Just4Film#9: Ngả mũ trước bậc thầy điện ảnh Yasujiro Ozu

Yasujiro Ozu là một nhà làm phim người Nhật, người đã mất cách đây 30 năm. Cho đến thời điểm ông mất, ông chỉ được biết đến trong lãnh thổ Nhật Bản – kể cả ở đó, ông cũng không mấy tiếng tăm. Ngày nay, nếu bạn hỏi các nhà phê bình phim, ai là đạo diễn được yêu mến rộng khắp nhất, Ozu chắc chắn sẽ đứng ở những vị trí đầu trong danh sách, cùng với Jean Renoir, Orson Welles và Alfred Hitchcock.

rgb_creative_just4film_bac_thay_dien_anh_Yasujiro_OzuDành cho các “tín đồ” của phim ảnh, những ai yêu xem phim và thích làm phim – Just4Film là một góc nhỏ để cùng tỉ tê đủ chuyện trên đời về loại hình nghệ thuật này. Đón theo dõi chuyên mục vào mỗi thứ 4 hàng tuần và cùng chia sẻ những kiến thức thú vị trong ngành phim ảnh. Đóng góp bài viết của bạn đến just4film@rgb.vn.

Ozu không được biết đến nhiều như những vị đạo diễn khác, có lẽ là bởi vì phim của ông chỉ bắt đầu được khán giả phương Tây biết đến sau khi ông qua đời. Hiện tại người ta đang trình chiếu lại loạt 10 phim của ông, bản phim 16mm, trên khắp đất nước. Nếu bạn chưa biết nhiều về những tác phẩm của ông, bạn có hội để khám phá người nghệ sĩ vĩ đại này – người có thể sẽ chạm đến rất gần trái tim của bạn. Những câu chuyện của Ozu có vẻ như vô cùng đơn giản. Một cô gái trẻ chăm sóc cho người cha góa vợ, ông mong muốn cô lập gia đình, sống cuộc sống của riêng cô. Một cặp vợ chồng già đến thăm các con của mình trên thành phố lớn, và nhận ngược lại sự thờ ơ. Một diễn viên đoàn hát quay trở lại thị trấn nhỏ, nơi năm xưa ông đã bỏ lại đứa con trai của mình.

rgb_creative_just4film_YASUJIRO_OZU

Chúng ta thường có những định kiến với từ “phim nước ngoài”, như thể những giá trị của họ cũng xa lạ như ngôn ngữ của họ. Điều này không đúng với Ozu. Mùa đông năm ngoái tôi có dạy một lớp về những bộ phim hay nhất mọi thời đại, dựa vào kết quả bảng thăm dò được làm mỗi 10 năm một lần bởi tạp chí Sight & Sound. Trong số đó có bộ phim “Tokyo Story” (1953) của Ozu. Phần lớn các học viên trong lớp đều chưa từng xem phim của Ozu trước đó, và cũng không quá mong chờ nó, vậy nên tôi đã rất ngạc nhiên với những phản ứng mãnh liệt của họ. Khi câu chuyện của Ozu được mở ra, câu chuyện về một đôi vợ chồng già lên thành phố thăm con cháu, cả hội trường trở nên hoàn toàn tĩnh lặng, sau đó tôi bắt đầu nghe được những tiếng sụt sùi, rồi khi bộ phim kết thúc và ánh đèn được bật lên, tôi có thể thấy rõ rằng rất nhiều khán giả đã có được những trải nghiệm cảm xúc đặc biệt. Vài tuần sau, khi lớp học kết thúc, nhiều người đồng ý rằng không có bộ phim “hay nhất” nào hay bằng phim của Ozu trong việc chạm đến cảm xúc của họ.

