American Gothic của Grant Wood: Ông Thấy Được Điều Không Ai Thấy Được

Tổng hợp con đường hoạt động nghệ thuật của Grant Wood tại Bảo tàng Whitney, khắc họa người thiên tài hiếm có vùng Trung Tây nước Mỹ.

Grant Wood (1891-1942) là một trường hợp khó có thể nói là thành công tức thời. Vào năm 1930, ông vẫn chỉ là một người họa sĩ và nhà trang trí nội thất vô danh ở độ tuổi trung niên, sinh sống tại Cedar Rapids, Iowa. Vào năm đó, bài dự thi của ông cho chương trình nghệ thuật thường niên của Viện Nghệ thuật Chicago đã giành huy chương đồng và nhận được 300 đô la. Wood vô cùng hứng khởi. Ông thuê một nhà báo — trong thời kỳ suy thoái, ta có thể thuê người làm bất cứ việc gì với giá rẻ mạt — và vài ngày sau, bức American Gothic xuất hiện trên trang nhất chuyên mục nghệ thuật của tờ báo Chicago Evening Post. Nhà phê bình nghệ thuật của tờ báo này gọi đây là “bức tranh đáng xem nhất chương trình” và thực sự là “đậm chất Mỹ”. Ngay sau đó American Gothic được tái bản thành hàng trăm ấn phẩm, sánh vai cùng bức vẽ chân dung người mẹ của Whistler và được coi như một trong những bức họa nổi tiếng nhất của nước Mỹ.

• • •

American Gothic Và Những Câu Chuyện Ngụ Ngôn Khác”, cuộc khảo cứu về sự nghiệp của Wood và cả bức tranh nổi tiếng cùng tên, được thực hiện bởi Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Whitney, chứa đựng nhiều sự bất ngờ, lý thú và là một chương trình vô cùng cần thiết. Khi còn trẻ, Wood áp dụng những gì ông đã học vào việc thiết kế và bán trang sức và dao nĩa bạc, ông còn vẽ tranh tường cho các trường học và doanh nghiệp, và dạy vẽ tranh. Trong những năm 1920, ông đã đến châu Âu bốn lần. Ta không biết nhiều về các chuyến đi của ông,  ngoài việc ông đã đặt chân tới Paris, Bỉ, Đức và Ý. Ông không giao lưu với các nghệ sĩ tiên phong của Mỹ và học theo “cách cư xử của Khu phố Latinh”, điều có thể khiến mọi người cảm thấy bị xúc phạm khi ông trở về — nhưng trở về nhà lại là điều ông luôn làm.

Tác phẩm American Gothic, Grant Wood, 1930

Ngay cả sau khi vẽ bức American Gothic, và sau khi Thời báo Time gọi ông là “nhà triết học hàng đầu và người thầy vĩ đại nhất về nghệ thuật đậm chất Mỹ,” ông vẫn sinh sống tại Cedar Rapids, giảng dạy tại Đại học Iowa và ăn trưa tại một quán ăn địa phương mỗi ngày. Ông có một lối sống tự túc và tiết kiệm. Ông chưa bao giờ rơi vào cảnh nghèo khó. Ông còn tự xây nhà và làm đồ nội thất của chính mình. Đôi khi, ông sống với mẹ và chị gái. Ông cũng đã kết hôn trong một khoảng thời gian ngắn. Cho tới lúc mất, ông đã là nguồn cơn của một khuôn mẫu kiểu Mỹ lạ lùng: một người nghệ sĩ địa phương nổi tiếng nhưng lập dị, một sự hiện diện vừa lạ vừa quen, rất có thể là người đồng tính, không bao giờ sợ hãi, “một người trong số chúng ta”, nhưng tôi sẽ gọi ông ấy là một người ngoài cuộc. Ông nhìn thấy những điều mà người khác không thấy, thoải mái bày tỏ những điều mà nhiều người không muốn bộc lộ, tìm thấy giá trị trong những điều mà những kẻ hợm hĩnh chế giễu và để tâm tới những phẩm chất mà một số người coi là đương nhiên.

Cùng với những người đồng hương vùng Trung Tây là Thomas Hart Benton và John Steuart Curry, Wood là một nhân tố quan trọng trong phong trào nghệ thuật quốc gia có tên Chủ nghĩa khu vực. Họ coi thường ảnh hưởng của nước ngoài, đặc biệt là Pháp; tung hô các giá trị sống của Mỹ như tính chính trực, sự độc lập và chủ nghĩa khắc kỷ; đẩy mạnh đào tạo địa phương; và tuyên bố không chỉ New York mới là cái nôi của nghệ thuật. Wood nghĩ rằng một tiêu chí làm nên một tác phẩm nghệ thuật tốt chính là sự cởi mở; nếu mọi người thực sự cố gắng thì đều có thể hiểu được nó.

