SU 30MK2, CASA 212 – Vợ Lính Và Vợ Tướng

“Tại sao vợ đại tá phi công Trần Quang Khải lại “được” nhiều thứ đến vậy: Công việc mới, căn hộ mới, suất học bổng đến năm 18 tuổi cho con…?”

Nếu ai vẫn còn có thể cân đong đo đếm, để đưa ra câu hỏi bất nhẫn ấy, thì tôi tin rằng người đó chưa bao giờ phải chạm đến tận cùng nỗi đau; chưa hiểu hết lý lẽ của sự bù đắp.

rgb.vn_su30mk2vacasa212_5

Gần hai tháng trước, vợ của lão tướng nổi tiếng trên nghị trường – trung tướng Nguyễn Quốc Thước – qua đời.

Suốt 14 năm, người phụ nữ tai biến 3 lần ấy phải nằm bất động trên ghế.

Đó là 14 năm, vị tướng chiến trường, nguyên tư lệnh Quân khu 4, nguyên UVTƯ Đảng, nguyên đại biểu QH, tự nguyện trở thành “osin mang hàm binh nhì” để hầu hạ vợ.

Đến những ngày gần cuối cùng của bà, người ta vẫn thấy vị tướng 90 tuổi, da mồi tóc bạc phơ, đẩy xe lăn đưa vợ đi dạo, bóp chân tay, tắm rửa, chăm vợ từng miếng ăn miếng uống.

Sau khi bà mất, tôi đến thăm, nhìn lên bàn thờ vợ, tướng Thước nói: “Tôi phần nào đã được nhẹ lòng vì đã bù đắp được ít nhiều cho những hy sinh lớn lao vì chồng con của bà ấy.”.

Tại sao vị tướng ấy phải bù đắp cho vợ?

 

Hai vợ chồng tướng Thước lấy nhau 57 năm, thì chỉ có 19 năm cuối cùng mới được ở gần nhau.

Hơn 30 năm chiến tranh ông đi biệt, tổng thời gian ông ghé qua nhà, chỉ tính bằng tháng.

Có những giai đoạn, dài tới 10 năm, người vợ ấy không thấy một dòng tin tức về ông. Tất cả tưởng ông đã chết hoặc đã có vợ mới ở chiến trường.

Nhưng người vợ ấy, trong thiếu thốn trăm bề, vẫn một mình vừa nuôi con, chạy sơ tán, vừa lặn lội nhiều nơi, thậm chí tới cả Quảng Bình để dò la tin tức của chồng.

Chiến tranh vô tình, nhưng chưa bao giờ bà hết hy vọng.

Hết cuộc đời chinh chiến, ông nghỉ hưu, về gần bà được vẻn vẹn 5 năm, thì bà tai biến.

Người liệt lâu năm khó ở và cáu bẳn khác thường, vì thế mà khi đã bước vào tuổi 70, tướng Thước lại bắt đầu phải học “chữ nhẫn của một binh nhì”, để chăm sóc vợ. Ông có thể giao việc đó cho con và osin, nhưng ông đã tự nguyện làm, để bù đắp.

Khi làm đại biểu QH, tướng Thước đã “cả gan” chất vấn thủ tướng Đỗ Mười: “Tôi là tư lệnh, tôi nói mà các sư trưởng không nghe, tôi đình chỉ chức vụ. Không đình chỉ được, tôi từ chức.

Anh là Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (thủ tướng), nếu anh nói mà nhiều bộ trưởng không nghe, anh nên cách chức họ. Nếu không cách chức được thì anh nên từ chức…

Khí khái, ngang tàng, quyết liệt thế, nhưng với “nhiệm vụ” chăm vợ, tướng Thước lại là một con người khác hẳn.

Mấy chục năm chỉ huy các cấp, từ cấp dưới cho đến cấp quân khu, chưa ai dám mắng mình một lời, vậy mà khi phục vụ có một mình bệnh nhân vợ, hàng ngày bị bệnh nhân quát mắng, cũng căng thẳng lắm, nhưng phải chịu. Chẳng gì có thể bù đắp được thiệt thòi đằng đẵng bao nhiêu năm cho những người vợ lính như bà ấy” – tướng Thước nói.

pc-cover-bg

Giáo sư, nhà giáo nhân dân, thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng, có cách bù đắp rất lạ cho vợ.

Đến nhà, tôi thấy vị tướng chiến trận lừng lẫy, nhà lý luận quân sự uyên bác ấy, “ngoan” như một đứa trẻ trước người vợ của mình.

Bà quy định mấy giờ ông phải uống thuốc, mấy giờ ăn chuối, mấy giờ tập thể dục, mấy giờ đọc báo…

Trước khi đi dự một buổi lễ, một cuộc hội thảo, một cuộc nói chuyện, bà bắt ông “ngồi nghiêm” để thắt cà vạt, chải tóc, dặn dò.

