Thế giới không tưởng của bậc thầy ảo ảnh quang học M.C. Escher

Maurits Cornelis Escher hay M.C. Escher (1898 – 1972) là một danh hoạ người Hà Lan nổi tiếng với những bức tranh đánh lừa thị giác lấy cảm hứng từ toán học. Các tác phẩm của ông thường có chủ đề về những kiến trúc bất khả thi, các chiều không gian vô tận lặp đi lặp lại, hay các phương pháp khảm lát sàn nghệ thuật.

Trước khi M.C. Escher được nhớ đến như là một trong những hoạ sĩ xuất sắc nhất của thế kỷ 20, ông thường bị xem nhẹ trong lĩnh vực mỹ thuật bởi các đồng nghiệp dù có số lượng các tác phẩm được sao chép lại rất nhiều. Các tác phẩm của ông có bố cục khéo léo kết hợp với các hiệu ứng ảo ảnh quang học và hình học. Vào năm 1956, ông có cuộc triển lãm quan trọng đầu tiên, người ta viết về ông trên tạp chí Time và ông trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Các tác phẩm của ông nổi bật một sự hình tượng hóa phi thường các nguyên lý và ý tưởng toán học.

Trong số các tác phẩm của M.C. Escher, “Relativity” là minh hoạ nổi bật cho khả năng đánh lừa thị giác của các tác phẩm của Escher. Tác phẩm đã được tái hiện vô số lần trên các áp phích, cốc, áo T-shirt, các văn phòng phẩm và thậm chí cả chăn bông.

Qua các tác phẩm nghệ thuật của M.C. Escher, người xem có thể thấy được sự tinh thông của ông về các khái niệm toán học như tịnh tiến, phép quay và phép đối xứng trong kĩ thuật lát mặt phẳng tuần hoàn.

Tác phẩm “Day and Night” là tác phẩm in phổ biến nhất của Escher, trong suốt cuộc đời của mình, ông đã thực hiện hơn 650 bản sao. Để minh họa những mơ hồ trong nhận thức về chiều (khái niệm giúp phân biệt rõ ràng điểm, đường thẳng, mặt phẳng và không gian), Escher đã vẽ bức tranh này, một bức tranh luôn đánh lừa người xem khi nó minh họa một cảnh ba chiều. Một cánh đồng phẳng dạng bàn cờ nằm bên dưới hình ảnh ẩn dụ của hai đàn ngỗng. Những con ngỗng đen bay về phía ngôi làng được chiếu sáng, trái lại, những con ngỗng trắng bay về phía ngôi làng trong cảnh đêm. Hai ngôi làng giống như những hình ảnh trong gương của nhau.   

Escher có nhiều tác phẩm nổi tiếng, thể hiện các khái niệm toán học khó như hình học xạ ảnh, điểm ảo… một cách điêu luyện. Ngoài ra, Escher cũng là bậc thầy về ảo ảnh, ông sử dụng các hình không thể như tam giác Penrose để đánh lừa thị giác người xem. Điều này thực sự ấn tượng và kinh ngạc đối với một họa sỹ chỉ học toán cho tới hết trung học.

Cùng chiêm ngưỡng một số tác phẩm ấn tượng khác của M.C. Escher:

Theo danviet