Thiết kế không gian công cộng luôn là một bài toán khó, vì phải phục vụ cho rất nhiều đối tượng khác nhau, và đáp ứng được nhu cầu văn hoá, xã hội, kinh tế địa phương.
Bài viết giới thiệu một vài phương pháp giúp thiết kế không gian công cộng được sinh động, thú vị và thu hút hơn. Được tổng hợp qua quá trình nghiên cứu các không gian chung nổi bật ở nhiều quốc gia, những đặc điểm chung trong cách thiết kế các dự án này được đúc kết và trình bày dưới dạng diagram. Qua đó, giúp người xem dễ nhớ và và sử dụng như một bộ công cụ thiết kế trực quan lưu giữ trong sổ tay.
Các phương pháp hữu ích cho thiết kế không gian công cộng:
Những hình thái khác nhau của không gian công cộng:
Không gian công cộng được thiết kế với hình thức và chức năng vô cùng phong phú, nhưng thường được quy về 2 hình thái chính: dạng sân lớn (square/plaza) hoặc dạng tuyến tính (linear).
Sân lớn (square/ plaza):
Đặc điểm của không gian này là sự trải dài trên nhiều phương (dài, rộng, cao). Tính ứng dụng của hình thức này rất đa dạng. Trong 1 khu dân cư, đó có thể là khoảng sân tập thể thao, vui chơi trẻ em, vườn dạo… Trong trung tâm thành phố, đó có thể là khu hội chợ cuối tuần, quảng trường nghệ thuật, khu trình diễn nghệ thuật đường phố…
Các loại hình hoạt động trong những không gian này ngày càng mở rộng tuỳ theo nhu cầu của người dân trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Nhiều loại hình mới mẻ thu hút người dân ở các nước phương tây như sân trình diễn ánh sáng, sân khấu cộng đồng, X-games đang dần định hình ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội. Cùng với đó, nhu cầu về cuộc sống gần gũi hơn với tự nhiên, và được sử dụng thực phẩm organic giúp cho các không gian trồng rau, cây xanh trong đô thị ngày càng phố biển. Được dự đoán là thập kỷ của “Wellness and Well-being”, người dân ngày càng mong muốn có thêm được các không gian xanh, bền vững và an toàn, trong chính khu dân cư mà họ đang sống.
Không gian công cộng là một phần của cuộc sống người dân, vì vậy nên được thiết kế phù hợp với nhu cầu đa dạng của cộng đồng với những khu vực dành cho nhiều người cùng sinh hoạt, các nhóm bạn bè nhỏ, hay cả khoảng không yên tĩnh để thư giãn một mình.
Không gian dạng tuyến (Linear):
Là những không gian có tỉ lệ kéo dài hơn theo 1 phương, đó có thể là một lối đi dạo ngắn giữa các block nhà, một tuyến phố, cây cầu đi bộ, hoặc những đường đi dạo dài dọc theo bờ sông… Những không gian này giúp khuyến khích những hình thức giao thông thân thiện như đi bộ, xe đạp, patin… Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa một không gian chung dạng tuyến và một con đường dành cho xe đạp ở chỗ nó không chỉ phục vụ cho nhu cầu giao thông, mà còn có các khu vực cho vui chơi, nghỉ ngơi, nghệ thuật đường phố …
Theo các chuyên gia, không gian chung ở các thành phố nhiệt đới như Sài Gòn nên theo dạng tuyến. Những quảng trường lớn theo phong cách châu Âu sẽ không phù hợp với lượng mưa nhiều, và khí hậu quanh năm nóng ẩm. Người dân ở những khu vực nhiệt đới thích những nơi có nhiều bóng râm để tránh nắng hơn là những khoảng sân lớn.
