Chuyện của Jake – Bậc thầy Calligraphy

“Khi Bạn sử dụng đôi tay, bạn là một người thợ.

Khi Bạn sử dụng khối óc, bạn là một nhà sáng chế.

Nhưng khi kết hợp đôi tay, khối óc và cả trái tim, bạn trở thành một người nghệ sĩ thực thụ.”

-ST. FRANCIS OF ASSISI

 

Jake Weidmann là một nghệ sĩ đầy  tài năng và triển vọng. Anh được biết đến như một người tài hiếm có với những kĩ năng điêu luyện trong việc điều khiển bút. Chỉ với những phương pháp truyền thống, anh đã tạo ra những kiệt tác  khiến người xem phải trầm trồ thán phục bởi độ tỉ mỉ và sắc nét trong từng chi tiết. Anh vinh dự được công nhận là 1 trong 12 Master Penman – danh hiệu cao quý  cho những ai có thể sử dụng thành thạo tất cả các kiểu chữ viết bằng tay – trên thế giới và là người trẻ tuổi nhất được danh hiệu này trong vòng 3 thập kỷ qua.

Ngoài ra, anh còn có khả năng sáng tạo ra cây bút riêng biệt cho riêng mình để dễ dàng thực hiện tài viết và vẽ nhằm tạo ra các bức tranh kiệt tác.

Cùng RGB đọc những dòng tự sự chân thành do chính Jake Weidmann viết về cuộc đời mình để hiểu hơn quan niệm của anh về nghệ thuật cũng như con đường cố gắng và nỗ lực để có thể trở thành một  nghệ sĩ tài năng như ngày hôm nay bạn nhé!

Năm tôi 6 tuổi, sau giờ tan trường, tôi trở về nhà và nhận ra nhà mình chìm trong biển lửa. Ngọn lửa xuất phát từ sự cố chập điện của lò nướng bánh đã khiến căn nhà gần như bao phủ bởi khói bụi và khu bếp chỉ còn lại tàn tro. Chỉ còn sót lại một số lượng nhỏ quần áo và đồ chơi không bị lửa thiêu rụi được mang đi khử trùng sau đó. Một người bạn của gia đình đã hào phóng tặng anh em tôi vài con thú nhồi bông để an ủi chúng tôi trong khoảng thời gian gia đình tôi tìm chỗ lưu trú mới. Phần quà của tôi là một chú vẹt nhồi bông nhỏ với đôi chân có thể đàn hồi. Chú chim nhỏ bé này với bút chì và giấy đã trở thành những người bạn đồng hành thân thiết của tôi trong suốt khoảng thời gian sau đó. Tôi đã vẽ hầu như mỗi ngày với chú vẹt nhồi bông luôn ở cạnh. Ngày nọ khi tôi đang học lớp Một, tôi quyết định vẽ món đồ chơi yêu quý của mình trước khi vào lớp. Tôi vẽ chú vẹt đang đậu vắt vẻo trên cành cây bên cạnh một cái tổ con con và những chú chim nhỏ. Cô giáo phụ trách của tôi, cô K., đã nhìn thấy bức tranh và tán dương nó bằng những lời ngọt ngào. Cô ấy bảo tôi đề tên mình phía dưới bức tranh và đề nghị tôi được treo nó trong lớp học. Ba ngày sau, trong lúc đang treo balo ở hành lang trường, tôi nhìn thấy bức tranh của mình được dán trên tường, trên một tờ giấy đen nhám và được trang trí bằng dải ruy băng xanh thẳm. Tôi đã chiến thắng cuộc thi nghệ thuật đầu tiên trong đời mà chính tôi thậm chí còn không biết mình được nhận. Đó là khoảnh khắc mà từ ấy về sau, tôi tự xác định với bản thân mình là một nghệ sĩ.

 rgb_chuyencuajack_7

“NẾU BẠN TỰ GIỚI HẠN SỰ LỰA CHỌN CỦA BẢN THÂN, BẠN ĐÃ TỰ NGĂN CÁCH CHÍNH MÌNH VỚI ĐIỀU BẠN THẬT SỰ MUỐN, VÀ SAU ĐÓ MỌI THỨ GẦN NHƯ CHỈ LÀ SỰ THỎA HIỆP.”

