Henri Hubert nói về nghề sáng tạo

Trong thời đại công nghệ, quảng cáo không chỉ đơn giản là một phần của cuộc sống mà đã trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật cho nhiều người. Với những ý tưởng độc đáo cùng hình ảnh bắt mắt, truyền thông và quảng cáo đang là một số ngành nghề được quan tâm nhất hiện nay. Khi tìm hiểu về lĩnh vực này, tôi may mắn có dịp trao đổi với Henri Hubert – Giám đốc Sáng tạo tại Le Nom Agency. Anh là người đứng sau nhiều chiến dịch quảng cáo thành công, làm việc với những thương hiệu tên tuổi như Piaggio, Vespa, An Phước, Suncity Group, Yamaha, VinaCapital, BMW… Với tuổi nghề trải dài gần bốn thập kỷ, Henri sẽ chia sẻ một số thông tin hữu ích cho những bạn trẻ đang muốn thử sức với ngành.

Xin chào Henri! Như anh đã biết, sáng tạo nghệ thuật là một ngành nghề đang được rất nhiều người quan tâm. Anh có thể giải thích thêm về công việc của một Giám đốc Mỹ thuật không?

Giám đốc Mỹ thuật trước nhất là người sáng tạo hình ảnh. Nhiệm vụ của vị trí này là đưa ra những định hướng giúp trực quan hóa ý tưởng, từ đó xây dựng nên bộ nhận diện thương hiệu, bao bì sản phẩm, hình ảnh và video phục vụ cho các chiến dịch quảng cáo… Bạn có thể thấy những thành phẩm như poster, banner xuất hiện trên mạng xã hội, tạp chí, TV, cũng như trong các sự kiện, hoạt động quan hệ công chúng…

Nói cụ thể hơn thì Giám đốc Mỹ thuật sẽ quyết định chiến lược hình ảnh của sản phẩm hoặc thương hiệu, ý tưởng mỹ thuật, bố cục, màu sắc, kiểu chữ, cách sắp xếp và thể hiện thông tin… Công việc có nhiều chi tiết, đòi hỏi sự tỉ mẩn. Vì vậy Giám đốc Mỹ thuật không thể làm việc một mình mà cần sự hỗ trợ của đội ngũ thiết kế.

Vậy điểm khác biệt giữa Giám đốc Mỹ thuật và Giám đốc Sáng tạo là gì?

Giám đốc Sáng tạo có nhiệm vụ bao quát mọi hoạt động liên quan đến “sáng tạo” của dự án, gồm xây dựng chiến lược, đề xuất ý tưởng, giám sát quá trình sản xuất và hậu kỳ. Giám đốc Sáng tạo sẽ đưa ra quyết định, dẫn dắt các thành viên cụ thể hóa ý tưởng đã có thành sản phẩm cuối cùng. Hỗ trợ trong khâu hoàn thiện ý tưởng gồm Giám đốc Mỹ thuật, Quản lý Nội dung và Thiết kế Hình ảnh. Khi bắt đầu quá trình sản xuất, Giám đốc Sáng tạo sẽ làm việc cùng Nhiếp ảnh gia, Đạo diễn…

Trong khi đó, Giám đốc Mỹ thuật là người lắng nghe, hiểu rõ chiến lược của Giám đốc Sáng tạo. Với nhiệm vụ triển khai và phối hợp cùng đội ngũ thiết kế, Giám đốc Mỹ thuật sẽ biến mọi ý tưởng thành hiện thực. Phong cách của một bộ hình, tính thẩm mỹ của những thước phim đều bắt đầu từ định hướng của Giám đốc Mỹ thuật.

Ngoài ra, trong các show diễn sân khấu, ví dụ như trình diễn thời trang, người hiện thực hóa ý tưởng của Giám đốc Mỹ thuật sẽ là Biên đạo.

Anh sẽ mô tả công việc hiện tại của mình như thế nào?

Nếu ví von bản thân một chút thì tôi nghĩ mình khá đa nhiệm. Tuy là Giám đốc Sáng tạo nhưng đôi khi tôi vẫn trực tiếp định hướng thẩm mỹ và hình ảnh. Ngoài ra, do thích trải nghiệm trên sân khấu nên tôi cũng ôm đồm cả vị trí Biên đạo, đặc biệt với những ý tưởng tôi cảm thấy thú vị.

Tôi nghĩ tâm hồn nghệ sĩ thích khám phá đã hình thành nên “trạng thái đa nhiệm” này, nhưng cũng có thể do tôi đã trải qua nhiều năm trong nghề nên có thể học hỏi và tích lũy kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực.

Anh đã phải chuẩn bị những gì về chuyên môn cũng như tinh thần để theo đuổi nghề?

