Just4Film #5: Thế nào là một kịch bản có ý tưởng tốt

Làm cách nào mà một biên kịch có thể nghĩ ra được một câu chuyện mà chắc chỉ thú vị đối với mỗi bản thân anh ta và có thể là mẹ ảnh. Chỉ cần một biên kịch chọn một ý tưởng có một chút yếu tố thú vị, độc đáo, một chút giá trị nghệ thuật hay thương mại, thì anh ta đã ngay lập tức đưa mình vào top 10% rồi! Sau đây, chúng ta sẽ bàn về các yếu tố có thể nâng cao giá trị thương mại cho ý tưởng của bạn. Hãy cùng RGB.vn khám phá qua một bài viết của Michael Hauge trong chuyên mục Just4Film tuần này.

rgb_creative_design_just4film_kich_ban_Writing_Screenplays

Dành cho các “tín đồ” của phim ảnh, những ai yêu xem phim và thích làm phim – Just4Film là một góc nhỏ để cùng tỉ tê đủ chuyện trên đời về loại hình nghệ thuật này. Đón theo dõi chuyên mục vào mỗi thứ 4 hàng tuần và cùng chia sẻ những kiến thức thú vị trong ngành phim ảnh. Đóng góp bài viết của bạn đến just4film@rgb.vn.

Trích dịch từ cuốn Writing Screenplays That Sell – Michael Hauge, một quyển sách không thể thiếu cho các nhà làm phim. Bạn có thể tìm đọc cuốn sách này để khám phá nhiều hơn về kỹ thuật viết kịch bản.

[quote]Ý TƯỞNG CÂU CHUYỆN – STORY CONCEPT[/quote]

TÔI BẮT ĐẦU CÔNG VIỆC ĐẦU TIÊN CỦA MÌNH TRONG NGÀNH ĐIỆN ẢNH VỚI TƯ CÁCH LÀ MỘT ĐỘC GIẢ (aka: chuyên viên phân tích kịch bản) cho các những agent lớn của Hollywood. Điều này có nghĩa là tôi có trách nhiệm phải đọc, đánh giá và viết tóm tắt cho các kịch bản phim, tiểu thuyết được gửi về. Trong ngày đầu làm việc của mình, sếp tôi bảo rằng: “99 trong số 100 kịch bản anh đọc sẽ không đáng cho anh để mắt đến. Tôi chỉ muốn anh tìm cho tôi 1 câu chuyện đáng giá nhất trong số 100 câu chuyện đó mà thôi.” Khi tôi nghe vậy, tôi nghĩ người này hoặc là đang nói đùa hoặc đang bi quan thái quá. Là người mới bước vào ngành, tôi ngây thơ nghĩ rằng ít nhất thì trong số những người đã trầy da tróc vẩy để hoàn thành được một kịch bản hoàn chỉnh, một nửa sẽ thể hiện được phần nào tiềm năng hay kỹ năng viết của họ, cho dù là kịch bản chưa hoàn hảo đi chăng nữa. Sự ngây thơ của tôi trừ đi sự ngờ vực của sếp tôi, tôi nghĩ ít nhất cũng 25% trong số các kịch bản là tốt và đáng để xem xét. Tôi đã nhầm. Tôi phát hiện ra, sau khi đã đọc qua vài trăm kịch bản, rằng sếp của tôi đã có phần hơi lạc quan. Rất hiếm khi nào tôi tìm thấy được một kịch bản ưng ý. 90 trong số 99 kịch bản bị loại mắc cùng một lỗi căn bản: Ý tưởng câu chuyện (story concept) quá tệ. Tôi thường luôn phải tự hỏi bản thân mình: làm cách nào mà một biên kịch có thể nghĩ ra được một câu chuyện mà chắc chỉ thú vị đối với mỗi bản thân anh ta và có thể là mẹ ảnh. Chỉ cần một biên kịch chọn một ý tưởng có một chút yếu tố thú vị, độc đáo, một chút giá trị nghệ thuật hay thương mại, thì anh ta đã ngay lập tức đưa mình vào top 10% rồi! Sau đây, chúng ta sẽ bàn về các yếu tố có thể nâng cao giá trị thương mại cho ý tưởng của bạn.

