Gia Lộc: “Một chút minh họa để mình nhận ra nhiều trải nghiệm thú vị đến từ cuộc sống xung quanh”

Nguyễn Gia Lộc – một họa sĩ minh họa trẻ tuổi sinh năm 1995 và hiện đang sinh sống tại Sài Gòn, Lộc đã xây dựng và luyện tập cho mình một sự nghiệp vững chắc trong lĩnh vực vẽ quảng cáo và minh họa. Với hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghiệp quảng cáo và hoạt hình, Nguyễn Gia Lộc đã thể hiện được tài năng và sự sáng tạo của mình qua việc vẽ minh họa cho các công ty và studio uy tín. 

“Hành trình nghệ thuật” của Nguyễn Gia Lộc có thể kể từ thời trung học khi còn học trong trường nội trú. Anh tự mình vẽ truyện tranh để thỏa mãn niềm đam mê kể chuyện và tìm kiếm niềm vui trong sáng tạo. Ban đầu, Lộc coi việc vẽ là một sở thích tạm thời, nhưng với thời gian, anh nhận ra rằng nghệ thuật minh họa là niềm đam mê chân chính của mình.

Hành trình học tập của Lộc gặp không ít khó khăn. Anh đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ việc rớt trường đại học cho đến tìm đúng đam mê của mình. Tuy nhiên, Lộc không bỏ cuộc và quyết tâm theo đuổi đam mê vẽ minh họa. “Mình đã theo học tại trường Comic Media Academy để có kiến thức căn bản về hội họa, và dù chưa hoàn thành khóa học, mình đã bắt đầu sự nghiệp làm việc và không ngừng nỗ lực học hỏi để ngày càng hoàn thiện kỹ năng và phong cách cá nhân.

Một chút 01. Lộc thường vẽ tranh về những chủ đề gì và tại sao?

Mình nghĩ, người làm nghệ thuật cũng đều chia thành những giai đoạn sáng tác xoay quanh chủ đề mà họ hứng thú tìm tòi. Giai đoạn này thì mình đang nghiện ngắm người. Về những con người thầm lặng bên đời, không hào nhoáng, không sứ mệnh vĩ đại, họ đơn giản chỉ sống và vật lộn với những khó khăn thường nhật. Mình diễn tả những hoạt động của con người, được truyền cảm hứng từ văn hóa bản địa Việt Nam – nơi mình sinh sống với những câu chuyện đầy thú vị. 

Mình cảm thấy được bản thân có những trải nghiệm sống tốt trong công cuộc vẽ, mỗi lúc cách tập quan sát của mình được nâng cao, mình trau dồi thêm về cách kể chuyện một cách mới mẻ hơn từng ngày.

Một chút 02. Yếu tố nào ảnh hưởng đến quá trình sáng tác tranh của Lộc?

Là sự trung thực về thứ mình sáng tác, mình nghĩ ngày nay người xem rất tinh ý, họ sẽ nhận ra được một tác phẩm hời hợt và rập khuôn. Trước mắt là phải biết về chủ đề mình muốn sáng tác, có thể không hiểu tường tận nhưng phải làm nó đáng tin. Mình đang minh họa cuộc sống, không thể cứ ngồi một chỗ mà tưởng tượng ra được, không hiểu về thứ mình vẽ thì chỉ là những chắp vá từ những trí nhớ vụn vặt.

Một chút 03. Khi vẽ tranh anh thường làm gì không? (Nghe nhạc, xem phim hay ngồi ở nơi đông người chẳng hạn?)

Hay dừng giữa khi vẽ để đọc sách hoặc đi quanh quẩn đâu đó ngoài đường, có khi nhạt mồm thì đi uống, chả vì mục đích gì cả, chỉ để đầu óc không mãi sa đà vào một thứ mà quên mất tổng thể.

Một chút 04. Nội dung tranh của anh là gì? Điều anh muốn truyền tải đến người xem là gì?

Về những cung bậc trong cuộc sống. Mình không muốn nhuốm hồng thực tại khi mãi vẽ những thứ dễ thương, vui tươi nhưng cũng không nỡ căm ghét ai tới nỗi mà vẽ một cách lên lớp, kể lể.

Một chút 05. Anh có suy nghĩ / cảm xúc gì sau khi hoàn thành những  tác phẩm của mình?

Thế đấy, lại xong một câu chuyện rồi. Để xem tiếp theo nên kể về việc gì đây…? Hay là rủ tụi bạn đi uống để khuây khỏa đầu óc, biết đâu lại được nghe chia sẻ thứ gì hay ho.                                                                          

Một chút 06. Dự án kỷ niệm nhất của anh?

Là bức tranh “Một vụ ăn tươi”. Ý định sáng tác bức tranh này là từ những lời tâm sự với một người em cách đây đã lâu, về việc lúc nhỏ em đã bị xâm hại tình dục, về những uất ức mà khi em đã cầu xin sự giúp đỡ của gia đình nhưng bị phớt lờ. Hiện em đã sống vui vẻ hơn và đồng ý để mình nhắc tới câu chuyện của em trong bài chia sẻ này, sẽ không đi vào cụ thể do đây là những chuyện riêng tư cuộc sống của em. 

Ý tưởng ban đầu mình muốn vẽ cụ thể hơn lúc này, là hình ảnh những người đàn ông đang ngồi ăn uống phủ phê trên bàn tiệc tràn ngập cao lương mỹ vị nhưng họ chỉ chọn ăn mỗi món hột vịt lộn. Sau thì do thấy đây là một chủ đề nhạy cảm nên mình muốn dùng một hình ảnh mang tính biểu tượng hơn, không lộ rõ chân tướng nhưng vẫn nói lên được địa vị, tầng lớp của họ. Hình ảnh của những bàn tay là hành động kích dục, những món trang sức giúp nói lên tầng lớp, địa vị của mỗi người trong xã hội.

Một chút 06. Anh nghĩ sao về việc sáng tạo nguyên bản?

Dạo gần đây, mình không còn xem tranh của nhiều họa sĩ khác nữa, chỉ tập trung sáng tác và sống thôi. Lúc chưa biết vẽ để làm gì, mình vẽ đủ thứ từ chibi đến anime, thấy gì nhìn thấy khoái thì bắt chước. Mãi sau, khi đã biết mục đích sáng tác và điều mình muốn làm hoặc truyền tải cho mọi người thì mình chọn lọc những thứ mà mình xem lại. Bù lại thì mình đọc sách nhiều hơn, cảm thấy việc đọc rồi tự tưởng tượng ra hình ảnh sẽ tốt hơn nhiều.

Một chút 07. Điều gì làm anh trăn trở trong việc làm sáng tạo (vẽ vời)?

“Mình không thể cứ sáng tác cho vui được”. Những thứ vẽ cho vui, vẽ để thư giãn đầu óc thì chỉ giữ để tự xem. Những khi không vẽ sáng tác thì mình vẽ vì công việc, để kiếm thu nhập. Thời gian sáng tác trong đời mỗi người luôn có hạn nên nếu thấy nó không hay ho hoặc không cần thiết thì mình chỉ tạm ngừng sáng tác để tìm tòi chứ không thật sự ngừng vẽ.

Thực hiện bởi Lê Quan Thuận

Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật!