Quá trình làm phim của Pixar

Cùng RGB khám phá quá trình làm nên một bộ phim của hãng phim hoạt hình nổi tiếng thế giới – Pixar.

Có một cảnh trong Toy Story 2 (Câu Chuyện Đồ Chơi 2) khi ông già sửa chữa lại chàng cao bồi Woody nói với tên sưu tập đồ chơi tham lam Al McWiggin rằng: “Anh không thể hối thúc nghệ thuật.” Điều này đặc biệt đúng tại Pixar, nơi các bộ phim phải trải qua bốn giai đoạn: phát triển, tạo cốt truyện; tiền kỳ, giải quyết các thách thức về mặt kỹ thuật; sản xuất, làm phim; và hậu kỳ, “trau chuốt” sản phẩm cuối cùng. RGB sẽ đưa bạn đến từng bước chi tiết quá trình làm phim của một trong những hãng phim hoạt hình hàng đầu thế giới – Pixar.

1. “Chào hàng” ý tưởng về câu chuyện

Mọi thứ đều xuất phát từ ý tưởng. Tại Pixar, khi một nhân viên có ý tưởng về một câu chuyện nào đó, anh ta sẽ phải giới thiệu ý tưởng này đến các thành viên của bộ phận phát triển (development team) theo cách mà có thể bạn sẽ liên tưởng đến việc “chào hàng” của những người bán hàng. Thử thách thực sự của việc này đó chính là phải làm cho họ (bộ phận phát triển) tin tưởng vào ý tưởng đó và thấy được tiềm năng của nó.

2. Viết “Treatment”

Treatment là một tài liệu ngắn tóm tắt ý tưởng chính của câu chuyện. Đôi khi nhiều bản treatment của cùng một ý tưởng sẽ được phát triển để tìm ra sự cân bằng giữa các ý tưởng và tiềm năng. Sau đó chúng sẽ được bổ sung đầy đủ bởi một đội ngũ nghệ sĩ phát triển kịch bản (development and storyboard artists).

3. Vẽ Storyboard

Storyboard giống như một phiên bản truyện tranh được vẽ tay của bộ phim, đóng vai trò như một bản kế hoạch chi tiết cho các cảnh hành động và hội thoại. Mỗi nghệ sĩ vẽ storyboard đều nhận được các trang script và/hoặc một “beat outline” – một bản đồ thay đổi tâm lý của nhân vật cần phải được thể hiện thông qua các hành động. Với sự hướng dẫn từ những thứ trên, các nghệ sĩ sẽ hình dung ra những phân cảnh mà họ được giao, vẽ chúng ra và sau đó đem tác phẩm của mình đi tới đạo diễn “chào hàng”.

4. Bắt đầu thu âm

Đầu tiên, các nghệ sĩ của Pixar sẽ thu âm “nháp” giọng của mình cho storyboard reel (xem Bước 5). Sau đó, các diễn viên chuyên nghiệp sẽ bắt đầu thu âm giọng của nhân vật bằng cách đọc script rồi “tự biên tự diễn”. Diễn viên sẽ phải thu âm lời thoại ở nhiều cách thể hiện khác nhau, sau đó bản thu âm tốt nhất và phù hợp nhất sẽ được chọn để làm animation. Đôi khi giọng thu âm “nháp” quá tốt nên được giữ lại luôn như trường hợp giọng của Wheezy do Joe Ranft – Story Supervisor – lồng tiếng.

5. Làm “reel”

Reel là đoạn videotape thể hiện bản storyboard “sạch” mà không cần phải có người “chào hàng” kể lại câu chuyện. Nói cách khác, chỉ cần xem đoạn reel là người ta có thể hiểu được câu chuyện. Phòng biên tập (editorial) sẽ điều chỉnh độ dài và các yếu tố khác của mỗi shot trong từng phân cảnh để làm reel.

6. Tạo hình dáng

Dựa vào bản treatment, storyboards, trí tưởng tượng và phát triển; phòng nghệ thuật (art department) sẽ tạo ra các phiên bản minh họa của các nhân vật và thế giới trong câu chuyện. Họ cũng thiết kế đồ đạc, vật dụng, hình dáng bên ngoài và màu sắc cũng như “color scripts” để tạo ánh sáng, làm nên những ấn tượng thị giác sống động và chân thực cho từng cảnh phim.