[quote]SỨC MẠNH CỦA MỤC TIÊU – THE POWER OF DESIRE[/quote]

Tất cả các câu chuyện bắt đầu bằng câu hỏi: Sẽ thế nào nếu…? (What if)

Biên kịch có ý tưởng mơ hồ về một nhân vật, một tình huống hoặc một sự kiện và bắt đầu tự hỏi: Sẽ thế nào nếu điều này, điều kia xảy ra? Sẽ thế nào nếu những điều chúng ta đang xem là hiện thực thật ra chỉ là những ảo giác được tạo ra bởi máy tính? (The Matrix). Sẽ thế nào nếu một cậu bé phát hiện ra mình là phù thủy? (Harry Potter and the Sorcerer’s Stone). Sẽ thế nào nếu những lời nói cuối cùng của ông trùm truyền thông được điều tra sau khi ông ta qua đời? (Citizen Kane). Kế cả trong những câu chuyện có thật cũng tồn tại câu hỏi tương tự: Sẽ thế nào nếu một chàng trai trẻ đến từ miền Nam vượt qua nghịch cảnh thời thơ ấu bất hạnh, tù tội và nghiện hút để trở thành một huyền thoại ca sĩ nhạc đồng quê và tìm được tình yêu của đời mình? Đây là câu hỏi trong bộ phim tiểu sử Walk the Line. Sẽ thế nào nếu… ? – câu hỏi này sẽ đưa ta đến 1 trong 2 điều: tình huống truyện (plot situation) (ngày tận thế được tiên tri trong 2012 và Knowing, trận Thermopylae trong 300, cảnh cướp nhà băng trong Inside Man) HOẶC một nhân vật (một siêu anh hùng lầy lội, say xỉn trong Hancock, một người với độ tuổi đi ngược trong The Curious Case of Benjamin Button, một cô bạn tuổi teen mang thai trong Juno). Sau đó, bạn sẽ bắt đầu tìm kiếm: các nhân vật phù hợp để làm nổi bật tình huống truyện HOẶC một cốt truyện giúp bộ lộ toàn bộ những điểm thú vị trong nhân vật của bạn. Trong các ví dụ trên, các nhân vật đều được đặt trong một hoàn cảnh khá độc đáo và hấp dẫn. Tuy nhiên, tình huống truyện không thực sự thúc đẩy câu chuyện phát triển, mà chính là mục tiêu của nhân vật trong câu chuyện đó. Nếu như nhân vật chính của chúng ta không có một mục tiêu để theo đuổi, câu chuyện sẽ không thể tiến về phía trước, khán giả sẽ không có gì để ủng hộ và người đọc kịch bản của bạn sẽ chẳng có lý do gì để lật trang.

[quote]MỤC TIÊU BÊN NGOÀI – OUTER MOTIVATION[/quote]

