Nghệ thuật phục hồi từ thất bại

Vực dậy sau cú sốc lớn trong sự nghiệp là điều không hề dễ dàng với nhiều trở ngại và sự nghi ngờ bản thân. Hãy tham khảo những chia sẻ dưới đây đến từ 6 chuyên gia trong ngành sáng tạo để xem bài học rút ra là gì và làm thế nào họ quản lý được mặt tiêu cực đó sau những phút giây kiệt sức.

Muốn có một sự nghiệp lâu dài, hãy để ý đến những dấu hiệu của tình trạng kiệt sức và căng thẳng liên tục

Keri Elmsy – Giám đốc sáng tạo, Second Story

Tôi đã dành một khoảng thời gian dài để tham gia vào những dự án độc nhất vô nhị và đầy tham vọng [như buổi hòa nhạc với máy bay không người lái đầu tiên của John Cale (Velvet Underground)]. Tôi đóng vai trò giám đốc sản xuất, kết nối rất chặt chẽ với các nghệ sĩ và nhà thiết kế. Và nó thật tuyệt vời. Nhưng tham vọng của dự án lớn đến nỗi khi chúng tôi triển khai, bất cứ thứ gì chưa hoàn hảo đều trở thành một vấn đề nhức nhối đến tận sau này. Ngay cả khi mọi thứ có vẻ thành công và chúng tôi làm được những điều gần như không thể, nhưng mọi người – những ai đến tham dự đều thấy chưa đủ thoả mãn. Thực sự, nó đã đè nén tất cả những gì chúng tôi xây dựng, vẻ đẹp, sức mạnh và cả những thành công trước đó nữa. Nó cũng thực sự ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa tôi và những cộng sự của tôi.

Và vì thế, tôi tự nhìn nhận lại kĩ hơn các mối liên kết và những thứ liên quan. Nó khiến tôi nhận ra: nếu bạn bắt tay vào những dự án “để đời” mà chưa có kinh nghiệm, cái bạn cần làm là lên kế hoạch phục hồi bản thân và tiên liệu những dấu hiệu của kiệt sức và căng thẳng – những khoảnh khắc đỉnh cao cũng như những đáy vực chúng ta cần vượt qua. Không đáng để sự tức giận hoặc thất vọng phá hoại mọi thứ. Nếu cứ để sự thất vọng ám ảnh, bạn sẽ làm mất đi giá trị của trải nghiệm mà bạn đã tạo ra cho hàng ngàn người. Điều đó cho phép tôi hình thành một cách tiếp cận kiên cường hơn rất nhiều và có thể nói với các đồng đội của mình rằng “Đây là tình huống hiện tại của chúng ta, và cũng là lí do vì sao chúng ta cảm thấy tồi tệ” Hoặc hãy để họ có không gian để bày tỏ: “Tôi thực sự bế tắc và tôi cảm thấy không ổn”.

Khi xác định được các dấu hiệu này, bạn có thể hướng dẫn mọi người để vượt qua nó vì biết rằng thành công sẽ đến mà thôi. Hãy chấp nhận thất bại nếu có, bởi vì bạn sẽ vượt qua được và làm lại từ đầu. Đối với một sự nghiệp lâu dài trong thế giới này, bạn phải nhìn thấy những khía cạnh khác nhau, điều chỉnh chúng và đặt câu hỏi cho bản thân rằng: mình có cần tiếp tục như vậy không? Vì câu trả lời có lẽ là không.

Đập tan sự tự ti bằng cách giữ cho mình bận rộn

Leo Jung – Giám đốc sáng tạo, Tạp chí The California Sunday Magazine

Vài năm trước, tôi nhận được yêu cầu tham dự một buổi họp đột xuất trong công ty. Giống như mọi người, tôi ngạc nhiên và chộp lấy quyển sổ tay trong trường hợp cần ghi chép. Nhưng tôi đã chẳng cần phải ghi chép gì cả, vì buổi họp đó chỉ để thông báo tôi bị cho thôi việc.

Vốn đã được nghe rất nhiều câu chuyện về vấn đề giảm biên chế, nhưng tôi đã nghĩ “Điều đó không bao giờ xảy ra với tôi đâu. Tôi làm việc nhiệt tình, được lòng mọi người và ai cũng thấy năng suất của tôi.” Bị sa thải vô căn cứ là điều rất khó hiểu. Thế giới luôn tồn tại những quy tắc, đúng không? Nhưng đoán xem, họ không hề phá vỡ bất kỳ điều khoản nào cả, bởi lẽ trong hợp đồng đã quy định rõ ràng: “Chúng tôi có quyền chấm dứt hợp đồng này vì bất cứ lý do gì”. Và họ đã làm thế.

