Spotify lại tiếp tục đối mặt với làn sóng chỉ trích mới, lần này là vì các ca khúc do AI tạo ra xuất hiện trên trang chính thức của các nghệ sĩ đã mất. Sự việc bùng lên sau khi người hâm mộ phát hiện ca khúc có tên “Together” được đăng tải dưới hồ sơ chính thức của Blaze Foley, nghệ sĩ nhạc đồng quê huyền thoại đã qua đời từ năm 1989.

Ca khúc này không hề liên quan đến Foley, và theo hãng đĩa Lost Art Records, bản nhạc đã được tạo ra và đăng tải mà không có sự chấp thuận. Không chỉ bản nhạc bị lên án mà cách trình bày của nó mới là vấn đề lớn: artwork và metadata đều được tạo bằng AI, khiến “Together” trông như một bản nhạc thật sự từ Foley, dù phong cách hoàn toàn xa lạ.
Craig McDonald, quản lý của Lost Art Records, thẳng thắn gọi đây là: “Một thứ rác rưởi do bot AI tạo ra. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến di sản của Blaze. Tôi có thể khẳng định rõ ràng: bài hát này không phải của Blaze, và cũng chẳng giống phong cách của ông ấy. Thật khó tin khi Spotify không có cơ chế bảo vệ chống lại kiểu giả mạo như vậy. Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Spotify.”

Không chỉ dừng lại ở Foley, một ca khúc khác có tên “Happened to You” cũng bị phát hiện trên hồ sơ chính thức của Guy Clark, nhạc sĩ từng đoạt Grammy, qua đời năm 2016. Cả hai bài hát đều được gán tên người tạo là “Syntax Error”, và thậm chí còn đứng tên bản quyền.
Các bản nhạc này không phải lỗi kỹ thuật đơn thuần, chúng được cài cắm khéo léo vào danh sách phát của những nghệ sĩ thật, khiến người nghe bị đánh lừa hoàn toàn và thậm chí có thể làm lệch hướng dòng tiền bản quyền.
Sau làn sóng phản đối từ fan và hãng thu âm, Spotify đã gỡ bỏ các bài hát, thông báo rằng chúng vi phạm chính sách Nội dung gây hiểu lầm (Deceptive Content). Spotify cũng chỉ ra rằng SoundOn – đơn vị phân phối thuộc sở hữu của TikTok là nơi đăng tải các bản nhạc. Tuy vậy, nhiều người cho rằng lỗi nằm ở chính hệ thống kiểm duyệt tự động của Spotify, vì đáng lẽ các bản nhạc này không nên được duyệt lên sóng ngay từ đầu. Với hàng chục nghìn bài hát được thêm mới mỗi ngày, dư luận bắt đầu nghi ngờ khả năng của tự động hóa trong việc bảo vệ di sản nghệ thuật.
Vụ việc một lần nữa dấy lên lo ngại về vai trò của AI trong âm nhạc. Trong khi một số bản nhạc tổng hợp có thể vô hại khi dùng tên hư cấu, thì các trường hợp như thế này là hành vi đánh lừa công chúng và có thể gây hệ quả pháp lý.
Spotify đã lên tiếng rằng mọi hành vi giả mạo cố tình đều bị cấm tuyệt đối, và các đơn vị phân phối không kiểm soát gian lận có thể bị cấm vĩnh viễn. Tuy nhiên, mối lo dài hạn vẫn còn đó: khi các công cụ như Suno hay Udio giúp tạo ra nhạc “chân thật” chỉ trong vài giây, nền tảng phát nhạc có thể cần nhiều hơn là biện pháp gỡ bài sau sự việc, họ có lẽ cần xây dựng lại cơ chế xác minh nội dung ngay từ đầu.
Để lại đánh giá