Học kể chuyện – Storytelling theo cách của bạn

“Khỏi nói đâu xa xôi, nghĩ đến chuyện cưa cẩm một nàng nào đó đi. Ví dụ như chuyện của tôi nè, tôi gặp nàng vào một ngày mùa hạ rực nắng duới mái trường ở gần một cái hồ bự bự, vài tuần đi chơi, nàng dạy tôi chèo thuyền còn tôi thì không quên đền đáp bằng cách mua cho nàng mấy gói kẹo dẻo trái cây. Sau đó thì hai đứa đi thẳng đến buổi sự kiện cưỡi bò bán chuyên lớn nhất khu phố lúc bấy giờ sau đó là nhảy điệu honky-tonk, thề với bạn là hôm đó tôi chết mê chết mệt nàng luôn.” – Matt McCue, nhà biên tập của chuyên trang thiết kế 99U chia sẻ.

rgb.vn_kechuyentheocachcuaban

“Khi kỳ nghỉ hè kết thúc, chúng tôi trở về trường riêng của mỗi đứa, cách nhau cả ngàn dặm luôn đó. Tôi tự hỏi liệu mọi thứ vẫn tốt đẹp như ban đầu không. Thế là tôi viết cho nàng một quyển sách kể về những kỷ niệm bên nhau trong suốt mùa hè đó. Để cho đỡ kỳ kỳ, tôi đổi tên nhân vật, thêm thắt vài chuyện và quẳng vô đó mấy câu đùa bâng quơ.

Vài tháng sau, tôi gửi cho nàng hẳn 100 trang với từng từ từng chữ được chỉnh sửa vô cùng hoàn hảo. Vài ngày sau, nàng gửi cho tôi một bức thư nói rằng quyển sách của tôi rất hấp dẫn, thêm vào đó là cái tin trời đánh: “em sắp lấy chồng!”.

Tôi nghĩ chắc câu chuyện không đủ sức để thuyết phục rằng chúng tôi nên yêu nhau cả đời, giờ nhìn lại có thể hiểu lý do vì sao – câu chuyện hoàn toàn không có gì thú vị ngoài hàng tá các dòng kể lê thê về tình yêu thời đại học của một cậu sinh viên.

Nhưng mà không sao, tích cực mà nói tôi nhận ra mình rất thích kể chuyện, điều đó dẫn dắt tôi đến thành phố New York, nơi mà tôi dành không biết bao nhiêu thời gian để bù đắp những lỗi lầm trước đó. Là một nhà biên tập cho báo 99U, tôi cực kỳ yêu thích những việc làm hằng ngày của mình như: dò xét, điều tra và viết về những nhà lãnh đạo sáng tạo, những người cực kỳ siêu việt trong chế tác các món thủ công, tạo ra những công việc không thể ngờ đến và nâng cấp ngành công nghiệp sáng tạo trên thế giới.”

Ở bài viết “Vì sao Artist nên hiểu về Storytelling”, RGB đã giới thiệu về sự nối kết giữa nghệ sĩ và người xem, điều đó cho phép nghệ sĩ quảng bá tác phẩm của mình một cách mềm mại, thú vị và nhân văn. Nếu câu chuyện của bạn được kể đúng cách, bạn sẽ gây ấn tượng với người xem của mình về lâu dài chứ không phải kiểu đánh cược may rủi trong một đợt bán hàng ngắn hạn.

Dưới đây là 5 bước để xây dựng và phát triển một bài tường thuật đầy hấp dẫn. Storytelling không hề chỉ bị bó hẹp vào một chuẩn mực nhất định, ngược lại, đó có thể là một đoạn phim quảng cáo (TVC) dài 60 giây, một chiến dịch truyền thông xã hội 6 tháng giới thiệu quy trình sáng tạo đằng sau dự án mới nhất của bạn – hoặc thậm chí là một câu chuyện tình 100 trang nếu bạn thích.