Tác phẩm The Midnight Ride of Paul Revere, Grant Wood, 1931.
Một bức tranh mang đậm tư tưởng của phong trào ‘Chủ nghĩa khu vực’

Vậy American Gothic có nghĩa là gì? Ban đầu, Wood nói rằng bức tranh này chủ yếu muốn nhấn mạnh về kiến ​​trúc. Quả thực, ngôi nhà là khởi nguồn cho bức tranh. Wood cho rằng phong cách mặt tiền Iowa có nguồn gốc từ các nhà thờ Pháp là một điệu bộ khoe khoang tự phụ. Ông đã vẽ thêm các nhân vật sau khi quyết định chọn ngôi nhà là chủ thể. Đôi khi, ông nói rằng mình muốn phác họa một cặp vợ chồng, có lúc lại nói là một người cha và con gái. Hình mẫu nhân vật ta có thể dễ dàng nhận ra chính là là em gái của Wood, tên là Nan, và người nha sĩ của ông. Sau này, ông có chia sẻ rằng ông tô điểm cho các nhân vật bằng “sự cuồng tín và gu thẩm mỹ tồi tệ” nhưng họ “về cơ bản là những người tốt và đáng tôn trọng”. Ông tìm kiếm “những nhân vật có khuôn mặt nghiêm nghị” mà gương mặt họ thể hiện nét tương hợp với mặt tiền của ngôi nhà. Chắc chắn là ông đã thành công trong việc ấy. Có nhiều người dân tại Cedar Rapids cho rằng bức tranh chế nhạo lòng mộ đạo và sự khắc khổ của người Iowa. Có phải bức tranh nói về thời kỳ suy thoái? Hay sự loạn luân? Hay để diễn tả sự tuyệt vọng và u sầu? Hoặc sự tang thương? Suốt nhiều năm, các nhà phê bình đã đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng tác phẩm này không cho chúng ta một câu trả lời đơn giản nào đích xác.

Nhà giám tuyển của chương trình, Barbara Haskell, đã quyết định trưng bày bức American Gothic theo một cách không hề phô trương, bên cạnh các bức tranh khác — chủ yếu là các tác phẩm một-nhân-vật nhưng không phải là chân dung mà theo hướng trần thuật. Wood nói rằng bức tranh “khởi nguồn từ Mencken,” đề cập đến sự lên án không ngừng của H.L. Mencken về văn hóa trong Kinh thánh Belt, một thuật ngữ do ông tự đặt ra. Nữ bá tước có hình xăm (Tattooed Countess), cuốn tiểu thuyết hư cấu châm biếm năm 1924 của Carl Van Vechten lấy bối cảnh ở Cedar Rapids, nơi từng là quê hương của Wood. Sinclair Lewis, Theodore Dreiser và Sherwood Anderson nằm trong số những nhà văn coi Trung Tây, một mặt, như một vùng hoang khô cằn thiếu sự giáo dục, và, mặt khác, là một đầm lầy chứa đựng những sự kỳ quặc không bị kìm nén. Khi ta càng biết ít về cuộc sống ở thị trấn nhỏ thì những sự quy chụp ác ý như vậy càng có vẻ đúng hơn. Wood có góc nhìn tử tế và dịu dàng hơn, tương tự Booth Tarkington và Willa Cather, nhưng phải đến khi nghiên cứu các tác phẩm khác của ông, ta mới hiểu được vì sao.

Tác phẩm Plaid Sweater, Grant Wood, 1931

Trong American Gothic, Wood nhại lại những người mà bất cứ ai từng sống ở một thị trấn nhỏ đều biết, mà chẳng mấy ai ưa. Họ quá cứng nhắc, đến mức khôi hài, như khiếu hài hước của Mark Twain vậy. Bức Áo len sọc (Plaid Sweater), được vẽ năm 1931, cũng là một bức tranh chân dung do Wood tự mình tưởng tượng. Chủ đề của bức tranh là sự thịnh soạn, đầm ấm, có mục đích, đáng tín và cũng tinh tế nữa. Ấy là nơi ta có thể thấy được một con người đáng ngưỡng mộ bên trong cậu bé. Còn Kẻ sống sót từ thời Victoria (Victorian Survival), cũng được vẽ năm 1931, cũng rất đáng yêu. Khuôn sáo và sự châm biếm có thể nhanh chóng biến thành sự thân thương. Chiếc điện thoại hiện đại bên cạnh người phụ nữ không mang tính châm biếm;  mà có thể chỉ là mô phỏng của hiện thân của bà. Nó không thể thay thế cho phẩm giá và, như tiêu đề đã gợi ý, sức sống bền bỉ của người phụ nữ ấy. Bà cũng đem đến sự sang trọng rất mới cho một chiếc váy đen đơn thuần.

