11 loại hình thiết kế đồ họa chính

Hầu hết mọi người khá tự tin vào hiểu biết của mình về thiết kế đồ họa, nhưng cuối cùng họ lại tạo ra các thiết kế trong phạm vi hạn hẹp. Họ có tạo logo cho các doanh nghiệp? Họ có chỉnh sửa hình ảnh trong Photoshop? Hay thiết kế đồ họa cho quảng cáo kỹ thuật số? Tất nhiên là có, nhưng đây chỉ là những yếu tố rất nhỏ của một bức tranh lớn hơn.

Hãy thử quan sát xung quanh xem. Bảng hiệu cửa hàng, nhãn hiệu trên cốc cà phê, poster dọc phố quảng cáo một sự kiện nào đó… Những thứ chúng ta tương tác hàng ngày đều được tạo ra bởi nhà thiết kế đồ họa. Tất cả các yếu tố này đều truyền tải một ý tưởng hoặc khái niệm nào đó –  cũng chính là mục đích của thiết kế đồ họa. Công việc thiết kế đồ họa chính là thế: kết hợp với sự sáng tạo và chiến lược để giao tiếp hiệu quả với thế giới xung quanh (đó là lý do vì sao kỹ năng giao tiếp tốt được xem như một nốt nhạc độc đáo của nhà thiết kế.)

Hầu hết mọi người có thể tạo ra một bức tranh đẹp, nhưng không nhiều trong số đó có kỹ năng để suy nghĩ về mục đích của một thiết kế trước khi họ đặt bút lên giấy.

Thiết kế không chỉ là sự khéo léo của đôi tay, nó còn là một cách tư duy – mà một khi bạn học được sự thú vị trong cách tư duy đó, bạn sẽ không bao giờ nhìn thế giới theo cùng một cách.

– Adam Busby, giáo viên tại trường thiết kế đồ họa Shillington, thành phố Brisbane, Úc

Đầu tiên, hãy điểm qua những điều cơ bản

Tất cả các thiết kế đồ họa, bất kể loại nào, đều dựa trên năm yếu tố chính:

  • Cân bằng giữa sự ổn định và cấu trúc
  • Hệ thống phân cấp tạo ra cách tổ chức và định hướng
  • Sắp xếp tạo ra một kết quả sắc nét và rõ ràng hơn
  • Sự lặp lại để thống nhất và tăng cường hiệu ứng
  • Tương phản để tạo ra tác động và làm nổi bật những yếu tố quan trọng

Thiết kế đồ họa đáng mong đợi khiến mọi người phải thốt lên “wow”, nhưng thiết kế đẹp không là gì nếu thiếu đi sự hiểu biết về cách liên kết giữa đôi mắt, tâm trí và mục đích thông điệp.

Bây giờ, hãy làm sáng tỏ thế giới thiết kế đồ họa

Thiết kế là tất cả mọi thứ từ vật lý đến kỹ thuật số, kể cả những thứ có liên quan. Thiết kế đồ họa hiện diện nhiều hơn một website đẹp hay một danh thiếp kinh doanh nổi bật. Đấy chỉ là những yếu tố nhỏ trong bức tranh rộng lớn. Để hiểu đầy đủ về thế giới của thiết kế đồ họa, chúng ta cần chia thành 11 phần:

1. Nhận diện thương hiệu/ hình ảnh

Mọi người đều có câu chuyện độc đáo của riêng mình để kể, từ cá nhân, doanh nghiệp nhỏ cho đến các tập đoàn lớn. Một khi những câu chuyện này được tạo ra, chúng cần có một tiếng nói. Đó cũng là lúc nhà thiết kế đồ họa bắt tay làm việc. Họ làm việc với khách hàng để phát triển hình ảnh đại diện cho thương hiệu (nhận diện thương hiệu) nhằm thổi hồn vào câu chuyện bằng cách đưa các hình dạng, màu sắc và hình ảnh vào nó. Thông qua việc sử dụng hình ảnh cẩn trọng, họ hy vọng sẽ để lại ấn tượng lâu dài về thương hiệu trong tâm trí khán giả.

