Kết hợp máy chiếu vào việc chụp ảnh nghe có vẻ rất lạ lùng nhưng đây là điều mà Nick Fancher, một nhiếp ảnh gia thương mại đến từ Ohio Hoa Kỳ đã thực hiện để chụp nên những bức ảnh chuyên nghiệp.
Lần đầu tiên Nick sử dụng máy chiếu trong việc chụp ảnh chân dung chuyên nghiệp đó là vào năm 2015. Thời điểm đó anh cần phải chụp một bộ ảnh thời trang với chủ đề về những chuyến dã ngoại nhưng khi ấy là vào tháng 2 tại Ohio, bầu trời thì xám xịt và tuyết bao phủ khắp mọi nơi. Nick đã sử dụng máy chiếu và đưa những khung cảnh khác lên bức tường sau lưng người mẫu và nó cho ra kết quả khá ấn tượng.
“Đó là một chiếc máy chiếu cũ, đã bị mờ khá nhiều và thường tự động tắt mỗi khi bị va đập vào. Mặc dù tất cả đều như đang chống lại tôi nhưng tôi khá hài lòng về hình ảnh nó mang lại.” – Nick chia sẻ.
Vì chiếc máy chiếu này đã bị mờ và được đặt ở xa để hình ảnh có thể bao trùm được toàn bộ khung hình. Vì vậy Nick đã phải tắt hết đèn trong phòng để đảm bảo ánh sáng từ máy chiếu không bị ảnh hưởng.
3 năm trước, Nick đã tìm được cho mình một chiếc máy chiếu được đánh giá rất cao với độ sáng cao (3200 lumens) với giá không quá đắt, chưa tới 400 USD (khoảng 9,2 triệu đồng). Đó là chiếc Epson EX3240.
Có một vấn đề xảy ra khi sử dụng máy chiếu làm một nguồn sáng khi chụp ảnh đó là về vị trí đặt của máy chiếu. Do bản thân máy chiếu được sử dụng với mục đích văn phòng nên hầu hết các phụ kiện có thể gắn với nó cũng được thiết kế phù hợp cho việc này. Lý tưởng nhất là có thể đặt máy chiếu lên một chiếc ball-head để có thể xoay chuyển mọi góc độ khác nhau. Giải pháp tốt nhất mà Nick có được đó là một chiếc khung gắn laptop, có thể xoay ngang, dọc theo góc 90 độ và Nick đã dùng băng keo để dán cứng máy chiếu vào chiếc khung này.
Có rất nhiều cách để sử dụng máy chiếu khi chụp. Bạn có thể chiếu sáng vào phần hậu cảnh đằng sau người mẫu, chiếu chồng lên hậu cảnh và người mẫu, hoặc chỉ chiếu vào người mẫu và không ảnh hướng đến phần hậu cảnh. Khi bạn đã xác định được chính xác vị trí đặt máy chiếu của mình, việc tiếp theo đó là chúng ta cần tính toán về độ phơi sáng và chú ý đến những ánh sáng khác trong phòng có làm ảnh hưởng đến ánh sáng tổng thể không.
Tiếp theo chúng ta cần phải kiểm tra về thiết lập độ phân giải của máy chiếu. Hình ảnh từ máy chiếu ra có thể bị mờ nhòe và bị “vỡ”, chúng ta cần kiểm tra việc lấy nét trên máy chiếu hoặc điều chỉnh các thiết lập tăng độ nét trong menu của máy. Lưu ý là khi để máy chiếu gần với chủ thể thì sẽ ít thấy hiện tượng vỡ hình xảy ra.
Sau máy chiếu, điều tiếp theo cần chú ý đó là hình ảnh sẽ được dùng để trình chiếu cho phù hợp với bức ảnh chúng ta mong muốn. Nick đã tạo ra các hình mẫu đơn giản với nhiều màu sắc như hình tròn màu cam trên nền xanh bằng Photoshop.
