Thế chiến thứ II đã mãi mãi thay đổi lịch sử nhân loại. Ảnh hưởng của người Mỹ lên Nhật Bản trong thời hậu chiến đã mãi mãi thay đổi nền điện ảnh thế giới.
Dành cho các “tín đồ” của phim ảnh, những ai yêu xem phim và thích làm phim – Just4Film là một góc nhỏ để cùng tỉ tê đủ chuyện trên đời về loại hình nghệ thuật này. Đón theo dõi chuyên mục vào mỗi thứ 4 hàng tuần và cùng chia sẻ những kiến thức thú vị trong ngành phim ảnh. Đóng góp bài viết của bạn đến just4film@rgb.vn.
Hơn 70 năm trước, ngày 2/9/1945, Nhật Bản chính thức đầu hàng Hoa Kỳ. Sự đầu hàng của Nhật cũng đồng thời kết thúc cuộc chiến tranh thế giới thứ II. Từ đó, bắt đầu quá trình ảnh hưởng của người Mỹ lên nền văn hóa Nhật Bản. Trong giai đoạn tái thiết, Nhật Bản trở thành cường quốc dẫn đầu trong công nghệ và nghệ thuật. Những ảnh hưởng này vẫn còn được cảm nhận rõ cho đến ngày nay.
[quote]ĐIỆN ẢNH NHẬT BẢN TRƯỚC THẾ CHIẾN THỨ II[/quote]
Ngành làm phim Nhật Bản bắt đầu từ năm 1897, khi người quay phim làm việc cho anh em nhà Lumière ghi lại những thước phim về Tokyo. Tuy phim ảnh là một điều mới mẻ với văn hóa Nhật ở thời điểm đó, người Nhật thật ra không xa lạ với những khung hình chuyện động. Người Hà Lan đã giới thiệu máy chiếu cho người Nhật từ thế kỷ thứ 18 và nó trở nên đặc biệt phổ biến trên khắp các phố phường.
Người Nhật đã sử dụng nhiều máy chiếu để tạo nên những rạp chiếu kinh dị. Sử dụng công nghệ chiếu sau, họ tạo nên những bóng đổ có dạng xương người, ma quỷ và quái vật. Không có gì ngạc nhiên khi những phim thời kỳ đầu của Nhật tập trung xoay quanh những câu chuyện ma quái.
Đầu những năm 1900, những rạp chiếu ở Nhật sẽ chiếu hình ảnh lên màn hình và có người kể chuyện kèm theo. Người kể chuyện cho những thước phim câm này được gọi là benshi. Benshi sẽ giới thiệu về bộ phim hoặc đọc lời thoại cho nhân vật. Kỷ nguyên phim câm kết thúc ở Hollywood vào thập niên 1920 và được thay thế bởi thể loại phim nói (talkie). Tuy nhiên, ở Nhật Bản dòng phim này kéo dài đến tận những năm 1930, một phần là vì mức độ phổ biến của các benshi trong nền văn hóa Nhật.
Các bộ phim về samurai cũng rất ăn khách trong thời kỳ này. Những phim này có bối cảnh lịch sử cụ thể và nhân vật chính thường là những phản anh hùng nổi loạn. Nổi tiếng nhất với thể loại này là hai vị đạo diễn Daisuke Ito và Masahiro Makino. Các bộ phim Samurai nhịp điệu nhanh của họ thường được so sánh với nhịp của những điệu nhảy. Phim của họ không chỉ được đánh giá cao bởi giới phê bình mà còn được yêu thích rộng rãi trong công chúng.
Đến khoảng đầu những năm 1930, chính phủ Nhật Bản can thiệp sâu hơn đến nền điện ảnh, ra lệnh tăng cường sản xuất các bộ phim tài liệu tuyên truyền, học tập mô hình của Đức. Tại Đức, những phim tài liệu này đã là một trong những nhân tố chính góp phần giúp chế độ Đức Quốc xã lớn mạnh.
[quote]CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ II[/quote]
Mặc dù trên lý thuyết, chiến tranh thế giới thứ II chính thức bắt đầu khi quân đội Đức đánh Ba Lan năm 1939, Nhật Bản đã bắt đầu cuộc chiến với Trung Quốc từ trước đó vào tháng 7/1937. Quân đội Nhật nhanh chóng kiểm soát Bắc Kinh và đến tháng 12/1937 họ đã chiếm luôn Nam Kinh.
