Công việc của một UX Designer

UX Design là một ngành mới nhưng rất quan trọng và có tiềm năng. Nhưng thực sự một  UX Designer thì phải có những tính cách hay tố chất như thế nào? Người làm UX Design sẽ phối hợp với những chức năng khác như thế nào? Bài viết này sẽ giải đáp những câu hỏi đó.

RGB.vn_viet_designer_UX_design

Công việc của UX Designer trong một team phát triển sản phẩm

Trong một đội ngũ phát triển sản phẩm, người thiết kế UX có một vị trí rất quan trọng. UX Designer là chiếc cầu nối giữa khách hàng và những nhà lập trình viên, là người giải mã những insight của khách hàng, dung hòa với mục tiêu kinh doanh và biến nó thành những tính năng, tương tác, giao diện cho sản phẩm. Người làm UX Design có thể đảm nhận những công việc ở giai đoạn đầu, mang tính chiến lược tổng quát, hay những công việc chi tiết như flow của sản phẩm phải như thế nào, các button màu gì…

Ngoài việc nghiên cứu và thiết kế, đôi khi UX Designer cũng làm công việc phân tích dữ liệu và thử nghiệm để tối ưu hóa sản phẩm.

 

Phương châm làm việc của UX Designer

Người làm UX có trách nhiệm với cả hai bên: người dùng và công ty phát triển sản phẩm.

Đối với người dùng: UX Designer phải hiểu những suy nghĩ và giả định của mình luôn là góc nhìn chủ quan và không nhất thiết phản ánh đúng cách nhìn của người dùng sản phẩm. Những thiết kế của người UX Designer luôn được hướng dẫn bởi người dùng, với từng feature và yếu tố giao diện được đặt vào đều với mục tiêu rõ ràng và liên quan đến nhu cầu của người dùng. Khi có một insight hay giả thuyết nào đó, người UX Designer sẽ muốn thử nghiệm để kiểm chứng giả thuyết của mình chứ không lập tức chấp nhận nó.

Tuy nhiên, từ nền tảng tâm lý học, người UX Designer cũng phải hiểu được người dùng không thật sự hiểu chính bản thân họ, và vì thế mà sẽ không bao giờ ngay lập tức chấp nhận những ý kiến của người dùng như là một chân lý tối cao.

Nhìn chung, không có một công thức nào để nói rằng lúc nào bạn có thể tin tưởng người dùng và thật sự họ muốn cái quái gì, điều này phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm cũng như sự sâu sắc của chính UX Designer.

Đối với công ty phát triển sản phẩm: nói rằng đặt người dùng lên hàng đầu, nhưng mục tiêu của UX Designer vẫn là giúp công ty đạt mục tiêu kinh doanh. Dung hòa được nhu cầu của người dùng và mục tiêu của chính sản phẩm không phải là vấn đề đơn giản. Về lâu dài những gì là tốt nhất cho khách hàng cũng là tốt nhất cho doanh nghiệp. “Khách hàng vui thì đời vui” mà! Tuy nhiên, trong ngắn hạn, đôi lúc bạn sẽ phải đánh đổi giữa việc làm hài lòng người dùng và hiệu quả kinh doanh. Đây cũng là một trong những quyết định khó khăn ngay cả với những Designer dày dạn kinh nghiệm.

Hai trách nhiệm này của người UX Designer không bao giờ được tách rời.

rgb.vn_viet_designer_UX_design_02

Người như thế nào thì thích hợp để trở thành UX Designer?

Những người làm UX Design thường nên có những tố chất sau:

– Sự đồng cảm: họ dễ dàng hiểu hay đoán được người khác đang hiểu gì và tại sao.

– Sự khiêm tốn: dù có là chuyên gia hay không, họ luôn lắng nghe và học hỏi từ mọi người xung quanh, đặc biệt là người dùng của mình.

– Sự quan sát và tò mò về mọi thứ xung quanh: họ cảm thấy thích thú khi được nghe những câu chuyện của người khác hay được tham gia vào những hoạt động mới mà trước đây mình chưa biết đến.

– Không phán xét: họ không áp đặt các giá trị đạo đức hay lối suy nghĩ của mình vào người khác và cho rằng mình luôn đúng.

– Chú ý đến chi tiết: họ thường thấy được những chi tiết nhỏ nhoi ảnh hưởng đến mọi người như thế nào, và hiểu được những thay đổi nhỏ cũng có thể tạo nên ảnh hưởng lớn.

 

Những kỹ năng mềm cơ bản

 

– Kỹ năng giao tiếp: UX Designer phải giao tiếp với nhiều bộ phận khác nhau với các chuyên môn khác nhau, truyền đạt được thông tin một cách hiệu quả, cho dù đó là từ khách hàng đến bộ phận kỹ thuật hay marketing và kinh doanh.

– Hiểu biết về tâm lý học: hầu hết tất cả UX Designer, vào nhiều lúc trong sự nghiệp của mình, đều tìm hiểu và đào sâu vào các yếu tố và lý thuyết tâm lý.

– Kỹ năng thuyết phục: người UX Designer phải thuyết phục được không chỉ bản thân mà còn những người làm chung đội ngũ, những người làm kỹ thuật và product manager đi theo triết lý design và áp dụng những kết quả của mình.

– Kỹ năng thấu hiểu vấn đề: họ có thể nhìn qua được những biểu hiện bề mặt của vấn đề và xác định được đúng vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết.

– Kỹ năng thiết kế và prototype: bạn cần có khả năng tạo ra một sản phẩm mẫu trong thời gian ngắn để có thể nhanh chóng thử nghiệm và cải thiện sản phẩm đó. Bên cạnh đó, trong hầu hết các trường hợp, bạn phải tự mình hoàn thành một sản phẩm hoàn thiện. Vì vậy, trang bị chuyên môn về thiết kế đồ họa, giao diện, sản phẩm là cần thiết.

– Hiểu biết căn bản về kỹ thuật: một chút hiểu biết về kỹ thuật rất có ích. Nếu bạn có background kỹ thuật cũng rất tốt. Đây cũng là một lợi thế khi bạn hiểu những khả năng và giới hạn của công nghệ để xây dựng những giải pháp tốt.

– Kỹ năng phân tích dữ liệu kết hợp tư duy sáng tạo: phân tích dữ liệu là cần thiết khi bạn phải làm việc trong những dự án lớn hoặc đã ổn định. Tư duy sáng tạo, ngược lại, là một cái vui của nghề. Bạn có thể cập nhật xu hướng, vui với những tương tác nhỏ, tạo nên những điều thú vị riêng cho sản phẩm.

 

Theo UXD.vn

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!