[quote]Bước 1: Đi tìm câu chuyện của bạn dựa trên nét độc đáo trong hàng nghìn câu chuyện khác.[/quote]

Điều khó nhất trong việc kể chuyện chính là câu hỏi: “Bắt đầu kể như thế nào đây?”, nên nhớ bạn là nhân vật chính, là chủ một thương hiệu , bạn nên biết tất tần tật để kể về nó bằng cả trái tim. Nhưng thực tế, đôi lúc mù mờ, chúng ra hay quá tập trung vào những gì trước mắt trong bản thân cần nhìn rộng ra những thứ xung quanh.

 Nếu bạn gặp rắc rối trong việc tường thuật câu chuyện, hẳn câu chuyện về họa sĩ Norma Jeanne Maloney vùng Texas sẽ giúp ích rất nhiều. Ban đầu câu chuyện về cô ấy dường như không có gì quá đặc sắc ngoài cụm từ mô tả về cô ấy – “họa sĩ vẽ biển hiệu vùng Texas” – vì thông tin không đủ để nhóm tác giả đảm bảo một bài viết dài 2.500 từ. Vì vậy, họ đã đi sâu thêm vào cuộc đời của cô để khám phá thêm về một người chưa bao giờ tham gia bất cứ chiến dịch xây dựng thương hiệu toàn cầu cũng như không hề được công chúng biết đến một cách rộng rãi.

rgb.vn_normajeannemaloney

 Norma Jeanne Maloney đứng bên ngoài studio Texas.

Sau đây là tất cả những gì nhóm tác giả tìm thấy: Trong suốt 25 năm, cô đã chu du khắp nước Mỹ, từ San Francisco đến vùng Nashville  (nơi cô đã vẽ các biển hiệu honky-tonk ở các quán bar), ngoài ra, cô nhận vẽ tay cho các biển hiệu ở các quán BBQ, quán thịt, tiệm xăm, thậm chí cô còn lái xe tải chở thịt trong suốt 2 năm để trang trải thêm cho cuộc sống của mình.

Ngày hôm nay, trên bãi cỏ đồng nội vùng Texas, Maloney lại đội chiếc mũ cao bồi, làm việc từ sáng đến tối, như một người nông dân, trong một tòa nhà cũ màu xanh lá tuổi thọ 117 năm. Với mức tiền thuê nhà tương đối thấp, cô được phép chi tiêu tài chính một cách rộng rãi để tạo thêm cho mình những cơ hội khác trong công việc.

Càng đọc về Maloney, chúng ta càng học hỏi thêm nhiều điều về cô ấy. Một người dành gần nửa đời để làm những thứ mình thích và cho dù chúng ta không phải là họa sĩ chuyên vẽ biển hiệu, chúng ta vẫn luôn tìm thấy những bài học liên quan về hành trình xuyên quốc gia đáng ngạc nhiên của Maloney.

Sự hy sinh không ngần ngại để có thể sống trọn cuộc đời một người nghệ sĩ cũng có thể trở thành chất liệu cảm hứng cho câu chuyện của bạn. Hoặc nếu không thì hãy bắt đầu phác thảo các chủ đề phổ quát khác – như câu chuyện về thất bại hoặc diễn biến sắp tới – để tìm ra một trong những cách kể chuyện phù hợp nhất cho hành trình của bạn. Sau đó vẽ ra các chi tiết về chân dung nhân vật bằng cách sử dụng nhiều hương vị cuộc sống như câu chuyện về nghệ sĩ vẽ biển hiệu vẽ tay như làm việc quần quật từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn! Lái xe tải chuyển hang trong suốt 2 năm trời! Làm được điều này, bạn đã xác định bạn là ai và đang ở đâu: đó chính là sự bắt đầu câu chuyện của bạn.

[quote]Bước 2: Dẫn bước người đọc vào một cuộc phiêu lưu[/quote]

Mọi câu chuyện đều cần sự chuyển động. Thị hiếu người xem luôn muốn được biết đến ai đó đang trong một cuộc phiêu lưu, về thể xác hoặc tinh thần hoặc tốt nhất là cả 2. Cú ăn điểm chính là những nếp gấp gãy trong chuyến hành trình, khiến cho câu chuyện trở nên khác biệt và hấp dẫn hơn.