Tôi tin rằng thế giới luôn vận hành theo cách nhất quán: bạn chăm chỉ làm việc, thể hiện giá trị của mình và sẽ được chú ý đến. Tôi vẫn tin đó là sự thật. Nhưng thật sự không phải vậy, tôi đã rất sốc khi bị tước bỏ vô thưởng vô phạt như vậy. Tôi thực sự ngẫm lại rằng liệu tôi đã có thể làm gì khác. Bản chất của con người là muốn tìm ra một lý do để có thể hiểu được vấn đề.

Bạn không thể nào dự đoán trước được để chuẩn bị đối phó với sự tự ti của bản thân khi tâm trí vốn lấp đầy sự tự tin. Khi mức độ ngờ vực đã nuốt chửng lấy bạn, nó không biến mất trong một sớm một chiều, mà như giọt nước nhỏ dần làm gỉ sét tâm hồn bạn. Khi tôi bắt đầu đi phỏng vấn xin việc lại, tôi nhận ra tôi chỉ tập trung vào những gì đã xảy ra với tôi thay vì những gì tôi có thể đóng góp. Tôi cần mọi người biết rằng tôi không bị sa thải vì bất tài. Đó là một điều đáng tự hào. Nhưng kể cho mọi người câu chuyện buồn của bạn không giải quyết được gì cả. Nó giống như kể câu chuyện về con cá cưng của bạn đã chết trong 20 phút.

 Để vượt qua quả thật rất khó khăn, nhưng tôi biết rằng nếu không là vậy, tôi chỉ tự làm bản thân mình kiệt quệ và đuối sức. Thay vào đó, tôi hướng năng lượng của mình vào thứ gì đó tôi có thể tự hào. Bạn sẽ ngạc nhiên bởi sự quyết tâm và tập trung của bản thân sau khi bị thôi việc.

Cho đến khi tôi phỏng vấn cho California Sunday Magazine và Pop-Up Magazine, mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Cơ hội có vẻ đầy rủi ro (vì tôi chưa làm cho công ty startup bao giờ) nhưng cũng cực kì thú vị. Gần 5 năm sau, sau ba Giải thưởng Tạp chí Quốc gia và danh hiệu “Tạp chí của năm” được vinh danh tại Hiệp hội các Nhà Thiết kế Xuất bản, tôi vẫn không thể tin được vào hành trình tôi đã đi. Đôi khi tôi tự hỏi mình sẽ như thế nào nếu ngày trước không biết cách buông bỏ mọi thứ. Tôi nhận ra rằng những khó khăn, càng chông gai và khổ cực bao nhiêu thì thường mở đường cho một điều gì đó tốt hơn bấy nhiêu.

Nếu dấn thân vào một loại hình khác, hãy bắt đầu từ việc lắng nghe

Nicole Jacek – Trưởng phòng thiết kế, Wieden+Kennedy

Tôi đã đóng cửa công ty NJ (L.A.) vào cuối năm 2017 để tham gia Wieden + Kennedy và tiếp quản một nhóm 100 người để xây dựng một bản đề xuất thiết kế.

Tôi đã vô cùng ngây thơ khi nghĩ rằng công việc này cũng dễ dàng thôi. Tuy nhiên dần dà tôi đã nhận ra rằng công việc này thực ra cần tôi dành nhiều thời gian để quản lý (và học cách quản lý) hơn là so với làm về mảng sáng tạo – thứ mà tôi đã có kinh nghiệm. Tôi cũng đã học được việc thiết kế trong một công ty quảng cáo có nghĩa là “thực thi” và “sản xuất”. Đến cả hai quan niệm “sáng tạo” và “thiết kế” cũng khác biệt rất nhiều. Làm thế nào để “thiết kế” mà không “sáng tạo” chứ?

Một luồng suy nghĩ chạy ngang đầu tôi: “Niềm tin của tôi đã biến mất sao? Tôi có đang đưa bản thân vào những hành động sai lầm không?”

Tôi biết rằng tôi đã thử thách sự kiên nhẫn của những cộng sự, và ngược lại. Tất nhiên, có một vài sự thất vọng. Trớ trêu thay tôi đã không biết rằng thực ra lối suy nghĩ và cách làm việc của chúng tôi cũng rất giống nhau. Dần dần chúng tôi bắt đầu gặp gỡ và làm việc cũng như tìm được điểm chung. Điều này giống như bạn đang thư giãn trong bồn nước nóng vậy, chỉ cần ngồi yên và cơ thể bạn sẽ quan dần với nhiệt độ. Tôi đã tập tính biết lắng nghe, và lắng nghe rất nhiều.

