý báu thay vì dành nó cho gia đình, không có thời gian hẹn hò với những người thương yêu, nhưng điều quan trọng nhất đó là sức khỏe của chúng tôi.”

Stelton, người đã làm việc cùng với Dehesa trước đây, chia sẻ: “Nhưng với sự ra đi bất ngờ của người đồng nghiệp trẻ, tôi cảm thấy rằng đã đến thời điểm chúng ta không cần phải hành hạ bản thân mình. Đã đến lúc nói “không” với việc thức dậy lúc 9 giờ sáng cho buổi họp khi mà trước đó bạn vừa kết thúc công việc lúc 4 giờ sáng.”

Sau đó, ông đã đề cập đến việc những khách hàng và agency cần “làm hợp lý” và “quan tâm người khác”. Sau đó, ông chỉnh sửa bài viết này để làm rõ rằng ông không có ý định quy chụp “cái chết bất ngờ của Dehesa là hoàn toàn do làm việc quá sức”. Adweek đã liên lạc với Stelton nhưng ông từ chối bình luận thêm về vấn đề này.

Những người khác trong ngành cũng thể hiện những quan điểm tương tự trên Facebook, một đồng nghiệp cũ viết: “Tạm biệt Mark. Những người quen và đã làm việc cùng sẽ rất nhớ anh. Hy vọng rằng, sự mất mát này sẽ làm ngành quảng cáo, truyền thông, sản xuất và marketing có những suy nghĩ thấu đáo về vấn đề áp lực công việc đã ảnh hưởng đến #sứckhỏethểchất và #sứckhỏetinhthần của chúng tôi như thế nào.”

Hiện tượng làm việc quá sức ở Nhật Bản được gọi là “karoshi”, tin tức lan truyền trên toàn thế giới vào tháng 12 khi Tadashi Ishii CEO của Dentsu – agency lớn thứ năm trên thế giới, đột ngột từ chức. Thông báo chỉ được đưa ra vài ngày sau khi có thông tin bộ lao động Nhật Bản quyết định khởi tố Dentsu sau cái chết của nữ nhân viên trẻ đang giữ vị trí account manager, cô đã viết một bài post trên mạng xã hội về việc những người sếp lạm quyền và yêu cầu cô phải làm việc hơn 100 giờ mỗi tháng.

Đây không phải là lần đầu tiên ngành quảng cáo đối mặt trước những bị kịch này. Vào tháng 12 năm 2013, một copywriter 24 tuổi của Y&R Indonesia, rơi vào trạng thái hôn mê và đã qua đời sau khi để lại dòng tweet: “30 giờ làm việc và vẫn còn khỏe chán”.

 

Nguồn: Ngan Phan / Advertising Vietnam