Lý thuyết thiết kế là gì? Và đây là điều các designer cần ghi nhớ

Cụm từ “lý thuyết thiết kế” chắc hẳn sẽ khiến chúng ta đóng băng trong vài giây vì nghĩ nó thật phức tạp. Tuy nhiên, hãy tin tôi đi, nó không hề phức tạp như cách bạn nghĩ đâu, nhưng nó lại thực sự quan trong đối với bất kì nhà thiết kế nào. Để giúp bạn hiểu hơn, chúng tôi đã viết bài này nhằm giúp bạn trả lời được câu hỏi “Lý thuyết thiết kế là gì?”

Để bắt đầu, chúng ta hãy tách hai từ này ra. Thiết kế đồ họa hiệu quả trong việc đại diện giao tiếp cho một ý tưởng hoặc khái niệm bằng hình ảnh, trong khi đó, lý thuyết là một hệ thống các ý tưởng nhằm giải thích một vấn đề nào đó. Vì thế, hãy nghĩ đơn giản như thế này: lý thuyết thiết kế là hệ thống các ý tưởng giải thích “làm thế nào” và “tại sao” một thiết kế hoạt động. Các nhà thiết kế cần hiểu rằng: bất kì thứ gì họ đặt trên giấy đều tương tác, ảnh hưởng, điều hướng, mời gọi và gây phấn khích cho khán giả – lý thuyết thiết kế sẽ giải thích tại sao.

Lý thuyết thiết kế có thể chia thành nhiều cách tiếp cận để hiểu, giải thích và mô tả kiến thức thiết kế v.v. Andy Lester – nhà thiết kế và giảng viên tại trường Shillington Luân Đôn giải thích như sau:

Lý thuyết thiết kế là cách hỏi và trả lời cho câu hỏi “Tại sao tôi thiết kế nó theo cách này?”. Nếu bạn không thể trả lời câu hỏi này ở bất kì bước nào trong tiến trình thiết kế, bạn có thể sẽ cần động não thêm một chút nữa.

“Là nhà thiết kế, chúng ta không nên đưa ra những quyết định dựa vào sở thích cá nhân. Chúng ta không phải là nghệ sĩ.”
Vậy, chính xác lý thuyết thiết kế là gì?
Cùng tham khảo qua nội dung dưới đây nhé:

Nguyên tắc thiết kế

5 nguyên tắc thiết kế bạn nhất thiết phải sử dụng trong bất kì dự án nào. Mỗi nguyên tắc là một phần thiết yếu trong thiết kế, nhưng chúng hoạt động như thế nào là điều cần cân nhắc kĩ lưỡng để truyền tải đúng thông điệp đến đối tượng khán giả mong muốn.

  1. Alignment (căn chỉnh): căn chỉnh các yếu tố trên một trang tạo ra sự kết nối hình ảnh cũng như một thiết kế thống nhất. Nó cho phép người dùng thấy được sự sắp xếp, khiến việc xem thiết kế trở nên dễ chịu và dễ dàng hơn.
  2. Repetition (sự lặp lại): các yếu tố được lặp lại tạo sự liên kết và quen thuộc – đặc biệt, các nhà thiết kế có thể sử dụng nguyên tắc này để tạo nên sự định hình của thương hiệu hoặc ấn phẩm trong tâm trí khách hàng.
  3. Contrast (sự tương phản): sự tương phản được tạo ra khi chúng ta sử dụng các yếu tố hoàn toàn tưởng phản nhau như: phông chữ cổ điển với hiện đại, màu sắc tươi sáng với trầm ấm v.v. Việc này mang đến tầm ảnh hưởng và sự nhấn mạnh trong thiết kế.
  4. Hierarchy (hệ thống phân cấp thị giác): nhóm các yếu tố gần nhau cho thấy chúng có mối tương quan theo cách nào đó. Hệ thống phân cấp thi giác giúp tạo ra một tổ chức logic trong thiết kế.
  5. Balance (sự cân bằng): sự cân bằng là cách tạo nên cấu trúc ổn định cho thiết kế. Có hai cách cân bằng: cân bằng đối xứng và cân bằng tỷ lệ (muốn làm nổi bật yếu tố nào thì tỷ lệ lớn hơn).

Kết hợp 5 nguyên tắc thiết kế trên sẽ khiến cho tác phẩm trở nên hấp dẫn cả về mặt trực quan lẫn cấu trúc. Đó là chìa khóa hiệu quả nhất hướng đến khách hàng.

Lý thuyết màu sắc và kỹ thuật màu sắc

Lý thuyết màu sắc giúp bạn sử dụng hợp lý các bảng màu sắc trong thiết kế. Nó giải thích vì sao màu sắc lại là công cụ quyền lực đến thế, vì chúng có thể mời gọi, thuyết phục hoặc tạo ra cảm xúc nhất định về một thứ gì đó. Chẳng hạn, màu đỏ thường gắn liền với niềm đam mê lẫn mạnh mẽ – mang đến sự thu hút.

Lý thuyết màu sắc cũng giúp cân nhắc các màu khác nhau cho những yếu tố khác nhau trong thiết kế.

Có khả năng chọn màu sắc và khai thác hết tiềm năng của chúng là một dấu hiệu của nhà thiết kế thành công.

Mặt khác, kỹ thuật màu sắc là tập hợp các kỹ thuật cân nhắc về sự ứng dụng của màu sắc trong thiết kế đã hoàn thành. Những sự cân nhắc này tùy thuộc vào số lượng yếu tố, thiết kế kỹ thuật số hay thiết kế in ấn v.v Kỹ thuật màu sắc bao gồm: trộn màu (thêm hoặc bớt sắc tố), hệ thống màu sắc (RGB, CMYK v.v) và các gam màu.

