Just4Film #11: Lighting 101 – Ánh sáng trong Điện ảnh, những kiến thức nhà làm phim phải biết

Ánh sáng là thành tố vô cùng quan trọng trong quay phim, và cũng như các lĩnh vực khác thuộc điện ảnh, có hàng ngàn cách để thiết lập ánh sáng. Có rất nhiều khái niệm trong ngôn ngữ ánh sáng và nó dễ dàng làm bạn rối. Chính vì vậy, mời các bạn cùng RGB điểm qua những kiến thức căn bản không thể thiếu cho dân làm phim qua bài viết dưới đây.

Như đã nói, không có một cách xác định nào để bố trí ánh sáng. Một cảnh phim có thể được bố trí ánh sáng bằng nhiều cách khác nhau bởi các nhà quay phim khác nhau; mỗi cách sẽ đem lại một cảm xúc và ấn tượng riêng cho khung hình. Tuy nhiên, có những cách thiết lập ánh sáng cơ bản mà những nhà làm phim mới vào nghề nên biết. Dưới đây là danh sách các thuật ngữ cơ bản trong cách bố trí ánh sáng cùng với những điểm quan trọng cần lưu ý. Lưu ý rằng có thể có nhiều khái niệm cho cùng một cách bố trí ánh sáng. Ví dụ, nguồn sáng ngược (back light), rim light và hair light là những khái niệm được dùng luôn phiên chỉ một nguồn sáng được đặt đằng sau và cao hơn diễn viên.

rgb_creative_design_just4film_cinetography_lighting_anh_sang_trong_dien_anh

Dành cho các “tín đồ” của phim ảnh, những ai yêu xem phim và thích làm phim – Just4Film là một góc nhỏ để cùng tỉ tê đủ chuyện trên đời về loại hình nghệ thuật này. Đón theo dõi chuyên mục vào mỗi thứ 4 hàng tuần và cùng chia sẻ những kiến thức thú vị trong ngành phim ảnh. Đóng góp bài viết của bạn đến just4film@rgb.vn.

KEY LIGHT – NGUỒN SÁNG CHÍNH

Nguồn sáng chính là nguồn ánh sáng chủ yếu của cảnh phim. Đó sẽ là nguồn sáng có cường độ mạnh và mang tính định hướng nhất trong toàn bộ cảnh phim. Đây là nguồn sáng được thiết lập đầu tiên và được sử dụng để chiếu sáng chủ thể hoặc diễn viễn.

Điểm quan trọng:

  • Hạn chế đặt nguồn sáng chính quá gần máy quay. Việc này sẽ khiến cho ánh sáng trong cảnh phim trở nên phẳng và thiếu chiều sâu.

  • Khi nguồn sáng chính được đặt chếch về phía bên hoặc ở phía sau của người diễn viên, nó sẽ tạo ra một cảm giác drama/bí ẩn và nhìn chung sẽ làm tối khung hình.

  • Nguồn sáng chính là 1 trong 3 nguồn sáng quan trọng thuộc trong phương pháp bố trí ánh sáng 3 điểm.

FILL LIGHT – NGUỒN SÁNG PHỤ

Nguồn sáng phụ giúp chiếu sáng bóng đổ được tạo ra bởi nguồn sáng chính. Nguồn sáng phụ được đặt đối diện với nguồn sáng chính và thường không mạnh bằng nguồn sáng chính.

Điểm quan trọng:

  • Chức năng quan trọng nhất của nguồn sáng phụ là khử bóng được hình thành bởi nguồn sáng chính, vì thế thường nguồn sáng phụ sẽ nhẹ, không tạo ra bóng đổ và không tự thu hút sự chú ý về nó. Nguồn sáng phụ càng gần máy quay, bóng đổ tạo ra sẽ càng ít.

  • Có thể dễ dàng tạo ra nguồn sáng phụ kể cả khi bạn không có một thiết bị nào trong tay; bạn có thể sử dụng một tấm hắt sáng (reflector) đặt ở hướng đối diện, chếch một góc ¾ so với nguồn sáng chính. Ánh sáng đến sẽ được phản chiếu và quay ngược lại chủ thể.

