Ai sử dụng phần mềm Adobe Photoshop bản crack cần lưu ý điều này

Các nhà nghiên cứu bảo mật từ công ty NordLocker vừa phát hiện một nhóm hacker đã đánh cắp 1,2 TB dữ liệu người dùng thông qua các phần mềm không bản quyền, bao gồm game lậu và trong đó có cả Adobe Photoshop bản crack.

(Ảnh: NordLocker)

Mới đây, các nhà nghiên cứu bảo mật từ công ty NordLocker vừa đưa ra thông tin đáng lo ngại về một loại Trojan độc hại ảnh hưởng đến hàng triệu PC.

Cụ thể, một loại phần mềm độc hại (Trojan) đã nhiễm lên hàng triệu máy tính để bàn và đánh cắp 1,2 TB dữ liệu cá nhân. Số dữ liệu khổng lồ này bao gồm 1,1 triệu địa chỉ email và 26 triệu thông tin đăng nhập tài khoản.

Báo cáo từ NordLocker cho biết, nhóm hacker đã để lộ nơi cất số dữ liệu trên. Khi phát hiện được điều này, NordLocker đã liên hệ với một bên thứ ba nữa nhằm xác định những dữ liệu bị đánh cắp.

Họ phát hiện ra một mã độc đã thâm nhập đến 3,2 triệu máy tính chạy Windows trong khoảng thời gian giữa năm 2018 và 2020. Dữ liệu chứa 2 tỷ cookies, và trong số đó, 22% (khoảng 400 triệu) vẫn còn sử dụng được.

Số dữ liệu bị đánh cắp còn bao gồm 6 triệu tệp tin tải về từ màn hình chính và thư mục “Download” của các máy tính nhiễm mã độc. Trong số đó, có khoảng 900.000 tệp tin hình ảnh, 600.000 tệp tin Word, 3 triệu tệp tin văn bản chiếm phần lớn số dữ liệu bị đánh cắp, và 1.000 tệp tin đủ loại.

Theo các chuyên gia bảo mật, Trojan này lây nhiễm thông qua các phần mềm không bản quyền, bao gồm game lậu và phần mềm Adobe Photoshop bản crack (đã bị bẻ khóa).

Ảnh minh họa

“Ảnh chụp màn hình do mã độc thực hiện cho thấy, mã độc này lây lan qua phần mềm lậu (Adobe Photoshop bản crack), Windows không bản quyền và game lậu. Thậm chí, mã độc này còn chụp lén những người dùng sử dụng webcam”, báo cáo của NordLocker cho biết.

Theo NordLocker, các mã độc kiểu này được bán tràn lan trên những web đen, nhiều khi chỉ có giá rẻ dưới 100 USD.

Dựa vào cách thức lây lan của mã độc, những gì ta cần làm để tránh trở thành nạn nhân đó là: Không sử dụng phần mềm lậu; Không tải tệp tin từ những trang web khả nghi và truy cập vào những đường link lạ trên mạng.

Ngoài ra, bạn có thể truy cập trang web Have I Been Pwned (https://haveibeenpwned.com/) để xem liệu tài khoản của mình đã bị rò rỉ trên mạng chưa và đưa ra hướng giải quyết hợp lý.

Theo Duy Huỳnh / Saostar

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!