5 bài test tính cách cho team Sáng tạo của bạn

Bạn đang chán làm việc và muốn có một vài hoạt động team buiding? Hay phải đối phó với một người sếp tự ái cao? Dù gì đi nữa, đây là những bài test dành cho bạn đây!

Ai không thích một bài kiểm tra tính cách? Có một lý do tại sao các bài trắc nghiệm trực tuyến vô nghĩa đại loại như “Bạn thuộc tuýp nhân vật nào?” nhưng cũng rất phổ biến trên mạng xã hội.

Chúng ta ai cũng hiểu được sức hấp dẫn của các bài trắc nghiệm như vậy. Nếu biết được bản thân rõ hơn, chúng ta có thể tự lý giải lý do tại sao chúng ta cảm thấy và hành động như vậy. Và nếu hiểu được tính cách của bạn bè, đồng nghiệp và những người thân yêu thì tất cả những điều về họ, kể cả cách họ khiến bạn phát điên sẽ không còn làm bạn cảm thấy khó chịu nữa.

Tuy có vô số bài kiểm tra chuyên nghiệp về tính cách nhưng việc cân nhắc và lựa chọn cái nào sẽ khiến chúng ta bối rối. Thật khó để biết được bài test nào có giá trị về mặt khoa học để áp dụng cho các nhóm sáng tạo. Sự kết hợp một nhóm các nhà thiết kế, giám đốc nghệ thuật hay giám đốc dự án hoàn toàn khác so với nhóm về tài chính chẳng hạn; do đó bài kiểm tra tính cách sẽ cung cấp cho nhóm sáng tạo cái nhìn sâu sắc hơn. Đó là lí do tại sao chúng ta cần các chuyên gia “mách nước” các bài kiểm tra tính cách phổ biến để có thể tập trung lợi ích tối đa mang lại trong môi trường làm việc sáng tạo.

Có nhiều lý do để thử các kiểm tra sau đây, và cũng có nhiều lý do để không phải tin tưởng vào chúng tuyệt đối. “Các bài kiểm tra tính cách có thể hữu ích về mặt xây dựng đội nhóm vì chúng thực sự mang đến niềm hứng khởi.” – Alisa Cohn, chuyên gia huấn luyện tại Etsy và Thời báo The New York Times, “tuy nhiên, chúng ta cũng không nên dành cả đời để làm chúng”.

Theo Arthur B. Markman, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Texas, Austin, một bài kiểm tra tốt có thể “cung cấp thông tin giúp các nhóm làm việc hiệu quả với nhau hơn”. Nhưng có một mối nguy hiểm trong kết quả: “Chúng ta phải nhận ra rằng ngay cả với các bài kiểm tra tính cách tốt nhất, những kết quả sẽ chỉ dự đoán khoảng 20% ​​sự khác biệt trong hành vi mà bạn thấy giữa mọi người, và đó là trong điều kiện tốt nhất.”

Với sự hiểu biết các bài kiểm tra tính cách sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề hợp tác hoặc sáng tạo, chúng ta cũng nên tìm hiểu: Bài kiểm tra tính cách nào phù hợp với nhóm của mình nhất?

1. Myers-Briggs Type Indicator 

Hãy bắt đầu bài cổ điển nhất. Nhìn chung, bài test MBTI tóm tắt cách một cá nhân tiếp cận thế giới. Các kiểu tính cách được thể hiện thông qua bốn đặc điểm phân cực: hướng ngoại hoặc hướng nội, cảm nhận hoặc trực giác, suy nghĩ hoặc cảm giác, đánh giá hoặc nhận thức. Nếu bạn là người hướng nội, cảm nhận, cảm giác và nhận thức, thì bạn thuộc tuýp ISFP.

