Con người ai cũng có khả năng sáng tạo. Chỉ là chúng ta quên mất cách làm mà thôi.
Các nhà nghiên cứu tại đại học bang Ohio đã dựa vào một kỹ thuật bẩm sinh của trẻ em để phát triển một phương pháp tư duy mà họ khẳng định là có thể dạy cho bất kỳ ai trở nên sáng tạo hơn. Cơ sở của phương pháp này khá là đơn giản, đó chính là thách thức người ta mơ tưởng về những thế giới khác và viễn cảnh thay thế mà ở đó họ sẽ tìm ra các giải pháp sáng tạo bất ngờ.
Giáo sư người Anh Angus Fletcher, người đã tạo ra kỹ thuật này, cho biết xã hội chúng ta đang đánh giá thấp sự sáng tạo của trẻ em và nhiều người khác bởi vì chúng ta bị ám ảnh bởi ý nghĩa rằng có một số người sinh ra có óc sáng tạo hơn. “Nhưng thực tế là chúng ta đang không đào tạo khả năng sáng tạo theo cách đúng đắn”, ông nói. Fletcher cũng đã thành lập một chương trình có tên là Project Narrative để nghiên cứu phong cách tư duy này.
Lý thuyết về kỹ thuật này liên quan đến việc xây dựng một thế giới mới trong tâm trí. Ví dụ, các nhân viên sẽ được yêu cầu nghĩ về khách hàng khác thường nhất của họ, sau đó tưởng tượng về một thế giới mà tất cả khách hàng của họ đều như vậy. Điều đó sẽ thay đổi công việc kinh doanh của họ như thế nào? Họ sẽ phải làm gì để tồn tại?
Phương pháp tư duy này vay mượn một số kỹ thuật được sử dụng bởi trẻ em và các nhà văn. Fletcher nói rằng trẻ nhỏ có xu hướng khá sắc sảo trong việc tưởng tượng ra thế giới riêng của chúng và do đó tính sáng tạo của chúng sẽ hơn người lớn, vì chúng được dạy để nuôi dưỡng khả năng sáng tạo của mình thông qua cách kể chuyện. Tuy nhiên, khả năng này sẽ yếu dần theo thời gian khi trẻ bị nhồi nhét các bài học mang tính logic, ngữ nghĩa và trí nhớ nhiều hơn.
Phần mở rộng của khóa đào tạo này là thay đổi cách nhìn sự vật, trong đó nhân viên được thử thách để giải quyết vấn đề bằng cách xem nó như đồng nghiệp của mình.
Mặc dù phương pháp của Fletcher chỉ mới được nhắc đến trong Biên niên sử của Học viện Khoa học New York, nhưng nhóm nghiên cứu đã giảng dạy thành công nó cho các thành viên của Trường Cao đẳng Chỉ huy và Tham mưu Quân đội Hoa Kỳ, cũng như các nhân viên và sinh viên ngành quản trị kinh doanh Đại học Chicago, trường Cao đẳng Kỹ thuật Bang Ohio, và các công ty trong danh sách Fortune 50.
Kỹ thuật này có một vài điểm tương đồng với phương pháp đào tạo khả năng sáng tạo được gọi là tư duy phân kỳ, nơi học sinh có nhiệm vụ nghĩ ra càng nhiều giải pháp cho một vấn đề càng tốt. Tuy nhiên, “điều mà kỹ thuật cũ không thể làm là giúp chuẩn bị cho mọi người trước những thách thức mới mà ngày nay chúng ta chưa biết đến”, Fletcher lưu ý.
Bản chất của phương pháp này không phải là việc dự đoán kết quả mà là giúp chúng ta có sự chuẩn bị để có thể đối mặt với những trải nghiệm chưa được biết đến. “Sáng tạo không phải để dự đoán tương lai, mà là khiến bản thân bạn cởi mở với việc tưởng tượng ra những khả năng hoàn toàn khác biệt”, Fletcher giải thích thêm.
“Khi bạn áp dụng phương pháp tư duy này, bạn có thể phản ứng nhanh và nhạy bén hơn với những thay đổi xảy ra.”
Ảnh minh hoạ: Riccardo Russomanno
Để lại đánh giá