rgb_creative_just4film_YASUJIRO_OZU_tokyo_story— Phim Tokyo Story

Điều này thật trớ trêu, vì qua nhiều năm phim của Ozu bị giới làm phim Nhật Bản cho rằng nó “quá Nhật” để được hiểu bởi khán giả phương Tây. Một trong những học giả về điện ảnh Nhật là Donald Ritchie, một người Mỹ đã từng sống ở Nhật 40 năm. Khi ông ta đề xuất mang phim của Ozu đến liên hoan phim Venice năm 1962, những nhà phát hành phim của Ozu đã từ chối, họ sợ rằng bộ phim sẽ không được đón nhận bởi những khán giả không-nói-tiếng-Nhật. Họ nói, thành công của các đạo diễn khác như Akira Kurosawa có thể giải thích được bởi vì phim ông có phong cách phương Tây; những hình ảnh hoành tráng về Samurai của ông dễ dàng chinh phục được khán giả nước ngoài.

Ritchie đã kiên trì và phim của Ozu đã nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt tại Venice. Ozu mất một năm sau đó. Bộ phim cuối cùng của ông là “An Autumn Afternoon” (1962). Cũng giống như những bộ phim khác của ông, đây là một bộ phim về gia đình, về những thay đổi nhỏ và những cảm xúc chôn sâu trong mỗi người, những người sống với nhau và hiểu rất rõ về nhau. Ozu sinh tại Tokyo năm 1903, và bắt đầu làm việc trong ngành điện ảnh từ năm 20 tuổi, sau những năm tháng không mấy thành công trên ghế nhà trường (ông từng một học sinh cá biệt). Bộ phim đầu tay của ông với vai trò đạo diễn được làm năm 1927, và từ đó cho đến khi mất ông đã làm 54 bộ phim, phần lớn trong số đó đều có chủ đề về gia đình. Trong loạt 10 phim được chiếu, có 1 phim câm ông làm đó là “I Was Born, But…”, về một nhân viên văn phòng rụt rè yếu đuối nhưng luôn cố tỏ ra mạnh mẽ, và cuối cùng chấp nhận bản thân mình.

rgb_creative_just4film_YASUJIRO_OZU_2— Một cảnh trong phim Tokyo Story

Thời Ozu, ngành điện ảnh Nhật Bản đã có những nét rất riêng so với thế giới; họ phát triển những quy luật riêng về bố cục khung hình và cách dựng phim, trong khi phần còn lại của thế giới ngầm chấp nhận những chuẩn mực thông thường. Ví dụ, khi chúng ta xem cảnh cận của 2 người, một người nhìn về phía trái màn hình, người kia nhìn về phía phải màn hình, chúng ta hiểu cảnh đó là hai nhân vật đang nhìn nhau.

Trong những bộ phim Nhật Bản thời kỳ đầu, nguyên lý về đường mắt giao nhau này không được tuân thủ, và mặc dù sau này cuối cùng các nhà làm phim Nhật Bản cũng dần dà đi theo những nguyên tắc của phương Tây, thì Ozu vẫn không thay đổi. Trong những cảnh hội thoại, các nhân vật của ông trông như không nhìn về phía người đối diện (đặc điểm của người Nhật, người ta thường tránh nhìn trực tiếp vào mắt người khác). Thường xuyên hơn, họ ngồi bên cạnh nhau khi nói chuyện, cả hai đều nhìn về xa xăm.

Một điểm đặc biệt khác trong phim Ozu là vị trí đặt máy quay. Phần lớn trong các bộ phim, máy quay thường được đặt ở tầm mắt của một người đang đứng. Ozu ngược lại thường đặt máy quay ở tầm mắt của một người đang ngồi trên sàn tatami. Chính tại vị trí này, ông cảm nhận, một người Nhật điển hình sẽ nhìn thế giới. Ông có những dấu ấn tinh tế khiến phim của mình có nét riêng. Thường ông sẽ bắt đầu cảnh quay trước khi nhân vật bước vào khung hình, hoặc nấn ná vài giây sau khi nhân vật rời khỏi. Điều đó cho ta những cảm nhận về không gian, về thời gian và sự im lặng xoay quanh hành động. Nó cũng như một tuyên bố về sự độc lập của người đạo diễn đối với nhân vật; ông không cần phải đi theo nhân vật của mình đến nơi họ đến mà ông có thể chờ sẵn hay nán lại. Trong những bộ phim của Ozu, hành động thường được ngăn cách bởi những cảnh ông gọi là “pillow shots,” những cảnh mô tả các chi tiết ngoại ảnh – có thể là những ống khói, cây cỏ hoặc những gợn mây. Những cảnh này giúp duy trì nhịp điệu bộ phim, được lấy cảm hứng từ từ “pillow words” trong thi ca Nhật có chức năng tương tự.