MBTI ban đầu được phát triển để giúp những người phụ nữ tìm được công việc phù hợp trong Thế Chiến Thế giới thứ hai, vì vậy bây giờ nó khá cổ xưa so với quan điểm khoa học. “Nó không dự đoán bất cứ điều gì cả, vì vậy đây chỉ là một bài kiểm tra tồi” – Markman tóm tắt. “Con người rất đa dạng nhân cách” – Cohn nói thêm, “Chỉ vì bạn là người có phong cách P (Perception: nhận thức), không có nghĩa là bạn không thể điều hành một cuộc họp hiệu quả hoặc đáp ứng thời hạn công việc được giao”. Cuối cùng, nó hạn chế bởi lí do: không vẽ được một bức tranh đầy đủ sắc thái của một cá nhân. Tuy nhiên, về mặt khác, MBTI có thể giúp kết nối mọi người lại với nhau – miễn là chúng ta không quá xem trọng kết quả.

2. The Big Five

Nếu bạn đang hy vọng về tính khoa học và phức tạp hơn so với MBTI, thì không đâu khác ngoài bài test The Big Five. Nó khám phá 05 đặc điểm tính cách: Cởi mở (Openness), Tận Tâm (Conscientiousness), Hướng ngoại (Extroversion), Đồng thuận (Agreeableness) và Thần kinh (Neuroticism) – viết tắt thành OCEAN. Mỗi yếu tố được đo lường trên một thang điểm; ví dụ, cực đoan và cực kỳ hướng nội tạo thành hai đầu cực. Big Five nhằm giải thích sự khác biệt lớn nhất giữa mọi người, vì vậy nó đặc biệt hữu ích để soi sáng các cuộc xung đột nhóm.

Và cụ thể hơn thì Big Five có thể cung cấp gì cho nhóm sáng tạo? Markman nhận xét: “Bạn thường cần vài người không đồng thuận trong một nhóm sáng tạo, bởi bạn cần một người sẵn sàng nói với mọi người: Không, ý tưởng này thực sự rất tồi. Nhưng nếu bạn đang lãnh đạo một nhóm, bạn có thể muốn nói với người đó: Chúng tôi cần bạn phát triển ý tưởng thêm một chút để có thể thấy sự tiềm năng thật sự của nó.”

Những người sáng tạo cũng có xu hướng đạt điểm cao với “sự cởi mở”, nhưng “sự tận tâm” của họ chỉ được đánh giá ở mức trung bình đến thấp, vì vậy đừng luôn hoàn thành những việc họ bắt đầu. “Một khi hiểu rõ điều này về bản thân, chúng ta phải phát triển các chiến lược để vượt qua xu hướng, tránh mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Và có lẽ sẽ rất tốt khi chúng ta có những người luôn cằn nhằn xung quanh để nhắc nhở hoàn thành công việc.” – Markman nói.

3. Khảo sát VIA Character Strengths

Bài khảo sát tâm lý VIA Character Strengths này được thiết kế để xác định “điểm mạnh cốt lõi” của một người, giúp chúng ta có thể học cách tận dụng chúng tốt hơn. Ví dụ, nó sẽ cho bạn biết bạn là người tác động xã hội tốt, giỏi nuôi dưỡng người khác hay giỏi tạo ra ý tưởng. Tại sao tập trung vào mặt tiêu cực khi bạn có thể tập trung vào những mặt tích cực?

Khi nói đến những điểm mạnh vô đối với một đội ngũ sáng tạo, tính dễ bị tổn thương là điều thiết yếu. Trong các buổi họp bàn ý tưởng, đôi khi mọi người cần sẵn sàng nói ra những điều không hoàn hảo, bởi điều đó làm nảy sinh những cách suy nghĩ mới thông qua vấn đề. Và người tác động tốt có thể giúp người dễ bị tổn thương: do đó “tác động xã hội tốt” là một sức mạnh vô giá khác.

“Hiểu được những điểm mạnh sẽ giúp mọi người cảm nhận về chúng mạnh mẽ hơn, điều này rất có giá trị tại nơi làm việc. Và vì sự sáng tạo liên quan đến sự năng động của nhóm và văn hóa của một tổ chức, các đội nhóm sẽ thực sự muốn chú ý đến những gì mà các thành viên đang mang đến.”