Trong giai đoạn này, chính phủ Nhật Bản yêu cầu tăng cường hơn nữa các phim tuyên truyền, những bộ phim thể hiện sức mạnh, thanh thế của quân đội Nhật Hoàng. Chính phủ Nhật Bản kiểm soát toàn bộ các vấn đề quốc nội, từ giáo dục, sức khỏe, thông tin, tin tức, quảng bá, những sự kiện công chúng và cả điện ảnh.
Các đạo diễn không được phép làm mích lòng nhà cầm quyền và quân đội. Họ được chỉ đạo không được phép “phóng đại các hình ảnh chiến tranh với cách diễn tả phi thực tế.” Những phim làm trái đều bị cắt hoặc cấm phát hành.
Cần biết rằng cuộc tấn công của quân đội Nhật Bản ngày 7/12/1941 vào quân đội Mỹ tại Trân Châu Cảng đã chọc giận người Mỹ và khiến họ chính thức tham chiến. Cuộc chiến cuối cùng kết thúc với hai quả bom nguyên tử vào Hiroshima và Nagasaki tháng 8/1945. Ngày 2/9/1945, quân đội Nhật đầu hàng.
Trong thời chiến, chính sự yếu kém về kinh tế và tỉ lệ người thất nghiệp tăng cao đã khiến cho nền điện ảnh Nhật phải chịu đựng. Hầu hết các phim đều tập trung vào chủ đề chiến tranh, như The War at Sea from Hawaii to Malaya của Kajiro. Bộ phim mô tả thực cuộc tấn công Trân Châu Cảng, với kỹ xảo điện ảnh được làm bởi Eiji Tsuburaya – người đã tỉ mỉ làm một mô hình thu nhỏ hoàn hảo của Trân Châu Cảng.
[quote]MỸ TIẾN VÀO NHẬT BẢN[/quote]
Trong những năm tiếp theo, tướng Mỹ lúc đó là Douglas MacArthur nhận nhiệm vụ viết lại hiến pháp Nhật Bản và phi quân sự hóa đất nước này. Nhật Bản chính thức xóa bỏ hiến pháp Minh trị, hiến pháp mới được thay thế được sử dụng đến ngày nay.
Trong thời kỳ tái thiết, MacArthur cũng tìm cách để chống lại sự tuyên truyền trong điện ảnh Nhật Bản. Công cuộc khai phóng được mở ra, các hãng phim Hollywood chiếu phim Mỹ trên khắp Nhật Bản, hơn 600 bộ phim đã được phát hành. Mục đích là để giới thiệu nước Mỹ như một hình mẫu về chính trị, xã hội, văn hóa cho người Nhật.
Các bộ phim thành công ở phòng vé, Nhật Bản trở thành thị trường chính của giới làm phim Mỹ. Trong khi các bộ phim Mỹ được trình chiếu tự do trên khắp nước Nhật thì ngược lại phim Nhật vẫn bị lực lượng quân đội kiểm soát và kiểm duyệt vô cùng gắt gao. Ưu tiên hàng đầu là tôn lên những chuẩn mực Mỹ, và những góc nhìn khác đều bị kiềm hãm.
Đáng lưu ý rằng tướng MacArthur đã nhờ đến sự trợ giúp của W. Edward Deming trong nỗ lực tái thiết. Deming, lúc này đang phụ trách trong lĩnh vực dân số, đã chia sẻ những kinh nghiệm của ông trong công nghệ kiểm soát chất lượng. Deming đã huấn luyện các kỹ sư, nhà quản lý, và các học giả về quy trình kiểm soát và khái niệm về chất lượng. Trong số những người được huấn luyện có Akio Morita, sau này chính là người sáng lập hãng Sony.
[quote]AKIRA KUROSAWA[/quote]
Đạo diễn người Nhật nổi tiếng nhất mọi thời đại hoạt động rất mạnh trong thời kỳ này. Sinh năm 1910, Akira Kurasawa đã tham gia vào cuộc cách mạng không chỉ của điện ảnh Nhật, mà còn là của cả nền điện ảnh thế giới.
Akira thật ra không phải là người nhà Kurosawa đầu tiên làm trong ngành công nghiệp điện ảnh. Người anh lớn của ông, Heigo Kurosawa, là một benshi có tiếng. Khi việc đọc thoại cho phim hết thời vào thập niên 1930, Heigo mất việc làm. Vào tháng 7/1933, ông tự sát. Cái chết của ông đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của Akira Kurosawa. Vị đạo diễn đã có lần nói về chuyện này trong cuốn sách của mình, Something like an Autobiography, chương “Có một câu chuyện tôi không muốn kể.”
