Just4Film #6: Các nhà làm phim đã dùng âm nhạc “giật dây” cảm xúc của bạn như thế nào ?

Âm nhạc, âm thanh là một yếu tố quan trọng dẫn dắt cảm xúc của khán giả trong một bộ phim. Nhà soạn nhạc Neil Brand, host của chương trình NHỮNG ĐOẠN NHẠC LÀM NÊN BỘ PHIM của đài BBC Four tin rằng các giác quan của ta trở nên nhạy bén hơn khi ta bước vào rạp phim. “Bóng tối, người lạ, những dự đoán và chiếc ghế ngồi ấm áp thoải mái. Chúng ta đã sẵn sàng tất cả để trải nghiệm một chuyến hành trình cảm xúc,” ông nói, “và giây phút tiếng nhạc vang lên, cũng chính là lúc chúng ta khởi hành.”

rgb_creative_design_just4film_music_cinema

Dành cho các “tín đồ” của phim ảnh, những ai yêu xem phim và thích làm phim – Just4Film là một góc nhỏ để cùng tỉ tê đủ chuyện trên đời về loại hình nghệ thuật này. Đón theo dõi chuyên mục vào mỗi thứ 4 hàng tuần và cùng chia sẻ những kiến thức thú vị trong ngành phim ảnh. Đóng góp bài viết của bạn đến just4film@rgb.vn.

Vào năm 1939, nữ hoàng melodrama của Hollywood, Bette Davis đóng chính trong phim Dark Victory – một câu chuyện bi kịch về một người phụ nữ giàu có đang chết dần vì căn bệnh ung thư não.

Khán giả biết rằng cái chết sẽ đến rất nhanh sau khi cô ấy mất đi thị giác. Trong đoạn cao trào, nhân vật của cô bắt đầu loạng choạng và cô bước chậm từng bước lên chiếc cầu thang lớn.

Davis chắc chắn đây sẽ chính là cảnh mấu chốt để cô giành lấy tượng vàng Oscar lần thứ 3 cho mình.

Cô hỏi đạo diễn, “Ai là người làm nhạc cho phim này?” và được trả lời rằng đó chính là nhà soạn nhạc thiên tài Max Steiner.

Steiner là người đã soạn đoạn nhạc kinh điển cho phim King Kong 1933. Đó là đoạn nhạc phim hoàn chỉnh đầu tiên của Hollywood, cũng chính là đoạn nhạc đã khiến khán giả cảm thấy thương cảm cho số phận của một con tinh tinh bằng nhựa.

Davis là một người phụ nữ khôn ngoan. Cô đương nhiên hiểu được giá trị của một đoạn nhạc phim, nhưng đồng thời cũng sợ rằng sự xuất sắc của nó có thể che mờ màn trình diễn của mình.

[quote]PHÓNG ĐẠI CÁC GIÁC QUAN[/quote]

“Này,” cô nói, “hoặc là tôi leo lên chiếc cầu thang kia hoặc là Max Steiner, nhưng cả hai không thể lên cùng nhau.”

Ý kiến của Davis bị lờ đi và cảnh đó đem về hai đề cử Oscar cho bộ phim. Một cho cô và một cho Steiner.

Điều này minh chứng cho tầm quan trọng của âm nhạc trong phim, và sức mạnh mà một bản nhạc phim có thể tác động đến khán giả của mình.

Nhà soạn nhạc Neil Brand, host của chương trình NHỮNG ĐOẠN NHẠC LÀM NÊN BỘ PHIM của đài BBC Four tin rằng các giác quan của ta trở nên nhạy bén hơn khi ta bước vào rạp phim.

“Bóng tối, người lạ, những dự đoán và chiếc ghế ngồi ấm áp thoải mái. Chúng ta đã sẵn sàng tất cả để trải nghiệm một chuyến hành trình cảm xúc,” ông nói, “và giây phút tiếng nhạc vang lên, cũng chính là lúc chúng ta khởi hành.”

“Con người chúng ta rất giỏi trong việc phân tích âm thanh. Ngay từ thời tiền sử, khi tổ tiên ta chỉ cần nghe tiếng cành gãy trong rừng là sẽ ngay lập tức nghĩ rằng ‘thế đấy, xong đời rồi’.”

“Chúng ta có thể cảm nhận âm nhạc ở một tầng rất sâu, và những cảm nhận đó mang tính vật lý,” Brand nói thêm.

“Chúng ta cảm thấy các sóng âm đi vào tai mình và nó có thể tạo ra những phản ứng vật lý, trong một hoàn cảnh thích hợp nào đó có thể giống như một cú thịch vào dạ dày.”

[quote]ÂM THANH CỦA NỖI SỢ[/quote]

Ví dụ đơn giản nhất có thể được tìm thấy trong các bộ phim giật gân kinh dị, với những tiếng rít nghịch tai làm chúng ta trong tiềm thức liên tưởng đến một con mồi ở vào thế nguy hiểm.

Trong một nghiên cứu năm 2010 của đại học California, kết quả cho thấy con người vô cùng nhạy cảm với những âm thanh báo động phi tuyến tính, như tiếng loài chuột chũi tạo ra để báo động cho nhau về kẻ thù. Và các nhà làm nhạc đã tận dụng điều này để tạo cảm giác hồi hộp, lo lắng cho khán giả.

Trong những phim như Psycho của Hitchcock, tiếng bộ dây căng rít và tiếng kèn đồng chói tai được mô phỏng theo âm thanh của nỗi sợ hãi ngoài thiên nhiên.

