Just4Film #8: Hành trình biến đổi nhân vật trong kịch bản một bộ phim

Sự biến đổi và phát triển của nhân vật là một trong những yếu tố cơ bản của một kịch bản tốt. Nó thường được nói đến rất nhiều – nhưng lại hiếm khi được hiểu thấu đáo. Tác giả Eric Edson đã đưa ra một số phân tích cũng như các bước tạo nên sự biến đổi của một nhân vật trong phim. Cùng RGB nghiên cứu chủ đề quan trọng này nhé.

rgb_creative_just4film_filmmaking_su_bien_doi_nhan_vat_trong_kich_ban_phim— Ảnh: tribality

Dành cho các “tín đồ” của phim ảnh, những ai yêu xem phim và thích làm phim – Just4Film là một góc nhỏ để cùng tỉ tê đủ chuyện trên đời về loại hình nghệ thuật này. Đón theo dõi chuyên mục vào mỗi thứ 4 hàng tuần và cùng chia sẻ những kiến thức thú vị trong ngành phim ảnh. Đóng góp bài viết của bạn đến just4film@rgb.vn.

Nhiều biên kịch cảm thấy nó giống như một điều gì đó bí ẩn và vô cùng phức tạp. Đó cũng chính là suy nghĩ của tôi khi tôi bắt đầu khóa biên kịch ở UCLA.

Đối với tôi, cụm từ “hành trình biến đổi nhân vật” gợi nhớ đến Sigmund Freud, Carl Jung và những nhà tâm lý học khác cùng với những điều cao siêu, sâu xa về tính cách con người. Nó chắc chắn là một điều khó hiểu và cần được tiếp cận bằng nhiều cách, nhưng chắc chắn không phải bằng trực giác sáng tạo. Các biên kịch chỉ biết cố gắng làm hết sức có thể, viết ra một nhân vật sâu sắc và sau đó cầu Chúa lo liệu những việc còn lại.

Việc tạo ra một hành trình biến đổi cho nhân vật hẳn là một việc đau đầu.

Nhưng khoan, hãy giữ lại viên aspirin của bạn. Tôi có tin tốt ở đây.

Hành trình biến đổi nhân vật sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều nếu như bạn, một biên kịch, nắm chắc được cấu trúc kịch bản.

rgb_creative_ideas_design_just4film_character_growth_arc

[quote]CÁC BƯỚC XÂY DỰNG HÀNH TRÌNH BIẾN ĐỔI NHÂN VẬT[/quote]

Phương pháp như sau.

Bắt đầu hồi 1 bằng cách xây dựng một nhân vật đã từng gặp một sang chấn (trauma) lớn. Chỉ cần một vết thương trong tim, chỉ vậy thôi. Một sự kiện cụ thể nào đó trong quá khứ quá đỗi đau lòng đến nỗi nó ảnh hưởng đến nhân vật, khiến anh cô lập cảm xúc của mình, gây ra những điểm mù và sự kháng cự trong các mối quan hệ của anh với người khác.

Chúng ta cần phải thật cụ thể. Sang chấn trong quá khứ này đã tạo ra một nỗi đau tinh thần lớn, khiến cho nhân vật phải dựng nên một tấm khiên (shield) để tự vệ và tránh những tổn thương sau này. Truy nhiên, điều này vô tình lại cản trở anh trong việc kết nối với những người xung quanh.

Trong Signs, người vợ Colleen của Reverend Graham Hess đã gặp tai nạn trong một đêm ra ngoài đi dạo (sang chấn). Quá đau lòng, Hess mất lòng tin vào Chúa, rời khỏi nhà thờ và trở thành một người theo thuyết vô thần (tấm khiên).