Ozu cũng rất sẵn lòng vượt qua đường 1800 – một trong những điều cấm kỵ đối với các nhà làm phim phương Tây. Điều đó có nghĩa là sau khi ông đã thiết lập cảnh toàn cho cảnh phim, ông sẵn sàng xoay máy 1800 mà không cần có cảnh nào trung gian để định hướng lại cho khán giả; nhân vật lúc trước ở bên trái bây giờ sẽ ở bên phải, và ngược lại. Để giúp khán giản “đọc” những cảnh này, ông thường đặt một vật ở tiền cảnh (một ấm nước nhỏ màu đỏ là dấu hiệu), để trong cảnh reverse, khi khán giả nhìn thấy vật đó bị lật ngược về phía bên kia khung hình, người ta có thể hiểu được điều gì vừa diễn ra về mặt hình ảnh.

rgb_creative_just4film_YASUJIRO_OZU_3

Những kỹ thuật hình ảnh đó giúp cho phim của Ozu khác biệt với những phim khác. Nhịp điệu, bố cục và kỹ thuật cùng nhau tạo nên một tiếng nói đặc biệt, để mà khi ta bước vào thế giới phim Ozu, ta ngay lập tức nhận ra được rằng mình đang ở dưới bàn tay của một người hoàn toàn đi theo phong cách của riêng mình.

Nhưng nếu Ozu có vẻ như không đi theo lề lối trong phong cách, thì những câu chuyện của ông, ngược lại, đơn giản, dễ hiểu và rất người. Ông làm việc với những diễn viên quen thuộc, và thường làm lại các bộ phim của chính mình. Những sự lặp lại theo mùa – xuân, thu – ẩn dụ cho những giai đoạn đời người của nhân vật chính. Đa phần các bộ phim của ông là phim trắng đen, chỉ có hai phim trong chùm phim là phim màu: “Equinox Flower” (1958) và “An Autumn Afternoon.” Chuỗi phim này không có bộ phim màu nổi tiếng nhất của ông, “Floating Weeds” (1959), câu chuyện về một diễn viên đoàn hát trở về thị trấn nơi ông bỏ lại người con trai của mình. Tuy nhiên, ta có thể xem được phiên bản gốc của bộ phim này với những thước phim đen trắng phim “A Story of Floating Weeds” (1934).

Nói yêu điện ảnh mà không yếu mến Ozu là bất khả. Khi tôi xem phim ông, tôi đã bị chinh phục bởi sự hiện diện của ông trong từng chi tiết, từng cử chỉ. Giống như Shakespeare, ông thổi hơi thở vào nhân vật và khi bạn đã xem được một vài phim của ông rồi, bạn sẽ cảm giác như thể bạn biết ông. Đồng thời bạn cũng sẽ thấy như là mình quen biết nhân vật – một vài người trong số họ trong suốt cuộc đời mình. Có kỳ lạ không cơ chứ khi phim của ông một thời từng bị cho rằng nó quá Nhật để có thể được cảm bởi khán giả phương Tây.

Những bộ phim trong loạt chiếu bao gồm: “I was Born, But..” (1932), “A Story of Floating Weeds” (1934), “The Record of a Tenement Gentlemen” (1947), “Late Spring” (1949), “Tokyo Story” (1953), “The Flavor of Green Tea over Rice” (1953), “Early Spring” (1956), “Equinox Flower” (1958), “Late Autumn” (1960), “An Autumn Afternoon” (1962).

 Bài viết bởi: Roger Ebert
Biên dịch và biên tập: Cahu – RGB.vn

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!