Tướng Thảo ngồi yên, nhướng đôi lông mày Quan Công kỳ lạ, cười mỉm, mặc cho vợ sắp đặt.

Ông bảo: “Tôi chẳng bao giờ cãi vợ”. Bà bảo: “Ông nghỉ hưu là đến lượt tôi chỉ huy nhé. Ông phải chấp nhận để bù đắp cho tôi những tháng ngày đi chiến trận biền biệt”.

Sự bù đắp ấy với những người vợ lính chiến như bà Vũ Thị Minh Nguyệt rất đơn giản: Không cần chồng chăm sóc cho mình, mà là được chồng để yên cho mình chăm sóc.

Thế nhưng, những năm tháng mà bà Nguyệt được bù đắp cũng chẳng kéo dài, tướng Thảo lại nhẹ gót đi trước sang thế giới bên kia, để lại cho bà những tháng ngày một mình, như thuở còn chiến trận.

Tướng Hoàng Đan, một tướng chiến trận xuất sắc, một nhà lý luận quân sự tài năng, cũng có cách bù đắp cho người vợ chịu bao nhiêu thiệt thòi, giống như thế: Để yên cho vợ “chỉ huy” việc sinh hoạt những năm cuối đời.

Đến nhà ông ở gần khu Hoàng Cầu, Hà Nội khi ông còn sống, tôi được xem những bức ảnh, lá thư cháy bỏng nhớ thương của hai người suốt chiều dài chiến trận.

Tướng Đan đã từng ngồi giữa những loạt đạn pháo của Trung Quốc cày nát bình độ 400, trong chiến tranh biên giới, để nghiên cứu cách đánh địch mà không hề biến đổi sắc mặt.

Câu nói nổi tiếng của ông đã tiếp sức cho bộ đội bám trụ, biến bình độ 400 trở thành cơn ác mộng khủng khiếp nhất của quân xâm lược: “Sống, chết, thời, vận, số! Một khi anh đã tới số thì đạn pháo còn tìm được anh trong công sự!

Chiến tranh chống Mỹ, trong chiến dịch Thượng Đức, một đội trinh sát tiền tiêu đã cực kỳ hoảng hốt khi thấy vị Phó tư lệnh quân đoàn của mình, nhếch mép với thần chết, bí mật bò vào sát hàng rào dây thép gai căn cứ địch, để nghiên cứu cách đánh.

Không bao giờ những hiểm nguy làm ông nao núng vì tướng Đan quan niệm: “Tướng giỏi là tướng…còn sống”.

Vị tướng đã để lại rất nhiều hào quang ở chiến trường như vậy, những năm cuối đời, lại chịu làm “binh nhì” để bù đắp cho vợ – người đã nghe tin ông hy sinh đến 4-5 lần – nhưng cũng chưa bao giờ tin rằng ông không trở về.

Thế nhưng, tháng ngày được bù đắp của vợ ông, bà Nguyễn Thị An Vinh, nguyên Thành ủy viên, nguyên Phó giám đốc sở Ngoại Thương, nguyên đại biểu QH, cũng chẳng dài như bà mong đợi.

Tướng Đan cũng lại đột ngột theo gót những đồng đội đi trước, bỏ lại bà một mình với sự suy sụp khủng khiếp, khiến người thân ứa nước mắt.

Hàng năm sau ngày tướng Đan mất, ngày nào bà Vinh cũng thẫn thờ cắm một điếu thuốc vào cây nhang thắp cho ông, ngày nào cũng xới một bát cơm mời ông ăn.

pc-img-1

Chiếc máy bay CASA 212 gặp nạn không chỉ chở theo 9 chiến sĩ mà còn chở theo cả tình yêu thương, niềm hy vọng của những người vợ trẻ, của người thân, bạn bè họ.

Năm ngày sau khi chiếc máy bay CASA 212 mất tích, chị Đỗ Thị Thắm, vợ thiếu tá Lê Văn Đình – Trợ lý tuần thám Lữ đoàn không quân 981, vẫn tin rằng sẽ có điều kỳ diệu xảy ra:

“Mình tin anh. Người thương cha mẹ, thương vợ và các con như anh sẽ không bao giờ để mọi người phải lo lắng. Đó không phải lời nói an ủi đâu. Chúng mình đã ở bên nhau đủ lâu để hiểu anh sẽ trở về…Đó là lời hứa của anh kể từ khi còn yêu nhau. Anh chưa từng lỡ hẹn với ai. Xin điều kỳ diệu hãy đến

Chị Thắm, mẹ của hai đứa con 2 tuổi và 3 tháng tuổi, nói những lời tin tưởng ấy trong nước mắt.

Giống như đại tá Trần Quang Khải, thiếu tá Lê Văn Đình đã “trở về”, nhưng là “trở về” trong chiếc quan tài có phủ cờ tổ quốc.

Là vợ sĩ quan không quân, Thắm biết rõ công việc của chồng mình rất nguy hiểm.

