Kể từ 25/05 khi các cuộc biểu tình về cái chết của George Floyd nổ ra trên khắp nước Mỹ, rất nhiều thương hiệu đã đóng góp một cách thiết thực bằng cách sẵn sàng bỏ tiền túi của mình và cam kết tài trợ cho các tổ chức chống lại sự bất công chủng tộc, thay vì đưa ra những thông điệp hoa mỹ về sự đoàn kết nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức lời nói.
Phản ứng của nhiều brand đối với #BlackLivesMatter đã thay đổi mạnh mẽ hơn rất nhiều kể từ khi phong trào này chính thức xuất hiện vào năm 2014 khi chàng trai 18 tuổi Michael Brown bị viên cảnh sát Darren Wilson bắn chết ở Ferguson, Missouri. Dữ liệu theo dõi các vụ nổ súng của cảnh sát từ The Washington Post cho biết đã có hơn 1.252 người da đen bị giết bởi lực lượng hành pháp trong 6 năm kể từ cái chết của Brown. Và phải mất thêm nhiều vụ cảnh sát giết người làm dậy sóng dân chúng nữa của Ahmaud Arbery, George Floyd, Breonna Taylor và Tony McDade thì các thương hiệu mới bắt đầu lên tiếng về sự bất công chủng tộc.
Người tiêu dùng đang dần yêu cầu các brand yêu thích của mình có trách nhiệm hơn và không giữ im lặng với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên bao nhiêu trong số đó xuất phát từ thật tâm, bao nhiêu trong số đó chỉ là chống chế để khỏi mất mặt? Thật khó để có thể phân biệt, tuy nhiên có một điều chắc chắn đó chính là người tiêu dùng muốn nhiều hơn chỉ là lời nói suông.
Và còn cách đóng góp nào chắn chắn và nhanh chóng hơn cho sự thay đổi của thế giới ngoài việc chi hầu bao? Chính vì vậy ngày càng nhiều brand lớn nhỏ đã cam kết và quyên góp cho nhiều quỹ cứu trợ cũng như bảo vệ pháp lý để thể hiện ủng hộ cho phong trào #BlackLivesMatter. Đơn cử như Glossier, công ty mỹ phẩm và làm đẹp nổi tiếng, đã quyên góp 500.000 USD cho 6 tổ chức và 500.000 USD nữa dưới hình thức tài trợ cho các doanh nghiệp làm đẹp sở hữu bởi người da đen.
Cũng cần lưu ý rằng có nhiều thương hiệu quyên góp tiền bạc cũng như đưa ra các giải pháp thông qua các sáng kiến xã hội để điều chỉnh và bù đắp quá khứ lắm vấn đề của họ.
Điển hình như nhiều nhân viên của Facebook vẫn không thành công trong việc gây áp lực trong nội bộ cũng như công khai yêu cầu nền tảng này kiểm duyệt các bài viết khiêu khích của Tổng thống Trump liên đến các cuộc biểu tình phản ứng với cái chết của George Floyd, trong khi Twitter đã đánh dấu các bài viết này là tôn vinh bạo lực và ẩn chúng. Bằng sự im lặng của mình, Facebook đã khiến nhiều đối tác tiềm năng như Talkspace tạm dừng các thảo luận tiếp theo. Oren Frank, CEO và co-founder của Talkspace, cho rằng Facebook “kích động bạo lực, sự phân biệt chủng tộc và dối trá”.
Vào tháng 12 năm ngoái, Peloton đã phát hành một chiến dịch marketing thất bại khi bị cáo buộc phân biệt giới tính. Target có thể đang hỗ trợ cho 200 nhân viên bị mất việc do đóng cửa hàng ở Minneapolis cũng như hứa hẹn đầu tư nhiều hơn vào cộng đồng người da màu nơi đây, tuy nhiên điều đó cũng chưa thể xóa bỏ được lịch sử phân biệt chủng tộc của gã khổng lồ bán lẻ này. Uber đã chi tới 500 triệu USD cho một chiến dịch xin lỗi vào năm 2018 để cứu vớt danh tiếng đã bị mai một của mình sau các buộc phân biệt chủng tộc đối với vị trưởng phòng nhân sự trước đây của công ty.