Các nhà thiết kế chuyên về lĩnh vực này tạo ra nhiều loại tài sản cho doanh nghiệp, bao gồm: logo, danh thiếp, bảng màu và kiểu chữ. Các nhóm xây dựng thương hiệu được giao nhiệm vụ truyền đạt những phẩm chất vô hình đến khán giả bằng cách sử dụng công cụ giao tiếp trực quan. Các nhà thiết kế đồ ở lĩnh vực này phải có kiến ​​thức làm việc về tất cả các loại thiết kế đồ họa để tạo ra một thông điệp truyền tải nhất quán trên tất cả kênh truyền thông. Các nhà thiết kế ở lĩnh vực này thường theo đuổi sự nghiệp marketing và quảng cáo về sau.

2. Thiết kế quảng cáo và marketing

Chúng ta có thể nhận thấy sự “công phá” của các chiến dịch marketing bất kể nơi đâu: từ tivi, các video online, báo chí hay thậm chí khi đang lướt Facebook. Chúng ta đều quá quen thuộc với chúng, kể cả những quảng cáo hay hoặc dở tệ. Khi xem một quảng cáo tuyệt vời, chúng ta cảm thấy sản phẩm rất tốt và không ngần ngại ấn vào nút “Shop” hoặc “Buy Now”. Điều này đo lường một chiến dịch marketing hiệu quả.

Cho dù đó là một chiến dịch kỹ thuật số, in ấn hoặc lai giữa cả hai, các nhà thiết kế marketing là những người đứng đằng sau các ý tưởng và thực hiện các dự án này. Nhiều người không nhận ra phải mất bao nhiêu thời gian để tạo ra một quảng cáo thành công (có lẽ vì họ chỉ xem thấy chúng trong vài giây hoặc vài phút). Các nhà thiết kế marketing được giao nhiệm vụ tạo ra các ý tưởng chiến lược cộng hưởng với nhân khẩu học mục tiêu. Đôi khi những nhà thiết kế này hoạt động freelancer, nhóm nội bộ, giám đốc sáng tạo, giám đốc nghệ thuật hoặc copywriter. Khi nhu cầu marketing trở nên đa sắc thái hơn, nhiều công ty bắt đầu đầu tư vào các nhóm nội bộ hơn.

3. Thiết kế kỹ thuật số

Thiết kế kỹ thuật số đề cập cụ thể đến những gì được tạo ra và sản xuất để xem trên màn hình. Loại này có thể bao gồm nhiều loại thiết kế khác nhau, từ UI (giao diện người dùng được tìm thấy trên các trang web, trò chơi và ứng dụng) đến mô hình 3D. Một nhà thiết kế kỹ thuật số quan tâm các yếu tố trực quan của các trải nghiệm kỹ thuật số. Những yếu tố như kích thước, màu sắc và vị trí của các nút (button) đều nằm trong tầm nhìn của họ. Họ sẽ thường xuyên làm việc với các nhà phát triển UI – những người lập trình code hàng ngày để các chương trình hoạt động.

Thế giới đang trở nên số hóa hơn, điều đó có nghĩa đây là một lĩnh vực sẽ tiếp tục mở rộng khi người tiêu dùng càng ngày càng có xu hướng phụ thuộc hơn vào thời gian trên màn hình.

4. Thiết kế sản phẩm

Nhà thiết kế sản phẩm tổ chức toàn bộ quá trình thiết kế cho sản phẩm. Có sáu loại nhà thiết kế sản phẩm:

  • Nhà thiết kế tương tác hoặc UX, hiểu cách các ứng dụng tương tác với nhu cầu của người tiêu dùng
  • Nhà thiết kế đồ họa hoặc trực quan tạo ra hình ảnh và giao diện người dùng
  • Nhà nghiên cứu người dùng, người hiểu được suy nghĩ của khách hàng
  • Các nhà phân tích dữ liệu thử nghiệm sản phẩm và sử dụng thông tin, dữ liệu để đưa ra sản phẩm cuối cùng
  • Nhà tạo nguyên mẫu thử nghiệm, thực hiện và thử nghiệm ý tưởng tiết kiệm nhất và nhanh nhất có thể
  • Các nhà chiến lược kinh doanh phân tích chiến lược đằng sau mọi quyết định thiết kế

Đây là tất cả các vai trò cá nhân, nhưng một nhà thiết kế sản phẩm giỏi sẽ hiểu rõ được từng lộ trình. Các nhà thiết kế giúp bạn truyền tải thương hiệu của mình. Nếu nhóm xây dựng thương hiệu hứa hẹn một trải nghiệm chuyên nghiệp và nhân ái, nhà thiết kế sản phẩm sẽ đảm bảo rằng khách hàng của bạn có được nó. Đó là một nhân tố để có sản phẩm tốt, nhưng nếu bạn không thể truyền tải những gì mình đang hứa hẹn với khách hàng, bạn chỉ đang tự bóp chết uy tín của mình.

