Đối đầu sự phân biệt tuổi tác trong ngành công nghiệp sáng tạo: 5 bài học vô giá đến từ việc già đi

Khái niệm phân biệt tuổi tác ở nơi làm việc

Định nghĩa về sự “phân biệt tuổi tác” được cập nhật vào năm 2009, như một thuật ngữ về định kiến ​​tiêu cực hoặc tích cực, phân biệt đối xử đối với người lớn tuổi dựa trên cơ sở tuổi tác theo thời gian hoặc trên cơ sở nhận thức họ là “già nua” hay “người cao tuổi”.

“Phân biệt tuổi tác” có thể có nhiều hình thức, bao gồm cả thiên vị ngầm, như việc cho rằng người già có ít đóng góp hơn ở nơi làm việc, rập khuôn, ý tưởng của họ đi ngược lại công nghệ, không cởi mở để thay đổi, chậm đưa ra quyết định và khó đào tạo; và trong thời đại kỹ thuật số, cho rằng tuổi trẻ có khả năng kỹ thuật số cao hơn và người già thì ngược lại, dù không có bất kì bằng chứng nào.

Tại Hoa Kỳ, chính phủ liên bang nghiêm cấm việc “phân biệt tuổi tác” trong môi trường việc làm đối với nhân viên từ 40 tuổi trở lên theo Đạo luật chống phân biệt tuổi tác trong Đạo luật việc làm năm 1967. Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát do Apeg thực hiện, kết quả cho thấy: những người lao động từ 45 tuổi trở lên, 16% không tìm được việc làm (dù đã nộp đơn) vì vấn đề tuổi tác, 12% không được thăng chức cũng vì lí do này và 7% bị sa thải, đuổi việc vì nạn phân biệt tuổi tác.

Chúng ta đều biết ở đâu cũng có sự phân biệt trong bất kì kĩnh vực nào. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm gì để kéo dài tuổi thọ sự nghiệp và phát triển những người lớn tuổi tại nơi làm việc? Cùng lắng nghe những chia sẻ từ các nhà sáng tạo có nhiều kinh nghiệm nhé.

1. Nếu bạn không thể tìm thấy các nguồn tài nguyên bạn cần, hãy tự tạo ra chúng

Chip Conley – tác giả và doanh nhân 59 tuổi tại Austin đã thành lập ngôi trường mang tên Modern Elder Academy tại Baja California Sur, Mexico – nơi người học học cách tái mục đích trải nghiệm cuộc đời. “Cuốn sách gần đây nhất của tôi và Modern Elder Academy mang đến cơ hội cho những ai cũng trong độ tuổi của tôi điều hướng lại cuộc sống ở tuổi trung niên – mà rất nhiều người đang gặp không ít khó khăn”. – Ông chia sẻ

Ngoài ra, Cindy Gallop – tác giả và nhà tư vấn quảng cáo người Anh cũng đã chia sẻ một số dự án mạo hiểm để quảng bá cho người lớn tuổi thông qua lăng kính của những người lớn tuổi như Grace Creative LA, Fallow Fields Agency, The Silver Group, Flipside Global, The Uninvisibility Project, and hiretheoldf*cker.com.

2. Đánh giá lại cách bạn tận dụng tài năng, năng lượng và thời gian

Giám đốc nghệ thuật và nhà thiết kế sắp bước sang tuổi 54 – Andy Clarke (North Wales, Vương quốc Anh) đã hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo hơn 30 năm, chủ yếu điều hành công việc kinh doanh của mình, và chút ít thời gian làm việc cho người khác. Ông nhận thức được mình đang già đi, do đó, ông đã tái đánh giá về những gì mình muốn làm và cách ông sử dụng tài năng, nguồn năng lượng lẫn thời gian.

Ông đa dạng hóa bằng cách tập trung hơn vào việc khám phá các cơ hội cho thu nhập thụ động. Ví dụ, hiện tại ông đang viết báo điều này sẽ được chuyển thể thành một quyển sách hoặc có lẽ là một loạt video và hội thảo. “Bạn phải lưu tâm đến việc tối đa hóa mọi cơ hội. Bạn là người chịu trách nhiệm cho tương lai của mình. Do đó, bạn phải tự thúc đẩy bản thân.”