Đối với những khán giả thích những đoạn nhạc phim lãng mạn, một nghiên cứu của đại học McGill, Canada năm 2011 chi cho ta thấy cơ chế thần kinh tại sao con người lại cảm thấy nổi da gà với những đoạn nhạc hay.

Không chỉ đơn thuần là những trải nghiệm bằng tai, những hình ảnh scan cho thấy vùng não nhạy cảm với âm nhạc cũng là vùng được liên kết với các kích thích hưng phấn khác như đồ ăn, sex và thuốc phiện.

[quote]NHỮNG SIÊU RUNG ĐỘNG[/quote]

Nhà khoa học Philip Ball, tác giả của cuốn The Music Instinct, cho rằng những bản nhạc có thể tạo ra những phản ứng giống nhau trong chúng ta, cho dù là hay hay dở.

“Phản ứng của chúng ta với những tiếng động cụ thể là những điều thuộc tầng sâu bên trong mà chúng ta có muốn cũng không thể dập tắt được,” ông nói.

“Những nhà làm âm thanh cho phim hiểu điều đó và sử dụng nó như một lối tắt, bỏ qua phần lý trí của não bộ, và tiến thẳng đến trung tâm cảm xúc.”

Một số nhà làm phim hiện tại đang sử dụng sóng hạ âm (infrasound) để kích hoạt nỗi sợ bên trong khán giả. Những sóng bass và rung động này có tần số thấp hơn rất nhiều so với dải tần số nghe được của tai người.

Mặc dù chúng ta không thể nghe thấy sóng hạ âm, nó được chứng minh là khiến ta cảm thấy lo lắng, hồi hộp, tim đập nhanh và run lẩy bẩy.

Sóng hạ âm xuất phát trong tự nhiên thường gắn với những nơi có “các hoạt động siêu nhiên”, cũng như được thường xuất hiện khi xảy ra các thảm họa tự nhiên như bão tố và động đất.

Nhà sản xuất của phim tâm lý kinh dị Pháp Irreversible (2002) thừa nhận đã sử dụng kỹ thuật này.

Các khán giả đã nói rằng họ cảm thấy mất phương hướng và muốn bệnh sau khoảng nửa giờ nghe sóng hạ âm, được trải ra trước phân đoạn gây sốc nhất trong phim.

Trong phim Paranormal Activity (2007), người xem bảo là họ cảm nhận một mức độ sợ hãi cao, mặc cho việc thiếu vắng những cảnh hành động kinh dị trên màn ảnh. Người ta tin rằng điều này được gây ra bởi việc sử dụng các sóng âm tần số thấp.

“Nó không ảnh hưởng đến tất cả như nhau,” Ball nói thêm, “nhưng rất có thể trong tương lai, chúng ta sẽ cảm nhận được nó nhiều hơn.”

[quote]VÀI CÂU CHUYỆN VỀ CÁCH SỬ DỤNG ÂM THANH ÂM NHẠC TRONG PHIM[/quote]

The Godfather – 1972

Nino Rota viết bản soundtrack nổi tiếng cho phim, nhưng kỳ lạ là lại không có một tiếng nhạc nào trong cảnh kinh điển tại nhà hàng. Khi Michael Corleone bắn chết kẻ thù của bố anh ta, nhà dựng phim Walter Murch đã nhấn mạnh thêm cảm giác sợ hãi bằng tiếng hú của đoàn tàu.

Psycho – 1960

Alfred Hitchcock ban đầu chỉ đạo nhà soạn nhạc Bernard Hermann không làm nhạc cho cảnh nhà tắm kinh điển. Nhưng Herrmann không nghe và đã viết một đoạn nhạc với những nốt chói tai, bất thình lình gợi cảm giác của loài thú đang gầm rú. Hitchcock, sau đó, dĩ nhiên đã thay đổi chủ ý ban đầu của mình.

Bullitt – 1968

Nhà soạn nhạc Lalo Schifrin từ chối viết nhạc cho cảnh truy đuổi dài 10 phút trên đường phố San Fransisco của đạo diễn Steve McQueen. Ông ấy cho rằng không cần thiết phải có một đoạn nhạc, chỉ những tiếng lốp xe ma sát trên đường và tiếng ầm ầm của động cơ cũng đủ để làm tốt nhiệm vụ của mình. Schifrin được tán thưởng nhờ kỹ thuật thiết kế âm thanh thiên tài cho phân đoạn này của bộ phim.

A Streetcar Named Desire – 1951

Bộ phim tâm lý chính kịch đầu tiên của Hollywood có nhạc phim hoàn toàn thuộc dòng nhạc jazz, tuy nhiên ban đầu tính nhục cảm quá mạnh trong những bản nhạc đã làm cho các nhà kiểm duyệt giận dữ. Nhà soạn nhạc Alex North đã bị buộc phải điều chỉnh lại cho nhẹ đi.

Taxi Driver – 1976

Bernard Herrmann ban đầu từ chối đọc kịch bản và bảo với đạo Martin Scorsese rằng: “Tôi không muốn làm cho một bộ phim về những anh tài xế.” Nhưng rồi ông đổi ý, và sau này những tiếng gõ ấn tượng cùng với tiếng saxophone dịu nhẹ do ông soạn ra đã góp một phần không nhỏ vào thành công của bộ phim.

Biên dịch & biên tập: Cahu – RGB.vn
Theo BBC