2 năm sau khi Heigo chết, Akira bỏ công việc là một họa sĩ và đặt chân vào ngành công nghiệp làm phim. Ông nộp đơn xin vào hãng phim Photo Chemical Laboratories (PCL), sau này trở thành hãng phim lớn, Toho. Tại đây, ông đã tìm được người thầy cho mình, Kajiro Yamamoto. Kurosawa nhanh chóng trở thành trợ lý đạo diễn cho rất nhiều dự án của Yamamoto. Ở đó, ông học được rằng để trở thành một đạo diễn giỏi thì bắt buộc phải là một biên kịch giỏi. Ông sau này đã (đồng) viết kịch bản tất cả các phim của mình.
Năm 1942, một cuốn tiểu thuyết về judo do Tsuneo Tomita viết được xuất bản. Kurosawa đọc cuốn này một lần duy nhất và ngay lập tức yêu cầu Toho mua quyền làm phim. Trực giác của ông đã đúng, rất nhanh sau đó nhiều công ty đã cạnh tranh nhau để mua bản quyền tác phẩm. Toho nắm được quyền làm phim và Kurosawa có bộ phim hành động đầu tay của mình trong vai trò đạo diễn năm 1943 với phim Sanshiro Sugata.
Việc phát hành bộ phim gặp vô số thử thách khi bộ kiểm duyệt Nhật bản cho rằng nó quá “Tây”. Đạo diễn Yasujiro Ozu đã can thiệp và nhờ sự giúp đỡ của ông Sanshiro Sugata cuối cùng đã được phép công chiếu. Phim thành công rực rỡ. Sau đó, Kurosawa đã bị ép buộc làm phần hai cho bộ phim, Zoku Sugata Sanshiro. Phần tiếp theo này rõ ràng là một bộ phim tuyên truyền và được cho là một trong những phim tệ nhất của Kurosawa.
Năm 1945, Kurosawa nhắm đến việc làm những bộ phim thân thiện hơn với kiểm duyệt. Ông làm The Men Who Tread on the Tiger’s Tail. Dựa vào vở kịch Janjincho, bộ phim đã không thể hoàn thành cho đến tháng 9 năm 1945. Thời điểm này, người Mỹ đã bắt đầu chiếm đóng Nhật Bản. Phía Mỹ cho rằng bộ phim mang quá nhiều tính chất thù hận và cấm phát hành. Nó không được phát hành cho đến tận năm 1952. Trớ trêu là trong lúc sản xuất, các nhà kiểm duyệt Nhật Bản lại cho rằng nó quá Tây phương.
Năm 1948, Kurosawa cast diễn viên vô danh Toshiro Mifune vào vai chính cho bộ phim Drunken Angel. Mặc dù bộ phim bị kiểm duyệt và buộc phải chỉnh lại kịch bản, Kurosawa cảm thấy rằng đây là một trong những bộ phim cho ông nhiều tự do nhất. Tạp chí Kinema Junoi sếp hạng bộ phim là một trong những phim hay nhất năm.
Năm 1950, Kurosawa mở ra thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Nhật Bản. Ông đạo diễn bộ phim Rashomon. Khi phim lần đầu được ra mắt ở Nhật, nó chỉ đạt được thành công ở mức vừa phải. Sau đó, bộ phim được đưa đến liên hoan phim Venice và đã ẵm luôn giải Sư tử vàng, giải thưởng danh giá nhất của liên hoan phim.
Rashomon thể hiện tài hoa của Kurosawa ở vai trò đạo diễn. Ông đã vận dụng kỹ thuật làm phim của phương Tây, những tác phẩm của Shakespeare và tiểu thuyết lá cải của Mỹ. Bằng cách kết hợp những yếu tố đó với nền văn hóa phương Đông, những tác phẩm của Kurosawa đã vươn ra khỏi phong cách Nhật Bản truyền thống. Không như Ozu và Mizoguchi, các tác phẩm của ông có khán giả quốc tế, một trong những điều khiến ông trở thành một nhà làm phim huyền thoại.
[quote]ĐIỆN ẢNH NHẬT BẢN THỜI HOÀNG KIM[/quote]
Kurosawa không chỉ mở ra kỷ nguyên hoàng kim của điện ảnh Nhật, ông còn tiếp tục tạo ra những tác phẩm để đời khác trong thời kỳ này. Ông làm phim Seven Samurai, chuyển thể vở kịch Macbeth của Shakespeare thành Throne of Blood và phát hành The Hidden Fortress. Thập niên 1960, Kurosawa tiếp tục với Yojimbo và Red Beard. Tất cả những phim này đều thành công trên trường quốc tế và có ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ các nhà làm phim sau này.