– ROBERT FRITZ

Nhiều năm trôi qua, những kĩ năng của tôi dần hoàn thiện và dù tôi phải liên tục đối mặt với vô số trăn trở, cam kết của tôi với nghệ thuật vẫn được giữ vững. Sau đó, tôi tiếp tục chiến thắng vài cuộc thi ở trường trung học lẫn phổ thông. Những giáo viên của tôi nói rằng họ không còn gì để dạy tôi nữa và tôi được phép “làm bất cứ thứ gì tôi muốn”. Tôi không cần một giáo viên. Chính những tác phẩm nghệ thuật của tôi phát triển bản thân tôi nhiều hơn cái cách tôi phát triển chúng. Với tôi đây mới thật sự là “học”. Tất nhiên tôi luôn hoan nghênh mọi điều mà bất cứ ai có thể dạy mình, nhưng tôi đã tìm ra cách để trở thành một học sinh không phụ thuộc vào sự hiện diện của giáo viên. Tôi nhận ra sức mạnh của việc tự học. Mỗi chất pha màu trở thành giáo sư của tôi, thử-và-sai là chương trình giảng dạy, và sự đấu tranh là học phí mà tôi phải trả.

“ NHỮNG TƯ TƯỞNG VĨ ĐẠI THƯỜNG XUẤT PHÁT TỪ SỰ KHIÊM TỐN VÀ CÁCH HỌ CHẤP NHẬN CÔNG VIỆC DƯỚI BẤT KÌ PHƯƠNG DIỆN NÀO.” – JOHN RUSKIN, A JOY FOREVER 

Thuật ngữ “nghệ sĩ” đã thấm nhuần tư tưởng tôi đến mức tôi muốn mọi lĩnh vực hay khía cạnh trong đời sống của mình đều phải thật “nghệ thuật”. Tôi bắt đầu tập diễn xuất khi còn là học sinh phổ thông để tìm hiểu nghệ thuật của lời nói và sự biểu hiện; bắt đầu viết chữ thật chậm rãi và tỉ mỉ để mỗi lúc tôi đặt bút lên giấy, cái đẹp là thành quả; tôi theo đuổi việc tập thể hình để hình thể mà tôi có cũng chính là một tác phẩm nghệ thuật; tiếp đó tôi dành sự quan tâm sâu sắc đến Tâm lý học vì với tôi đó là nghệ thuật của tư tưởng và các mối quan hệ… Tôi đã dần trở thành một người nghệ sĩ thực thụ.

rgb_chuyencuajack_3

Tâm lý học là ngành tôi chọn khi tôi vào Đại học. Tất nhiên tôi đã cố gắng tìm các ngành học khác liên quan đến nghệ thuật, nhưng tôi nhận ra họ không dạy những kĩ năng công nghệ – thứ tôi thật sự muốn học, thay vào đó chỉ dạy những kiến thức học thuật khó hiểu. Tôi cũng phải đối mặt với quan niệm của phần đông xã hội, thậm chí cả những người thân yêu của tôi, rằng tất cả nghệ sĩ đều là những kẻ nghèo đói khổ sở và “đó hoàn toàn không phải là loại nghề nghiệp có thể nuôi sống một gia đình”. Dù một chút thiếu tự tin đã khiến tôi đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng tôi rất vui vì đã chọn theo đuổi ngành tâm lý học ở trường Đại học Biola.

Tôi đã học được cách làm thế nào để tư duy khác biệt; cách cảm nhận sự bất an và thương tổn thông qua tấm màn của cơ chế phòng vệ; sức mạnh của lòng trắc ẩn; sự đa dạng của cảm xúc con người và sự kết hợp phức tạp của những cảm xúc khác nhau tạo nên bản sắc riêng cho từng cá thể. Tôi học được sự kết nối và ảnh hưởng lẫn nhau một cách sâu sắc giữa người với người. Và tôi hiểu hơn về chính mình. Những người sáng  tạo thường rơi vào trạng thái mất thăng bằng bởi những sự kiện họ không thể nắm bắt – Tâm lí học giúp tôi tìm được sự cân bằng đó và sự am hiểu sâu sắc khả năng sáng tạo của mình. Hơn thế nữa, tâm lí học còn dạy tôi khả năng giao tiếp một cách rõ ràng trong thế giới nghệ thuật, điều dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều tác động bên ngoài. Trong lịch sử, nghệ thuật là loại ngôn ngữ phổ quát, được sử dụng để giao tiếp ngay cả khi bạn mù chữ. Ngày nay, nghệ thuật hiện diện trong nhiều lĩnh vực hơn nhưng đôi khi nó lại trở nên vô nghĩa hoặc chỉ có nghĩa với một số ít thành phần. Vì thế, tôi thật sự mong muốn mình có thể đưa nghệ thuật trở lại vị trí huy hoàng như nó vốn có và tâm lý học là nơi tiếp thêm sức mạnh để tôi thực hiện mong ước của mình.

Học tập tại một trường Đại học tư nhân của Cơ-đốc giáo giúp đức tin của tôi có cơ hội được củng cố. Tôi lớn lên trong một gia đình Cơ đốc giáo với một tình yêu sâu sắc dành cho Thiên Chúa, và từ rất sớm tôi biết rằng Ngài đã ban cho tôi năng khiếu để trở thành một nghệ sĩ. Là sinh viên tại Biola cho tôi cơ hội hiểu hơn về Ngài và xây dựng cho mình một đức tin bền vững. Tôi nhận ra tôi dành trọn tình yêu của mình cho Đấng khai sáng tối thượng và mọi tác phẩm nghệ thuật của tôi đều thể hiện lòng thành của tôi dành cho Ngài. Ngài không những là nơi truyền cảm hứng mà còn trở thành lý do cho con đường tôi chọn. Xác nhận bản thân mình trước Chúa như một người sáng tạo và tiên phong giúp khơi lên giữa tôi và Ngài một mối giao liên kì lạ. Tôi biết sự dung dưỡng của Ngài cho tâm hồn tôi đã ảnh hưởng sâu sắc đến các tác phẩm nghệ thuật tôi tạo thành.

rgb_chuyencuajack_2

Dù theo học Tâm lí học và Thần học, tôi vẫn cố gắng tìm nơi để thỏa mãn đam mê nghệ thuật của mình. Tôi từng thiết kế chữ trên áo thun và vòng cổ xương tay cho một cửa hàng tại Hollywood. Một giáo sư của ĐH Biola đã tin tưởng giao cho tôi công việc trọng đại : khắc gia huy của ông ấy lên một bộ gạc nai Alaska, và cho đến tận bây giờ, đó vẫn là công việc trọng đại nhất mà tôi từng nhận.

Ngay sau đó, tôi được giáo sư và những đứa bạn cùng trang lứa gọi tôi như “một anh chàng có đôi bàn tay điêu luyện”. Tôi bắt đầu nhận được nhiều lời yêu cầu công việc như viết chữ lên thiệp cưới hoặc các dự án nghệ thuật nhỏ. Với sự nổi tiếng ngày càng tăng sau các “dòng chữ nghệ thuật” đã làm, tôi quyết định tìm hiểu sâu hơn về phong cách chữ cổ điển. Trong một lần nọ, vô tình tôi bắt gặp đoạn video ngắn trên mạng nói về một người đàn ông – người mà sau này đã trở thành thầy của tôi – viết chữ calligraphy bằng bút chấm mực như thể đang múa điệu ballet quyến rũ trên mặt giấy . Tôi thật sự bị cuốn vào đoạn clip. Từ giây phút đó, tôi tự nhủ đây sẽ trở thành mục tiêu mới cho mình. Loại hình nghệ thuật này khiến tôi tốn khá nhiều chi phí. Tôi đã thử nghiệm tất cả loại mực, giấy và bút nhưng dường như chúng đều không phù hợp. Thế nên, tôi đã tự học cách làm bút trên máy tiện để có thể tự tạo ra cây bút phù hợp cho chính mình.

