Navi Nguyễn là cái tên mà phần lớn mọi người đều gọi về anh. Xuất phát từ một sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, không có gia đình có truyền thống nghệ thuật, Navi bắt đầu phát hiện đam mê với hội họa và vẽ từ năm thứ III đại học vào năm 2019. Từ đó, anh đã trải qua một cuộc hành trình sáng tạo đáng chú ý.
Đồng thời với việc theo đuổi nghệ thuật, Navi cũng là một blogger và là người sáng lập trang facebook “A mess needs to be cleaned” với nội dung chủ yếu xoay quanh văn hóa Nhật Bản, anh cũng quản lý một trang facebook khác với tên gọi “Đó Đây Collection” tập trung vào lĩnh vực hội họa. Bên cạnh đó, thi thoảng Navi còn đảm nhận vai trò trợ lý giám tuyển tại một phòng tranh nhỏ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sự đa nhiệm của Navi cho phép anh tiếp cận nghệ thuật từ nhiều góc độ khác nhau, mang đến những góc nhìn độc đáo so với những người đã được đào tạo chuyên nghiệp hoặc có xuất thân nghệ thuật.
Cuộc hành trình nghệ thuật của Navi bắt đầu như một sở thích vui vẻ, chia sẻ những tác phẩm của mình trên Instagram chỉ đơn giản là để làm vui. Tuy nhiên, khi số người theo dõi của Navi tăng lên và những cơ hội không ngờ xuất hiện, ví dụ như có người muốn mua tranh của anh, anh đã đối mặt với một lĩnh vực mới lạ. “Khi ấy, phong cách nghệ thuật của mình vẫn đang tiến hóa và mình chưa biết làm thế nào để định giá đúng cho các tác phẩm của mình. Cho đến bây giờ, mình vẫn đang gặp khó khăn trong việc định giá đúng cho tranh của mình, dù đã tìm hiểu ý kiến từ bạn bè trong lĩnh vực. Là một người tự học nghệ thuật, mình nghĩ bản thân cũng mang đến những quan điểm mới lạ khác biệt so với những người đã theo đuổi đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực nghệ thuật. Mình rất biết ơn những người đã giúp mình hiểu hơn về cộng đồng nghệ thuật và hướng dẫn về kỹ thuật chuyên ngành.”
Là một blogger một đam mê công việc khác, Navi thích khám phá và chia sẻ những câu chuyện hấp dẫn từ lịch sử, các truyền thuyết hay những điều tò mò. Phương châm của anh luôn là cố gắng khám phá những điều mới lạ và thú vị để chia sẻ với nhiều người hơn. Đôi khi, anh có thể dành vài giờ chỉ để tìm hiểu về một nhân vật hoặc một câu chuyện, một số người mà thông tin về họ chỉ tồn tại trong các ghi chú, nhật ký hoặc các nghiên cứu. Mỗi khi anh tìm được đầy đủ thông tin về một người như vậy, anh cảm thấy rất thỏa mãn, và hạnh phúc.
Cuối cùng, vai trò trợ lý giám tuyển tại một phòng tranh nước ngoài cho phép Navi thực hiện ước mơ của mình là giúp đỡ những họa sĩ tài năng nhưng khiêm tốn bằng cách giới thiệu tác phẩm của họ đến công chúng. Cả Navi và sếp của anh đều muốn giúp đỡ các họa sĩ địa phương, giúp họ tiếp cận được nhiều người hơn. Qua công việc trợ lý, Navi thu được những kiến thức quý giá về quá trình tổ chức triển lãm và chuẩn bị cần thiết. Một trải nghiệm đáng nhớ là cuộc phỏng vấn họa sĩ kiêm nhà sinh vật học Irina Semeyuk, đang sinh sống và nghiên cứu tại rừng rậm Việt Nam, khi Navi được VTV24 liên hệ để làm một bài phóng sự về cô Irina.
Bạn hãy kể về dự án mà bạn học hỏi nhiều nhất trong quá trình làm việc?