  • Có một thuật ngữ gọi là tỉ lệ key/fill hay (tạm dịch là) tỉ lệ chính/phụ, cho thấy tương quan cường độ ánh sáng giữa nguồn sáng chính và nguồn sáng phụ. Ví dụ, tỉ lệ 2:1 cho ta biết rằng nguồn sáng phụ có cường độ bằng một nửa nguồn sáng chính.

BACK LIGHT – NGUỒN SÁNG NGƯỢC

Nguồn sáng ngược chiếu sáng diễn viên hoặc chủ thể từ đằng sau và thường được bố trí cao hơn chủ thể mà nó chiếu sáng. Nguồn sáng ngược có tác dụng tách chủ thể hoặc diễn viên với background, giúp làm rõ hình dạng cũng như tăng chiều sâu của chủ thể. Việc đánh ánh sáng ngược giúp chủ thể của bạn nổi bật và đa chiều hơn.

Điểm quan trọng:

  • Ánh nắng mặt trời trực tiếp đôi khi quá gắt để có thể sử dụng làm nguồn sáng chính chiếu sáng cho chủ thể. Tuy nhiên, nếu sử dụng như nguồn sáng ngược, ánh sáng mặt trời có thể làm nổi bật chủ thể của bạn.

  • Khi sử dụng mặt trời làm nguồn sáng ngược, bạn có thể dùng hắt sáng hay một tấm bảng trắng để phản chiếu và làm dịu bớt ánh sáng chiếu lên chủ thể.

  • Để tạo phong cách sillhouette (phong cách ngược sáng), canh sáng lấy chuẩn từ nguồn sáng ngược, loại bỏ nguồn sáng chính và nguồn sáng phụ.

  • Nguồn sáng ngược nếu được đặt phía sau diễn viên tại một góc nhất định và chiếu sáng một phần gương mặt diễn viên, nguồn sáng ngược này lúc đó được gọi là kicker.

  • Người ta hay sử dụng đèn ARRI 150 làm nguồn sáng ngược.

Nguồn sáng chính, nguồn sáng phụ và nguồn sáng ngược kết hợp với nhau tạo thành hệ thống ánh sáng 3 điểm.

SIDELIGHT – ÁNH SÁNG BÊN

rgb_vn_creative_just4film_lighting_anh_sang_trong_dien_anh_01— Ảnh: Casino Royale via Columbia Pictures

Ánh sáng bên, như tên gọi, là ánh sáng đến từ phía bên song song với diễn viên. Ánh sáng bên rất lý tưởng để tạo không khí drama và phong cách Chiaroscuro. Chiaroscuro là một kỹ thuật trong hội họa sử dụng độ tương phản cao của ánh sáng và bóng tối để làm nổi bật chủ thể và tạo chiều sâu cho khung hình. Một kỹ thuật truyền thống được sử dụng rất nhiều trong thời kỳ phim Noir.

Điểm quan trọng:

  • Để tạo ra một khung tình có tính điện ảnh (dramatic) bằng ánh sáng bên, tốt nhất là không nên sử dụng nguồn sáng phụ hoặc nếu có, chỉ dùng với tỉ lệ chính/phụ rất thấp cỡ 8:1.

  • Ánh sáng bên được sử dụng rất nhiều để làm nổi bật texture.

PRACTICAL LIGHT – NGUỒN SÁNG THỰC TẾ

rgb_vn_creative_just4film_lighting_anh_sang_trong_dien_anh_02— Ảnh: Goodfellas via Warner Bros.

Nguồn sáng thực tế là các loại nguồn sáng có mặt trong cảnh phim. Đó có thể là một chiếc đèn bàn, một chiếc TV, nến, đèn xe cảnh sát…

Điểm quan trọng:

  • Nguồn sáng thực tế đóng vai trò rất quan trọng trong các bộ phim kinh điển Hollywood. Hãy xem ví dụ từ phim Goodfellas phía trên. Những cây đèn làm thành một nguồn chiếu sáng quan trọng và nó cũng giúp tăng thêm chiều sâu cho cảnh.

  • Thường các nguồn sáng thực tế sẽ có nút điều chỉnh độ sáng. Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng may mắn như vậy, khi đó, bạn có thể sử dụng diffusion gel và dán nó xung quanh bóng đèn.

  • Trừ khi bạn quay phim với ống kính Carl Zeiss Planar 50mm f/0.7 giống như Stanley Kubrick đã làm trong Barry Lyndon, ánh sáng của nến sẽ không đủ để chiếu sáng toàn bộ cảnh phim của bạn.

