5 bài test nhỏ về sự sáng tạo

Bạn sáng tạo đến mức nào? Hãy cùng khám phá bằng cách thực hiện một vài bài kiểm tra nhanh mà các nhà tâm lý học đã sử dụng để nghiên cứu sự sáng tạo trong nhiều thập kỷ qua.

Bị cuốn hút bởi sự sáng tạo và cách bộ óc con người hoạt động, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng mọi thứ từ việc uống rượu, đi chơi, hay thậm chí việc đảo mắt từ bên này sang bên kia cũng có thể khiến bạn sáng tạo hơn.  Tuy nhiên, điều đặc biệt thú vị là hầu hết các nghiên cứu này chỉ dựa vào một nhóm nhỏ các bài kiểm tra sáng tạo cốt lõi – và bạn không cần bất kỳ thiết bị phòng thí nghiệm đặc biệt nào để thực hiện chúng.

 Dưới đây là 05 thử thách sáng tạo được sử dụng phổ biến nhất để bạn tự kiểm tra. Mặc dù “thí nghiệm” sáng tạo này không chính xác tuyệt đối như nghiên cứu khoa học, nhưng nó có thể mang lại cái nhìn sâu sắc về thời điểm, địa điểm và cách khiến bạn sáng tạo nhất.  Hoặc chí ít thì cũng để cho vui bạn nhé.

1. Alternative Uses

 Được phát triển bởi J.P. Guilford vào năm 1967, bài kiểm tra này mở rộng tối đa khả năng sáng tạo của bạn bằng cách cho bạn hai phút để nghĩ ra càng nhiều cách sử dụng càng tốt cho một vật dụng hàng ngày như ghế, cốc cà phê hoặc gạch.  Sau đây là một số ví dụ về những công dụng của kẹp giấy:

  • Kẹp giấy tờ lại với nhau
  • Làm khuy manchettes
  • Làm hoa tai
  • Dùng làm kèn mini-trombone giả
  • Dùng để nhấn nút khởi động lại trên cục phát wifi
  • Giữ tai nghe không bị rối
  • Đánh dấu trang sách

Bài kiểm tra này có thể đo được bốn mức độ suy nghĩ theo các mục nhỏ sau:

  • Sự lưu loát – xem bạn có thể suy nghĩ được bao nhiêu công dụng
  • Tính độc đáo – mức độ không phổ biến của vật dụng mà bạn nghĩ ra được (ví dụ: “khởi động lại cục phát wifi” được cho là độc đáo hơn “kẹp giấy tờ lại với nhau”)
  • Tính linh hoạt – câu trả lời của bạn bao gồm bao nhiêu lĩnh vực (ví dụ: “khuy manchettes” và “hoa tai” đều là phụ kiện, gọi chung là một lĩnh vực)
  • Sự tỉ mỉ – mức độ chi tiết trong các câu trả lời; “giữ tai nghe không bị rối” sẽ có giá trị cao hơn “đánh dấu trang sách”

Được rồi! Bây giờ hãy “khởi động” một chút nào: Bạn có thể nghĩ ra bao nhiêu công dụng của một chiếc muỗng? Hai phút! Bắt đầu!

2. Incomplete Figure

Được phát triển vào những năm 60 bởi nhà tâm lý học Ellis Paul Torrance, bài kiểm tra tư duy sáng tạo (TDST) đã tìm cách xác định một phương án thay thế theo định hướng sáng tạo để kiểm tra IQ.  Một trong những dấu ấn mang tính biểu tượng nhất của TDST là bài kiểm tra Incomplete Figure, một thử thách vẽ giống như một trò chơi nối hình. Bạn sẽ được đưa một hình chưa hoàn chỉnh và được yêu cầu hoàn thành bức tranh.

Hãy thử xem nhé: In những bản này ra và dành năm phút để xem bạn có thể biến chúng thành gì. Chủ đề không phổ biến, những câu chuyện mang đậm ngụ ý, sự hài hước và suy nghĩ độc đáo đều có thể mang đến điểm cao.

 3. Riddles

Các nhà tâm lý học sử dụng các câu đố để đo lường tiềm năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, hoặc các hướng suy nghĩ tập trung.  Không giống như Bài kiểm tra Alternative Uses, mục tiêu ở đây là đi đến một câu trả lời đúng duy nhất (thay vì càng nhiều câu trả lời càng tốt). 

Hãy thử thách một chút nhé: Đây là câu đố được sử dụng trong một nghiên cứu gần đây cho thấy mọi người sáng tạo hơn khi họ mệt mỏi: “Một người đàn ông đã làm đám cưới với 20 phụ nữ trong một thị trấn nhỏ. Tất cả những người phụ nữ vẫn còn sống và không ai trong số họ đã ly hôn. Người đàn ông cũng không phá luật. Vậy người đàn ông là ai?” (đáp án nằm ở cuối bài viết).

4. Remote Associates

 Bài kiểm tra này sẽ đưa ra 03 từ không liên quan, chẳng hạn như “Falling – Actor – Dust,” và yêu cầu bạn đưa ra một từ thứ 04 kết nối cả ba từ. Trong trường hợp này, câu trả lời là “star,” vì chúng ta sẽ ghép được “falling star,” “movie star” and “stardust.”. Bạn sẽ không có nhiều vận may khi giải quyết loại câu đố này thông qua việc tìm kiếm tất cả các từ ghép và đồng nghĩa với các từ đã cho đâu.  Với Remote Associates, câu trả lời thường được bất chợt “lóe lên” trong một phút nào đó.

Hãy thử thách chút nào:
Time – Hair – Stretch
Manners – Round – Tennis
Ache – Hunter – Cabbage
(đáp án nằm ở cuối bài viết).

5. The Candle Problem

Đây là một bài kiểm tra điển hình về giải quyết vấn đề sáng tạo được phát triển bởi nhà tâm lý học Karl Duncker vào năm 1945. Các đối tượng nghiên cứu được đưa cho một cây nến, hộp đựng đinh bấm và một hộp diêm và được yêu cầu gắn cây nến sáng lên tường để nó không nhỏ giọt sáp lên chiếc bàn bên dưới. Thí nghiệm này kiểm tra tính cố định chức năng, xu hướng nhận thức gây khó khăn khi sử dụng các vật thể quen thuộc theo những cách bất thường. 

Gần đây, bài kiểm tra này đã được sử dụng để chứng minh rằng sống ở nước ngoài làm cho bạn sáng tạo hơn. Vẫn là thử thách trên, với một một cây nến, một hộp đinh và một hộp diêm, vậy bạn đã tìm ra lời giải chưa?

Hãy thử làm một đến hai bài kiểm tra trên đây vào hai thời điểm khác nhau (ví dụ vào buổi sáng và buổi tối, ở nhà và ở công ty) để tìm ra được lúc nào bạn sáng tạo nhất. 

Đáp án:

 + Riddle: một vị linh mục.

+ Remote Associates (theo thứ tự): Long, Table, Head.

Tác giả: Todd Anderson | Theo 99u
Biên dịch: CiCi Giang | RGB.vn