rgb_chuyencuajack_6

Tôi nhanh chóng phát hiện ra sự kết hợp đúng đắn giữa bề mặt giấy và chất liệu bút là điều hết sức quan trọng. Tôi bị cuốn vào phát hiện mới này và bắt đầu nghiên cứu lịch sử của những người thợ làm bút vĩ đại. Tôi đọc được rằng International Association of Master Penmen, Engrossers và Teachers of Handwriting (IAMPETH) là một nhóm, được thành lập 62 năm trước để bảo tồn các hình thức nghệ thuật. Tôi phát hiện ra rằng chỉ có 9 Master Penmen còn lại trên thế giới và tôi đã đặt mục tiêu để trở thành một trong số họ. Trong năm năm qua, kể từ khi gia nhập IAMPETH, tôi đã đạt được rất nhiều sự công nhận cho các tác phẩm của mình và các kĩ năng cũng được phát triển nhanh nhóng. Tôi đã bán được hơn 200 chiếc bút được làm bằng tay cho các Penmen trên thế giới. Tôi cố gắng kết hợp Calligraphy vào các tác phẩm nghệ thuật của mình bằng những phương thức khác biệt, mới mẻ. Và vào ngày 16 tháng 7 năm 2011, tôi đã được  chứng nhận là Master Penman thứ 11 trên thế giới. Calligraphy chỉ cho tôi thấy một góc nhìn mới về nghệ thuật. Nếu một bức tranh được ví như ngàn chữ không lời thì với tôi Calligraphy là cách cứu vãn cho những diễn giải mơ hồ, khó hiểu. Và bởi chính vẻ đẹp cổ điển dường như bất tận của Calligraphy, tôi nhận ra nó có khả năng đánh tan mọi rào cản thế hệ và truyền đạt những ý tưởng vượt thời gian. Niềm tin rằng mọi thứ đều sẽ phai nhạt theo năm tháng chỉ là lối suy nghĩ lỗi thời của những kẻ ngây thơ. Calligraphy, dù mang danh là một hình thức nghệ thuật xưa cũ, nó vẫn luôn khẳng định được giá trị của mình trong mọi thời đại. Tôi luôn tìm cách tôn vinh giá trị của quá khứ – không phải bằng cách lặp đi lặp lại những điều đã cũ – mà sẽ trao cho “quá khứ” một cuộc đời mới ở kỷ nguyên tiến bộ này.

Ở tất cả mọi hình thức nghệ thuật, tôi đều cố gắng theo đuổi sự hoàn hảo. Nếu ngôn từ tạo nên nhà diễn thuyết giỏi, thì với tôi, kĩ năng công nghệ là sự hỗ trợ tuyệt vời cho người nghệ sĩ. Một nhà diễn thuyết giỏi cũng sẽ không lặp lại bài diễn thuyết như bài đọc thuộc lòng khi đứng trên một sân khấu khác, thay vào đó, anh ta sẽ truyền đạt những thông điệp thực sự thuyết phục và diễn giải rõ ràng những tư tưởng sâu sắc. Đó cũng tương tự như câu chuyện giữa tôi với các tác phẩm của mình. Tôi sử dụng kĩ năng của đôi tay để biểu đạt những ý niệm trong tâm trí và những rung cảm từ trái tim. Người nghệ sĩ tốt là người thể hiện được phong cách riêng với cái tôi đặc trưng, nhưng người nghệ sĩ tuyệt vời lại là người có thể nói lên tiếng nói của hàng ngàn người khác.

rgb_chuyencuajack_1

Thông qua tác phẩm của mình, tôi có khả năng nhận diện những tâm hồn đồng điệu với chung niềm đam mê, chung sự đấu tranh, thắp sáng tâm hồn thông qua đôi mắt khi đối diện cái đẹp và sự thật rằng tất cả chúng ta đều là con người. Một tác phẩm nghệ thuật có thể trở thành người lắng nghe tử tế trong cuộc đối thoại không lời. Ở một thế giới liên tục dịch chuyển, tác phẩm ấy vẫn đứng vững và tồn tại mãi với thời gian, lưu trữ những thông điệp sâu sắc hàng thế kỉ. Nếu những tác phẩm của tôi có thể bất tử thì những sự thật cất giữ trong chúng cũng sẽ trở nên bất diệt.

RGB.vn xin chia sẻ một số tác phẩm của Jake Weidmann để chúng ta có thể chiêm ngưỡng tài năng viết chữ và vẽ bằng tay điêu luyện  của anh chàng nghệ sĩ tài năng này.

rgb_chuyencuajack_16

rgb_chuyencuajack_15

rgb_chuyencuajack_14

rgb_chuyencuajack_13

rgb_chuyencuajack_12

rgb_chuyencuajack_9

rgb_chuyencuajack_8

rgb_chuyencuajack_4

Nguồn: jakeweidmann  | Việt hóa bởi: Le Dung| Ban biên tập RGB.vn
Xin ý kiến tác giả khi đăng tải lại bài viết | ideas@rgb.vn