BOUNCE – PHẢN CHIẾU

rgb_vn_creative_just4film_lighting_anh_sang_trong_dien_anh_04— Ảnh: Bounce light – Wikipedia

Dụng cụ cần thiết có thể là một tấm bảng trắng hoặc một tấm lụa, nhưng bạn cũng có thể phản chiếu ánh sáng từ tường hay trần. Có rất nhiều cách để làm điều này.

Điểm quan trọng:

  • Một tấm bảng xốp trắng có bề mặt lì sẽ tạo ra ánh sáng phản chiếu mịn nhất.

  • Hắt sáng màu bạc tạo ra ánh sáng gắt hơn và thường tạo ra ánh sáng phản chiếu với cường độ ¾ tùy thuộc vào khoảng cách của nguồn sáng.

  • Ánh sáng phản chiếu có thể được sử dụng ở nhiều vai trò, như nguồn sáng chính, nguồn sáng phụ, nguồn sáng ngược, hay thậm chí chiếu sáng vật thể ở phía sau.

SOFT LIGHT – ÁNH SÁNG MỀM MỊN

rgb_vn_creative_just4film_lighting_anh_sang_trong_dien_anh_05— Ảnh: Her – Annapurna Pictures

Ánh sáng mềm mịn là một khái niệm dùng để mô tả kích thước của nguồn sáng (so với chủ thể) nhiều hơn là nói về vị trí của nó. Ánh sáng mềm mịn đến từ một nguồn sáng lớn hoặc từ một tấm tản sáng. Ánh sáng kiểu này sẽ cho bóng mịn, nhẹ – hoặc nếu ánh sáng đủ mềm sẽ hoàn toàn không có bóng đổ.

HARD LIGHT – ÁNH SÁNG CỨNG

rgb_vn_creative_just4film_lighting_anh_sang_trong_dien_anh_06

Ánh sáng cứng tạo ra bóng đổ có đường nét rõ ràng. Bạn sẽ có được ánh sáng cứng từ mặt trời chính ngọ hoặc một nguồn sáng nhỏ. Thường người ta không chuộng ánh sáng cứng. Cũng tương tự như trên với ánh sáng mềm mịn, việc ánh sáng phát ra từ một nguồn sáng cứng hay mềm phụ thuộc hoàn toàn vào kích cỡ của nguồn sáng đó (so với chủ thể).

Điểm quan trọng:

  • Ánh sáng trực tiếp từ mặt trời sẽ tạo ra ánh sáng cứng và thường cần phải làm mịn sáng.

  • Một nguồn sáng nhỏ (so với chủ thể) sẽ sinh ra ánh sáng cứng và một nguồn sáng lớn (so với chủ thể) sẽ sinh ra ánh sáng mềm mịn.

Để minh họa cho sự khác biệt giữa ánh sáng cứng và ánh sáng mềm mịn, dưới đây là hai hình ảnh so sánh từ phim ngắn tôi quay tuần trước. Đoàn phim đã phải đợi cho đến khi một đám mây đi ngang qua và che khuất mặt trời vì ánh sáng trực tiếp quá gắt.

HIGH KEY

rgb_vn_creative_just4film_lighting_anh_sang_trong_dien_anh_07

High Key là một phong cách đánh ánh sáng cho hình ảnh sáng và không có bóng đổ bằng việc sử dụng rất nhiều nguồn sáng phụ. Cách đánh sáng này được sử dụng rất nhiều trong các phim kinh điển Hollywood thời những năm 30-40, đặc biệt là trong phim hài và nhạc kịch.

Ngày nay, phong cách High Key được sử dụng chủ yếu trong các quảng cáo mỹ phẩm, sitcom và music video. Nói như vậy không có nghĩa là ta không thấy nó xuất hiện trong điện ảnh hiện đại, như hình ảnh phía trên là một cảnh trong phim Harry Potter.

Điểm quan trọng:

  • High Key không có bóng đổ.

  • Đôi khi có cảm giác như khung hình bị dư sáng ở một vài vị trí.

  • Thường được tạo ra bởi ánh sáng đánh trực diện.

  • High Key có tỉ lệ chính/phụ thấp.