Ở phần lớn các bộ phim Hollywood, những nhân vật chính đều có một mục tiêu để theo đuổi và đó đều là những mục tiêu nhìn thấy được. Hãy vào trang boxofficemojo.com và tìm xem top 10 bộ phim có doanh thu cao nhất 20 năm trở lại đây, bạn sẽ không tìm thấy được một bộ phim nào mà trong đó nhân vật chính không theo đuổi một mục tiêu được xác định rõ ràng. Hay nói cách khác, để củng cố yếu tố thương mại và tăng xác suất (kịch bản) được chọn bởi các nhà sản xuất phim truyền thống Hollywood, việc tạo ra một đích đến nhìn thấy được cho nhân vật của bạn là điều tối cần thiết. Khi ta xem phim Monster vs. Alien, ta sẽ dễ dàng tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra trên màn ảnh: người ngoài hành tinh sẽ chết hoặc bị bỏ tủ, con người hùng và những quái vật của chúng ta sẽ sống sót và chiến thắng. Dù không chắc bộ phim thật sự có kết thúc như vậy hay không, nhưng ít nhất chúng ta biết được chiến thắng trông như thế nào. Vạch đích nhìn thấy được này tôi gọi là mục tiêu bên ngoài (outer motivation) của nhân vật chính, bởi vì mục tiêu đó hiện lên rõ ràng trước mắt khán giả; nó không phải là những mong muốn trừu tượng bên trong như mong muốn được chấp nhận, được hoàn thành ước mơ. Nếu tôi bảo bằng rằng câu chuyện của tôi là câu chuyện về một người hùng muốn hoàn thành định mệnh của anh ta, bạn sẽ chẳng hình dung được chuyện gì sẽ xảy ra trên màn ảnh hay thành công của nhân vật chính cụ thể là gì và như thế nào. Nhưng nếu tôi bảo bạn: Slumdog Millionaire là bộ phim về một chàng trai muốn đoàn tụ với người yêu của anh ấy, cứu cô ấy khỏi bọn giang hồ, bây giờ bạn biết ngay lập tức bạn đang theo dõi điều gì. Và thật sự là việc đạt được mục tiêu bên ngoài này cũng chính là hoàn thành định mệnh của Jamal. Khi bạn biết được đích đến cuối cùng mà nhân vật đang nhắm tới cũng là lúc bạn xác định được bộ phim có nội dung gì. Một ý tưởng câu chuyện (story concept) tốt đều có thể được diễn tả một cách đơn giản như sau: Đây là một bộ phim về một __________________________ mong muốn __________________. Ví dụ: Đây là một bộ phim về một chàng trai chuyên viết thiệp mong muốn có được tình yêu của cô bạn đồng nghiệp (500 Days of Summer), hoặc Đây là một bộ phim về một nghị sĩ mong muốn người dân Afghans có thể chống lại quân Nga (Charlie Wilson’s War). Nguyên tắc này cũng được áp dụng cho các bộ phim truyền hình dài tập.

Tất cả những điều này nghe rất đơn giản, đúng không ? Chỉ cần cho nhân vật chính của bạn một mục tiêu hữu hình để anh ấy theo đuổi và bạn đã có một ý tưởng tốt cho câu chuyện của mình. Điều này rất đơn giản, nhưng để đạt được nó lại không hề dễ dàng. Ngay cả những biên kịch đầy kinh nghiệm cũng gặp khó khăn với nguyên tắc này từ lần này đến lần khác, mặc cho sự thật rằng đây là nguyên tắc rất cần thiết cho thành công về mặt thương mại của một kịch bản. Tại sao lại như vậy? Tại sao lại quá khó chấp nhận nó, trong khi người ta đã chứng minh được rằng đây là nguyên tắc xuất hiện thường xuyên trong các bộ phim công phá phòng vé trong vòng 50 năm trở lại đây? Câu trả lời là vì mục tiêu bên ngoài có tác dụng tăng thêm giá trị nghệ thuật cho bộ phim. Những điều thu hút ta, truyền cảm hứng cho ta, làm ta xúc động, thay đổi ta đến không đến từ nguyên tắc trên, mà đến từ những hành động trong phim, lời thoại, xung đột, sự biến đổi của nhân vật, sự độc đáo, cách kể chuyện, chủ đề và những chiêm nghiệm sâu sắc loài người. Và biên kịch chúng ta, chúng ta yêu cầu nhiều hơn là chỉ một ý tưởng phim thuần túy. Chúng ta muốn chạm đến khán giả một cách sâu và rộng, với những nhân vật đa chiều, những chủ đề khiến mọi người suy nghĩ, những cảm xúc mãnh liệt và những cảm nhận ý nghĩa về con người. Vì thế, chúng ta từ chối việc tiếp cận câu chuyện theo cách đơn giản: một nhân vật với một đích đến rõ ràng. Rất ít người sau khi xem xong bộ phim Good Will Hunting mà chỉ nói về mỗi việc Will theo đuổi Skylar, mặc dù đó là mục tiêu nền móng của bộ phim. Nhưng nếu không có mục tiêu hữu hình đó, bộ phim sẽ chỉ là một chuỗi những buổi điều trị không có đích đến. Vậy nên, cho dù mục tiêu bên ngoài của nhân vật chính, một mình nó, không thể tăng sức mạnh cho câu chuyện của bạn, nhưng không có nó bạn sẽ không có nền tảng để xây dựng nên câu chuyện và truyền tải ý tưởng của mình, không có gì để giữ khán giả trong rạp phim. Đương nhiên, điều này không đúng với tất cả bộ phim. Trong nhiều phim tiểu sử, phim độc lập hay phim nói tiếng nước ngoài như Ray, Precious, The Maid, nhân vật chính không có một đích đến cụ thể nào cả. Nhưng đây là những ngoại lệ, chúng ta sẽ nói sau. Trước mắt hãy bàn đến những yếu tố giúp làm nên một mục tiêu bên ngoài hiệu quả. Nắm được những điều này, bạn sẽ có thể nghĩ ra được những ý tưởng phim thú vị, đem đến những trải nghiệm cảm xúc tuyệt vời cho người xem:

