Helvitica đã từ lâu trở thành một trong những bộ font chữ được sử dụng nhiều nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới.
Hiện giờ rất nhiều trang web trên thế giới đang dùng bộ font chữ này. Helvetica là bộ chữ chính thức trong hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố New York. Bản thân việc được sử dụng quá rộng rãi của Helvetica đã khiến cho Monotype, công ty “sản xuất” font chữ đang nắm bản quyền sử dụng Helvetica mới đây đã có vài thay đổi trong từng con chữ để khiến nó phù hợp hơn trong thế kỷ XXI.
Bộ font mới này có tên là Helvetica Now. Monotype đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian để “vẽ” lại từng ký tự trong số 40 nghìn ký tự của bộ font Helvetica, giúp nó dễ đọc hơn khi có kích cỡ nhỏ trên bao bì sản phẩm hay trên màn hình điện thoại, cũng như khiến nó bớt nhàm chán. The Verge đã có cuộc phỏng vấn Charles Nix, giám đốc mảng font chữ tại Monotype để hiểu thêm về quá trình cập nhật này.
Helvetica Now là gì? Khác biệt của nó với Helvetica và Helvetica Neue là gì?
Bốn năm trước, văn phòng tại Đức của chúng tôi bắt đầu nảy ra ý tưởng tạo ra một phiên bản mới của Helvetica. Họ liệt kê ra vài thứ giúp bộ font này trở nên tốt hơn. Chúng tôi phải nhìn lại quá trình hình thành bộ font này hồi năm 1957. Khi ấy thời đại kỹ thuật số chưa đến, và những chữ cái được “cắt” đúng nghĩa đen theo đúng kích cỡ. Rồi kỷ nguyên số đến, và những sắc thái riêng của những con chữ được cắt ghép kiểu analog chẳng còn nữa.
Trong quá trình 30 năm sau đó, những phiên bản ký tự khác được tạo ra như chữ ‘R’ có chân thẳng, chữ ‘a’ viết như chữ viết tay bị loại bỏ khi kỷ nguyên máy tính cập bến. Vì thế chúng tôi muốn tạo ra những biến thể như vậy và biến chúng trở nên hợp thời hơn. Chữ R in hoa và chữ a thường trên đây chẳng hạn, hoặc chữ u không có ‘đuôi chân serif’ ở cuối ký tự, chữ ‘t’ dọc thẳng đứng, không có nét uốn sang phải, vài dấu câu tròn trịa nữa. Tất cả những điều đó hiện diện để tạo ra cảm giác đã biến mất của bộ font Helvetica cho người đọc.
Tôi muốn nói rõ, Helvetica là một bộ font tuyệt vời. Nó dễ đọc, hoàn hảo trong gần như mọi nhu cầu, nhưng Helvetica Now được tạo ra để trở thành một phiên bản tốt hơn thông qua việc giới thiệu lại những thứ chúng tôi đã từng làm trong quá khứ, cùng với đó là cập nhật bộ font dựa trên nhu cầu sử dụng của con người.
Chúng tôi đưa ra những thay đổi theo thứ tự, từ góc nhìn của khách hàng, của người dùng, rồi đến góc nhìn của những người thiết kế. Thay đổi bộ font chữ nghĩa là khả năng phóng to thu nhỏ từng con chữ cũng sẽ thay đổi. Điều này khiến chúng tôi tính toán nhiều nhất. Lý do là mỗi khi nhắc về một bộ font Helvetica mới, thường tôi sẽ nhún vai: “Có cần thiết phải tạo ra một bộ font Helvetica mới không?” Nhưng rồi bạn nhìn thấy nó, và nhờ khả năng thay đổi kích cỡ tùy ý, nó giống như gặp lại một người bạn cũ vậy. Tuyệt lắm.
Nếu Helvetica đã trở thành tiêu chuẩn như vậy, thì làm thế nào để tạo ra một phiên bản mới của nó?
Làm thế nào để thiết kế lại bộ font chữ nổi tiếng nhất lịch sử ấy hả? Thì vừa làm vừa lo thôi. Làm hỏng cái này thì coi như bung bét hết cả. Dĩ nhiên là chúng tôi sẽ không làm hỏng bộ font cả thế giới yêu thích đâu, nhưng đi kèm với đó là rất nhiều việc phải làm: Tua ngược về quá khứ, tìm hiểu lịch sử bộ font, xem tất cả những phiên bản Helvetica từ năm 1957 đến giờ, hiểu cách nó thay đổi và những bước nào sai, để tránh những lỗi không đáng có và tìm ra những chi tiết cần được bảo tồn nguyên vẹn.
Làm việc này cũng giống như hành nghề y với lời thề Hippocrate ấy: “Không được làm điều gây hại”. Bất kỳ con chữ nào được thiết kế lại cũng cần áp dụng ba nguyên lý, đơn giản, rõ ràng và trung lập. Phần việc của tôi khi tạo ra Helvetica Now là thiết kế lại những con chữ nhỏ cỡ 6, 5, 4, hoặc thậm chí chỉ nhỏ bằng vài pixel trên màn hình điện thoại của các bạn.
Làm vui lắm, tôi được xem những bản in kim loại cỡ 6pt thời 1957-1960 của Helvetica ở Đức và Thụy Sỹ, và nghiên cứu khoảng cách giữa những con chữ. Sau khi sắp xếp những chữ cái hợp lý, tôi lại xáo tung chúng lên để nhận ra những khác biệt. Chỉ có thể nhận ra những khác biệt khi bạn thay đổi trình tự những chữ cái thôi. Nếu bạn nhìn chữ ‘F’ viết hoa, hoặc chữ ‘t’ thường, ý nghĩ đầu tiên luôn là “có cách nào khiến chữ cái kích thước 3pt, hiển thị trên màn hình Retina hay trên bản in độ nét cao rõ ràng hơn không?”