Nhật Bản thời hậu chiến tranh vẫn còn chịu ảnh hưởng của bom nguyên tử. Những vụ thử hạt nhân gây ra nỗi sợ hãi cao trong dân chúng. Điển hình là cuộc thử hạt nhân tại Thái Bình Dương năm 1954 đã gây ra những cơn bão phóng xạ ở Nhật Bản; một chiếc tàu đánh cá Nhật Bản đã trở thành nạn nhân của những bức xạ nguyên tử này. Những nhà làm phim Nhật, như Kurosawa, đã tập trung vào chủ đề ảnh hưởng của phóng xạ hạt nhân. Nó trở thành một thể loại phim mới mà các nhà làm phim theo đuổi.
Dựa trên những phóng dụ về bom nguyên tử, hãng phim Toho đã tạo ra một trong những biểu tượng văn hóa trong lịch sử điện ảnh. Hãng đã sản xuất bộ phim quái thú (kaiju) Godzilla đầu tiên trên thế giới. Godzilla được đạo diễn bởi Ishiro Honda, một người bạn của Kurosawa, và được Eiji Tsuburaya làm kỹ xảo, người đã được đề cập ở bên trên với mô hình Trân Châu Cảng thu nhỏ trong phim của Yamamoto. Bộ phim đã kéo theo sự ra đời của hàng loạt các phần tiếp theo những năm sau đó.
Toho đã gần như phá sản năm 1954, vì họ sản xuất đồng thời Seven Samurai của Kurosawa và Gozilla. Cả hai phim đều nhận được đề cử phim hay nhất của Viện hàn lâm điện ảnh Nhật. Seven Samurai là phim chiến thắng.
Cũng trong giai đoạn này, ta có phim Tokyo Story của Yasujiro Ozu, được coi là tuyệt phẩm của Ozu, luôn luôn xếp thứ hạng cao trong bảng xếp hạng những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Hiroshi Inagaki thắng giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất cho phim Samurai I: Musashi Miyamoto và một giải Sư tử vàng cho phim Rickshaw Man. Phim The Burmese Harp của Kon Ichikawa được đề cử phim nước ngoài hay nhất và Kenji Mizoguchi giành giải Gấu bạc với phim Ugetsu.
[quote]ẢNH HƯỞNG CỦA NHẬT LÊN HOLLYWOOD[/quote]
Những phim ở thời kỳ hoàng kim đã thực sự ảnh hưởng đến nhiều thế hệ các nhà làm phim trong suốt 50 năm qua, nhiều đạo diễn không che giấu rằng phim của họ được lấy cảm hứng rất nhiều từ những phim của Nhật trong giai đoạn này.
Không chỉ riêng điện ảnh, công trình của W. Edward Deming trong lĩnh lực kiểm soát chất lượng đã tạo ra những đế chế như Sony và Toyota. Quy trình làm việc của họ đã ảnh hưởng đến Ed Catmull, chủ tịch của Pixar Animation và Disney Animation. Catmull đã nói rằng quy trình làm việc của người Nhật cho phép từng cá nhân nêu lên ý kiến quan ngại và đề xuất của họ, việc áp dụng điều này đã làm nên thành công ban đầu của Pixar.
Các phim của Akira Kurosawa là phim được làm lại (remake) nhiều nhất, thường là ở thể loại cao bồi viễn tây. Seven Samurai đã được chuyển thành The Magnificent Seven. Đạo diễn Sergio Leone khi làm phim A Fisful of Dollars đã học tập rất nhiều từ cách lấy bố cục của Kurosawa. George Lucas đã nói rằng The Hidden Fortress chính là nguồn cảm hứng lớn cho ông khi làm loạt phim Star Wars nổi tiếng.
Francis Coppola đã nói về Kurosawa như sau, “Điều khác biệt giữa ông và những người khác đó là ông không chỉ làm được một hay hai tuyệt phẩm. Ông đã làm, bạn biết đấy, tám tuyệt phẩm.” Cả Speilberg và Scorsese đều tôn ông là thầy và là hình mẫu trong sự nghiệp làm phim. Steven Spielberg kể: “Tôi học được từ ông ấy nhiều hơn từ tất cả những nhà làm phim trên trái đất này cộng lại,” còn Scorsese thì nói, “Để tôi nói đơn giản thế này: Akira Kurosawa là thầy tôi, và là thầy của rất nhiều nhà làm phim khác sau này.”
Điện ảnh Nhật đã đặt những viên gạch vững chắc của họ lên bức tường điện ảnh thế giới và những giá trị đó sẽ còn mãi.
Để lại đánh giá