PhotoGuard: Công nghệ mới sử dụng kỹ thuật đầu độc dữ liệu để “gây lú” các cỗ máy AI, chống sao chép và chỉnh sửa hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo

Đi cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đó là mối lo ngại về việc thậm chí đánh cắp hình ảnh và vấn nạn tin giả (fake news) ngày càng tăng lên. Để đối phó với thách thức này, các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Khoa học Máy tính và Trí tuệ Nhân tạo (CSAIL) của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) mới đây đã phát minh ra một kỹ thuật nhằm bảo vệ hình ảnh khỏi các chỉnh sửa được thực hiện bởi AI.

Được đặt tên là ‘PhotoGuard’, công cụ này sẽ đưa thêm một lớp “noise vô hình” vào hình ảnh gốc bằng cách sử dụng kỹ thuật đầu độc dữ liệu. Lớp “noise” này không thể nhìn thấy bằng mắt thường, thế nhưng nó lại có khả năng ngăn chặn AI tái tạo lại hình ảnh mới dựa trên ảnh gốc.

Cụ thể hơn, PhotoGuard thay đổi các điểm ảnh (pixel) trong bức hình gốc một cách có chọn lọc. Máy móc có thể phát hiện và đọc được các thay đổi này, thế nhưng đối với mắt người, hình ảnh sẽ không bị thay đổi. Khi PhotoGuard được áp dụng, nó hoạt động như một rào cản chống lại các trình tạo ảnh AI đang cố gắng tạo ra ảnh mới dựa trên ảnh gốc. 

Để minh họa, các nhà nghiên cứu đã “thực nghiệm” trên hình ảnh của một số người nổi tiếng như Elon Musk và người dẫn chương trình truyền hình Trevor Noah. Trước khi dùng PhotoGuard, thực sự quá dễ dàng để AI “deepfake” ảnh của họ lên một nền khác và trang phục khác, hay thậm chí cho họ “cưới” nhau luôn cũng được nếu muốn. Tuy nhiên, sau khi áp dụng lớp bảo vệ của PhotoGuard, hình ảnh tạo ra sau đó bởi AI sẽ bị méo mó và không thực tế.

Cần lưu ý là PhotoGuard vẫn chưa phải là hoàn hảo. Có khả năng sẽ có người sử dụng phần mềm lật ảnh để đảo ngược kỹ thuật bảo vệ và biến bức ảnh về trạng thái ban đầu, sau đó tiếp tục dùng AI để chỉnh sửa. Tuy nhiên điều đó sẽ mất thời gian, và hiện tại công cụ mới này tạm thời cung cấp thêm được một lớp bảo vệ khá hiệu quả cho hình ảnh của bạn trong kỷ nguyên AI.

Theo: Engadget, DesignTaxi
Ảnh: MIT Github