Trong The Silence of the Lambs, Clarice Starling (Jodie Foster) kể với Hannibal Lecter (Anthony Hopkins) rằng khi cô còn là một cô bé sống tại trang trại của người chú, cô đã cố gắng trong tuyệt vọng muốn cứu sống bầy cừu khỏi bị giết thịt nhưng thất bại. Kể từ đó, cô luôn bị ám ảnh bởi giấc mơ có tiếng gào thét, sợ hãi của bầy cừu và sự im lặng đến đáng sợ khi chúng bị làm thịt (sang chấn). Vì vậy, Clarice trở thành một đặc vụ FBI để bảo vệ cho những người yếm thế (tấm khiên).

Trong những ngày đại học, Hitch là một anh chàng mọt sách vụng về, yêu say đắm cô nàng Mandy xinh đẹp. Nhưng trái tim chàng khờ Hitch tan vỡ khi anh phát hiện ra Mandy tay trong tay với một người đàn ông khác; và nàng đá anh vì anh quá phụ thuộc (sang chấn). Từ đó, Hitch thay đổi bản thân trở thành một người đàn ông khôn ngoan, dẻo miệng, bất cần và dạy những anh chàng mọt sách khác về cách làm sao để có để cưa gái (tấm khiên).

Vậy là xong hồi 1, cho nhân vật một nỗi đau nội tâm và để anh mắc kẹt trong đó.

Ở hồi 2, ta sẽ có 3 cảnh như sau; mỗi cảnh này sẽ xảy ra ở những thời điểm xác định của câu chuyện:

  1. Cảnh biến đổi #1 xảy ra trong nửa đầu của hồi 2.

  2. Cảnh biến đổi #2 xảy ra ở điểm giữa mid-point.

  3. Cảnh biến đổi #3 xảy ra trong nửa sau của hồi 2.

Trong những cảnh này, tại những thời điểm xác định của hồi 2, nhân vật của bạn sẽ:

  • Cảnh 1: NHÌN NHẬN

  • Cảnh 2: ĐẤU TRANH

  • Cảnh 3: CHIẾN THẮNG

Tấm khiên cảm xúc của nhân vật chính cuối cùng được hạ xuống.

Xây dựng được 3 cảnh này trong kịch bản và Hollywood sẽ gọi bạn là sư phụ. Nếu bỏ qua nó, khả năng tấn công vào kinh đô điện ảnh của bạn sẽ trở nên xa vời.

Giờ thì hãy cùng xem chi tiết từng cảnh phim.

[quote]HÀNH TRÌNH BIẾN ĐỔI – BƯỚC 1[/quote]

Trong hồi 1, chúng ta gặp người anh hùng của mình đang sống dưới một đám mây. Một vấn đề nội tâm (không rõ tên) khiến cho anh cô lập bản thân mình với những người xung quanh. Chúng ta chưa biết cụ thể chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ, sự kiện đáng sợ nào đã gây ra những điều trên. Chuyện đó sẽ được tiết lộ ở phần sau của câu chuyện. Hiện giờ, ngay cả bản thân nhân vật cũng chưa hiểu rõ vấn đề của anh ấy, mặc dù anh mơ hồ cảm nhận được điều gì đó bên trong đang ngăn bước anh trên con đường đạt được một cuộc sống trọn vẹn ở hiện tại.

Vấn đề nội tâm này được phát họa sơ một cách chung chung cho khán giả thông qua những hành động và thái độ của nhân vật ở hồi 1, nhưng nó không bao giờ được nói một cách rõ ràng. Nhân vật tự an ủi bản thân là anh ấy vẫn ổn, cảm ơn nhưng không cần thay đổi gì cả. Ở hồi 1, nhân vật chính bị đẩy vào hoàn cảnh buộc phải theo đuổi và đạt được mục tiêu chung chung nào đó. Điều mà nhân vật chính không nhận ra chính là anh sẽ không bao giờ có đạt điều mình muốn nếu anh ấy không, trước hết, vứt bỏ được tấm khiên tự vệ của mình.