Chính người lính đã từng là đặc công nước rất giỏi với biệt danh “Đình rái cá” ấy, cũng luôn xác định với vợ về sự nguy hiểm ấy.

Khi cầu hôn anh ý có nói: Làm vợ anh em phải xác định tư tưởng, công việc bọn anh luôn phải cất cánh trong thời tiết phức tạp. Nếu khi máy bay mất tín hiệu thì khả năng anh quay về được với gia đình, với em là rất khó. Em phải cứng rắn em nhé !” – Thắm đau đớn nói.

Vợ của thượng úy Lê Đức Lam – Cơ giới trên không Lữ đoàn 918, đã thấy “bầu trời sụp đổ” khi chiếc máy bay của chồng mình gặp nạn.

Khổ thân cháu Nga, từ lúc biết tin về chồng gặp nạn đến nay, cháu nó khóc ngất, không ăn uống được gì. Mấy hôm nay phải tiếp nước và có người chăm sóc sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Hiện nay, trong gia đình, dòng tộc ai cũng mong ngóng tin tức về cháu” – người chú của Nga đau đớn.

Chị Đào Ngọc Tuyết, vợ thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Bá Thế, thành viên tổ bay, ngày ngày vẫn ôm đứa con 7 tuổi và 7 tháng tuổi, thắt ruột ngóng tin chồng.

Tuyết, cũng như Nga, cũng như Thắm, đều hy vọng có một phép màu. Cuối cùng thì chồng các chị cũng trở về, nhưng chỉ có “màu cờ đỏ” phủ lên thân thể.

pc-img-2

Đúng những ngày CASA 212 mất tích và đại tá Trần Quang Khải “trở về” với lá cờ tổ quốc phủ lên thân thể, tôi có dịp đi thắp hương quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam.

Tôi đã nhìn rất lâu vào hàng trăm khuôn mặt bà mẹ Việt Nam anh hùng, những bà mẹ có tới 4 con, 7 con và 11 chồng con, cháu hy sinh cho đất nước.

Thật kỳ lạ, tất cả các khuôn mặt trên ảnh đều giống như những bức tượng điêu khắc.

Những nếp nhăn chằng chịt, những đôi mắt như găm vào người xem. Thời gian, sự khốn khó và nỗi đau quá lớn mà các mẹ phải gánh chịu, giống như nhát đục của nhà điêu khắc, kéo những rãnh sâu khắc khoải trên khuôn mặt mẹ.

Cho đến hôm nay, khi chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, danh sách những bà mẹ Việt Nam anh hùng vẫn có thêm những cái tên mới. Đất nước nơi đầu sóng ngọn gió, vẫn cần những người con tận hiến, thậm chí cả sinh mạng mình, để bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền toàn vẹn.

Vợ lính, mẹ lính, thời nào cũng đều phải chịu đựng những nỗi khổ thầm lặng và khác người; phải đối mặt với nguy cơ mất mát.

Những người phụ nữ nuôi con, chăm gia đình, chờ chồng vài chục năm chiến tranh như vợ tướng Thảo, tướng Thước, tướng Đan; những người vợ lính thời bình mất chồng như Tuyết, như Nga, như Thảo…đâu có lên tiếng đòi công bằng khi chồng họ góp máu xương cho đất nước.

Thế thì những người chưa phải chịu đựng nỗi đau như họ, sao lại so đo đòi công bằng khi thấy họ được bù đắp một phần vật chất?

Sự bù đắp đó có lớn chừng nào, cũng đâu thể thay thế mạng sống người chồng, người con của họ?!

Đỉnh cao của công bằng không phải là phân chia cho người này mấy phần, người kia mấy miếng. Đỉnh cao của công bằng nằm ở chỗ: Đại bộ phận chúng ta thấy việc làm ấy là đúng, là nên làm, là phải làm theo mệnh lệnh của lương tâm

Những món quà vật chất và tinh thần gửi đến người vợ phi công Trần Quang Khải, xét cho cùng, không chỉ là thứ dành riêng cho gia đình chị.

Đó là những cử chỉ để tất cả những người vợ, người mẹ lính, thấy rằng, xã hội luôn ở bên họ, sẵn sàng sẻ chia, bù đắp cho những hy sinh của chồng con họ.

Đó là những cử chỉ, để người với người thấy rằng, sống trong đời sống vẫn còn nhiều lắm những tấm lòng, và sự đồng thuận nhân tâm ấy vẫn là chất keo tuyệt vời để kếta nối người Việt.

Những người lính không trở về, nhưng lòng tốt, tình thương yêu, “niềm tin yêu lành lặn ở con người” thì phải trở về. Nếu không, sẽ còn ai dám tận hiến, xả thân cho đất nước?

pc-img-3

Tác giả: Bùi Hải
Nguồn: Soha | Minh họa: Đạt Lê | Ban biên tập RGB

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!