Wood là một người đa nghi. Những ý tưởng lớn khiến ông dè chừng. Bức Con gái của Cách mạng (Daughters of Revolution) đã thể hiện khía cạnh này một cách tuyệt hảo bằng cách phác họa ba bà lão đứng trước bức tranh Washington băng qua Delaware (Washington Crossing the Delaware) đậm tính biểu tượng của Leutze. Họ tự phụ và nghiêm trang. Ý tưởng lớn của họ — xuất phát từ những nhân vật trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ, có trí tuệ, sự tinh tế và tầm vóc đặc biệt — là một trò đùa, nhẹ nhàng như một thúc sườn nhắc nhở. Bức tranh được thiết kế đẹp mắt, với những đường vân và gợn sóng nhẹ nhàng. Những người phụ nữ đầy lòng tự trọng nhưng cũng rất nghiêm túc và bộc trực. Họ cũng luôn mềm mỏng và nhường nhịn,như hầu hết những người bà của chúng ta; họ không có chút nào tàn ác. Bởi ngay cả những cuộc cách mạng cũng cần những con người gìn giữ các tiêu chuẩn đời thường.

Tác phẩm Daughters of Revolution, Grant Wood, 1931

Vào cuối những năm 1930, một số người đã liên hệ Chủ nghĩa khu vực với chủ nghĩa cộc tính (yahooism), sau đó là chủ nghĩa biệt lập (isolationalism) và cuối cùng là chủ nghĩa phát xít (fascism). Tại Đại học Iowa, Wood đã tranh cãi với đồng nghiệp về các phương pháp giảng dạy. Cuộc tranh luận ấy leo thang như một cuộc chiến chính trị nhưng lại nghe có vẻ rất nhàm chán và ấu trĩ ở bối cánh thời nay. Năm 1941, giám đốc bộ phận mới nhậm chức đã cố gắng sa thải Wood, nói bóng gió rằng ông là một “tên phát xít vì cộng đồng” vì lý do ông tạo ra những tác phẩm nghệ thuật hướng tới công chúng rộng rãi. Người ta lo sợ rằng chủ nghĩa dân túy này sẽ đem tới cho người nghệ sĩ sức mạnh điều khiển người dân nghe theo những lập luận sai trái, và lấy đi chìa khóa dẫn tới sự ý nghĩa và đánh giá chất lượng của đấng chuyên gia..

Một trường phái song song với đó tồn tại, gồm các nghệ sĩ địa phương làm việc ở New England bao gồm Norman Rockwell và Grandma Moses, cùng với các nhà văn như Robert Frost. Bức American Gothic được vẽ năm 1930 và bức Our Town của Thornton Wilder, ra mắt năm 1938, đã chiếm lĩnh những năm 1930 và có một số điểm chung nhất định. Wilder là một người có tầm nhìn xa trông rộng còn Wood thì kỳ quặc và có phong cách riêng, nhưng cả hai tác phẩm đều là những câu chuyện về một thị trấn nhỏ, bí ẩn. Cả hai đều tìm kiếm trong những điều khiêm tốn là sự thực tế, tính trường tồn với thời gian và sự thiết yếu. Một người nghệ sĩ tìm thấy những điều đó trong Cedar Rapids, Iowa, còn người kia thì tại Grover’s Corners, New Hampshire.

Tác phẩm Spring in Town, Grant Wood, 1941

Bản catalog của Bảo tàng Whitney bao gồm một chương tiểu sử hấp dẫn,phác họa nên Wood với một tiếng nói rõ ràng mà rành mạch, khi ông uyển chuyển luồn lách tránh né những nhà phê bình đang cố gắng tọc mạch moi móc những ngữ nghĩa ở tranh ông. Wood bị lãng quên trong cả trường học lẫn trên thị trường nghệ thuật, cho đến khi Wanda Corn hồi sinh ông trong cuốn hồi kí của bà vào năm 1983. Hiểu được câu chuyện phía sau của Wood là cần thiết để có thể thưởng thức trọn vẹn các tác phẩm của ông, điều hoàn toàn chẳng có chút liên quan gì tới tính cách khô khan của Wood.

• • •

Nền hội họa sau năm 1945, do Jackson Pollock, Barnett Newman, Franz Kline và những người khác dẫn đầu, chú trọng vào sự trừu tượng và có nguồn gốc từ New York, do đó không còn chỗ cho những nhân vật như Wood.Một câu chuyện kể lại rằng: trong khi những người gièm pha Wood tại Đại học Iowa đang cố gắng sa thải ông, thì họa sĩ và những người ủng hộ ông lại cố gắng đuổi việc chàng trai H.W. Janson, một giáo sư trẻ trong khoa lịch sử nghệ thuật. Tội ác của Janson là: cho rằng Picasso là thiên tài nghệ thuật hàng đầu của thời đại. Cuốn sách đầu tiên của Janson, được xuất bản năm 1962, có rất nhiều tranh của Picasso cũng như Michelangelo, và gần như ngó lơ nghệ thuật Mỹ. Tất nhiên, Wood, cùng Winslow Homer và Thomas Eakins và những người khác, nghĩ Picasso là một gã lừa gạt. Dù vậy, Janson sau đó đã trở nên nổi tiếng nhờ các chủ đề nghệ thuật phương Tây phổ biến, sách của Janson được hàng triệu người in và sử dụng trong hầu hết các cuộc khảo sát lịch sử nghệ thuật đại học căn bản.  Mà đáng ra Wood nên giành lời cuối.

Bài viết gốc He Saw What Others Didn’t
Bởi Brian Allen
Lược dịch bởi Artplas