Sau khi bước vào hồi 2 và trở nên mãnh liệt hơn trong việc theo đuổi mục tiêu, bây giờ là một đích đến cụ thể hữu hình, nhân vật của chúng ta bắt đầu cảm nhận được sự nặng nề của tấm khiên mà anh vẫn mang theo. Nhưng, anh vẫn chưa xác định được cụ thể nó là gì.

  • Trong bước 1 của hành trình phát triển, nhân vật chính phải NHÌN NHẬN được – vô thức hoặc có ý thức – bản chất của gánh nặng cảm xúc anh ấy đang mang trên người.

Điều này thường xảy ra khá sớm ở nửa đầu hồi 2. Một vài sự kiện sẽ xảy ra để thử thách nhân vật chính và cho anh ấy thấy được rằng mình đang đứng đằng sau một chiếc khiên. Cảnh này thường được thể hiện qua lời thoại. Câu thoại mang tính nhìn nhận này thường khá sẽ trớ trêu, cũng không quá rõ nét. Tuy nhiên cho dù thể hiện theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, nhân vật chính cuối cùng cũng phải thừa nhận vấn đề của mình. Vấn đề nội tâm được nói ra, được gợi mở và đưa ra ánh sáng để nhân vật chính có thể đối diện.

Lấy ví dụ phim Pretty Woman. Ngay từ lúc bắt đầu hồi 2, tỉ phú Edward Lewis thuê cô gái làng chơi Vivian Ward làm cô gái của anh trong vòng một tuần và ở cùng anh trong căn phòng khách sạn sang trọng ở Beverly Hills. Edward đưa cho Vivian tiền và bảo cô hãy đi mua những bộ đồ thật đẹp. Khi Vivian bước vào một cửa hàng thời trang sang trọng ở Beverly Hills trong trang phục, bộ dáng của một cô gái làng chơi, câu nói cô nhận được là: “Cô hẳn là đã đến nhầm nơi. Xin mời ra cho.” Bị sốc, cảm thấy bản thân thậm chí không có giá trị để có thể cất lên tiếng nói tự vệ, Vivian bỏ đi. Về lại khách sạn, cô bị quản lý khách sạn mời vào phòng vì ăn mặc không phù hợp. Gần như muốn khóc, Vivian lôi ra những đồng đô la xanh của Edward: “Tôi phải mua váy cho tối nay. Tôi có chừng này tiền… nhưng không ai giúp tôi.” Ở đây, Vivian bộc lộ vấn đề nội tâm của mình: không có lòng tin vào bản thân, tiền cũng chẳng có ý nghĩa gì. Mẹ của Vivian gọi cô là kẻ bất tài, vô công rỗi nghề và Vivian tin bà (sang chấn). Nếu như một người nghĩ rằng mình vô dụng, thế giới sẽ đồng ý với điều đó và đối xử với cô không ra gì. Việc có thật nhiều tiền cũng không thay đổi được điều đó. Vivian bị buộc phải nhận ra vấn đề của mình. Từ đây, Vivian bắt đầu cuộc hành trình nội tâm mà đích đến là việc nhìn nhận lại đúng giá trị bản thân.

Cũng trong Pretty Woman, bộ phim có 2 nhân vật chính, Edward Lewis cũng trải qua hành trình biến đổi của anh ấy. Thời điểm Edward bộc lộ nỗi đau bên trong của anh đến sau một vài cảnh khi anh nói với Vivian rằng, “Loài người chúng ta thật giống nhau. Chúng ta đều vì tiền mà lừa dối.” Ở bên ngoài, Edward là mọt người đàn ông giàu có và quyền lực. Nhưng bên trong, anh luôn cảm thấy không thoải mái với cách mà anh kiếm tiền, bằng cách mua những công ty và bán đi tài sản của họ. Mỗi công ty anh hủy hoại giống như là một hành động trả thù anh dành cho cha mình, người đã bỏ rơi anh và mẹ anh (sang chấn). Nhưng việc phá hỏng mọi thứ ăn dần ăn mòn linh hồn của Edward. Ở đây, anh ý thức được việc cần phải thay đổi.