1. Mục tiêu phải nhìn thấy được. Tôi sử dụng cụm từ mục tiêu bên ngoài là bởi vì nó rõ ràng, hiển nhiên với khán giả như khi họ xem nó diễn ra trên màn ảnh. Nó có thể là việc ngăn chặn kẻ xấu trong Air Force One, loạt phim Nhiệm vụ bất khả thi hay nhiệm vụ giải cứu binh nhì Ryan trong bộ phim cùng tên. Nhân vật chính trong các bộ phim đó phải hành động để đi đến mục tiêu của họ, chứ không thể nào đạt được chỉ thông qua lời thoại. Trong bộ phim In the Line of Fire, nhân vật chính của chúng ta mong muốn được sửa chữa sai lầm trong quá khứ. Nhưng điều này không tạo nên câu chuyện, nó chỉ là nguyên nhân sâu xa cho mục tiêu bên ngoài của anh ấy: ngăn chặn kẻ ám sát tổng thống. Ngay khi biết được mục tiêu bên ngoài, chúng ta sẽ đoán ngay được những hình ảnh sẽ xuất hiện trên màn hình. Và hình ảnh này phải giống nhau trong tưởng tượng của người nghe. Nếu như bạn nói với tôi, động cơ bên ngoài của nhân vật là trở thành huấn luyện viên thành công, tôi sẽ không biết chính xác rằng thành công của ông ấy trông như thế nào. Phim Remember the Titans là bộ phim về một huấn luyện viên mong muốn dẫn dắt đội bóng chiến thắng giải vô địch của bang. Bởi vì hình ảnh của trong đầu tôi về một vị huấn luyện viên cùng với đội bóng của ông ấy thắng trận chung kết và đoạt cup cũng sẽ giống hình ảnh tương tự trong hình dung của các bạn, đây chính là một ví dụ điển hình của một mục tiêu bên ngoài được xác định chuẩn xác.

2. Mục tiêu phải có một cột mốc cuối cùng rõ ràng. Khi bạn viết một kịch bản phim, có nghĩa là bạn đang đưa người đọc vào một chuyến phiêu lưu với đích đến rõ ràng. Hoặc hãy xem bộ phim của bạn như là một cuộc đua. Nhân vật chính của bạn cố gắng hết sức để về đích trên đường đua đó trước khi có một nhân vật nào đó cản bước họ. Nếu như bạn không cho khán giả biết vạch đích nằm ở đâu, vậy thì làm cách nào họ biết mình đang cổ vũ cho việc gì ? Làm cách nào họ biết khi nào bộ phim sẽ kết thúc mà không cần đợi đến lúc dòng credits hiện lên ?

3. Mục tiêu bên ngoài của nhân vật chỉnh phải vô cùng khó khăn. Nếu mục tiêu quá dễ dàng để đạt được – nếu đó không phải là điều khó nhất mà nhân vật chính từng trải qua – câu chuyện của bạn sẽ không tạo được đủ cảm xúc trong lòng khán giả hoặc nó sẽ không đủ giá trị giải trí.

4. Nhân vật chính phải theo đuổi mục tiêu của anh ấy cho đến cuối bộ phim. Mục tiêu của nhân vật chính sẽ chỉ được giải quyết khi phim đến đoạn cao trào (climax). Vì vậy đừng nghĩ đến nó như là mục tiêu ban đầu. Trong Rain Man, Charlie Babbitt muốn bắt cóc anh trai anh ấy. Đây là một mục tiêu hữu hình, có một hình ảnh rõ ràng. Nhưng mục tiêu này chỉ đưa ta đến giai đoạn (act) 2 của bộ phim mà thôi. Bộ phim sẽ không kết thúc cho đến khi nhân vật chính đạt được động cơ bên ngoài cuối cùng của anh ấy: lấy được ½ số tiền thừa kế của Raymond. Bắt cóc Raymonds chỉ là một phương tiện để dẫn anh ấy đến với cái đích cuối cùng của mình.

