Huỳnh Ngọc Vĩnh Khang – cựu học viên Arena Multimedia hiện là Concept/Matte Painting Artist tại AIOI Studios và Bad Clay Studio, từng tham gia nhiều dự án điện ảnh đình đám, trong đó mới đây nhất là “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, tác phẩm về đề tài lịch sử – chiến tranh gây tiếng vang lớn trên khắp cả nước. Với Khang, bộ phim là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ và hoàn thiện bản thân mỗi ngày, sau khi rời mái nhà Arena Multimedia.
Trong những ngày cả đất nước rộn ràng kỷ niệm 50 năm ngày Thống nhất đất nước, bộ phim điện ảnh “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ra mắt trong sự chào đón nồng nhiệt của khán giả và giới chuyên môn. Trên màn ảnh rộng, tác phẩm tựa như ngọn cờ hồng tung bay trên nền trời xanh hòa bình, tô điểm cho vẻ đẹp của văn hóa, con người Việt Nam sau nửa thế kỷ Bắc – Nam thống nhất.
Địa đạo là phim lịch sử đầu tiên của điện ảnh Việt Nam cán mốc “trăm tỷ”. Dưới sự dẫn dắt của Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cùng sự góp sức của những Nhà đầu tư tâm huyết và sự ủng hộ của nhiều nguồn lực xã hội, những người trẻ tuổi tài năng trong ngành Sáng tạo cũng hăm hở và bền bỉ góp một phần công sức nhỏ bé của mình để tái hiện trọn vẹn một địa đạo Củ Chi “Thành đồng đất thép” oai hùng mà bi tráng. Cựu học viên Arena Huỳnh Ngọc Vĩnh Khang vinh dự và tự hào là một trong số đó, khi đảm nhiệm vai trò Concept Artist. Từ một chàng trai trẻ đam mê vẽ, Vĩnh Khang tìm đến Arena Multimedia để học tập và từ đó dựng xây sự nghiệp cho riêng mình trong ngành Concept Art.
Chàng trai đã và đang trở thành một người làm nghề chững chạc, trưởng thành qua mỗi dự án và ngày càng thành công trên con đường mà mình đã chọn. Trong bài viết này, hãy cùng Arena tìm hiểu câu chuyện của Vĩnh Khang, về hành trình tham gia bộ phim “Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối” cũng như góc nhìn của Khang về tương lai ngành Concept Art tại Việt Nam, bạn nhé!
Em đảm nhận công việc vẽ concept cho những shot quay về kỹ xảo và môi trường trong địa đạo Củ Chi. Bên cạnh đó, em còn làm Matte Painting cho phim. Trong làm phim, khi có một phân cảnh khó hình dung quá thì họa sĩ sẽ phải vẽ concept để minh họa. Sau khi concept đó được chốt rồi, đoàn phim cần những cảnh thực tế hơn thì mình sẽ vẽ Matte Paint – những ảnh vẽ kỹ thuật số mà ngoài đời không có. Đoàn phim sẽ sử dụng những hình ảnh này đưa vào phim để tạo 1 phân cảnh giống như thật.
Một vài phân cảnh mà em vẽ concept trong phim có thể kể đến như cảnh chiếc xe tăng phun lửa (xe tăng M67 “Zippo” của quân đội Mỹ); cảnh máy bay từ trên cao nhìn xuống toàn bộ địa đạo Củ Chi; cảnh một du kích bị xe tăng đốt cháy và một số cảnh cháy nổ, đặc biệt là cảnh con tàu chiến của quân đội Mỹ bị bốc cháy.
Thách thức lớn nhất của em đó là vẽ lại toàn bộ khung cảnh địa đạo khi nhìn từ trên cao, góc nhìn từ máy bay trực thăng Mỹ xuống. Em không có nhiều tư liệu hay hình ảnh về thời kỳ đó như thế nào, vì thế lúc đầu em vẽ khung cảnh cây cỏ úa tàn, nhà cửa tan hoang. Nhưng khi đưa cho đoàn làm phim, họ mới nói rằng Củ Chi thời ấy gần như không có sự sống trên mặt đất, không nhà cửa, cây cối và đương nhiên là không có con người. Vì thế em phải bỏ hết đi và sửa lại hoàn toàn, thể hiện một vùng đất “chết” đầy khắc nghiệt.
Những cảnh vẽ hố bom cũng là một thử thách. Ban đầu em chỉ vẽ những hố bom thông thường, nhưng đoàn phim yêu cầu các hố bom đó phải có lớn, nhỏ khác nhau, kích thước phải đúng với sức nổ của quả bom. Do đó em đã tốn rất nhiều thời gian để nghiên cứu và vẽ concept về địa đạo Củ Chi. Ngoài ra những thông tin mà đoàn phim cung cấp cũng bị hạn chế do có một số yêu cầu bảo mật từ phía quân đội, do đó mà mọi thứ cũng dừng ở mức mô tả chứ không thể hiện được hoàn toàn.