Nếu bạn muốn tìm thấy sự thay đổi, đừng than thở. Cứ hành động đi. Tìm cho mình một đội ngũ hỗ trợ vững chắc xung quanh và mài dũa kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo. Bởi vì sự thay đổi nào cũng không hề dễ dàng.

Xây dựng văn hóa phản hồi để tạo nên những bất ngờ lớn

Alex Seiler – Giám đốc cấp cao, Nhân sự toàn cầu, WeWork

Tôi đã từng trải qua việc quản lý một đội ngũ khá lớn, và tôi đã liên tục tìm kiếm sự phản hồi từ mọi người về những điều tôi có thể cải thiện. Tuy nhiên họ không hề minh bạch với câu trả lời của mình. Cho đến khi tôi thực hiện một cuộc đánh giá 360o như là một phần của việc tham gia huấn luyện điều hành thì rất nhiều phản hồi đã được đưa ra.

Tôi gọi tất cả mọi người lại với nhau và nói “Tôi không muốn gọi ai ra cả nhưng vì tôi nhận được những phản hồi này và tôi không biết nó đến từ đâu.” Trước đó, tôi đã từng thẳng thắn để nghe phản hồi từ mọi người, nhưng đã không thực sự hiệu quả.

Vì thế, tôi đã tận dụng cơ hội này và nói rằng: “Chúng ta đang xây dựng một đọi ngũ năng suất cao và tôi nghĩ các bạn có thể mở lòng chia sẻ với tôi bất cứ điều gì các bạn muốn.”

Từ quan điểm của họ, họ nói rằng mình nên nói điều gì đó sớm hơn, đặc biệt là về việc quá sức và khả năng xử lý công việc. Họ đã để trong lòng những việc đó. Tôi cũng như họ, vì tôi đã thúc đẩy mọi người quá nhiều, đôi khi đến quá mức.

Trong tương lai, điều tôi cần làm là gắn kết tập thể lại và đề ra các tiêu chí hoạt động. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, khi tôi đưa cho bạn các phản hồi, tôi hy vọng bạn cũng sẽ đưa ra những phản hồi. Chúng ta cần phải xây dựng văn hóa đó ngay từ đầu.

Nói chuyện với những người mà bạn tin tưởng trong khoảng thời gian khủng hoảng

Kristen Dudish , Giám đốc điều hành Thiết kế sản phẩm,  Thời báo The New York Times

Tôi chuyển sang vai trò lãnh đạo thiết kế hiện tại như một phần của việc tái hệ thống đội ngũ phát triển sản phẩm. Đó là một thử thách lớn và tôi phải học hỏi nhiều thứ. Tôi đảm nhận những nhiệm vụ mới: quản lý nhiều nhà thiết kế hơn trước đây; tuyển dụng, phỏng vấn và giúp họ làm quen với môi trường làm việc mới; hợp tác với đối tác sản phẩm mới để thiết lập chiến lược và xây dựng một bầu không khí làm việc hoà hảo. Tất cả điều này xảy ra một cách dồn dập ngay sau khi vừa kết thúc buổi giới thiệu sản phẩm khổng lồ! Thêm vào đó người quản lý hỗ trợ tôi rất nhiều lại xin nghỉ thai sản trong 6 tháng.

Tôi, lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình, cảm thấy bị mắc kẹt. Tôi đã vật lộn nhiều hơn bao giờ hết. Tôi không có đủ thời gian trong ngày để làm mọi thứ. Làm cách nào để tham dự mỗi buổi họp cần sự có mặt của tôi trong khi tôi vẫn phải làm việc cật lực cùng các kĩ sư để cho ra đời những tính năng sản phẩm mới? Làm cách nào để tôi trở thành người quản lý tuyệt vời khi tôi không thể xem các báo cáo? Làm thế nào để tôi chắc rằng công việc thiết kế đang đi đúng hướng khi tôi không thể có mặt trong tất cả các cuộc thảo luận? Tôi không thể làm mọi thứ 100%. Tôi sẽ thất bại sao? Sau một vài tuần trong vai trò mới, tôi thực sư sợ cảm giác bước chân đến văn phòng.