Trong Sideways, nhân vật chính Miles cùng bạn thân của anh, Jack, lái xe đi thăm vườn nho. Anh nhớ về thời xưa khi anh cùng vợ đi dã ngoại ở đây – để mất người phụ nữ này chính là sang chấn của anh. Jack nhắc cho Miles nhớ rằng Victoria đã tái hôn. Miles trở nên đau khổ. “Cô ấy sẽ đến đám cưới với hắn ta ư? Tớ sẽ trở thành kẻ bị bỏ rơi ! Tớ sẽ là nhân vật không được hoan nghênh! Người ta sẽ chờ xem tớ say xỉn và quậy quá.” Miles hờn dỗi trong xe, “Tớ muốn về nhà ngay bây giờ.” Tại đây, rất sớm ở hồi 2, Miles bộc lộ và chỉ tên nỗi đau nội tâm của mình. Anh ấy không nói “Tớ muốn về lại khách sạn,” anh nói, “Tớ muốn về nhà ngay bây giờ.” Miles luôn cảm giác rằng anh và Victoria một ngày nào đó sẽ trở lại với nhau. Hơn tất cả, anh muốn về nhà cùng Victoria. Nhưng cánh cửa đã đóng mãi mãi. Chú ý rằng, suy nghĩ của Miles luôn là về anh ấy, về việc mọi người sẽ nghĩ gì về mình, về viễn cảnh bẽ mặt sẽ xảy ra nếu anh quậy phá trong đám cưới của Jack. Anh ấy vẫn chưa sẵn sàng để trao đi tình yêu chân thành vô điều kiện cho bất cứ người phụ nữ nào. Bây giờ, vấn đề đã hiện ra trước mắt. Miles phải lựa chọn giữa việc mắc kẹt và mãi ám ảnh với quá khứ, hay từ bỏ và trưởng thành.

[quote]HÀNH TRÌNH BIẾN ĐỔI – BƯỚC 2[/quote]

Sau khi nhân vật bộc lộ vấn đề bên trong của mình và xác định được nó, câu chuyện đi đến điểm giữa mid-point, nơi nhân vật phải hạ tấm khiên của mình xuống và có hành động cụ thể để chiến đấu.

  • Trong bước 2 của hành trình biến đổi, nhân vật cuối cùng phải ĐẤU TRANH với vấn đề nội tâm của mình. Tuy nhiên lần này anh sẽ chưa thành công.

Nỗi đau sẽ sớm trở lại và đau đớn hơn. Nhân vật chính sẽ phải lại một lần nữa nâng khiên lên để kháng cự lại với những đợt tấn công từ thế giới. Tuy nhiên, anh ấy bây giờ đã biết được cảm giác sống mà không mang theo gánh nặng của khiên là như thế nào và biết được mình sẽ đạt được những gì nếu có thể vượt qua những mâu thuẫn nội tâm. Cuộc chiến này lần đầu diễn ra ngay tại điểm giữa (mid-point) – điểm không thể quay đầu. Và dù lần này nhân vật chính không thành công, anh ấy nhận ra rằng việc thay đổi và trưởng thành là cần thiết để đạt được mục tiêu và chiến thắng kẻ thù của mình.

Lưu ý, cuộc chiến lần này phải được thể hiện thông qua việc nhân vật chính có hành động cụ thể.