Lấy ví dụ ở tạp chí 99U: một nghệ sĩ trẻ tuổi vừa chuyển đến thành phố New York, trong tay không có gì ngoài một túi va li và một giấc mơ nghệ sĩ. Mặc dù đó là một chuyến đi hiếm có ở Mỹ song vẫn là một trường hợp điển hình trong quảng cáo. Vì vậy, làm thế nào để ban biên tập chọn lọc ai mới là nghệ sĩ cần được khai thác?

Cuối cùng, họ quyết định giới thiệu nghệ sĩ người Nigeria, Laolu Senbanjo, vì cuộc hành trình thể chất của anh ấy thật sự tuyệt vời. Anh lớn lên trong một gia đình, với nam giới, qua nhiều thế hệ, đã trở thành luật sư vì đây được xem là một nghề đáng kính. Ban đầu, Senbajo đã chọn đi theo con đường đó, nhưng rồi anh quyết định từ bỏ thay vào đó, mở một phòng tranh nghệ thuật ở Nigeria. Đứng trước sự việc đó, cha của anh đâm ra chán nản bởi sự theo đuổi nghệ thuật của Senbanjo và cho rằng nếu Senbanjo cứ tiếp tục lái xe quanh khu nhà ổ chuột của thành phố, cuộc đời của anh sẽ cắm chặt ở nơi đó mãi mãi. Nhưng Senbajo vẫn luôn nắm giữ ước mơ nghệ thuật của mình, cuối cùng, anh nhận được thị thực đến Hoa Kỳ.

rgb.vn_LaoluSenbanjo

Laolu Senbanjo.

Đó là một khởi đầu tốt đẹp cho câu chuyện của Senbanjo, nhóm tác giả đã làm nổi bật cuộc hành trình của anh với so với những người đã có sẵn sự hỗ trợ từ phía gia đình và một chặng đường khác biệt để anh đến được đến New York. Nhưng thực tế vẫn có rất nhiều người khác có sự khởi đầu khiêm tốn tương tự như vậy, làm sao Senbanjo có thể tách mình ra khỏi số đó? Vâng, vài năm sau khi đến New York, anh đã nhận được một công việc: vẽ khuôn mặt của nữ ca sĩ Beyoncé bằng thiết kế của anh để phục vụ cho MV Lemonade. Điều đó đã dẫn anh đến cơ hội được làm việc với Nike, Bảo tàng Grammy, Viện Smithsonian và nhiều công ty khác. Lúc đó, cha của Senbanjo đến bên cạnh con trai mình và nói “Con đã thực sự dạy cha mẹ của mình nghệ thuật là gì và thế nào là nghệ sĩ thực sự”.

Khi kết thúc cuộc phỏng vấn Senbanjo, phóng viên đã cảm nhận rất nhiều cấp độ bên trong anh ta, xét trên phương diện cả trong lẫn ngoài, với từng bước di chuyển, anh đã làm cho bản thân trở nên khác biệt hơn những giấc mơ New York khác. Những cuộc phiêu lưu đa dạng của anh ấy đã mang lại cho khán giả vô vàn cốt truyện đầy kết nối.

Thực sự, việc nhắc đến Beyoncé đã giúp ích rất nhiều cho câu chuyện của Senbanjo, nhưng nếu câu chuyện của bạn vẫn chưa có một nhân vật công chúng để lôi kéo sự chú ý thì cũng đừng lo, hãy tìm kiếm trong câu chuyện của mình một điểm gút mắt, ví dụ như sự căng thẳng giữa cha và con trong hành trình của một kẻ mơ – và bắt đầu đan dệt chúng lại với nhau tạo nên sự độc đáo và làm giàu cho câu chuyện của mình.