Ngoài “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, em còn thực hiện Concept Art cho các phim “Tết ở làng địa ngục”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Móng vuốt” hay một số dự án phim nước ngoài như “Parasyte: The Grey”, “The Moon” hay “Dream” của Hàn Quốc.
Thời gian trong quân ngũ giúp em có được thói quen tự rèn luyện bản thân và tính kiên nhẫn, cũng như có thêm kiến thức quân sự nói chung. Điều này giúp em có cái nhìn tổng quan về cách quân đội hoạt động để thiết kế những đoạn rừng, cây bị máy bay, xe tăng tàn phá… sao cho hợp lý.
Trước đây em cũng rất mơ màng về ngành học mà mình sẽ theo đuổi, chỉ biết là bản thân thích vẽ thôi. Trước khi đến với Arena, em tình cờ tham dự một buổi Talkshow về lĩnh vực Concept Artist ở Arena, do thầy Trần Hoàng Sơn Hải (họa sĩ Hải An) chia sẻ. Trong buổi đó, thầy đã giới thiệu những bức tranh minh họa sử dụng trong phim khiến em rất thích thú và xác định đây sẽ là ngành mà mình muốn theo đuổi.
Sau đó em theo học 1 khóa đào tạo do thầy Hải An trực tiếp hướng dẫn, song song với việc học tại Arena Nguyễn Đình Chiểu. Sau khi học xong kỳ 3 (chương trình ADIM) ở Arena vào năm 2019, em bảo lưu để trở về địa phương thực hiện nghĩa vụ quân sự và sau đó quay lại hoàn thành chương trình kỳ 4 vào năm 2021. Lúc này em cũng ứng tuyển vào Bad Clay Studio – một công ty chuyên về Kỹ xảo điện ảnh với vai trò vẽ concept cho phim và đến nay đã làm việc trong ngành này được 4 năm.
Mỗi một học kỳ ở Arena Multimedia mang đến một chuyên môn khác nhau. Ở học kỳ 1, em được học về tư duy thẩm mỹ, cách sử dụng công cụ và phần mềm cơ bản về mỹ thuật ứng dụng. Sang đến học kỳ 2, em biết thêm về code, có thể ứng dụng trong các phần mềm VFX. Riêng về làm phim thì học kỳ 3 và 4 hỗ trợ kiến thức và kỹ năng rất nhiều, cũng như giúp em hiểu được một quy trình làm phim cụ thể.
Ngành Concept không chỉ có ở trong lĩnh vực điện ảnh mà còn phổ biến trong mảng Game, vì thế tại Việt Nam cũng đang ngày càng cần số lượng nhân sự nhiều hơn. Tuy nhiên điều quan trọng là cần trau dồi kỹ năng nhiều, bởi hiện nay lĩnh vực này chưa thật sự phổ biến rộng rãi, chưa có nhiều trường lớp đào tạo chuyên nghiệp và bài bản, đặc biệt là concept cho sản xuất phim ảnh. Các bạn có đam mê và muốn theo đuổi lâu dài sẽ phải tự học bên ngoài khá nhiều.
Một Concept Artist sẽ nhận được bản mô tả rất phức tạp và chi tiết từ đoàn làm phim để thực hiện các phân cảnh. Người họa sĩ đôi khi phải sửa đi sửa lại rất nhiều, khối lượng công việc lớn và deadline thường rất gấp. Đó là một số khó khăn mà các bạn sẽ phải trải qua nếu muốn theo đuổi công việc này.
Trong công ty, khách hàng sẽ liên hệ với bạn Producer để gửi brief, bao gồm thông tin và yêu cầu từ Đạo diễn hoặc Giám đốc nghệ thuật (Art Director). Bạn Producer sẽ họp với cấp trên rồi sau đó brief trực tiếp cho em kèm theo một tập tin cụ thể, càng cụ thể càng tốt. Em sẽ vẽ một bản thảo để gửi cho khách hàng, để họ có thể sửa hoặc thêm thắt tùy ý và cuối cùng là ra một bản thảo hoàn thiện. Đó là quy trình làm concept.
Đầu tiên em phải đưa bản thảo để cấp trên trong công ty duyệt trước, sau đó gửi qua cho khách hàng. Đôi khi may mắn thì khách sẽ duyệt trong 1-2 lần, nhưng có lúc họ lại muốn thay đổi mọi thứ từ đầu vì cảm thấy không phù hợp. Hoặc sẽ có những bản matte paint em muốn vẽ thật chi tiết, nhưng trên mạng không có sẵn tư liệu thì công ty buộc phải đi mua mẫu vật thật về để chụp và phác họa lại.
Đối với em trong ngành này thì kỹ năng chỉ là một phần, người họa sĩ cũng cần có kiến thức và tư duy cao để có thể làm nghề. Ví dụ như khi vẽ concept cho nhân vật người máy thì đòi hỏi mình phải hiểu và thể hiện được động cơ, máy móc thật chi tiết và chính xác. Những điều này thì bản thân phải tự học thêm khá nhiều.