Đối với tôi, kỹ năng chuyên môn không giữ vai trò thiết yếu trong công việc này, mà là khả năng cảm nhận mọi thứ một cách tinh tế. Điểm cốt lõi là năng lực sáng tạo cùng tầm nhìn dài hạn, có thể giúp một thương hiệu phát triển trong tương lai.

Điều đó không có nghĩa là bạn bỏ quên hoàn toàn các kỹ năng khác như kiểm soát cảm xúc và quản lý thời gian. Bởi không chỉ đơn giản là sáng tạo nghệ thuật, bạn còn phải theo dõi tiến độ, quan tâm đến ngân sách và chịu áp lực về kết quả.

Bên cạnh đó, bạn cần cái đầu nhạy bén, phản ứng cực nhanh để đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường, từ đó đưa ra phân tích, dự đoán và tạo nên xu hướng.

Mất bao lâu để trở thành một Giám đốc Mỹ thuật giỏi?

Tôi nghĩ 3-4 năm, nó cũng còn tùy theo đam mê của bạn với nghề. Nếu còn bỡ ngỡ, tôi cho rằng bạn nên bắt đầu với thiết kế, chụp ảnh, trợ lý sản xuất hoặc những công việc tương tự. Như vậy bạn có thể từng bước trải nghiệm và va chạm với nghề nhiều hơn.

Một lựa chọn khác là tham gia các khóa đào tạo tại những địa chỉ uy tín. Tại đây bạn có thể sớm định hình phong cách và tìm ra hướng đi phù hợp với bản thân.

Anh có thấy công việc này “dễ thở” không?

Cũng tùy lúc. Không có công việc nào dễ dàng cả, nhưng ít ra tôi không bị gò bó trong môi trường văn phòng. Khi ở vị trí này, bạn có thể tìm hiểu và suy ngẫm về nghệ thuật một cách thoải mái hơn. Nhưng đồng thời, bạn sẽ phải liên tục thay đổi tư duy, không ngừng sáng tạo và tái tạo bản thân. Việc này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Giữ được sự tò mò, luôn muốn khám phá mọi thứ không phải là điều dễ dàng, đặc biệt khi bạn đã có kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, bạn cần có nhận thức tốt và biết suy nghĩ về tương lai. Nói cách khác, bạn luôn phải tập trung và sẵn sàng làm việc, phải nhìn và cảm nhận mọi thứ dưới góc độ chuyên môn.

Công việc như vậy có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của anh không?

Đôi khi tôi cũng thấy mệt mỏi, nhưng sự mệt mỏi này đến từ đam mê và đem lại niềm vui.

Tuy liên quan đến nghệ thuật nhưng sáng tạo là một công việc căng thẳng, đòi hỏi cường độ tập trung cao. Tôi nhận thấy có nhiều bạn vì theo đuổi đam mê mà làm việc quên giờ giấc, không uống đủ nước, ăn thức ăn nhanh nên năng lượng cũng dễ cạn kiệt.

Tôi nghe nói Henri là Đại sứ cho Global Wellness Day. Vậy anh có lời khuyên gì giúp những bạn trẻ trong nghề bảo đảm sức khỏe không?

Tôi đã đồng hành cùng Global Wellness Day được 4 năm rồi. Mỗi ngày tôi đều ghi nhớ và làm theo 7 thông điệp của Global Wellness Day:

– Đi bộ trong một tiếng
– Uống nhiều nước
– Không dùng chai nhựa
– Sử dụng thực phẩm hữu cơ
– Làm một việc tốt
– Ăn tối cùng gia đình
– Đi ngủ lúc 10 giờ đêm.

7 thông điệp này tuy đơn giản nhưng sẽ giúp cuộc sống thêm lành mạnh. Trong tình hình đại dịch, những hành động này lại càng thiết thực hơn bao giờ hết.

Vào tháng 6 sắp tới, Global Wellness Day sẽ quay lại Việt Nam. Hy vọng lúc ấy tôi có thể tham gia sự kiện này cùng nhiều gương mặt trẻ hơn.

Cảm ơn Henri đã chia sẻ những thông tin bổ ích về ngành sáng tạo. Anh còn muốn nhắn nhủ gì đến những “đồng nghiệp tương lai” của mình không?

Cứ nói thêm về nghề thì cuộc trò chuyện này sẽ không thể đến hồi kết mất. Tôi cũng rất tiếc khi không có thời gian chia sẻ cụ thể hơn. Nhưng nếu cảm thấy hứng thú với ngành sáng tạo, bạn có thể liên hệ trực tiếp với tôi qua mạng xã hội, hoặc tham gia chương trình hội thảo The Vietnam Fashion Workshop sắp tới trong năm 2021 nhé. Tôi và một số khách mời đặc biệt sẽ giải đáp mọi thắc mắc của bạn tại đó.

Cảm ơn Henri vì buổi trao đổi thú vị này. Chúc anh đạt được nhiều thành công trong những dự án tiếp theo!