8 Điểm cần lưu ý khi luyện tập Calligraphy

Trong một thế giới, nơi mà sự bận rộn là chuyện phổ biến, vậy nên sẽ thật tuyệt nếu bản thân bạn luyện tập Calligraphy. Bộ môn nghệ thuật này sẽ giúp bạn có cơ hội vứt chiếc điện thoại sang một bên, bỏ mặc cái máy tính và chỉ sáng tạo mà thôi.

Và để bắt đầu với Calligraphy, Trí Shiba sẽ cung cấp cho bạn 8 Điểm cần lưu ý khi luyện tập bộ môn nghệ thuật đặc sắc này.

[quote]1. ĐỪNG BỎ QUA CÁCH CẦM BÚT[/quote]

rgb_creative_8diemcanluuykhibatdauvoicalligraphy_1

Đây là một trong những lỗi lớn nhất khi bắt đầu với Calligraphy bởi chúng ta đã quen cầm bút theo bản năng.

Sau khi học cách cầm bút và luyện tập từng ngày, mọi thứ thay đổi rất nhanh, sự nhịp nhàng của tay bắt đầu xuất hiện và không còn đau mỏi khi viết hàng giờ liền.

Trong mỗi bộ môn nghệ thuật, những yếu tố tưởng chừng đơn giản như cách cầm bút, cầm cọ trong hội họa, chữ viết hoặc cách cầm vĩ trong môn Violin đều là yếu tố quan trọng nhất khi bắt đầu.

Vì thế, đừng bỏ qua cách cầm bút để học ngay vào hình dáng chữ.

Từng bước đi chậm mới là quan trọng nhất để kỹ năng tốt hơn mỗi ngày.

[quote]2. ĐỪNG BỎ QUA NÉT CĂN BẢN[/quote]

rgb_creative_8diemcanluuykhibatdauvoicalligraphy_2

Các bạn có thể luyện tập từ A – Z của từng chữ cái và thuộc lòng cách viết nó. Cách này không sai, chỉ là không có hiệu quả lâu dài.

Mọi chữ cái đều có nhóm của nó, và trong nhóm thì đều chứa những điểm tương đồng nhau. Nét căn bản sẽ hình thành nên chữ cái, khi hiểu rõ và làm tốt từng nét đơn giản thì sau này các bạn sẽ không bị làm khó bởi những yếu tố nâng cao, phức tạp hơn.

[quote]3. LUÔN KIỂM SOÁT ĐỘ NGHIÊNG BÚT[/quote]

rgb_creative_8diemcanluuykhibatdauvoicalligraphy_3

Độ nghiêng bút là độ nghiêng của mặt ngòi so với đường kẻ nằm ngang. Mặc dù khi đi vào chuyên sâu, có những kiểu chữ cần đổi độ nghiêng bút liên tục để tạo ra những hiệu ứng đẹp nhưng với những bạn mới bắt đầu, chúng ta nên viết tất cả các nét cùng một độ nghiêng.

Kiểm soát độ nghiêng bút nghĩa là dù nét chữ có thẳng, ngang, cong hay xiên,… Độ nghiêng của ngòi vẫn giữ nguyên từ đầu đến cuối của nét.

Kiểm soát được độ nghiêng bút là kiểm soát được tính đồng đều độ dày của các nét trong chữ cái.

[quote]4. TIẾP XÚC TOÀN BỘ MẶT NGÒI[/quote]

rgb_creative_8diemcanluuykhibatdauvoicalligraphy_4

Đây là một trong những khó khăn phổ biến của các bạn mới luyện tập.

Khi viết ngòi ngang, chúng ta rất dễ đè nặng một bên của ngòi và điều đó gây ra những nét bút đứt đoạn, nửa nét, răng cưa và không dứt khoát.

Vì thế, chúng ta cần luôn đặt úp phần ngòi xuống mặt giấy, không nghiêng về bên nào và cố gắng viết toàn bộ mặt ngòi xuống giấy để tạo ra một nét trọn vẹn.

[quote]5. ĐỪNG TẬP TRUNG VÀO CHI TIẾT NHỎ[/quote]

rgb_creative_8diemcanluuykhibatdauvoicalligraphy_5

Luôn luôn nhìn tổng quan rồi mới đến chi tiết.

Phương pháp để luôn nhìn được tổng quan là các bạn cố gắng ngẩng cao đầu khi viết, đừng cúi sát người xuống chữ cái. Bố cục và tổng thể là yếu tố quyết định tác phẩm hoặc chữ cái của chúng ta.

Bố cục tốt và chi tiết đơn giản sẽ hay hơn bố cục mất cân đối mà chi tiết lại phức tạp.

[quote]6. ĐỪNG TÌM SỐ ĐO CHO KHOẢNG CÁCH CHỮ[/quote]

rgb_creative_8diemcanluuykhibatdauvoicalligraphy_6

Khoảng cách chữ, dù chúng ta gọi là “khoảng cách” nhưng đúng ra nó là “không gian” giữa các chữ cái với nhau. Chính vì thế, chúng ta không có một số đo cụ thể bằng độ dài nào để canh khoảng cách chữ.

Sự hài hòa của khoảng cách chữ đều phụ thuộc vào thẩm mỹ và cách nhìn tổng quan của mỗi người, khoảng không gian giữa các chữ phải tương đồng nhau và tạo nên một tổng thể vừa mắt, hài hòa thị giác.

[quote]7. HÃY VIẾT TỐT CHỮ CÁI CĂN BẢN[/quote]

rgb_creative_8diemcanluuykhibatdauvoicalligraphy_7

Chúng ta rất dễ mủi lòng với các biến thể hay nhiều kiểu dáng khác nhau của một chữ, đơn thuần vì nó đẹp. Nhưng chúng ta cũng lưu ý rằng khi chưa thực sự viết tốt chữ căn bản, chúng ta không thể nào viết được những dạng biến thể của nó. Vì dù có biến thế đến đâu, chữ cái cũng xuất phát từ nét căn bản.

Hãy cố gắng luyện tập thật tốt những chữ cái đơn giản, sau đó chúng ta sẽ tự nhiên hình thành tư duy về hình dáng chữ, bước cuối cùng là tạo ra những chữ đẹp mắt cho riêng mình.

[quote]8. ĐỪNG BỎ QUA LUYỆN TẬP[/quote]

Mình có một người bạn chơi Guitar rất hay và cậu ta dành hàng giờ liền một ngày chỉ để tập bấm các nốt theo nhịp (tempo), từ phía đầu cần đàn đến cuối cần đàn, cứ thế cứ thế không khác gì nhau qua từng ngày. Điều đó giúp mình nhận ra sự thay đổi rõ rệt trong kỹ thuật của người bạn đó.

Tương tự, trong Calligraphy, nét căn bản cũng như tempo trong âm nhạc – Phải luôn đồng đều và cần sự luyện tập hằng ngày.

Chúng ta cùng nhau cố gắng hơn để đến một ngày, nhìn lại và thấy tất cả đều tốt hơn ngày hôm qua.

Tác giả: Trí Shiba, Calligrapher

Theo dõi Trí Shiba tại đây để xem thêm nhiều bài viết khác cũng như tham gia vào các Workshop thú vị về Calligraphy do Trí tổ chức.