Âm thanh trong phim ảnh

Vừa qua, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức lớp học Âm thanh phim điện ảnh, truyền hình tại hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội. Khóa học kéo dài 3 ngày và có sự tham gia của chuyên gia âm thanh người  Mỹ David Sonnenschein với tư cách là giảng viên. Trong 3 ngày, David Sonnenschein đã truyền thụ tới học viên những kinh nghiệm sử dụng âm thanh trong phim vô cùng thiết thực.

RGB.vn | Âm thanh trong phim ảnhDavid Sonnenschein

1. Các hình thức nghe  (Listening modes)

Theo David Sonnenschein, để có một “đôi tai thông minh”, kỹ thuật viên âm thanh cần luyện tập và phát hiện 4 hình thức (chế độ) nghe sau.

– Reduced: Chất lượng âm thanh, tính tinh khiết của âm thanh được sử dụng trong phim. Để đạt được yêu cầu này, kỹ thuật viên âm thanh cần có một đôi tai biết lọc tạp âm tốt.

– Causual: Nguồn của âm thanh, môi trường nơi âm thanh đó phát ra. Nắm được yếu tố này, kỹ thuật viên âm thanh sẽ biết sử dụng âm thanh phù hợp và hợp lý với không gian trong phim.

– Semantic: Ý nghĩa, tính biểu cảm của âm thanh. Kỹ thuật viên âm thanh phải trả lời được câu hỏi: họ muốn khán giả cảm nhận điều gì khi sử dụng âm thanh/ tiếng động này?

– Referential: Tính tham chiếu, tính tượng trưng của âm thanh – âm thanh được sử dụng để đại diện cho một ngữ cảnh, vùng miền, một giai đoạn, một nền văn hóa hay thời kỳ lịch sử nào đó.

Ví dụ – Âm thanh mang tính tham chiếu cho một giai đoạn và một vùng miền: Nếu một bộ phim Việt Nam sử dụng tiếng leng keng của tàu điện thì ngay lập tức khán giả sẽ nhớ về Hà Nội của thập niên 70, 80.

Ví dụ – Âm thanh mang tính tham chiếu cho một vùng miền: có thể sử dụng âm nhạc như một ví dụ điển hình. Ví dụ: âm nhạc đặc trưng của những thành phố châu Âu như Pari hay Rome sẽ luôn là tiếng đàn accordion hoặc tiếng harmonica; hay như tiếng sáo sẽ đại biểu cho Trung Quốc, tiếng nhạc với những nhịp mạnh, hiện đại và sôi động sẽ biểu trưng cho New York,…

2. Phân loại chất lượng âm thanh (Sound quality bi-polarities)

Theo David Sonnenschein,  âm thanh có 10 đặc tính sau:

Đặc tính Tính chất
Âm lượng (Volume) Mềm mại (Soft) Ồn ào (Loud)
Cao độ (Pitch) Thấp (Low) Cao (High)
Thanh sắc (Timbre) Đơn giản (Simple) Phức tạp (Complex)
Tốc độ (Speed) * Chậm (Slow) Nhanh (Fast)
Nhịp điệu (Rhythm) * Có trật tự (Ordered) Hỗn loạn (Chaotic)
Khởi tạo (Attack) Đột ngột (Sudden) Dần dần (Gradual)
Độ dài (Sustain/ Duration) Ngắn (Short) Dài (Long)
Độ vang (Decay) Đột ngột/ Tiếng thô (Sudden/Dry) Dần dần/ Tiếng “ướt” (Gradual/Wet)
Hướng (Directionality) Hẹp (Narrow) Rộng (Wide)
Hòa hợp (Harmony) * Phụ âm (Consonant) Chói tai (Dissonant)

* Đối với những âm thanh kéo dài và đều đều thì sẽ không có 3 đặc tính này.

Khi sử dụng bất cứ một âm thanh, tiếng động nào đó trong phim, kỹ thuật viên âm thanh phải tính đến các đặc tính trên của âm thanh để tạo được hiệu quả thính giác lớn nhất tới khán giả.