Tiếp theo, phải xem hình ảnh này sẽ chiếu lên cả người mẫu và hậu cảnh hay chỉ chiếu lên người mẫu.
Người mẫu dưới đây được đặt cách tường khoảng 1,8m và cách máy chiếu khoảng 0,9m.
Chỉ cần thay đổi hướng chủ thể chúng ta có thể lựa chọn chụp với phần nền được chiếu sáng bởi máy chiếu hoặc nền tối. Nếu chụp với nền tối thì chủ thể có vẻ được nổi bật hơn rất nhiều.
Một cách khác để tạo ra được hình ảnh trình chiếu đó là chỉnh sửa lại những hình ảnh vốn có. Nick thường sử dụng Google để tìm kiếm những hình ảnh chất lượng cao. Có một vấn đề cần lưu ý đó là về bản quyền nếu bạn chỉ đơn thuần sử dụng những hình ảnh này mà không có sự thay đổi nào cả. Thường thì Nick chỉ dùng nó để dễ dàng hơn trong việc tạo ra hình ảnh chứ không chỉ đơn thuần sử dụng luôn.
Nick đã chọn một hình mặt đất bị nứt ra từ Google và mở nó bằng Photoshop để chỉnh sửa. Sau đó sử dụng công cụ magic wand với thiết lập tolerance là 50, điều này cho phép chúng ta có thể lọc ra nhanh chóng những vết nứt màu đen.
Sau đó Nick tạo thêm một layer với tùy chọn “solid color” và màu sắc lựa chọn là màu đỏ.
Giờ thì chúng ta có thể xóa ảnh gốc đi, và kết quả thu được là những đường nứt màu đỏ.
Cuối cùng chúng ta có thể tạo thêm một layer nữa màu đen để làm nền và lưu lại thành một file JPEG.
Những hình ảnh hiện giờ chỉ là những vết nứt màu đỏ trên nền đen.
Nick đã sử dụng rất nhiều những mẫu ảnh như vậy để bắt đầu buổi chụp. Sau khi đã chọn được mẫu ảnh, chúng ta có thể gắn máy chiếu vào đế và chân máy, sau đó lật sang góc vuông 90 độ nếu chúng ta chụp theo phương dọc. Trong trường hợp này, Nick hầu hết chụp các tác phẩm chân dung bán thân từ thắt lưng trở lên, nghĩa là máy chiếu có thể đặt gần hơn với chủ thể (chỉ khoảng dưới 1m). Điều này giúp ánh sáng từ máy chiếu được tốt hơn, tốc độ màn chập cao hơn và iso nhỏ hơn sẽ giúp loại bỏ những ánh sáng tạp có thể làm ảnh hưởng.
Ngoài ra Nick còn sử dụng thêm một đèn nhỏ màu xanh được đặt chếch 45 độ với máy ảnh để giúp cho chủ thể được nổi bật hơn với nền.
Một phần hay nhất khi sử dụng máy chiếu là nguồn sáng đó là bạn hoàn toàn có thể thay đổi hình ảnh một cách dễ dàng. Chúng ta có thể chỉnh sửa chúng ngay trên máy tính và thử nghiệm thêm được nhiều hình ảnh mới lạ.
Khi bạn đã học được cách cân bằng được ánh sáng từ đèn chiếu với ánh sáng nhấp nháy, hay thử nghiệm nó bằng cách sử dụng máy chiếu một đoạn phim hoặc trình diễn ảnh liên tục và cho phơi sáng nhiều lần. Hình ảnh thay đổi mang lại chi tiết nhiều màu sắc và sắc thái khá trừu tượng.
Vì máy chiếu là một nguồn sáng liên tục nên chúng ta có thể sử dụng kỹ thuật “shutter drag” để thêm sáng tạo cho bức ảnh của mình.
Các lựa chọn này dường như là vô tận và bạn sẽ phải mất khá nhiều thời gian nếu như muốn khám phá hết nó.
—
Theo: Tri Thức Trẻ
Để lại đánh giá