Bức ảnh kỹ thuật số lớn nhất thế giới với 717 tỷ pixel, mỗi pixel nhỏ hơn cả tế bào hồng cầu của con người

Sử dụng công nghệ AI tổng hợp các hình ảnh thu thập từ máy ảnh 100MP, bảo tàng Rijksmuseum ở Hà Lan đã tạo ra phiên bản kỹ thuật số của bức hoạ nổi tiếng The Night Watch với độ phân giải 717 tỷ pixel, mỗi pixel nhỏ hơn cả tế bào hồng cầu của con người.

The Night Watch là kiệt tác năm 1642 của họa sĩ Rembrandt van Rijn. Bức tranh hiện là trọng tâm của dự án nghiên cứu và phục hồi “Operation Night Watch” của Rijksmuseum – viện bảo tàng dành riêng cho nghệ thuật và lịch sử ở Hà Lan.

Theo thông cáo báo chí, Rijksmuseum cho biết bản scan được tạo thành từ quá trình chụp lại 8.439 hình ảnh riêng lẻ và dùng hệ thống AI để ghép chúng thành một bức họa hoàn chỉnh.

Các hình ảnh nhỏ được chụp bằng máy ảnh Hasselblad H6D-400c MS với độ phân giải 100 MP. Bên cạnh đó, Rijksmuseum sử dụng mạng thần kinh nhân tạo để kiểm tra màu sắc và độ sắc nét của từng hình ảnh.

Bản scan có độ phân giải 717 gigapixel và dung lượng 5,6 terabyte. Mỗi pixel tương đương với phần hình ảnh có kích thước 5 micromet (nhỏ hơn một tế bào hồng cầu của người) của bức tranh gốc. Rijksmuseum nhấn mạnh bản scan này sắc nét gấp 4 lần bản trước đó.

Bản scan của The Night Watch được Rijksmuseum đăng tải trên trang web của mình, cho phép mọi người xem tranh miễn phí. Họ tuyên bố bản scan này là “bức ảnh lớn và chi tiết nhất trong số các tác phẩm nghệ thuật”.

Người truy cập có thể phóng to bức tranh để quan sát các vết nứt hiện trên từng nét vẽ của kiệt tác. Vì trang web cho phép mọi người ngắm nhìn kiệt tác ở khoảng cách gần, nhiều người cho rằng đây là trải nghiệm tuyệt vời hơn chiêm ngưỡng tác phẩm trực tiếp tại bảo tàng.

Ngoài ra, một phiên bản khác của The Night Watch, với độ phân giải kém hơn, cũng được đăng tải. Tuy không có độ phân giải 717 gigapixel, bản scan này là phiên bản hoàn chỉnh của bức tranh.

Vào năm 1715, để bức tranh vừa vặn trưng bày tại vị trí chật hẹp ở Tòa thị chính Amsterdam, nhiều phần của The Night Watch đã bị cắt bỏ. Dựa vào bản sao tranh gốc của Gerrit Lundens vào thế kỷ 17, Rijksmuseum đã khôi phục những đoạn tranh đó vào năm 2021.

Theo Rijksmuseum, bản scan của tác phẩm nghệ thuật sẽ giúp ích cho quá trình nghiên cứu tranh, đặc biệt khi công việc được thực hiện từ xa. Trong tương lai, giới nghiên cứu có thể tìm hiểu tuổi của bức tranh với độ chuẩn xác cao hơn.

Theo: zing
Ảnh: Rijksmuseum