Bịt mắt bắt… tuổi thơ trở về cùng nữ họa sĩ trẻ Ngân Bùi

Mở đầu buổi ghé thăm showcase là chất giọng miền Bắc nhẹ nhàng của cô gái nhỏ Ngân Bùi hay còn gọi là Ngân Muôn Loài, yên bình dắt RGB đi vào không gian ngập tràn tiếng dế bao phủ lên tổng thể 18 bức hoạ xoay quanh chủ đề trò chơi dân gian thuở nhỏ, làm ta có cảm giác như đứng lại đâu đó giữa một bãi đất trống cạnh cánh đồng lúa hoặc bụi cỏ mọc dại ven đường làng trong một buổi xế chiều miền đồng quê, yên ả, mộc mạc như những dòng thơ, vè.

TÌM CỪU NHƯ TÌM BẢN NGÃ


Khi còn nhỏ, chúng ta thường gần với trạng thái nguyên thuỷ của mình nhất, chính vì thế, để đặt tên cho 1 showcase mang đậm tình cảm với trẻ con, “cừu” lại là hình tượng được Ngân chọn lọc đầy ý tứ hơn cả.

Vì sao là Ngân Muôn Loài?

Vì Ngân yêu mọi thứ, đặc biệt là cây cỏ, Ngân có đam mê nghiên cứu dáng hình mọi thực thể sống và vẽ lại chúng. Với Ngân, bất cứ loài nào cũng có nét đẹp của nó và Ngân sẵn sàng kết nối với chúng thông qua tác phẩm của mình.

Bịt Mắt Bắt Cừu là showcase đầu tiên

Vì trước giờ Ngân cũng chưa bao giờ thử mình làm một showcase để trưng bày các tác phẩm của mình, nên thú thật cũng có vài sơ sót nhỏ. Nhưng đánh giá chung, còn lại đều vượt ra khỏi kỳ vọng của Ngân, điển hình là vào hôm khai mạc ngày 26, Ngân cứ nghĩ sẽ chỉ toàn đám bạn bè mình thân đến ghé ủng hộ thôi, ai ngờ, dần dần tới tấp người xem, rất nhanh chóng, cả 2 gian phòng đều đông nghẹt người, còn mình, Ngân Muôn Loài đứng giữa muôn người, đứng ngó trơ trơ…(haiz)

Vì sao là cừu?

“Bịt Mắt Bắt Cừu” được Ngân dụng chữ từ trò chơi dân gian bịt mắt bắt dê.
Hình tượng cừu được Ngân lấy cảm hứng từ quyển sách “Cuộc săn cừu hoang” (A wild sheep chase) của tiểu thuyết gia người Nhật Haruki Murakami. Trong truyện, cừu hiện ra như một thực thể trừu tượng về bản ngã của mỗi cá nhân, thế nên, hành trình săn cừu cũng cực kỳ vòng vèo, tung hứng trong những mơ mộng đầy phi lý, không đoán trước được, không kiểm soát được; cũng giống như việc ta bịt mắt mình rồi trôi ngược về khoảng thời gian được chạy nhảy, cười đùa trong vùng ký ức tuổi thơ.

CHẤT LIỆU IN QUYẾT ĐỊNH CẢM XÚC NGƯỜI XEM


Để giữ cho người xem có được trải nghiệm gần gũi, đúng với tinh thần của buổi showcase, Ngân Bùi đã không ngần ngại dành ra khá nhiều thời gian để quyết định chất liệu in ấn cho tác phẩm của mình.
“Mọi thứ khi ở thể digital, đều thường rất xa lạ, nên một khi mình chọn sẽ đưa những ký ức tuổi thơ như thế ra khỏi màn hình thì mọi thứ phải được chọn lọc thật kỹ để Ngân có thể giữ được gần đúng với nguyên bản của nó: nét chì, mảng màu nước, chất liệu giấy,…”

Cách bài trí không gian đến từ đâu? Quá trình hình thành ý tưởng cho showcase

Trong nhóm gồm có Ngân và 4 thành viên: anh Viên Co-founder của Monosketch sẽ lên ý tưởng trang trí và ánh sáng cho không gian, anh Vinh sẽ là người lo mảng in ấn, chị Nguyên và em Châu phụ trách điều phối sự kiện, còn Ngân sẽ lo phần còn lại, chủ yếu là về artwork.