Mình thật sự chưa có nhiều những dự án bên công việc hội họa cho lắm. Vào năm ngoái, mình từng được Bắc Drink mời vẽ một lon bia cho họ. Mặc dù bức vẽ chỉ “nhẹ nhàng” trên khổ A3 thôi, nhưng họ đã yêu cầu mình vẽ tăng tốc hơn và thế là mình đã ngồi vẽ suốt để xong trong vòng đúng 2 tuần. Đó là trải nghiệm chạy deadline lần đầu.
Gần đây vào tháng 4, mình có làm hậu cần và thiết kế cho một đoàn phim là những đàn em của trường đại học. Đó là lần đầu tiên mình được tiếp xúc với công việc làm phim. Làm việc nhóm rất vui và sự vất vả của công việc làm phim đã khiến mình mất hứng coi phim gần một tháng (cười). Nhân tiện thì đó là phim ngắn “Quả Cam Thối,” vừa giành giải Phim ngắn được yêu thích nhất tại cuộc thi Phim 14 ngày.
Trước đây, mình từng làm cộng tác viên viết báo cho hai tờ báo online cũng khá lớn ở Việt Nam, cũng như một số công việc viết nội dung mà mình từng làm hồi sinh viên, những thứ đấy đã hỗ trợ mình rất nhiều trong việc điều hành 2 trang blog hiện tại. Khi mà bạn làm việc cho một tờ báo chính thống, sẽ có những thỏa hiệp và kiểm duyệt nhất định về nội dung mà một người được phép viết, chính vì điều đó nên mình thường lưu lại các nội dung không được duyệt để đăng riêng cho blog cá nhân. Mặt khác, mình cũng nắm bắt được xu hướng người đọc và có được sự tự do hơn trong việc đăng nội dung. Các nội dung mình chọn viết thường bị các anh chị biên tập nói là khó tiếp cận độc giả, điều này phần nào dẫn đến việc mình lập ra Đó Đây Collection.
Chất liệu trong tranh minh họa của bạn là gì? Bạn thường lấy cảm hứng từ đâu?
Hiện tại thì mình vẫn dùng chủ yếu là màu bột (gouache) và vẽ trên nền giấy dó. Mình chọn giấy dó làm chất liệu giấy vẽ sau một chuyến đi Hà Nội năm 2020 và được chứng kiến các tác phẩm giấy dó của bác Tào Linh. Nhưng thay vì dùng mực Tàu và lớp giấy mỏng cỡ bóc hai như bác Tào Linh thì mình sử dụng màu bột và loại giấy dày nhất là bóc bốn, phải mất một lúc để mình kiểm soát được độ loang màu trên loại giấy này. Dạo gần đây thì mình cũng có làm việc với một người bạn để thử nghiệm thứ gì đó khác như bức dưới đây.
Mình lấy cảm hứng từ nhiều thứ, như âm nhạc, phim ảnh hay một ý tưởng bất chợt lóe ra khi đang chạy xe. Những ý tưởng thường chạy trong đầu mình bằng những khung cảnh mờ nhạt, mình chỉ thực sự bắt đầu vẽ một ý tưởng khi đã có thể nhìn thấy được 80% hình ảnh của nó ra sao lúc ở trong đầu. Hiện tại đang là mùa hè nên mình đang tìm kiếm cảm hứng gì đó trong việc đi bơi, việc quan sát đường sóng có thể gợi được cho mình chút ý tưởng.
Mình thấy được cách bạn thể hiện khá nhiều elements (yếu tố /lớp layer) trên một bức vẽ, đôi chút là trừu tượng. Bạn có thể kể thêm về chúng không?
Dạo gần đây, mình quyết định quay lại với những họa tiết, giống như các con nít tiểu học hay vẽ ấy, nhưng vẫn sử dụng bảng màu mà mình hay dùng. Có lẽ mình có một sự ám ảnh với những họa tiết mà mình hay thấy ở trên đường hay trong các cuốn sách hoặc các phiến đá. Thật kì lạ khi đến lúc mình bắt đầu để ý đến những họa tiết và biểu tượng, mình bắt đầu thấy chúng xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống. Cũng như việc mình hay xem những tác phẩm mang tính tối giản nhưng mình lại ít khi muốn vẽ tối giản như thế, mình chỉ muốn phủ đầy phần nền của bức tranh một lớp họa tiết dày mà thôi.