5. Biên tập / Xuất bản

Một trong những loại hình thiết kế đồ họa phổ biến là thiết kế biên tập – in ấn, liên quan đến các ấn phẩm như sách và tạp chí. Các nhà thiết kế xuất bản tạo ra bố cục, bìa và đồ họa cho các bài xã luận để truyền tải tầm nhìn và thông điệp của tác giả về tác phẩm của họ. Với sự phát triển của ngành xuất bản trực tuyến, các nhà thiết kế biên tập cũng không còn giới hạn làm việc trên các phương tiện truyền thông in ấn nữa. Báo, tạp chí và sách điện tử trực tuyến đều yêu cầu một ai đó trong việc thiết kế bố cục, bìa, bài xã luận cũng như đồ họa.

Nhà thiết kế xuất bản có thể hoạt động freelancer, trong nhóm sáng tạo nội bộ hoặc là một phần của công ty sáng tạo. Bất kể họ được tuyển dụng ở đâu, mỗi người đều làm việc với các biên tập viên và nhà xuất bản để mang lại kết quả cuối cùng hiệu quả và mỹ mãn. Do đó, họ phải am hiểu việc in ấn, xuất bản kỹ thuật số và quản lý màu sắc.

6. Thiết kế bao bì

Thiết kế bao bì bao gồm cả khía cạnh hữu hình lẫn vô hình của bất kỳ thiết kế sản phẩm nào. Đó là một yếu tố thực tế có thể tạo ra tác động lớn đến khả năng tồn tại của sản phẩm trên thị trường. Thay đổi thiết kế bao bì có thể là một yếu tố thiết yếu trong việc tái định vị thương hiệu; hoặc góp phần thu hút thêm khách hàng đến với sản phẩm. Riêng về thiết kế bao bì, nó đã có tiềm năng thúc đẩy một công ty vượt lên đối thủ cạnh tranh, hoặc cũng có thể trở thành “con sâu làm rầu nồi canh” dẫn đến thất bại nặng nề. Năm 2017, Lean Cuisine đã chiến thắng lớn ở Giải thưởng Thiết kế Tác động Nielsen do sự tái in ấn sản phẩm của họ đã mang lại doanh thu tăng 58 triệu đô la so với năm trước.

7. Thiết kế chữ / kiểu chữ

Trên thực tế, nhiều người “nghiện” văn phòng phẩm có kiến ​​thức sâu rộng về các loại thiết kế đồ họa này và nhiều công cụ cần thiết để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp bằng cách sử dụng chữ viết. Thiết kế kiểu chữ đòi hỏi một kiến ​​thức chuyên môn về kiểu chữ, trong đó, căn bản nhất là khoa học về chữ viết.

Lựa chọn kiểu chữ thích hợp có thể truyền đạt thông điệp ngay lập tức. Ngược lại, một lựa chọn kiểu chữ tệ có thể gây chóa, mất tập trung và thường không thể đọc được. Hãy hình dung về logo của FedEx. Bạn có thể dễ dàng hình dung ra ngay, đúng không? Bởi vì thương hiệu của họ rất hiệu quả đến nỗi chỉ cần nghe tên công ty, chúng ta đã nghĩ ngay đến một hình ảnh sắc nét trong tâm trí. Điều quan trọng là kết hợp phong cách với sự rõ ràng.

8. Thiết kế môi trường

Thiết kế môi trường là một phương diện tiếp xúc với nhiều loại hình thiết kế đồ họa khác nhau. Một cách tối ưu nhất, các nhà thiết kế này tập trung vào việc mang đến cho khán giả một trải nghiệm tuyệt vời. Họ kết nối mọi người với môi trường nhất định (những nơi mang đến cho họ sự thú vị), điều hướng và truyền tải nhiều thông tin hơn. Một nhà thiết kế môi trường thường có kinh nghiệm hoặc nền tảng về kiến ​​trúc vì thiết kế môi trường gói gọn mọi thứ từ đồ họa, cảnh quan, nội thất và các yếu tố kiến ​​trúc khác nhau.