Tư duy thiết kế

Tư duy thiết kế lấy người dùng làm trọng tâm đầu tiên hoặc hướng đến lượng khán giả tiềm năng cụ thể. Nói cách khác, nó khiến nhà thiết kế đặt mình vào vị trí của người sẽ tương tác với thiết kế. Tư duy thiết kế bao gồm 5 bước chính:

Thấu hiểu: nhà thiết kế cần thấu hiểu đối tượng khán giả, sở thích hoặc không thích của họ, cách họ phản ứng với thiết kế.

Xác định: sau đó, họ cần xác định vấn đề cần được giải quyết trong thiết kế.

Lặp đi lặp lại: họ cần suy nghĩ nhiều ý tưởng để giải quyết các vấn đề này.

Nguyên mẫu: quyết định xem những ý tưởng này nên làm thế nào và xây dựng chúng.

Thử nghiệm: Đối tượng khán giả sẽ thử nghiệm thiết kế và khám phá xem thiết kế ổn và không ổn chỗ nào.

Các bước không cần thiết phải theo thứ tự như trên – tuy nhiên, bước quan trọng đầu tiên luôn nên là “sự thấu hiểu” – và chúng ta lặp lại và thay đổi các bước nếu thử nghiệm không thành công.

Các yếu tố đồ họa

Nhà thiết kế cần xác định được yếu tố đồ họa nào nên được sử dụng trong thiết kế.

Các yếu tố đồ họa là sự kết hợp các dạng, hình dạng, đường thẳng, mô hình, cấu trúc v.v, được sử dụng nhằm tạo sự thay đổi, thú vị hoặc tạo ra hệ thống phân cấp thị giác điều hướng người xem trong một thiết kế.

Sự khác nhau giữa yếu tố đồ họa và minh họa chính là: các yếu tố đồ họa chủ yếu dùng để trang trí, trong khi đó, các yếu tố minh họa mang mục đích truyền tải thông điệp hoặc khái niệm nào đó.

Vậy, chúng ta có lợi ích gì khi biết những kiến thức trên?

Lý thuyết thiết kế mang đến cho chúng ta kiến thức và khả năng kết hợp các hình thái (nguyên tắc thiết kế chẳng hạn) và các chức năng (mục đích thiết kế) mà theo học thuyết Bauhaus, là tiền đề cho bất kì thiết kế thành công nào. Theo thuật ngữ layman, bạn cần cả lý thuyết thiết kế và kiến thức thực tế về thiết kế để tạo ra các giải pháp thiết kế hiệu quả.

Trở thành nhà thiết kế giỏi không chỉ là biết về các phần mềm mà còn là việc thấu hiểu các lý thuyết đằng sau nó và làm thế nào nó ảnh hưởng đến quyết định và kết quả của bạn.

Trên hết, lý thuyết thiết kế cho phép nhà thiết kế mạnh dạn hơn khi nói về thiết kế của mình. Bởi vì chúng có khả năng giải thích các quyết định mang tính lý thuyết dẫn đến lựa chọn đầu ra – chứ không phải là lời giải thích rỗng tuếch. Lý thuyết thiết kế cũng giúp chúng ta nói lên tiếng nói qua portfolio trong cuộc phỏng vấn đầu tiên hoặc buổi thuyết trình với đối tác lớn như một giám đốc sáng tạo chẳng hạn.

Jimmy Muldoon – giảng viên tại trường Shillington nói thêm: “Dù bạn đang tạo ra một tác phẩm minh họa, hay thiết kế sản phẩm thì các nguyên tắc lý thuyết thiết kế đóng vai trò thật sự quan trọng.”

 Khi bạn thấu hiểu được tầm quan trọng của lý thuyết thiết kế, bạn sẽ tạo nên những tác phẩm mang tính giá trị, hiệu quả và hấp dẫn không chỉ đối với bạn mà còn đối với khác hàng.”

Lý thuyết thiết kế được vận dụng vào thực tế như thế nào?

John Palowski – Giám đốc nội dung khóa học tại Shillington và giáo viên Manchester đã đưa ra một vài ý kiến về việc vận dụng lý thuyết thiết kế vào thực tế:

“Khi có một ý tưởng mới, các nhà sáng tạo thường có khuynh hướng quá khích và lao đầu vào công việc. Chất adrenaline khiến chúng ta “đào bới” tất cả những gì có thể – mà đôi khi đó là hướng đi vô định, để rồi sau đó chúng ta nhìn lại và không biết mình đang ở đâu, tiếp tục như thế nào.

Ứng dụng lý thuyết thiết kế đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng con đường sáng tạo để hướng đến mục đích có ý nghĩa.

Bởi vì, đôi khi trong tiến trình thiết kế, không ít nhà thiết kế cảm thấy bế tắc ở đâu đó. Có rất nhiều phần khiến chúng ta mất thời gian vẫn không đưa ra được lựa chọn. Bằng cách giải quyết nguồn gốc vấn đề, tận dụng lý thuyết thiết kế để loại bỏ những những gì không cần thiết.”

Hi vọng những kiến thức trên về lý thuyết thiết kế sẽ bổ ích đối với bạn và giúp bạn nhận biết, sử dụng được chúng trong chính thiết kế của mình.

Theo Oliver Stevenson / shillingtoneducation
Biên dịch: CiCi Giang | RGB
(liên hệ tác giả trước khi đăng tải lại)

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!