Những nét họa tiết thường hay ảnh hưởng mình nhất vẫn là một số tác phẩm vẽ hồ bơi của David Hockney vào thập niên 60, tranh của Henri Matisse trong giai đoạn Dã Thú, bảng màu chói của Kiyoshi Awazu và một số minh họa về họa tiết thời xưa…
Mình đã trò chuyện với Navi trước đó, về một quan điểm “Muốn làm nhiều thứ”. Cụ thể bạn đã thử làm nhiều thứ hơn chưa?
Tất nhiên thì với triệu chứng rối loạn tăng giảm chú ý (ADHD), mình sẽ thường hay nghĩ đến việc làm một thứ khác khi đang bận tay với một công việc này nọ. Mình đã viết blog trước khi bắt đầu vẽ cơ, thế nên mỗi khi nghỉ tay vẽ, mình sẽ kiếm nguồn bài để dịch và đăng lên trang của mình. Mặc dù mình bảo muốn làm nhiều, nhưng cũng không quá nhiều lắm khi chỉ quanh quẩn giữa việc đánh máy rê chuột và cầm cọ pha màu. Đôi khi mình cũng có thử viết thơ và đăng kèm trong mấy bức tranh, nhưng chưa quá giỏi để dám nhận bản thân là một nhà thơ. Ở một mức độ nào đấy, mình vẫn muốn tạo được chất lượng trong một lĩnh vực mình đụng vào, thay vì ôm quá nhiều thứ một cách vô tội vạ và bạn sẽ khó để có thể dồn được chất lượng cho một lĩnh vực đó.
Mình rất hâm mộ đạo diễn Terayama Shuji và các tác phẩm của ông. Tuy nhiên, ông không chỉ giỏi trong việc làm phim và đạo diễn, ông còn làm thơ, nhiếp ảnh và viết nhạc, mỗi lĩnh vực ông tham gia đều tạo được một thành tựu nhất định. Mình luôn coi ông như một hình mẫu của một cá nhân có thể làm giỏi nhiều thứ.
Vì muốn làm nhiều thứ nên năng lượng tập trung của Navi sẽ sắp xếp như thế nào trong một dự án sáng tạo?
Thông thường với việc viết bài thì mình có thể hẹn giờ bài đăng mỗi ngày, nên đôi khi mình sẽ lên một lượng lớn nội dung rồi phân bổ cho từng ngày để mình không phải lo việc thiếu bài đăng, và sau đó thì mình sẽ có thời gian rảnh cho việc vẽ. Cũng trong một số trường hợp, mình tìm được những nguồn bài viết hay nên quyết tâm dịch nó xong bằng được trước khi bắt đầu vẽ. Cộng thêm thời gian phải đi làm thêm ở bên ngoài, thời gian vẽ của mình thật sự thường không ổn định và có khi phải mất từ 3-4 ngày để hoàn thành một bức. Ngoài ra thì những lúc mình cạn ý tưởng mà mọi người hay gọi là art block, mình chủ yếu sẽ tập trung vào việc viết bài cho 2 trang của mình. Tất nhiên là với những dự án hợp tác thì mình sẽ ưu tiên hơn thời gian của mình cho chúng.
Như đã nói ở trên rằng việc vẽ đến với mình một cách tự nhiên, nên mọi thứ hoàn toàn là tự học. Ban đầu thì mình nhìn theo những nét vẽ mà mình có ấn tượng rồi bắt chước lại, dần dần biến cách vẽ của họ thành một cái gì đó của mình. Cũng phải mất một thời gian để có thể làm được chuyện đó. Khi nhìn lại các bức vẽ từ 2 năm trước, mình luôn thấy được sự thay đổi khác đi trong cách dùng màu và chủ đề được minh họa. Đôi khi mình còn tự vẽ lại chính bức vẽ cũ xem nó khác thế nào, không có gì kì cục khi bạn lấy cảm hứng từ chính bạn của ngày hôm qua cả.