Tổng số tranh trong showcase có 18 bức digital painting kết hợp với vẽ truyền thống, bao gồm:
2 bức 100 x 200 cm
5 bức 40 x 60 cm
11 bức A3

Gian phòng triển lãm bên ngoài được rải đá, xen vào trung tâm là phần cát đỏ được rải theo hình tròn, đặt trên đó là các viên bi và mô hình 2 chú cừu trắng – đen, người xem có thể đến thoải mái chơi bắn bi trong khoảng đất tròn đó, treo bên trên là 1 bức tranh lớn vẽ về trò chơi bịt mắt bắt dê.
“Đây là cách chơi hình khối trong trưng bày, các bạn có thể tưởng tượng tuỳ theo ý muốn, có người nói nó giống như hình tượng một que kem úp ngược và bị chảy hết phần kem lên nền, làm các topping bị bắn ra tung toé, từ đó, trò chơi bắn cừu bắt đầu. À, thì ý nghĩa của 2 con cừu ở đây là để bị bắn á…hm…hết.”
Còn gian bên trong, chỉ treo đúng 1 bức lớn về 2 chú cừu đang ngủ, chắc là ngủ thì mình nên cho 2 bé có được không gian riêng, nhỉ?


Tiến hành thực hiện showcase

Ngân bắt đầu lên ý tưởng vào tầm khoảng giữa năm vừa rồi, ngay sau khi kết thúc 2 tháng dạy vẽ cho một trung tâm giáo dục cộng đồng; đó là lúc mình nhận ra sự kết nối của mình với đám trẻ.
Một số ít tác phẩm trong này Ngân lấy từ những dự án năm rồi, còn lại là được tiến hành vẽ từ tháng 5 năm nay, ngay trong đợt dịch Covid thứ 2 luôn. Ở đây, 13 tác phẩm digital painting đều được mình vẽ tay bằng chì hết, sau đó mới scan và hoàn thành trên máy mà vẫn giữ nguyên những nét chì và mảng màu loang như màu nước; còn 5 tác phẩm vẽ tay mình đi mảng khối trên áo như giả chất liệu của lụa. Sau khi hoàn thành các bức vẽ, thì công đoạn đau đầu nhất là in ấn.

Với Ngân, chất liệu in ấn quyết định cảm xúc người xem rất nhiều, vì đây là tuổi thơ cùng những trò chơi dân gian dung dị, nên mình muốn mọi đường nét, màu sắc, và cả chất liệu đều phải hỗ trợ tối đa cho ý tưởng, thế nên, sau một thời gian tìm hiểu, giấy dó (*) là một lựa chọn không thể nào phù hợp hơn, đồ sờn trên bề mặt và màu trắng ngà đặc trưng sẽ mang lại cảm giác gần gũi, mộc mạc cho người xem.

(*)Giấy dó là loại giấy được sản xuất từ vỏ những cây dó (như dó giấydó liệt…), theo quy trình thủ công được truyền lại qua nhiều thế hệ ở một số làng nghề ở Việt Nam. Giấy dó được dùng cho vẽ tranh trong mỹ thuật dân gian Việt Nam, đặc biệt là để làm giấy điệp cho tranh Đông Hồ, hay lưu giữ các tài liệu, nhờ vào nhiều ưu điểm, nổi bật nhất là độ bền theo thời gian.

  • Một tác phẩm đặc biệt và thú vị khi phát hiện mảng tường bị bong tróc lớp tráng bên ngoài, Ngân dùng chì vẽ cừu núp ẩn phía sau tường, giống như hồi bé những đứa trẻ hay vẽ viết bậy lên tường. Bức này không có trong không gian chính của triển lãm, nó nằm đâu đó như một bí mật bất ngờ lúc mọi người check in – check out.

Artwork tâm đắc nhất:

Cô bé kéo co. Vì Ngân đầu tư khá nhiều thời gian cho mái tóc của em và tổng thể phần màu cũng cho thấy mình được ảnh hưởng rất nhiều từ tranh khắc gỗ của Nhật Bản và Hàn Quốc.