[quote]Bước 3: Tiết lộ những cuộc đấu tranh của bạn[/quote]

Không có câu chuyện hay nào là hoàn hảo nếu không có một cuộc xung đột. Điều đó có nghĩa là bạn phải chia sẻ những khoảnh khắc khó khăn, thậm chí là những lần thất bại. Điều này sẽ khiến độc giả dễ đồng cảm, và sẵn sang kết nối với bạn hơn. Hãy nghĩ về câu chuyện một vận động viên thế vận hội Olympic đã bỏ lỡ một mùa thi, sau đó hy sinh suốt 4 năm để có thể được tham gia vào mùa sau. Bản chất con người luôn muốn cổ vũ cho những trường hợp như vậy, ngay cả khi chúng ta thực sự không biết rõ họ. Đó không phải vì họ vượt trội hơn 99,9% dân số – đó là vì họ đã bỏ lỡ cơ hội đạt được một mục tiêu lớn, giống như chúng ta.

Cuộc đấu tranh cho thấy rằng bạn cũng là con người, và tạo cho bạn một cơ hội để có được sự nỗ lực hết mình.

Điều này giúp giải thích vì sao độc giả rất thích câu chuyện về thợ làm đồ gỗ Mira Nakashima. Cô ấy đã kể cho người xem những khoảnh khắc đau đớn trong cuộc đời. Cha của Mira, George, một trong những thợ mộc được kính nể nhất ở Mỹ, người quyết định rằng Mira sẽ theo bước chân của mình, làm bàn ghế và các đồ nội thất khác ở quê nhà vùng nông thôn Pennsylvania. George thường hay đưa ra những quyết định quan trọng cho Mira, bao gồm cả nơi cô sẽ theo học đại học là Harvard, những gì cô sẽ học là kiến trúc, và cô sẽ theo học việc ở ông.

Ông luôn kỳ vọng ở Mira sẽ nôi theo từng bước chỉ dẫn của mình một cách hoàn hảo nhất. Thế nên, dù cho cô ấy làm việc chăm chỉ như thế nào thì ông cũng không bao giờ vừa ý. “Khi làm việc cho ông, tôi thậm chí chưa một lần được khen”, Mira nói. Hãy tưởng tượng nếu ông chủ của bạn không bao giờ khen ngợi bạn, liệu bạn có vẫn tiếp tục công việc đó hay không?

Thế nhưng, Mira vẫn tiếp tục chịu đựng những chuỗi ngày được rèn luyện dưới tay cha mình cho đến năm 1990, George qua đời để lại cửa hàng của mình cho Mira. Cô ấy biết mình phải tiến lên phía trước và phát triển sự nghiệp của mình. Cô đã biến studio Nakashima trở thành một chương ấn tượng nhất trong quyển sách lịch sử viết về nó. Nếu câu chuyện của Mira được kể theo hướng như một cô gái được sinh ra trong một gia đình nổi tiếng, thừa kế cơ nghiệp của cha mình, và sau đó là việc kinh doanh dần trở nên tốt đẹp thì hiển nhiên, đó cũng có thể là một câu chuyện hay. Thế nhưng, câu chuyện cần phải đầy kịch tính hơn – ta cần phải đẩy nhân vật khỏi vùng an toàn của họ, điều đó tạo cho nhân vật có cơ hội để khán giả thấy được tinh thần và lòng dũng cảm của mình.

Hãy nhớ: tiết lộ những sự trăn trở, đấu tranh của mình không phải là để thể hiện sự yếu kém. Nó cho thấy bạn cũng là con người, mang đến cho độc giả một cách tiếp cận khác với câu chuyện của bạn.