Mặc dù không hoàn hảo, nhưng ít ra những thương hiệu này đã dám nói và cũng dám làm thay vì chỉ ủng hộ suông bằng miệng. Điều này đã tạo nên một làn sóng và ngày càng nhiều thương hiệu khác, kể cả các ứng dụng hẹn hò đã thay đổi và cập nhật chính sách trên nền tảng của mình cũng như quyên góp vào các tổ chức ủng hộ cho phong trào #BlackLivesMatter. Dưới đây là danh sách các thương hiệu tiêu biểu và ngày càng tăng:
- Disney
Disney dành tặng 5 triệu USD để hỗ trợ các sáng kiến công bằng xã hội, bắt đầu bằng việc quyên góp 2 triệu USD cho NAACP (Hiệp Hội Quốc Gia Vì Sự Tiến Bộ Của Người Da Màu) và sau đó là nhiều quyên góp hơn cho các tổ chức như United Negro College Fund.
Charles Porch, phó chủ tịch quan hệ đối tác toàn cầu của Instagram, cam kết rằng mạng xã hội này sẽ đóng góp 10 triệu USD cho những nỗ lực chấm dứt nạn bất công chủng tộc.
- Lego
Hãng đồ chơi nổi tiếng đã đóng góp 4 triệu USD cho các tổ chức hỗ trợ trẻ em da màu và giáo dục trẻ em về bình đẳng chủng tộc.
- Lyft
CEO và đồng sáng lập của Lyft, Logan Green, tuyên bố trên Twitter của mình rằng công ty sẽ cung cấp lượng tín dụng trị giá 500.000 USD cho các tổ chức như National Urban League, NAACP, National Action Network, Black Women’s Roundtable và National Bail Fund Network.
- Uber
Uber sẽ quyên góp 1 triệu USD cho tổ chức Equal Justice Initiative và The Center for Policing Equity.
- TikTok
TikTok đã dành 3 triệu từ quỹ Cứu trợ Cộng đồng của mình để quyên góp cho các tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ cộng đồng người da màu và 1 triệu USD nữa để chống lại nạn bất công và bất bình đẳng chủng tộc.
- Etsy
Etsy sẽ quyên góp 500.000 USD cho tổ chức Equal Justice Initiative và 500.000 USD cho quỹ Borealis Philanthropy’s Black-Led Movement Fund.
- Fashion Nova
Fashion Nova Cares cam kết đóng góp 1 triệu USD cho phong trào Black Lives Matter, tổ chức Know Your Rights Camp và quỹ NAACP Legal Defense and Education Fund.
- Peloton
Tuyên bố sẽ ủng hộ 500.000 USD cho tổ chức NAACP Legal Defense và quỹ Educational Fund. Hãng cũng khuyến khích followers của mình lên tiếng để chống lại nạn phân biệt chủng tộc.
- Slack (and Away)
Đồng sáng lập của Slack and Away’s là Stewart Butterfield và Jennifer Rubio sẽ quyên góp tổng cộng 1 triệu USD cho 10 tổ chức công bằng xã hội.
- Grindr
Ngoài việc thông báo sẽ gỡ bỏ bộ lọc chủng tộc ra khỏi nền tảng của mình, ứng dụng hẹn hò này cam kết quyên góp cho phong trào Black Lives Matter và viện Marsha P. Johnson Institute để bảo vệ quyền cho cộng đồng chuyển giới người da màu.
- OkCupid
Cam kết quyên góp cho các tổ chức như ACLU, Black Girls Code, Fair Fight, và quỹ NAACP Legal Defense and Education Fund.
- Tinder
Tinder đã đăng tải những tuyên bố ủng hộ và cam kết quyên góp cho các nỗ lực hoạt động của phong trào #BlackLivesMatter.
Bàn luận và chia sẻ ý kiến của bạn cùng Group Vietnam Creative Community
Theo Adweek
Biên dịch: Lam Tran | RGB.vn
Để lại đánh giá