KHÔNG TRỌN VẸN KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ KHÔNG HẠNH PHÚC


Phần lớn những người tìm đến với showcase là những người ít nhiều đã trưởng thành, họ đến để tìm về ký ức thuở xưa, có người tuổi thơ êm ấm cũng có người tuổi thơ hơi khác thường một xíu, suy cho cùng, cũng là tìm về mình lúc ban sơ rằng mình đã trông như thế nào. Một đứa bé ngồi chơi banh chuyền cùng đám bạn, vờn đuổi nhau, trốn tìm nhau hoặc một đứa bé ngồi từ xa nhìn; dù ta có trực tiếp hay gián tiếp tiếp xúc với trò chơi trong các bức hình của Ngân, thì đó cũng là tuổi thơ của ta, tuổi thơ của một người chơi và tuổi thơ của một người nhìn.

Đối tượng tham gia

Tuy vẽ về trẻ em nhưng đối tượng của Ngân là những người lớn đã trải qua tuổi thơ như thế này, dù bằng cách gián tiếp hay trực tiếp, 18 bức vẽ ít nhiều sẽ gợi nhắc một miền tuổi thơ rằng đâu đó, khi người ta tìm đến với showcase, sẽ là những câu nói vang nhẹ trong đầu. “À ngày xưa tui cũng có bắn bi.” , “À lúc nhỏ tui giỏi chơi kéo co lắm nè.”

Tuổi thơ có ảnh hưởng đến chủ đề showcase lần này không?

Ngân nghĩ là có, cuộc sống phần lớn ở vùng quê miền Bắc nên ảnh hưởng nhiều từ lối sinh hoạt và văn hoá của vùng nông thôn nhiều hơn thành thị. Bố mẹ chia tay nhau từ lúc Ngân còn nhỏ, nên tuổi thơ của mình sẽ có chút ít khác với bình thường. Nếu nói, tuổi thơ Ngân không mấy vui thì cũng không phải, nhận xét này chỉ đúng với những gì Ngân nhận thấy từ lúc nhỏ và tầm vài năm trước; nhưng mà, thật đến bây giờ, Ngân lại cảm thấy tuổi thơ mình thực ra cũng không quá buồn, nó chỉ là không trọn vẹn như nó nên có thôi. Không trọn vẹn không có nghĩa là không hạnh phúc.

Ý nghĩa của showcase

Khi bắt tay vào làm showcase, ban đầu Ngân chỉ nghĩ để tạo một dấu mốc cho bản thân, xem bản thân có thể làm được những gì trong khả năng của mình thôi. Nhưng đến khi showcase diễn ra, Ngân nhận thấy có rất nhiều bạn đến đây mang theo những câu chuyện khác nhau. Ngân phơi bày tâm tư của mình qua tác phẩm tạo cảm xúc cuốn các bạn đến phơi bày lát cắt tuổi thơ của mình đến với Ngân, xem như Bịt Mắt Bắt Cừu cũng là duyên, dẫu sao trò này cũng không thể cùng chơi một mình mà. (cười)

Tuổi thơ của mình, dù có trực tiếp chơi những trò chơi cùng bạn bè, hay cơ bản là nhìn qua cửa sổ, qua lan can xem chúng bạn chơi, thì cũng là tuổi thơ mà đúng không? Không ai là không có tuổi thơ cả, vui buồn chúng ta cũng đều có đủ cho những cung bậc cảm xúc sau này lớn lên ta đều có thể tìm đến được.

Được biết, Ngân cũng tham gia cùng triển lãm Nảy Mầm, hãy chia sẻ một hút về dự án này

Vì là một người cực kỳ yêu thực vật, nên khi nhận được chủ đề của Trần Nguyễn Trung Tín, cha đẻ của triển lãm “Nảy Mầm”, Ngân liền tham gia hẳn luôn 2 lần; ở lần 2, tranh của Ngân sẽ được treo vào đợt 2: Chồi – nhấn mạnh về chủ đề trẻ em và môi trường. Hãy chờ xem tranh của Ngân ở đó nha.

Cảm ơn Ngân đã dành cho RGB và độc giả những phút trò chuyện thật gần gũi và thú vị, mong chờ những dự án tiếp theo của bạn!

Bài & Ảnh: Nhi Ng – RGB