[quote]Bước 4: Pha trn thêm gia vị văn học[/quote]

Phần thú vị nhất của quá trình kể chuyện chính là bạn phải pha vào câu chuyện tính cách cá nhân của mình. Điều quan trọng là thêm vào đó những chi tiết có thể tạo ra tác động lớn nhất, đặc biệt là vào những khoảnh khắc khác thường hoặc khi bạn giới thiệu độc giả về một nhân vật cụ thể. Một khi bạn đã xác định những khoảnh khắc đó, hãy xem có bao nhiêu trong số năm giác quan mà bạn có thể thu hút và nắm bắt sự chú ý của khán giả. Mục tiêu của bạn là để cho khán giả của mình THẤY được điều gì đang xảy ra, chứ không phải chỉ NÓI với họ, vì mục tiêu của bạn là miêu tả câu chuyện cho phép người đọc xử lý nó theo hướng riêng và tự suy ra kết luận của mình. Bạn càng thể hiện cho họ nhiều khía cạnh, câu chuyện trở nên thực tế hơn.

Đoạn mở đầu luôn phải đặc biệt quan trọng và thường là phần khiến ta đau đầu nhất. Bạn nên có một vài câu mồi khiến độc giả tò mò về câu chuyện. Khi kể câu chuyện về nghệ sĩ Tây Ban Nha Rubén Sánchez lúc bấy giờ đang là một ngôi sao đang nổi và là một chàng trai hấp dẫn, tác giả bài viết, Matt McCue, luôn cảm thấy áp lực, thứ nhất là vì Sánchez vẫn chưa phải là một cái tên quen thuộc; thứ hai, thời gian đó có rất nhiều tên tuổi họa sĩ đồng xuất hiện. Vì vậy, trách nhiệm của tác giả là tìm cách nào để phân biệt câu chuyện của Sánchez với những bức họa của các họa sỹ khác.

“Khi Sanchez nói với tôi về thời gian anh vẽ bức tranh trên mặt tường cao 6 tầng, nắm bắt cơ hội có một không hai này, tôi liền triển khai bài viết và đây là kết quả”, tác giả chia sẻ:

Leo lên 6 tầng không trung bằng một chiếc cần cẩu màu xanh đậm được đặt trên khoảng đất đá lầy lội, Rubén Sánchez đã cố gắng chinh phục thách thức lớn nhất trong việc phun sơn tường này trên mặt một tòa nhà bê tông ở Russeifa, Jordan. Với chiều cao ngang bằng mắt chim, anh đứng đó trong một cái xô đủ lớn với 2 dây thép mảnh để bảo vệ mình khỏi việc bị rơi xuống. Nghe rất kinh khủng nhưng với Sánchez, không gì đáng sợ bằng quãng đường như vạn dặm từ cần cẩu đến nhà vệ sinh.”

rgb.vn_RubénSánchez

Chân dung Rubén Sánchez.

Mục tiêu của tác giả ở đây là để mô tả tình huống oái ăm bằng cách đi sâu vào chi tiết. Sanchez không chỉ đơn thuần ngồi trên một cái cần cẩu – anh ta đứng trong hàng rào bằng những sợi kim loại. Tác giả không mô tả ngay những gì Sánchez vẽ mà đi vào cảm giác căng thẳng khi anh thực hiện bức họa đó:  “chiều cao ngang tầm mắt chim”, “bảo vệ mình khỏi việc bị rơi xuống”, pha vào đó chút yếu tố hài hước như chi tiết nhà vệ sinh. Với đoạn văn này, người đọc hẵn sẽ nhận ra Sánchez không giống bất kỳ họa sĩ nào khác, và họ không thể không băn khoăn về những gì xảy ra với anh ta.

Khi bạn phát triển phong cách của mình, mục tiêu của bạn phải là nói mọi thứ một cách tươi sáng. Mặt trời không phải là “nóng” hoặc “màu vàng” mà phải là”bốc lửa” hoặc “nung nóng” hoặc “rực rỡ” – những từ gợi lên nhiều hình ảnh. Hãy mạnh dạn đưa người đọc đến những bất ngờ vượt thoát khỏi những khuôn mẫu thông thường.

Nếu nhân vật chính của bạn là một hoạ sĩ, đừng bắt đầu bằng việc mô tả họ vẽ một, hãy thử những chi tiết lạ lẫm như một chiếc cần cẩu, một cơn bão cát chẳng hạn. Theo thời gian, các mô tả này sẽ trở thành một phần gia vị văn học của bạn, tạo ra giọng nói của riêng bạn giữa những người xung quanh.