3. Hãy có chủ ý về sự nghiệp của bản thân dù làm việc cho chính mình hay cho người khác

Nghệ sĩ minh họa và nhà thiết kế Kara Fellows (thành phố Boulder, Colorado) chia sẻ: “Không ngừng học hỏi, phát triển và nâng cấp kỹ năng của bạn.” Cô cho rằng đi theo một cấu trúc đã được mặc định sẵn khi làm việc toàn thời gian cho một công ty hoặc một ai đó sẽ dễ dàng hơn khi tự làm việc cho chính bản thân mình, vì phải tự tạo ra chiến lược và kế hoạch cho tương lai.

Tuy nhiên, ngay cả khi làm việc cho một ai đó – như Fellows đã làm trong nhiều năm trước khi chuyển sang thành lập studio riêng – liên quan về vấn đề tuổi tác, cô khuyên: dù thế nào đi nữa, bạn cũng nên được trả xứng đáng với công sức mình bỏ ra. “Nghệ sĩ không nghỉ hưu, bởi vì đó là việc chúng tôi thích làm. Tôi nghĩ hầu hết nghệ sĩ đều trở nên dày dặn kinh nghiệm hơn khi họ lớn tuổi. Vậy điều bạn có thể làm là gì, để hỗ trợ cho cuộc sống còn lại của bản thân cả về tài chính lẫn tinh thần?”

4. Tận dụng các kỹ năng đã có để tái tạo lại bản thân

Leon Lawrence, 50 tuổi – Giám đốc thiết kế của National Association of Counties and AIGA Design for Good Chair tại Washington, DC, khuyên chúng ta: “Một khi bạn đã có lượng kỹ năng cùng các mối quan hệ, sẽ dễ dàng hơn để chuyển những tài sản này thành các lĩnh vực phụ trợ. Bạn đang tìm kiếm con đường phát triển mà trước đây có thể không nghĩ đến. Bạn phải  tìm cách để mở rộng nó.”

Không có gì lạ khi tái tạo lại bản thân, ban đầu Lawrence làm việc tại một studio thiết kế, sau đó gia nhập ngành giải trí tại BET, rồi đến tòa soạn báo trước khi đảm nhận vai trò hiện tại tại một tổ chức phi lợi nhuận khi ông chuyển từ lĩnh vực in ấn sang kỹ thuật số. Ông cũng có công việc của mình tại AIGA và được kết nối với các thế hệ trẻ và cho ông cơ hội để trải nghiệm những điều mới.

5. Tin tưởng vào những cơ hội đến cùng với tuổi tác

Ở tuổi 45, Nacho Ginestra, Giám đốc sáng tạo của Rosàs, Madrid, Tây Ban Nha, cho biết: “Tôi nghĩ mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ, nhưng tôi đang ở thời điểm sáng tạo đẹp nhất của mình”. Sau 8 năm, Ginestra đã trở thành đối tác và được đề nghị một cơ hội để chuyển từ Barcelona đến Madrid làm việc tại văn phòng mới của công ty. “Tôi đã may mắn được phát triển ngay chính bên trong công ty và được phục vụ trong vai trò lãnh đạo.”

Ông phản ánh về những kỳ vọng của mình so với thực tế. Bây giờ ông cần ít thời gian hơn để hoàn thành các nhiệm vụ, tập trung hơn vào những gì ông muốn, có nhiều kinh nghiệm giám sát các nhóm và hiểu khách hàng của mình hơn – tất cả đều có lợi cho cấp trên của ông. “Tôi tin rằng tôi vẫn còn nhiều điều để nói. Chúng ta không già. Chúng ta là bất diệt.”

Biết tuổi của bạn, biết giá trị của bạn

Những người lớn tuổi – nói cách khác, “những chuyên gia”, cực kỳ có giá trị như Cindy Gallop đã nói: “Một trong những sai lầm mà các doanh nghiệp mắc phải là không nhìn thấy, đề cao, tuyển dụng, khích lệ và coi trọng người lớn tuổi.” Bà cắt nghĩa rằng: người lớn tuổi biết phải làm thế nào trong các tình huống khủng hoảng, có thể đưa ra một chiến lược kinh doanh phù hợp và ngay lập tức, là các chuyên gia trong quản lý con người và điều đó không hề thay đổi.

Hãy xem độ tuổi của bạn như một tài sản. “Số tuổi là một con số rất đặc biệt bởi vì nó là tổng số của bạn. Nó là đại diện cho tất cả kinh nghiệm sống, học hỏi và những điều khiến bạn trở thành duy nhất trong những năm qua. Tuổi của bạn rất có giá trị.”

Tác giả: Tina Essmaker | Theo 99u
Minh họa: Javier Suarez
Biên dịch: CiCi Giang | RGB.vn