Rất nhiều không gian công cộng ở Sài Gòn đều được thiết kế theo dạng tuyến như phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường sách Nguyễn Văn Bình, đường dạo dọc theo kênh Nhiêu Lộc… Điều đặc biệt của không gian dạng tuyến là nếu được thiết kế tốt sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị như trong một cuộc hành trình. Ở đó, người dân có thể quan sát thành phố qua nhiều lăng kính khác nhau khi di chuyển dọc theo lối đi. Những câu chuyện về văn hoá địa phương, nghệ thuật, lịch sử có thể được đan cài vào tuyến hành trình này để mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người dân.
Phương pháp hỗ trợ quá trình thiết kế không gian công cộng:
Có rất nhiều cách để giúp một thiết kế cho không gian công cộng được sinh động và thu hút. Điều đầu tiên, và quan trọng nhất là không gian đó phải phù hợp với nhu cầu, lối sống và mong muốn của người dân trong khu vực (user-centered). Khi đã gắn kết với mong muốn của người dân địa phương, thiết kế có thể được phát triển bằng cách đẩy sâu hơn vào sự kết nối, sự tiện nghi và hình ảnh, cùng với hoạt động/ trải nghiệm trong không gian.
Trải nghiệm – hoạt động:
_Thay đổi cao độ: Các cao độ khác nhau sẽ tạo ra một bối cảnh sinh động cho nhiều hoạt động, vui chơi. Ngoài ra, việc thay đổi cao độ còn mang đến sự thu hút và về thị giác và giúp điều hướng tầm nhìn.
_Thay đổi vật liệu: Đa dạng vật liệu vừa mang đến nhiều màu sắc cho không gian, vừa nâng cao hiệu quả sự dụng. Những sân cỏ, bãi cát hay sàn cao su sẽ an toàn hơn cho trẻ nhỏ chạy nhảy nô đùa, trong khi một khoảng sân xi măng sẽ giúp các bạn tuổi teen chơi ván trượt, patin được thoải mái hơn.
_Khoảng mở: Những khoảng trống là cần thiết cho những sự kiện cần tập trung nhiều người, và gìn giữ sự thoáng đãng của không gian. Thường được định vị ở vị trí trung tâm, khoảng mở sẽ giúp kết nối các khu vực của không gian công cộng.
_Tách lớp: Không gian với nhiều tầng bậc vừa giúp phân vùng các khu hoạt động, tăng khả năng định hướng, và dẫn dắt người tham gia qua nhiều câu chuyện, trải nghiệm sinh động. Ngoài ra phân lớp còn hữu ích trong việc quản lý.
_Phân nhóm chức năng: Các hoạt động có tính chất khác nhau sẽ được phân chia trong những khu vực riêng. Phân nhóm có thể dựa vào lứa tuổi, vận động – nghỉ ngơi, ồn ào – yên tĩnh… Một khoảng sân dành cho người lớn tuổi tập dưỡng sinh nên tách biệt khỏi khu vui chơi của trẻ em nhưng có thể gần với nơi picnic cho gia đình, hay ghế ngồi đọc sách.
_Kết hợp chức năng: Ngược với phân nhóm chức năng, đôi khi nhiều hoạt động cùng được tổ chức trong 1 khoảng không, điều nay giúp tăng sự sầm uất, náo nhiệt, và thường thấy ở trước trung tâm thương mại, nhà văn hoá… (như quảng trường phía sau Cresent Mall, Q7).
Tiện nghi – hình ảnh:
_Bóng râm: Mọi người thường dễ bị thu hút đến những nơi cho phép họ lựa chọn chỗ ngồi, có thể ở trong bóng râm hoặc ngoài ánh sáng mặt trời vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Với điều kiện khí hậu nắng nóng và thỉnh thoảng mưa rào, những nơi nghỉ chân có mái che vừa giúp không gian trở nên thân thiện và thoải mái cho người sử dụng.
_Đa dạng sinh học: Con người luôn có nhu cầu kết nối với thiên nhiên, nhất là khi phải thường xuyên sống và làm việc trong thành phố ngột ngạt. Một không gian chung với phong phú cây cỏ, sinh vật sẽ là một nơi chốn lý tưởng để nghỉ ngơi, đồng thời các bé thiếu nhi được tiếp xúc và tìm hiểu thế giới tự nhiên từ thực tế hơn là chỉ qua sách vở.