[quote]Bước 5: Đưa ra lợi ích cho phía độc giả[/quote]

Mỗi câu chuyện đều phải mang tính đạo đức, ngoài ra, nên có thêm những điều mà giới truyền thông gọi là “lời khuyên về dịch vụ”. Đây là những hạt ngọc trai trí tuệ mà bạn đã chia sẻ trong suốt câu chuyện của bạn mà độc giả có thể áp dụng cho nghề nghiệp của họ. Là người kể truyện, đây là cơ hội để bạn thể hiện giá trị của mình: Bạn đang khai thác trải nghiệm của chính mình bằng những hiểu biết sâu sắc mà người khác không có và kinh doanh thông tin trên sự chú ý của khán giả, những người mà họ có thể được hưởng lợi từ thông tin đó.

Khi viết về Bob Mankoff, cựu biên tập viên của The New Yorker, tác giả nhận ra ông có hai câu chuyện trong một. Câu chuyện đầu tiên là một câu chuyện thú vị, trong đó ông đã dành phần lớn sự nghiệp của mình bằng một công việc tuyệt vời.

Câu chuyện thứ 2, ông thực sự biết cách để nghĩ ra ý tưởng trong một khoản deadline “cực kỳ căng”. Cứ mỗi tuần, Mankoff sẽ giám sát quá trình làm việc của khoảng 50 nghệ sỹ hoạt hình người New York, yêu cầu mỗi người họ cho ra 10 bộ truyện tranh để đăng lên tạp chí. Mankoff là một nhân vật rất đáng để khai thác vì câu chuyện của ông có khả năng tiếp cận nhiều nhóm độc giả: những họa sĩ hoạt hình dành cho nhóm độc giả mang tên: nghệ sĩ và những người cần sản xuất nhanh những ý tưởng tốt dành cho nhóm độc giả mang tên: mọi người.

rgb.vn_Bob Mankoff

Bob Mankoff

Mankoff chia sẻ 3 chiến lược ông sử dụng để đưa ra một ý tưởng tốt dưới áp lực thời gian. Cách đơn giản nhất là hãy mộng mơ về nhiều ý tưởng. Một ý tưởng không bao giờ là đủ, và hiếm khi là tốt nhất, ông lưu ý. Và đó là lý do tại sao ông yêu cầu mỗi người phải vẽ ra 10 bộ truyện tranh- bởi vì 9 trong số 10 bộ sẽ không thể dùng được.

Để có được món nước ép sáng tạo của mình, Mankoff bắt đầu bằng cách đặt những thứ không bình thường đi cùng nhau, ví dụ việc gì xảy ra nếu ta kết hợp giữa thiên đường và E-ZPass (một hệ thống thu phí điện tử được sử dụng trên hầu hết các hệ thống cầu đường ở Tây Bắc Hoa Kỳ). Trí não ông lúc nào cũng xoay vòng quanh câu hỏi nếu như…thì điều gì sẽ xảy ra?

Tóm lại, một ý tưởng bị loại bỏ không có nghĩa ý tưởng đó dở ẹc. Đơn giản là nó chỉ không xài được trong trường hợp này, trong lúc này. Những họa sĩ truyện tranh luôn giữ những bộ truyện không bán được và dùng dần cho những lần sau cho đến khi họ bán được chúng.

Vào thời điểm đó phần lớn những người không phải là những người họa sĩ truyện tranh chuyên nghiệp đã được câu chuyện về Mankoff truyền cảm hứng, hiện nay họ đang nắm giữ các chiến lược để dựng nên rất nhiều ý tưởng, concept. Câu chuyện về Mankoff đã cung cấp cho giới nghệ sĩ nói riêng và độc giả nói chung một giá trị tinh thần rất lớn, khiến cho những gì bạn nói ra xứng đáng được lắng nghe.

Tác giả:  | Dịch và biên tập: An Du – RGB
Nguồn: 9uu