Tại Midpoint của Collateral, sát thủ Vincent yêu cầu tài xế taxi Max đi thăm mẹ anh ở bệnh viện vì Vincent không muốn trong lộ trình của Max có điều gì bất thường. Trong bệnh viện, mẹ Max trò chuyện với Vincent không biết rằng anh là một tay sát thủ. Bà vô tư làm bẽ mặt Max. Cảnh phim tiết lộ việc Max là một đứa trẻ không có bạn bè, phải nói chuyện một mình trước gương. Max không tin vào giá trị bản thân mình (sang chấn). Câu chuyện như một chiếc gai nhọn đâm vào vết thương của Max, nơi tấm khiên của anh được dựng lên, nơi anh vẽ lên những câu chuyện hoang đường để trốn tránh hiện thực, nỗi sợ và sự hèn nhát. Nếu như bạn không thử làm một điều gì – như thật sự mở một công ty Limos chẳng hạn – thì bạn sẽ không bao giờ nhận thất bại.

Max mong muốn Vincent tránh xa khỏi mẹ mình càng nhanh càng tốt. Vậy nên cuối cùng anh đã lấy chiếc vali của Vincent và chạy. Trong một khoảnh khắc dũng cảm, Max bỏ chiếc khiên của mình xuống, bỏ xuống những hèn nhát và chiến đấu. Lúc Vincent đuổi theo anh cũng chính là lúc Max chiến đấu với những mâu thuẫn bên trong mình, anh ném vali của Vincent xuống đường cao tốc.

Vincent đuổi kịp, Max đóng băng. Anh một lần nữa lại bị bất động bởi nỗi sợ. Max nâng lên lại tấm khiên của mình và một lần nữa trở lại là con tin yếu đuối trong tay Vincent. Nhưng trong những giây phút ngắn ngủi, Max đã đủ dũng cảm để hành động, vượt qua nỗi sợ hãi cố hữu của mình.

Chú ý rằng Max đánh cược mạng sống của anh vì người khác; vì mẹ anh và vì 2 người nữa trong danh sách nạn nhân giấu trong vali. Điều này khiến anh trở thành một anh hùng thật sự. Max vẫn chưa đánh bại được con quỷ sợ hãi và hèn nhát trong người anh. Nếu như vậy thì quá dễ. Nhưng anh cuối cùng cũng bước vào trận đấu với nó, ở điểm giữa (mid-point) của bộ phim.

[quote]HÀNH TRÌNH BIẾN ĐỔI – BƯỚC 3[/quote]

Khi qua nửa sau của hồi 2, nhân vật chính trở nên gần gũi hơn với mọi người. Anh gặp những người bạn tốt, và ở thời điểm này anh quyết tâm theo đuổi cho bằng được mục tiêu của mình. Cảm xúc được đẩy lên cao đối với nhân vật và những người bạn của anh. Tất cả gần như đã được chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu với kẻ thù, thành công là chuyện trong tầm tay.

Và rồi, một sự kiện xảy ra, tạo cơ hội cho nhân vật chính mở khóa những mâu thuẫn nội tâm của mình.

  • Bước 3 trong hành trình biến đổi diễn ra trước đoạn cao trào của hồi 2. Nhân vật chính ở thời điểm này có kinh nghiệm giải quyết mâu thuẫn theo một cách mới và hiệu quả hơn, anh cuối cùng cũng CHIẾN THẮNG được tấm khiên của mình, vượt qua sự phòng ngự nội tâm, chứng minh rằng mình đã thay đổi.

Trong bước này nhân vật chính nếm trải mùi vị thật sự của tự do. Nhân vật chính bây giờ theo đuổi mục tiêu một cách chân thành bằng một cảm xúc thuần khiết không gánh nặng. Việc thay đổi tích cực này mang đến hy vọng chiến thắng ở hồi 3.

