Chỉ một ngày sau khi bản quyền hình ảnh đầu tiên của chuột Mickey hết hạn, đã có ít nhất 2 nhà làm phim kinh phí thấp, lợi dụng hình ảnh nổi tiếng của nhân vật này để làm phim kinh dị.
Kể từ ngày 01/01/2024, phiên bản hoạt hình của bộ đôi Chuột Mickey và Minie trong tập phim đầu tiên mang tên “Steamboat Willie” đã chính thức hết hạn bản quyền sau 95 năm kể từ thời điểm ra mắt vào 1928. Điều này đồng nghĩa với việc hãng phim Disney sẽ không còn quyền bản quyền với những hình ảnh phiên bản này nữa.
Chỉ ít giờ sau, cộng đồng crypto đã nhanh chóng tạo ra các đồng coin sử dụng hình ảnh chuột Mickey, gồm memecoin “Mickey Token” và bộ sưu tập NFT Steamboat Willie Public Domain 2024.
Ngoài ra, khán giả cũng không khỏi bất ngờ khi thấy hình tượng chú chuột Mickey nổi tiếng xuất hiện trên một tấm poster phim kinh dị có tựa đề Micky’s Mouse Trap. Trong phim, Mickey hóa thân thành kẻ sát nhân và truy đuổi nhóm bạn trẻ.
Micky’s Mouse Trap được dẫn dắt bởi Jamie Bailey – vị đạo diễn không mấy danh tiếng, phim cũng không có sự góp mặt của diễn viên quen mặt nào. Dựa theo nội dung và hình ảnh của trailer đầu tiên, khán giả đã gọi tác phẩm này là một bộ phim kinh dị hạng B.
Chia sẻ về lý do biến tấu hình tượng chú chuột Mickey, đạo diễn Jamie Bailey cho hay: “Chúng tôi làm bộ phim này chỉ để cho vui thôi. Thử tưởng tượng nhân vật chuột Mickey của Steamboat Willie trở thành một kẻ sát nhân đi! Nó cứ bị buồn cười ấy. Chúng tôi dám nghĩ dám làm thôi, khán giả cứ xem phim là sẽ thấy.”
Bắt đầu từ năm 2022, nhiều nhân vật hoạt hình nổi tiếng đã trở thành tài sản công do hết hạn bản quyền. Cụ thể, Luật sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ chỉ bảo vệ bản quyền trong vòng 95 đến 120 năm. Nhân vật chuột Mickey của phim Steamboat Willie ra mắt vào năm 1928, tính đến hết năm 2023 thì nhân vật này đã tồn tại tròn 95 năm. Vì vậy, mọi cá nhân và tổ chức đều có thể sáng tạo nhân vật này theo ý riêng của họ (Lưu ý: Các nhân vật chuột Mickey được sáng tạo sau thời gian này vẫn thuộc bản quyền của Disney). Điều này tạo điều kiện cho các nhà làm phim kinh phí thấp lợi dụng hình ảnh nổi tiếng của nhân vật “chuột Mickey đời đầu” để làm phim theo sở thích.
Trước chuột Mickey, một số nhân vật nổi tiếng khác cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Vào năm 2022, các nhân vật như gấu Pooh, Piglet,… cũng hết hạn bản quyền và trở thành tài sản công, tạo điều kiện cho bộ phim kinh dị Winnie-The-Pooh: Blood and Honey ra đời. Thế nhưng, đây được xem là một tác phẩm thất bại trong năm 2022, khi phim không những bị giới phê bình chê tơi tả mà còn bị khán giả quay lưng vì nội dung nhảm nhí, bạo lực.
Các nhà phân tích cho rằng Disney sẽ theo dõi chặt chẽ sự sáng tạo của các đơn vị, sẵn sàng mời luật sư vào cuộc nếu ai đi quá giới hạn. Bất kỳ bộ phim hoặc sản phẩm nào khiến người tiêu dùng bị lừa, nghĩ rằng do Disney sản xuất, đều có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Không chỉ là biểu tượng và là linh vật lâu năm của Walt Disney, Mickey còn là nhân vật gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ, khi xuất hiện trong hơn 40 phim hoạt hình lớn nhỏ trải dài gần một thế kỷ qua.
Đối diện với cột mốc hết bản quyền, phía Disney cho biết vai trò của chuột Mickey với hãng sẽ không thay đổi. Bởi Mickey vốn đã gắn với Disney trong những câu chuyện, sản phẩm độc quyền của hãng từ thuở khai sinh.
“Các phiên bản mới hơn của Mickey sẽ vẫn không bị ảnh hưởng bởi việc hết hạn bản quyền. Mickey vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò hàng đầu với tư cách là đại sứ toàn cầu cho công ty Walt Disney trong các bộ phim, các điểm tham quan trong công viên giải trí và hàng hóa của chúng tôi”, đại diện Walt Disney lên tiếng.
Theo Mai Chi, Vinh Nguyễn
VOV, HHT, The Hollywood Reporter, The Straits Times
Để lại đánh giá