Chỉ cần nhắc đến nội soi đại tràng thôi thì chắc hẳn ai cũng sẽ rùng mình. Phương pháp y khoa mạnh bạo này là lý do khiến nhiều người chần chừ trong việc khám sàng lọc và dẫn đến việc chẩn đoán muộn nhiều bệnh lý. Tuy nhiên một phát minh mới có tên là PillCam của hãng thiết bị y tế MedTronic đang được kỳ vọng sẽ thay đổi cách chúng ta nội soi mãi mãi.
PillCam thực chất là một camera siêu nhỏ có kích thước và hình dáng như một viên thuốc con nhộng. Tất cả những gì bệnh nhân cần làm là nuốt “viên camera” này vào bụng như cách họ uống thuốc bình thường và nó sẽ chụp ảnh nhằm phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh ung thư.
Đến nay đã có hơn 2.000 bệnh nhân trên khắp Scotland được sàng lọc ung thư ruột theo phương pháp mới nhanh chóng và không gây đau đớn này, hứa hẹn một tương lai vô cùng khả quan.
Khi đi qua đường tiêu hóa, chiếc camera tí hon chỉ nặng 3 gram và dài 2,6cm này sẽ chụp khoảng 50.000 hình ảnh rồi tải lên một thiết bị ghi hình được gắn vào dây đai trên thắt lưng của bệnh nhân. Sau đó, nhân viên y tế có thể xem lại ảnh từ máy tính.
Sau khi sử dụng, viên thuốc có thể dễ dàng được “đào thải” qua đường vệ sinh.
Bệnh nhân vẫn cần phải trải qua quy trình làm sạch truyền thống trước khi khám sàng lọc, nhưng sau đó họ chỉ cần nuốt viên camera nên sẽ giảm được nhiều căng thẳng. Giáo sư Angus Watson, chuyên gia tư vấn phẫu thuật đại trực tràng và trưởng khoa nội soi nang ruột kết cho biết cũng không cần phải dùng đến thuốc an thần.
Phát minh này sẽ giúp rút ngắn thời gian chờ đợi và cho phép bác sĩ chẩn đoán nhanh hơn, cuối cùng cho phép bệnh nhân được điều trị càng sớm càng tốt nếu phát hiện bất cứ điều gì. Vì quá trình này không xâm lấn, nên nó cũng khiến nhiều người an tâm đặt lịch hẹn khám hơn.
“Chúng tôi rất vui mừng đạt được cột mốc 2.000 bệnh nhân được áp dụng quy trình chẩn đoán thú vị, nhanh chóng và hiệu quả này,” Giáo sư Watson cho biết trong một tuyên bố được xuất bản bởi tờ Metro.
Ảnh: MedTronic
Để lại đánh giá