5. Nhân vật chính phải vô cùng mong muốn đạt được mục tiêu. Nếu nhân vật chính của bạn chỉ hơi hơi muốn đạt được mục tiêu của mình, thì làm sao bạn có thể mong chờ khán giả toàn tâm toàn ý quan tâm và ủng hộ anh ấy? Mục tiêu của Maximus trong Gladiator là hủy diệt tên bạo chúa, mục tiêu của Bat Man trong The Dark Knight là ngăn chặn Joker, tất cả đều là những mục tiêu mà các nhân vật bằng mọi giá muốn đạt được.

6. Nhân vật chính phải chủ động trên con đường đi đến mục tiêu. Nhân vật của bạn không thể chỉ đơn giản ngồi đó và nói về việc anh ta muốn có tiền, thành công và các cô gái đẹp. Nhân vật chính của bạn phải tự nắm quyền kiểm soát của đời anh ấy; dùng tất cả sức mạnh, sự dũng cảm, trí thông minh của anh ấy để ngăn chặn tên giết người hàng loạt hay chinh phục trái tim của cô gái trong buổi dạ hội. Nhân vật chính của bạn có thể thụ động lúc ban đầu, giống như trong Knocked Up hay 40-Year-Old-Virgin, nhưng không quá lâu, anh ấy sẽ phải khẳng định rằng “TÔI MUỐN NÓ!” và đứng lên theo đuổi mục tiêu của mình.

7. Mục tiêu phải nằm trong khả năng của nhân vật chính. Đừng bao giờ tạo ra một nhân vật chính mà trong đó cô ấy phải chờ người đến giải cứu, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu như cô ấy bị bắt bởi tên giết người hàng loạt, bị kẹt trong mỏ than hay bị đe dọa bởi khủng long… cô ấy không thể chỉ ngồi đó và chờ bạch mã hoàng tử đến cứu. Có một ngoại lệ cho nguyên tắc này là ở những bộ phim về tòa án, nơi mà thẩm phán hoặc bổi thẩm đoàn sẽ quyết định việc nhân vật chính của chúng ta sẽ thắng hay thua. Nhưng lưu ý rằng, trong những phim như A Few Good Men, A Time to Kill, hay Liar Liar, trước lời tuyên án vẫn là cảnh nhân vật chính đối đầu với nhân chứng phía phản diện, tiết lộ chứng cứ quyết định và đưa ra những lý lẽ hùng hồn để thay đổi cục diện phiên tòa.

8. Nhân vật của bạn phải bằng mọi giá, sử dụng tất cả những gì mình có để đạt được mục tiêu của mình. Nhân vật chính càng quyết tâm, càng dũng cảm trên con đường theo đuổi mục tiêu của mình thì sự thu hút của khán giả càng lớn và họ càng thỏa mãn khi anh ấy đạt được mục tiêu. Nguyên tắc này được áp dụng khá rõ trong những bộ phim như Star Trek, 3:10 to Yuma, hay National Treasure, nơi người hùng của chúng ta đánh cược mạng sống của mình để ngăn chặn kẻ xấu, để đào thoát hay dành được túi tiền. Điều này cũng đúng với các bộ phim tình cảm hoặc phim hài thành công. Trong các bộ phim như My Best Friend’s Wedding, Brokeback Mountain, và As Good As It Gets, nhân vật chính của ta phải đối mặt với những cảm xúc sâu xa nhất của họ: phơi bày bản thân trước sự từ chối, nỗi sợ hãi và cả nỗi đau.

Nghĩ về mục tiêu bên ngoài như một nền tảng mà trên đó câu chuyện của bạn được xây dựng. Từ nguyên tắc đơn giản nhưng rất hiệu quả này, chúng ta sẽ tạo ra thành cốt truyện, sự biến đổi nhân vật, chủ đề, lời thoại… phù hợp làm nên sự thành công cho kịch bản.

Biên dịch & biên tập: Cahu – RGB.vn
Nguồn: Writing Screenplays That Sell – Michael Hauge
Vui lòng hỏi ý kiến tác giả trước khi repost

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!