9. Thiết kế bối cảnh

Các nhà thiết kế trang phục thường là những cái tên nổi tiếng của nền điện ảnh và truyền hình, trong khi các nhà thiết kế bối cảnh vẫn là những anh hùng vô danh. Các nhà thiết kế này phụ trách tất cả các yếu tố thiết kế đồ họa cần thiết để tạo ra bầu không khí của cảnh quay. Thiết kế bối cảnh tốt được chú ý, nhưng chỉ trong tiềm thức. Phải mất rất nhiều nỗ lực cho một nhà thiết kế để tạo ra các yếu tố này, chỉ để chúng hòa quyện vào khung cảnh. Tuy nhiên, nếu chỉ một yếu tố bị lỗi hoặc không hợp với bối cảnh, người xem sẽ nhận ra ngay, điều này sẽ loại bỏ chúng hoàn toàn khỏi môi trường mà đạo diễn đang cố gắng đưa chúng vào.

Chẳng hạn, chữ trên cửa hiệu cắt tóc kiểu cũ là một phần của thiết kế bối cảnh, cũng như nhãn hiệu trên một lọ thuốc ma thuật chỉ đơn thuần được đặt trong cảnh nền. Các nhà thiết kế bối cảnh là những bàn tay vô hình tạo ra các vật thể cần thiết để khiến chúng trông như thật. Họ thiết kế lại các vật thể thực tế, như con dấu của tổng thống, hoặc tạo ra những vật thể mới, như những tờ báo được viết bằng tiếng Elvish.

10. Thiết kế lấy con người làm trung tâm

Thiết kế lấy con người làm trung tâm, còn được gọi là Tư duy thiết kế, cũng không hẳn là một kiểu thiết kế. Nói đúng hơn, đó là một triết lý dẫn dắt cho tất cả các loại thiết kế đồ họa. Loại hình này đặt con người ở trung tâm của quá trình thiết kế. Nó tìm cách xác định khéo léo vấn đề và sau đó tạo ra các giải pháp tập trung vào nhu cầu và mong muốn của người dùng. Điều này tạo nên sự khác biệt với các loại thiết kế đồ họa khác. Mỗi lĩnh vực hoạt động để giải quyết một vấn đề, nhưng phương pháp này tập trung mạnh vào quan điểm của những ai đang gặp phải một vấn đề nhất định và thiết kế tốt như thế nào để giải quyết vấn đề đó một cách hiệu quả.

Trước khi nhà thiết kế bắt đầu quá trình sáng tạo, họ cần hiểu đối tượng khách hàng mục tiêu đang hướng đến của mình. Họ hòa mình vào cộng đồng, họ nói chuyện trực tiếp với những người trong cộng đồng đó và họ không ngừng quan sát mọi thứ xung quanh. Các nhà thiết kế lấy con người làm trung tâm không chỉ sử dụng thông tin này để làm “kim chỉ nam” cho thiết kế mà còn thu hút mọi người tham gia vào quá trình này.

11. Thiết kế cho các điều kiện tốt hơn

Thiết kế lấy con người làm trung tâm tập trung vào người dùng trong khi “thiết kế cho các điều kiện tốt hơn” tập trung vào cách sống của con người. Đây là xu hướng thiết kế thay đổi xã hội. Một ví dụ điển hình cho loại hình này là thiết kế của một khu chung cư mới. Bằng cách cân nhắc các đặc điểm giao thông và thiết kế tòa nhà, kiến ​​trúc sư có thể tạo ra một cộng đồng khuyến khích trẻ em chơi bên ngoài trong các sân chơi được chiếu sáng tốt, và khuyến khích cộng đồng trở nên gần gũi hơn bằng cách thiết kế các cửa sổ lớn và mở rộng không gian. Các nhà thiết kế đồ họa cũng có thể là một phần của việc thiết kế các dự án cộng đồng có tác động tích cực cho xã hội. Ứng dụng di động, trò chơi, quảng cáo và các ấn phẩm xuất bản nhằm mục đích biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn là tất cả các loại thiết kế đồ họa khác nhau thể hiện triết lý thiết kế cho các điều kiện tốt hơn.