Trong nửa sau hồi 2 của Collateral, trận đấu súng đẫm máu và hỗn loạn phá hủy câu lạc bộ đêm. Chàng tài xế Max gần như đã được cứu bởi thám tử Fanning, nhưng Vincent giết ông ấy và bắt anh trở lại xe. Một lần nữa, Max phải lái xe đưa Vincent đến địa điểm con mồi tiếp theo của hắn. Mọi việc trở nên rõ ràng với Max: sẽ chẳng ai đến cứu anh cả. Và tại đây, lần đầu tiên anh tìm thấy dũng khí để đối mặt với tên sát thủ điên rồ ở ghế sau, bằng cách đặt ra câu hỏi về những điều thiếu sót sâu thẳm trong con người anh ta. “Anh rất nông cạn, người anh em,” Max nói, càng lúc càng dũng cảm. Vincent và Max đối đầu với nhau bằng ngôn từ. Max nhấn ga. Trong giây lát, chiếc xe bay trong đêm trên đường phố L.A. “Bắn đi, bắn tôi đi,” Max thách thức, “Anh muốn cả hai cùng chết?” Cuối cùng, Max cũng đã có dũng cảm để đối mặt một với Vincent trong đoạn cao trào của hồi 2 này. Anh đã chiến thắng được nỗi sợ không dám hành động của mình. Max trở nên gan góc hơn bao giờ hết. Max đạt được chiến thắng nội tâm, chuẩn bị cho việc chiến thắng mục tiêu ngoại cảnh. Anh không còn là một kẻ thất bại như trong hồi 1 nữa. Hành trình biến đổi nhân vật đã biến đổi người hùng của chúng ta và bây giờ anh chứng minh việc đó bằng cách đánh cược mạng sống của mình cố gắng giải thoát nạn nhân còn lại.

Trong Pretty Woman, ở nửa sau hồi 2, Edward đưa Vivian đến một cuộc hẹn. Đầu tiên, anh đeo cho cô sợi dây chuyền trị giá hàng trăm nghìn đô la – cho Vivian thấy cô là một người đáng giá như thế nào. Sau đó anh bay cùng cô trên chuyến chuyên cơ riêng đến nhà hát oprea ở San Francisco. Đêm đó họ làm tình. Cô hôn anh, điều mà trước đây cô cho rằng quá thân mật. Sau đó, khi Edward ngủ say, Vivian nhẹ nhàng nói, “Em yêu anh.” Tại đây, cô đã vược qua được nỗi tự ti vẫn hằn đeo đuổi mình. Cô gái điếm ngày nào giờ đã thật sự coi trọng giá trị bản thân để có thể tuyên bố tình yêu của mình dành cho người đàn ông, xét về nhiều mặt, hơn cô rất nhiều. Cô cuối cùng cũng cảm thấy mình xứng đáng để yêu và nhận lại tình yêu từ một tỉ phú.

Đến đầu hồi 3, sau bước 3 của hành trình biến đổi, thường sẽ có một khoảnh khắc yếu đuối nhẹ khiến nhân vật chính muốn nâng lên lại chiếc khiên của mình một lần nữa. Anh ấy cố – nhưng rồi phát hiện ra rằng bản thân anh đã thay đổi và hệ thống phòng vệ đó bây giờ không còn thích hợp với mình nữa.

Trong hồi 3, nhân vật chính trở thành một con người trưởng thành và trọn vẹn về cảm xúc.

Tuy nhiên, hãy nhớ: khi xây dựng hành trình biến đổi, bạn cũng không được phép bỏ quên yếu tố tạo sự đồng cảm cho nhân vật. Một nhân vật chính nếu quá mức co cụm trong rào chắn tự vệ của mình sẽ khiến khán giả không thích và bộ phim đó sẽ thất bại ở phòng vé. Trường hợp của Waterworld và Ghost Town.

Một câu chuyện hay là một câu chuyện khai thác được nỗi đau nội tâm của nhân vật chính, đưa nó ra ánh sáng, tạo ra những sự kiện để khiến anh đau đớn, buộc anh phải giải quyết vấn đề cảm xúc bên trong và từ đó đưa anh đi đến đích của hành trình biến đổi, trở thành một người trưởng thành trọn vẹn.

Dịch và biên tập: Cahu – RGB
Nguồn: Story Solution: 23 Actions All Great Heros Must Take – Eric Edson