Có những khoảnh khắc trong cuộc sống khi bạn bất ngờ hiểu được thế nào là niềm vui. Tôi không muốn nói quá lên, nhưng đó chính là cảm giác của tôi khi tạo ra những ký tự Helvetica Now ở kích thước cực nhỏ. Mọi lý thuyết mà chúng tôi nghĩ ra để làm thế nào cho những ký tự cỡ nhỏ dễ nhìn hơn nhưng cùng lúc giữ lại được bản sắc của Helvetica đều trở nên hoàn hảo.
Trước kia Helvetica đến cỡ 6pt là chẳng còn đường nét nào nổi bật nữa, vì kích thước chữ và khoảng cách giữa những ký tự trở nên rất nhỏ. Nhưng khi nhìn thấy Helvetica Now ở kích thước 3pt, tôi mới thật sự cảm thấy sung sướng.
Vậy có ký tự nào khiến anh cảm thấy tự hào nhất khi tạo ra không?
Có, ký hiệu của đồng Bảng Anh (£). Trước đó tôi đi xem 1 trận bóng chày với một người bạn cũng là một nhà thiết kế, anh này chia sẻ rằng một người bạn khác từng nói với anh ấy rằng mỹ thuật là quá trình tạo ra một thứ có giá trị tuyệt hơn so với những gì đáng lẽ ra nó phải sở hữu. Và thế là tôi bỏ ra một khoảng thời gian dài hơn bình thường chỉ để chỉnh ký hiệu £ sao cho ở kích thước 3pt nó vẫn rõ ràng dễ nhìn. Nó giống như một bức họa theo trường phái ấn tượng ấy.
Một vài ký hiệu tiền tệ khác bị cắt bớt đường vạch như ký hiệu đồng Yên hay Euro để nó hiển thị tốt nhất trong môi trường kích thước nhỏ hoặc màn hình độ phân giải thấp.
Đã bao giờ anh nghĩ mình sẽ tái tạo lại bộ chữ Helvetica?
Chưa luôn. Tôi dùng Helvetica nhiều lắm, nhưng đó là hồi trước năm 1990 khi mới lớn. Tôi có một người thầy ở Cooper Union là George Sadek, ổng cuồng Helvetica lắm. Ông ấy nghĩ đến việc dùng Helvetica cho cái máy in Linotronic 330, hoặc cho nhiều bề mặt khác nhau, giống hệt như Massimo Vignelli (nhà thiết kế huyền thoại người Ý) lúc ông này nhìn thấy bộ font Helvetica vậy. Bộ chữ này chính là chứng nhân của chủ nghĩa hiện đại giữa thế kỷ XX.
Sau khi Helvetica Neue ra đời, và chúng tôi bắt đầu làm việc với những ứng dụng như PageMaker, QuarkXPress hay sau này là InDesign, tôi bắt đầu tránh sử dụng Helvetica. Một lý do to đùng là “không đi theo bước chân của người đi trước”. Cái cảm giác muốn chối bỏ những thứ mà người lớn dạy để đi tìm cái mới của giới trẻ ấy! Lý do nữa là Helvetica không còn khiến tôi thích thú như trước nữa. Thế giới này rộng lắm, và tôi muốn thử những bộ font chữ khác.
Cho đến khi Tom Rickner đến tìm tôi và hỏi rằng có muốn làm bộ font Helvetica Now hay không, ý nghĩ đầu tiên của tôi là “mình chẳng bao giờ dùng bộ font ấy đâu, nhưng thôi mình vẫn muốn tham gia làm”. Tôi muốn tham gia vào quá trình đổi mới Helvetica cũng vì chính những lý do tôi chối bỏ nó, vì tôi muốn bộ chữ có thứ gì đó khác.
Anh có nghĩ chúng ta phải chờ thêm 30 đến 50 năm nữa để tạo ra một bộ font Helvetica mới nữa không?
Nếu chúng tôi làm tốt công việc của mình, thì đúng là nó sẽ tồn tại được vài thập kỷ. Hans Eduard Meier và Eduard Hoffman đã giới thiệu Helvetica vào năm 1957, và ngay lập tức, họ bắt đầu tạo ra những biến thể của bộ font đó: Chữ mỏng, chữ nghiêng, chữ dày,… Rồi những biến thể khác bắt đầu xuất hiện, Helvetica Condensed và Helvetica Expanded. Tôi nghĩ rằng bước tiếp theo trong dự án Helvetica Now chính là những biến thể như thế này.
Tôi luôn chia thế giới typography ra làm hai dạng, chữ lớn trong dòng title (display typeface), và chữ nhỏ trong các đoạn văn (text typeface). Những con chữ lớn chính là những thứ khổng lồ gây lôi cuốn con người. Chúng ta bị cuốn hút bởi những con chữ trên những dòng title, những câu slogan quảng cáo, nhưng kỳ thực những ký tự trong các đoạn văn xuất hiện nhiều hơn một cách rõ ràng. Tôi nghĩ rằng Helvetica Now Condensed hay Expanded sẽ trở thành những công cụ giúp ích hữu hiệu cho những nhà thiết kế.
Để lại đánh giá