Ảnh chụp cận cảnh siêu rõ nét tiết lộ kết cấu bề mặt đáng kinh ngạc của Mặt Trời

Kính viễn vọng Inouye của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) đặt tại Hawaii vừa ghi lại những hình ảnh siêu cận cảnh chưa từng thấy về bề mặt đặc biệt của Mặt Trời.

Mỗi bức ảnh từ kính thiên văn này — cũng là kính thiên văn mạnh nhất cùng loại — hiển thị một khu vực rộng đến 82.500km và có độ phân giải 18km. 

Các bức ảnh mô tả sắc quyển siêu nóng của ngôi sao, được bao phủ bởi một “chất sền sệt” trông giống như mật ong hay một tấm thảm lông xù.

Theo Tạp chí Smithsonian, chất này chính là những tia plasma bao phủ bề mặt ngôi sao mẹ của chúng ta, hay còn gọi là gai lửa Mặt Trời. Các gai lửa này có thể được phát ra với tốc độ gần 100km/giây và có thể di chuyển xa đến gần 10.000km. Những tia plasma siêu nóng này đóng quan trọng đối với Mặt Trời, giúp ngôi sao này duy trì sự cân bằng và truyền năng lượng qua các vùng khác nhau của nó.

Theo nhà vật lý thiên văn Dipankar Banerjee vào năm 2019, các gai lửa được tạo ra từ quá trình hủy thông lượng diễn ra trong bầu khí quyển thấp hơn. Hiện tượng này giúp làm nóng bầu khí quyển bên trên của Mặt Trời.

Ảnh: NSO