Làm việc trong một công ty quảng cáo hoặc thiết kế marketing nội bộ

Khi bắt đầu sự nghiệp thiết kế đồ họa, một trong những quyết định bạn cần đưa ra là liệu bạn có quyết định theo đuổi sự nghiệp với một công ty quảng cáo hay trở thành một phần của nhóm quảng cáo nội bộ không. Có sự khác biệt đáng kể giữa hai lựa chọn này, với các ưu điểm và hạn chế riêng.

Sự khác biệt lớn nhất là nếu bạn làm việc trong một nhóm nội bộ, bạn sẽ hiểu rõ từng khía cạnh của công ty. Bạn sẽ là một phần của văn hóa doanh nghiệp và có thể tập trung hoàn toàn vào định hướng của công ty. Bạn sẽ trở nên rất chuyên biệt khi làm việc với nhiều sản phẩm trên các lĩnh vực cụ thể hơn. Bên cạnh đó, bạn sẽ có nhiều tiếng nói hơn về cách các chiến dịch được tiến hành. Bạn cũng có thể tự mình xử lý các vấn đề về ngân sách.

Trong khi đó, tại một công ty, bạn sẽ làm việc với nhiều công ty khác nhau trên một loạt các sản phẩm rộng lớn hơn. Bạn sẽ phải áp dụng các kỹ năng của mình đồng đều cho một loạt các ngành công nghiệp. Thông thường, bạn là “đôi mắt mới” đáp ứng nhu cầu của một công ty. Điều quan trọng cần lưu ý là một số công ty hướng về một số đối tượng khách hàng cụ thể, mặc dù bạn sẽ thấy nhiều loại sản phẩm và vấn đề hơn khi làm việc trong một nhóm nội bộ.

Hoạt động freelancer

Freelancer toàn thời gian thường bắt đầu với việc thiết kế như nghề tay trái. Nhiều người đã sử dụng kỹ năng của mình khi còn đi học để kiếm thêm, xây dựng portfolio và danh tiếng từ từ trong vài năm trước khi dấn thân và trở thành một nhà thiết kế freelancer toàn thời gian. Có một số điều cần xem xét khi hoạt động freelancer. Một trong số đó chính là việc thích nghi tăng dần hướng đến sự ổn định. Nghề freelancer thường rất thăng trầm từ khi bắt đầu cho đến khi có được nhiều khách hàng hơn.

Một điều khác cần xem xét chính là, tuy đây là một cơ hội nghề nghiệp đáng kinh ngạc, nhưng bạn phải khéo léo dung hòa giữa việc lên kế hoạch lâu dài, những đêm làm việc say sưa và cả khả năng giải quyết vấn đề sáng tạo. Có rất nhiều người sống cuộc sống tuyệt vời như những dân kỹ thuật số “rày đây mai đó”, làm việc từ bất cứ nơi nào trên thế giới. Cũng có nhiều freelancer tự chủ hơn, họ đưa ra quyết định kiểm soát cuộc sống và sự nghiệp của mình bằng cách tự làm chủ. Bạn sẽ học được cách làm việc tốt nhất khi bạn là một freelancer cũng như hoàn toàn có thể bắt đầu sự nghiệp của mình từ đó.

Nếu bạn có thể xử lý tốt áp lực từ khách hàng, hợp đồng, đóng thuế hàng quý và xây dựng thương hiệu riêng, thì con đường freelancer sẽ là một sự lựa chọn phù hợp và hoàn hảo dành cho bạn. Ngược lại, nếu cần thêm sự khuyến khích và ổn định của môi trường văn phòng hoặc thiếu khả năng quảng bá bản thân với khách hàng tiềm năng, thì kỳ thực, đây không là một nước đi đúng đắn.

Ngành công nghiệp thiết kế đồ họa đang tràn ngập những cơ hội

Có một nơi dành cho các nhà thiết kế nơi họ muốn chuyên về lĩnh vực chuyên môn và cũng có nơi, họ muốn lao vào tìm hiểu mọi loại hình thiết kế. Thế giới toàn diện của thiết kế đồ họa bao gồm một ngành công nghiệp tôn vinh mọi bộ kỹ năng, tài năng và toàn bộ các cách tiếp cận sáng tạo.

Tác giả: Clare Terry | Shillington
Biên dịch: CiCi Giang | RGB.vn