Có những lúc mình cảm thấy ý tưởng của mình như đang bị chững lại, khi mà không có gì mới xuất hiện, mình sẽ xem lại các bức vẽ cũ từng thực hiện. Nói thật là cũng có một số nét vẽ cũ mà mình không nhớ lúc đấy làm thế nào mà mình vẽ được (cười). Nhưng việc xem lại chúng, mình đã lấy lại cảm hứng từ chính các nét vẽ cũ và phát triển nó lên ở kĩ năng hiện tại. Như là vào thời điểm đó, ý tưởng của mình chỉ có thể vẽ được đến đây, nhưng khi nhìn lại, các đường nét bắt đầu nối thêm ra và mình có thể phát triển nó lên tiếp thành một bức tranh lớn hơn.
Bạn có thể mô tả về cách bạn sử dụng màu hay chơi với vector/shape không? Nếu có 01 tên gọi, bạn sẽ gọi nó là gì & tại sao?
Một phút tự luyến thì mình sẽ gọi nó là “Navism” (cười).
Vì bảng màu và cách vẽ của mình, mình cũng đã quen với việc nhiều người hay thể liệt kê mình vào nhóm họa sĩ có ảnh hưởng bởi chất kích thích – một kiểu khuôn mẫu phổ biến của dân hội họa, nhưng chất kích thích nặng nhất mình dùng trong lúc vẽ chỉ có cà phê. Chuyện một người có sử dụng các chất kích thích hay là thức thần để phục vụ cho quá trình sáng tạo thường là thứ khó nói, kể cả họ thành thật thì vẫn sẽ có những hoài nghi nhất định. Còn với bản thân mình, mình chọn bảng màu psychedelic của thập niên 70 và 80, cũng như một lượng lớn các họa tiết được sử dụng, nên thành ra các bức vẽ của mình dễ tạo một giác như đang “lâng lâng”.
Trên Instagram, mình theo dõi rất nhiều họa sĩ chuyên vẽ họa tiết và nhận ra là mình thích vẽ sóng biển, xoáy nước và bề mặt nước, mình dùng rất nhiều những họa tiết chuyên dùng cho vẽ nước cho các tác phẩm của mình. Và sau đó là dùng màu sắc và đắp thêm một lớp nét bút màu để giống nhũng đường nước đang di chuyển hết mức có thể. Bên cạnh đó mình cũng thích vẽ cây cối và vân lá để phục vụ cho việc trang trí nền một bức tranh.
Khi sáng tác, bạn đã làm những việc song song với nó không? Chẳng hạn vừa vẽ vừa nghe podcast, vừa vẽ vừa nghe nhạc. Nếu có thì đó là thể loại / điều ấn tượng mà bạn nhớ là gì? Tại sao?
Cũng như bao dân vẽ khác, mình cũng hay nghe nhạc khi vẽ, chủ yếu là nhạc không lời thôi. Nhạc của Ryuichi Sakamoto rất hay hay nhưng mình hạn chế nghe nhạc của ông khi vẽ vì phần lớn các bản piano nổi tiếng đều từng xuất hiện trong các bộ phim mình từng xem qua, và khi bản nhạc đó cất lên, cảnh phim đó sẽ hiện lên trong đầu mình lúc vẽ. Nên là album ổn áp nhất của ông để mình nghe khi vẽ là “Back to the Basic” (1999), vì không có quá nhiều bản nhạc phim xuất hiện trong album này.
Một số album chơi piano khác mà mình chọn nghe là “December” (1982) của George Winston, “Home” (2020) của Hania Rani và một album jazz của Miles Davis là “In a silent way” (1969). Đôi khi mình cũng gom lại một lượng lớn các bản nhạc mình thích rồi làm playlist để vẽ.
Những dự định của bạn trong thời gian tới.
Sau một thời gian dài vẽ ra một lượng lớn các bức tranh mèo, mình hiện đang tìm những nguồn cảm hứng mới. Ở thời điểm hiện tại thì mình chỉ có đi bơi và quan sát bề mặt nước thế thôi, mình muốn các chủ đề tiếp theo sẽ hơi hướng mùa hè hơn và thử nghiệm thêm các cách vẽ nước của bản thân mình.
Viết dẫn & Biên tập: Lê Quan Thuận
Hình ảnh được cung cấp bởi Navi Nguyễn!
Để lại đánh giá