3. Nguồn âm thanh (đối với khán giả)

– On screen: là âm thanh mà khán giả có thể nghe được và thấy được nguồn phát trên màn ảnh.
– Off screen: là âm thanh mà khán giả có thể nghe được nhưng không nhìn thấy nguồn phát trên màn ảnh.
– Out of screen: loại âm thanh này chủ yếu là nhạc phim.

Vậy ai là người nghe âm thanh? David tổng kết lại đối tượng nghe âm thanh chủ yếu là hai nhóm sau:
– Ngôi thứ nhất: nhân vật trong phim, là chủ thể
– Ngôi thứ ba: khác giả, là khách thể

Ngoài ra ở một số trường hợp khác như trong một cảnh nghe điện thoại thì chỉ có nhân vật mới có thể nghe được âm thanh từ đầu dây bên kia, còn khán giả thì không. Và ngược lại, cũng có trường hợp chỉ khán giả mới có thể nghe thấy âm thanh còn nhân vật thì không. Ví như  trong một bộ phim hành động, chỉ khán giả mới nghe tiếng bước chân của kẻ tấn công, điều này sẽ tạo nên tâm lý hồi hộp, lo lắng của khán giả đối với nhân vật sắp bị tấn công.

4. Các tầng âm thanh (Sound spheres)

David Sonnenschein chia âm thanh ra làm 6 tầng lĩnh vực

– Tầng trong cùng – Tôi nghĩ (I think): đây là âm thanh phát ra từ tâm tưởng của nhân vật và không ai khác (ngoại trừ khán giả) có thể nghe được.
Ví dụ: là âm thanh trong những giấc mơ hoặc ký ức của nhân vật, hoặc là những lời nội tâm của nhân vật…

– Tầng thứ 2 – Tôi là (I am): đây là dạng âm thanh được tạo ra từ chủ thể.
Ví dụ: tiếng tim đập, tiếng nói, tiếng thở, tiếng dạ dày réo khi đói…

– Tầng thứ 3 – Tôi chạm (I touch): là dạng âm thanh được tạo ra bởi tác động của nhân vật tới thế giới bên ngoài.
Ví dụ: tiếng bước chân, tiếng các đồ vật khi được con người chạm tới. Đây cũng chính là xuất phát điểm của việc lồng tiếng động trong studio bằng cách chạm vào các đồ vật.

– Tầng thứ 4 – Tôi thấy (I see): là dạng âm thanh khi nhân vật có thể nhìn thấy nguồn phát của âm thanh đó.
Ví dụ: miệng chuyển động cùng với lời nói thoát ra, tiếng xe hơi chạy qua, tiếng TV,…

– Tầng thứ 5 – Tôi biết (I know): là dạng âm thanh off screen (ngoài màn hình), nhân vật không thể nhìn thấy nguồn phát nhưng vẫn có thể nhận biết được đây là âm thanh do vật hoặc hành động nào tạo ra.
Ví dụ: tiếng người nói chuyện ngoài tầm mắt, tiếng mưa rơi, gió thổi bên ngoài căn phòng,…

– Tầng ngoài cùng – Tôi không biết (I don’t know): là những âm thanh mà nhân vật không biết đó là âm thanh biểu trưng cho điều gì và đến từ đâu.
Ví dụ: những tiếng động gây tranh cãi về nguồn phát của nó, hoặc những ngôn ngữ mà ta không hiểu…
Nắm rõ được 6 tầng âm thanh này, các kỹ thuật viên âm thanh có thể áp dụng vào bộ phim để đạt hiệu quả cao nhất. Ví dụ, đối với tầng âm thanh “Tôi không biết”, khi sử dụng những âm thanh dạng này có thể gây nên sự ngạc nhiên, sự kinh hoàng, hoặc tạo ra tiếng cười cho khán giả. Và vì thế có thể được dùng làm bước chuyển cho mạch truyện trong phim.

Theo RedOcean / Chuyendoiquaphim

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!