Tôi biết mình cần sự giúp đỡ. Vì vậy, tôi đã tiếp cận với những người tôi tin tưởng và ngưỡng mộ. Tôi cũng nói chuyện với đồng nghiệp và bạn bè, những người từng trải tình huống cũng giống như tôi. Tôi phát hiện ra tôi có một nguồn lực hỗ trợ rất lớn, hơn cả những gì tôi nghĩ. Chỉ cần cho mọi người biết tôi đang chật vật vấn đề gì, tôi sẽ nhận được rất nhiều lời khuyên và sự giúp đỡ.

Đáng nói nhất ở đây là bạn không thể nào làm tất cả mọi thứ. Tôi đã khá hơn trong việc định hình thời gian để tập trung, lập kế hoạch và dành cho nhóm của mình. Tôi đã học cách trưởng thành hơn khi mình gặp vấn đề tưởng chừng bế tắc. Đó như là một thử thách về việc buông xuôi hoặc học cách kiểm soát. Tôi đã và đang tìm thấy câu trả lời cho mình.

Đôi khi, điều bạn cần chỉ là yên tĩnh ở một mình

Oren Aks , nhà thiết kế và cựu chiến lược gia Jerry Media cho Fyre Fest

Tôi từng đầu quân tại Thrillist với tư cách là một nhà thiết kế đồ hoạ cho đến khi tôi gặp đội ngũ F*ckJerry và họ săn lùng tôi. Thời điểm ban đầu, đó là công việc tốt nhất từng có. Cuộc sống của tôi nhìn chung khá tốt và Fyre Fest thúc đẩy điều đó.

Và ai cũng biết điều gì đã xảy ra, tất cả sụp đổ và tan tành. Tôi phải trụ lại công ty khoảng sáu tháng vì tôi không thể bỏ việc được. Hóa đơn thì chồng chất. Tôi thật sự rất chật vật. Tôi cảm thấy có lỗi và không ai xung quanh hiểu được những gì tôi đã trải qua và tôi không biết làm thế nào để nói chuyện với mọi người về điều đó.

Tuần cuối cùng của tháng, căn hộ mới mà tôi tìm trở thành dự án treo. Tôi như gào thét lên: “Tôi sẽ rời khỏi New York. Không thể nào như thế được.”

Và rồi bộ phim tài liệu xuất hiện. Tôi đã thực sự sợ hãi và tôi nghĩ rằng Fyre thật tồi tệ và tôi không muốn nhắc về nó nữa. Sau đó, tôi bắt đầu nhận ra những khía cạnh tích cực: Tôi có thể nói chuyện với mọi người về những gì giữ trong lòng suốt hai năm qua. Nhờ vậy, tôi cũng tự hỏi bản thân mình về cách để đối phó với chúng. Tôi chẳng có sự chuẩn bị nào cả. Một mặt, thật tuyệt vời vì tôi được gặp gỡ những người thực sự thú vị mỗi ngày và có rất nhiều cơ hội được trình bày. Nhưng tôi trở về nhà và cạn kiệt năng lượng để làm những việc vừa được bàn luận. Vì vậy, tôi quyết định tắt internet để tập trung vào những gì tôi thực sự muốn làm.

Và thế là, tôi trú ngụ trong một ngôi làng nhỏ bé ở Hy Lạp chỉ vỏn vẹn 75 người, kéo dài 1 tháng. Không có cửa hàng tạp hóa, không có gì ở đấy hết. Tôi tỉnh giấc lúc 5 giờ sáng và lên giường ngủ lúc 9:30 tối. Tôi tập yoga vào buổi sáng. Cuộc sống như vậy có thể trở nên quá cô lập với một số người nếu họ không tận dụng đúng cách, không thử thách bản thân hay không biết tự làm bản thân vui vẻ. Đối với tôi, tôi phải lên kế hoạch và chắc rằng mình sẽ chạm đến một vạch đích nào đấy.

Sự cô lập đầy chiến lược như vậy cho phép tôi tập trung vào những gì tôi đam mê. Đó là sự cải thiện bản thân thông qua một chế độ nghiêm ngặt. Sự khác biệt lớn chính là cách bạn cảm nhận và làm việc khi bạn là người kiểm soát, không phải là khách hàng hay các deadline. Bị mắc kẹt trong những thói quen hàng ngày không cho phép bạn làm điều đó, vì vậy hãy tách riêng chúng khỏi thế giới của bạn. Đôi khi bạn cần lùi một bước để lên đà cho một bước nhảy vọt.

Tác giả: Emily Ludolph | Theo 99u
Minh họa: The Project Twins
Biên dịch: BB | RGB.vn

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!