4. Narcissism

Nếu làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, không khó gì để bắt gặp vài người có tính tự ái cao – chỉ yêu những thiết kế của bản thân mà ít nghĩ đến người khác. Hoặc bạn là người ít có khả năng chịu đựng những lời phán xét, thì chắc hẳn bạn cũng mang trong người một ít sự tự ái. Rất nhiều nhà lãnh đạo thành công cũng có tính cách này, đôi khi đây không phải là điều quá tệ.

Có những mức độ của sự tự ái, và việc hiểu được xu hướng này có thể giúp đối phó dễ dàng hơn. Mặc dù chúng tôi không khuyến khích làm bài test này chung đội nhóm, nhưng có thể hữu ích khi tự mình khám phá các bài kiểm tra như Narcissistic Personality Inventory để biết được các mức độ của bản thân. Bằng cách đó, bạn có thể che chắn mình khỏi những ai dễ tự ái xung quanh bạn.

Markman nói “Có hai loại tự ái. Những người tự ái vĩ đại tập trung chủ yếu vào sự đặc biệt của mình và tự đặt họ vào các vị trí được công nhận và có quyền hạn. Tiếp xúc với những người dạng này có thể gây một chút khó chịu cho những người bên dưới. Loại người tự ái thứ hai nguy hiểm hơn một chút – người tự ái dễ bị tổn thương. Những người này không chỉ tin rằng họ đặc biệt mà còn cần được nhắc đến mọi lúc, bởi bất cứ ai. Sẽ rất tệ nếu họ đóng vai trò là sếp vì họ không muốn bất cứ ai bất đồng quan điểm với mình.”

5. Creative Types

Nếu bạn đang tìm kiếm một bài test vui nhộn và ít tốn thời gian hơn các bài test ở trên, hãy thử qua Creative Types. Chỉ tốn 10 phút online thôi và bài test cũng tích hợp nhiều hình đại diện 3D sành điệu nữa.

Bài kiểm tra tính cách này (được thiết kế bởi Anyways cho Adobe Create) giúp bạn khám phá “tính cách sáng tạo” của bản thân, sử dụng nghiên cứu tâm lý để đánh giá thói quen nhằm tìm hiểu bạn sẽ hợp với loại nào nhất. Có tám loại tính cách bao gồm: Nhà thám hiểm, Người mơ mộng, Nhà sản xuất, Nhà sáng tạo và Nghệ sĩ. Mặc dù là nhà sáng tạo, bạn có thể có một chút của tất cả tám loại trên, bài kiểm tra nhằm mục đích cung cấp cho bạn một cái nhìn sơ lược về đặc điểm sáng tạo rõ ràng nhất của bản thân.

Một lý do nữa là: Creative Types được thiết kế bởi các nhà sáng tạo, dành cho các nhà sáng tạo. Mặc dù thiếu đi sự hỗ trợ nghiên cứu mạnh mẽ hơn các bài test kể trên, tuy nhiên nó lại thu hút các nhà sáng tạo theo cách mà ba bài test đầu tiên không thể làm được. Giám đốc nghệ thuật Creative Types, Charlie Sheppard của Anyways chia sẻ: “Tôi không bao giờ làm các bài test tính cách bởi chúng nhắc đến hội chợ nghề nghiệp – khá khô khan và kỹ thuật, và giống như một cuộc kiểm tra hơn. Khi sáng tạo ra Creative Types, chúng tôi tự hỏi: Đây có phải là bài test mà chúng tôi muốn làm không? Đây có phải là điều mà đồng nghiệp của chúng tôi sẽ làm không? Chúng tôi quyết định mang đến một câu chuyện vui tươi cho nó, một cái gì đó mang tính kích thích trực quan và trừu tượng, đặc biệt là cho những nhà sáng tạo có thể suy nghĩ theo một cách trừu tượng và trực quan hơn.”

Viết bởi Madeleine Morley. Minh họa bởi Anyways
Dịch: CiCi Giang | RGB.vn