Vị trí nào cũng có deadline riêng nên em nghĩ vấn đề này thì mọi người đều gặp sức ép như nhau. Nhưng bởi Concept Art cần phải hoàn thành công việc đầu tiên để chốt dự án với khách hàng, nên cũng có nhiều áp lực. Áp lực lớn nhất là làm sao thể hiện brief của khách hàng, vốn chỉ là câu chữ trên văn bản, trở thành một hình ảnh thật rõ ràng. Điều này đòi hỏi Concept Artist phải thật sự sáng tạo, tự mình xây dựng nên mọi thứ để khách thấy phù hợp. Tuy vậy cũng có đôi khi khách hàng sẽ gửi thêm một số tấm ảnh để minh họa, em sẽ gọt dũa lại và thể hiện thành một bản thảo hoàn chỉnh cho khách. Lúc này thì công việc sẽ dễ dàng hơn.
Đối với em, công việc này cho em niềm vui được thỏa mãn đam mê của mình, được tự do và không quá gò bó. Bên cạnh đó khi khách hàng nhận và chốt bản thảo của mình, em cũng cảm thấy rất vui nữa.
Hiện tại em đang vẽ concept về môi trường và kỹ xảo nhiều, cũng như luyện tập thêm về vẽ giải phẫu (Anatomy), màu sắc, ánh sáng… Concept về nhân vật là mảng mà em muốn chinh phục trong tương lai, muốn đi sâu vào thể hiện các chi tiết một cách sống động. Về mảng quái vật (Monster), trước đây em cũng rất đam mê và từng thể hiện nhiều trong công việc, do đó em cũng muốn phát triển sâu hơn về mảng này.
Em nghĩ công việc này có vai trò quan trọng nhất định trong việc định hình nên những ý tưởng ban đầu cho người đạo diễn. Ý tưởng này cần rõ ràng và thống nhất từ trên xuống dưới để một đoàn làm phim vận hành sản xuất. Một hình ảnh rõ ràng sẽ cụ thể hóa ý tưởng và giúp mọi người làm việc thống nhất với nhau, tiết kiệm thời gian, đặc biệt trong giai đoạn tiền sản xuất (Pre-production).
Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, em nhận thấy ngành game và điện ảnh đang phát triển ngày một mạnh mẽ, đặc biệt là game. Do đó em thấy Concept Art cũng sẽ phát triển theo, công việc không thiếu và sẽ có chỗ đứng vững chắc trong tương lai.
AI có sự hỗ trợ và đóng góp một phần trong công việc của Concept Artist. Chính em cũng học cách sử dụng một số công cụ AI để công việc mình thực hiện được nhanh hơn. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là nền tảng kiến thức, kỹ năng của người nghệ sĩ, để biết được AI làm đúng chỗ nào, sai chỗ nào mà chỉnh sửa cho phù hợp chứ không thể phụ thuộc vào AI được. Trong tương lai, em nghĩ dù trí tuệ nhân tạo có phát triển đến đâu đi chăng nữa thì Concept Artist cũng không thể bị thay thế. Đó là trí tưởng tượng và sự sáng tạo riêng của con người.
Hòa cùng không khí cả nước mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam – đất nước nối liền một dải, Arena Multimedia mong muốn lan tỏa tinh thần yêu nước và niềm tin vào sức mạnh của nghệ thuật thông qua những trải nghiệm chân thực, chạm đến cảm xúc. Với gần 500 vé xem phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” được gửi tặng đến các bạn trẻ yêu Sáng tạo và cộng đồng học viên Arena, chúng tôi hy vọng mỗi bạn sẽ có cho mình một khoảnh khắc lắng đọng, một suy ngẫm riêng khi bước ra khỏi rạp chiếu.
“Địa đạo” không chỉ là một bộ phim lịch sử đơn thuần, mà còn là cánh cửa đưa người trẻ trở về với những lát cắt bi tráng của dân tộc – nơi lòng quả cảm, sự hy sinh và tinh thần quật cường được tái hiện bằng ngôn ngữ hình ảnh đầy tinh tế. Với những ai yêu cái đẹp, đam mê sáng tạo, đây không chỉ là dịp để xem phim, mà còn là cơ hội để chiêm nghiệm về vai trò của nghệ thuật trong việc kể lại câu chuyện Việt theo cách hiện đại và đầy sức nặng.
Arena Multimedia tin rằng, mỗi hành trình học tập hay làm nghề trong lĩnh vực sáng tạo đều cần được nuôi dưỡng bởi cảm hứng – và những tác phẩm như “Địa đạo” chính là một phần của nguồn cảm hứng ấy. Xin chào và hẹn gặp lại ở những hành trình kế tiếp, nơi chúng ta tiếp tục khám phá, sáng tạo và kể nên những câu chuyện của riêng mình.
Our website uses cookies to improve your experience.