LOW KEY

rgb_vn_creative_just4film_lighting_anh_sang_trong_dien_anh_08

Một khung hình với cách đánh sáng kiểu Low Key được bao phủ bởi bóng tối nhiều hơn là ánh sáng. Nguồn sáng phụ rất nhẹ hoặc hoàn toàn không có. Low Key tập trung vào việc sử dụng bóng tối như một nhân vật chứ không chỉ đơn thuần là một chủ thể trong ánh sáng. Nó được sử dụng nhiều trong các phim kinh dị và giật gân.

Điểm quan trọng:

  • Thường được thiết lập với chỉ một nguồn sáng.

  • Low Key có tỉ lệ chính/phụ cao.

  • Low Key có hiệu quả rõ rệt hơn khi sử dụng nguồn sáng với ánh sáng cứng.

MOTIVATED LIGHTING (tạm dịch CHIẾU SÁNG GIẢ LẬP)

rgb_vn_creative_just4film_lighting_anh_sang_trong_dien_anh_09

Chiếu sáng giả lập là cách chiếu sáng mà nguồn sáng thật sự dùng cho cảnh phim mô phỏng/giả lập một nguồn sáng tự nhiên hoặc nguồn sáng thực tế xuất hiện trong khung hình. (Ví dụ, nhân vật của bạn đang đi trong đêm. Nguồn sáng gốc trong cảnh này là mặt trăng, nhưng ánh sáng mặt trăng không đủ để chiếu sáng nhân vật. Lúc đó, ta dùng một nguồn sáng giả lập áng sáng mặt trăng và chiếu sáng cho chủ thể. Tất nhiên nguồn sáng này không xuất hiện trong khung hình và khán giả vẫn đang nghĩ là mặt trăng đang chiếu sáng). Điểm khác biệt giữa chiếu sáng giả lập và chiếu sáng thực tế là chiếu sáng giả lập là một phương thức để nhấn mạnh chiếu sáng thực tế.

Điểm quan trọng:

  • Bố trí nguồn sáng giả lập sớm trong cảnh và trong lúc lên kế hoạch sản xuất. Nếu như nguồn sáng gốc của bạn là ánh sáng cửa sổ, bối cảnh câu chuyện vào buổi sáng và bạn buộc phải quay ban đêm, bạn có thể phải sử dụng gel ánh sáng để điều chỉnh màu ánh sáng cho phù hợp.

  • Hãy luôn chuẩn bị đủ và đúng loại gel mình cần để thay đổi nhiệt độ màu và khớp màu giữa hai nguồn sáng.

  • Nguồn sáng giả lập của bạn phải trông và có tính chất giống như nguồn sáng gốc trong cảnh. Nếu nguồn sáng trong cảnh là ánh trăng, và nguồn sáng của bạn phát ra ánh sáng ở nhiệt độ màu 5600K, cảnh đó trông rất sai.

AVAILABLE LIGHT – ÁNH SÁNG SẴN CÓ

rgb_vn_creative_just4film_lighting_anh_sang_trong_dien_anh_010

Ánh sáng sẵn có là ánh sáng có sẵn trên trường quay. Nó có thể là mặt trời trên sa mạc Rub’ al Khali, là đèn đường hay các biển hiệu neon trên đường phố New York.

Điểm quan trọng:

  • Nếu bạn sử dụng ánh sáng mặt trời là nguồn sáng, hãy chắc chắn rằng bạn luôn cẩn thận theo dõi diễn biến thời tiết và vị trí của mặt trời.

  • Buổi sáng sớm và buổi chiều tà là giờ vàng (golden hour) cho ánh sáng mềm mịn

  • Luôn chú ý đến thời gian vì mặt trời thay đổi rất nhanh về cường độ và màu sắc khi về tối.

Khi đọc qua danh sách này, bạn có thể nghĩ rằng một khái niệm có thể dễ dàng trở thành một khái niệm khác. Và, đúng là như thế đấy. Một khái niệm có thể trở thành hay là một phần thuộc hàng tá các khái niệm khác.

Nhìn bức screenshot từ Man of Stell mà xem, nó sử dụng ánh sáng màn hình máy tính để làm nguồn sáng thực tế và đó cũng là nguồn sáng chính của cảnh phim.

rgb_vn_creative_just4film_lighting_anh_sang_trong_dien_anh_011

Dịch và biên tập: Cahu – RGB
Nguồn: LEWIS MCGREGOR

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!