7. Các hình mẫu được chạm khắc và tạo khớp

Tất cả mô hình nhân vật, đồ đạc, vật dụng của phòng nghệ thuật sẽ được đem đi chạm khắc, thiết kế bằng tay sau đó được scan và dựng 3-D trực tiếp trên máy tính. Sau đó chúng sẽ được thêm “avars”, animator sẽ dùng các avars này để khiến nhân vật chuyển động. Anh chàng cao bồi Woody trong Toy Story có tận 100 cái avars chỉ tính trên mặt thôi đấy nhé!

8. Trang trí khung cảnh

Sau khi được dựng 3-D, khung cảnh sẽ được trang trí thêm đồ vật như ghế, rèm cửa và đồ chơi để tạo nên một thế giới thực tế hơn. Những nhà thiết kế khung cảnh sẽ làm việc cận kề với đạo diễn để đảm bảo ý tưởng được triển khai đúng hướng.

9. Dựng cảnh

Để chuyển câu chuyện sang các cảnh 3-D, đội ngũ làm layout biên đạo chuyển động của các nhân vật trong trường quay rồi dùng phần mềm virtual camera để tạo ra những cảnh quay cảm xúc nhân vật và điểm nhấn của câu chuyện trong mỗi cảnh. Đội ngũ layout thường tạo ra nhiều versions của các cảnh quay cho phòng biên tập có nhiều sự lựa chọn để cắt cảnh giúp cho câu chuyện đạt hiệu ứng tốt nhất. Một khi các cảnh đã được cắt ghép xong xuôi, phiên bản cuối cùng sẽ được dùng để làm animation.

10. Animate cảnh phim

Các animators của Pixar không vẽ cũng như tô màu cho các cảnh phim giống như trong hoạt hình truyền thống. Bởi vì nhân vật, hình mẫu, layout, hội thoại và âm thanh tất cả đều đã được set up, animators giống như diễn viên hay người điều khiển rối vậy. Bằng cách sử dụng phần mềm animation của Pixar, họ biên đạo các chuyển động và biểu cảm trên khuôn mặt nhân vật trong mỗi cảnh phim. Họ làm điều này bằng cách sử dụng hệ thống điều khiển trên máy tính và các “avar” của nhân vật để định vị các chuyển động. Máy tính sau đó sẽ tạo ra các khung hình trung gian (in-between frames) để animator điều chỉnh nếu cần thiết.

11. Tạo bóng cho khung cảnh và nhân vật

Quá trình tạo bóng (shading) được thực hiện bởi “shaders”, chương trình máy tính cho phép biến thể phức tạp trong màu sắc hay tạo màu. Ví dụ, quá trình này cho phép màu sắc biến đổi trong ánh sáng khác nhau như sự phản chiếu trong mắt của Woody. Shader  thì biệt lập với bề mặt mà nó kết nối. Nói cách khác, hình dáng được xác định bởi mô hình, trong khi bề mặt của màu sắc hay hoa văn được xác định bởi shader.

12. Thêm ánh sáng

Bằng cách sử dụng ánh sáng kỹ thuật số, mỗi cảnh trong phim đều có ánh sáng giống như ánh sáng ở bên ngoài. Key light, fill light, bounce light và không khí trong phòng, tất cả đều được miêu tả và sử dụng để làm tăng cảm xúc và tâm trạng cho mỗi cảnh phim. Và tất cả các ánh sáng (lighting) này đều lấy cảm hứng từ các bản color script tạo bởi phòng nghệ thuật.

13. Render dữ liệu từ máy tính

Render là việc chuyển tất cả thông tin trong các file làm nên cảnh phim – khung cảnh, màu sắc, chuyển động diễn viên, v.v… – sang một khung hình (frame) của bộ phim. Renderfarm là một hệ thống máy tính khổng lồ của Pixar có khả năng dịch dữ liệu và kết hợp hình ảnh chuyển động nhanh (motion blur). Mỗi khung hình là 1/24 giây và mất khoảng 6 tiếng để render, có nhiều khung hình phải tốn đến gần 90 tiếng!

14. Tinh chỉnh cuối cùng

Phòng biên tập giám sát quá trình hoàn tất và bổ sung nhạc phim cũng như hiệu ứng âm thanh. Effect animation thêm vào các hiệu ứng đặc biệt. Và phòng photoscience ghi lại các khung hình kỹ thuật số thành phim hay thành một dạng thích hợp để chiếu kỹ thuật số.

 

RGB.vn /Dịch bởi Pascal Mặt Láo
Nguồn: Pixar

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!