_Biểu tượng: Để gây ấn tượng và định vị trong tâm trí người dân, môt không gian chung cần có những nét riêng mang tính đặc trưng. Điều này còn tăng sức hút, và góp phần xây dựng nhận diện đô thị rõ nét.
_Tỷ lệ: Sử dụng các thành phần trong không gian chung với tỷ lệ kích thước khác nhau mang đến những hiệu quả riêng biệt. Khi được thiết kế dựa theo quy chuẩn kích thước thông thường với người sử dụng, không gian trở nên thân thiện, gần gũi và thoái mái. Nhưng khi các thành phần này được phóng to hơn, nó sẽ dễ thu hút thị giác, trở nên đặc biệt và mời gọi mọi người đến khám phá.
_Đặc trưng địa phương: Văn hoá bản địa sẽ giúp cho thiết kế của không gian được trở nên rất riêng và không lầm lẫn với nơi nào khác. Một không gian mang màu sắc đặc trưng khu vực sẽ dễ trở thành điểm nhấn, và niềm tự hào của cộng đồng.
Kết nối:
_Tiếp cận ngoại biên: Khu vực sinh hoạt chung cần có sự kết nối liền mạch với xung quanh, bao gồm cả kết nối về thị giác. Đường ranh giới đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự tiếp cận thuận tiện. Mọi người có thể đi bộ đến, hoặc lý tưởng hơn, gắn kết với giao thông công cộng, và có những khu vực cho đỗ xe.
_Liên kết – chia sẻ: Một trong những cách để tăng sự tương tác là thông qua thiết kế và layout các đồ dùng ngoại thất. Những thiết kế theo cung tròn hay dạng loop sẽ làm cho việc gặp gỡ, eye contact tự nhiên hơn. Từ đó mọi người dễ mỉm cười, bắt chuyện với nhau.
_Định hướng: Các yếu tố thiết kế mang tính định hướng sẽ giúp chủ động trong việc điều tiết giao thông và dẫn dắt người dân tham gia, khám phá, và tận hưởng không gian. Định hướng còn giúp gia tăng cảm giác về sự an toàn.
_Nhịp điệu & kiểu mẫu: Ngoài gia tăng giá trị thẩm mỹ, biện pháp này còn giúp dẫn dắt thị giác, tạo ra cảm giác dễ chịu và liền mạch. Trong khi nhịp điệu giúp gợi tả sự chuyển động, các pattern tạo ra chất cảm cho không gian, mang đến nhiều cảm xúc cho người ghé thăm.
Nhìn chung để có một thiết kế tốt, đa phần các dự án đều sử dụng nhiều công cụ khác nhau. Các biện pháp này khi được kết hợp sẽ tạo ra sự cộng hưởng, giúp gia tăng thêm giá trị cho thiết kế. Tuy nhiên việc lựa chọn công cụ nên tuy thuộc vào bối cảnh, đặc điểm riêng của từng dự án. Số lượng cách tiếp cận không quan trọng bằng việc phương pháp đó được sử dụng ra sao, giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư như thến nào.
Tổng hợp của cả 3 yếu tố trên sẽ góp phần tạo ra tính cộng đồng – yếu tố quan trọng nhất và cũng khó nhất để đảm bảo sự thành công của một địa điểm công cộng. Theo tổ chứ Project for Public Spaces (PPS), để có một thiết kế tốt, dự án cần phải đảm bảo được cả được cả sự kết nối, tiện nghi & hình ảnh, trải nghiệm & hoạt động, và tính cộng đồng. Từ đó, người dân sẽ cảm thấy thoải mái, mong muốn được đến và quay trở lại không gian chung này nhiều lần, trong khi thành phố sẽ trở nên văn minh, thú vị, và có thêm sức hút và màu sắc riêng biệt.
Nguồn tham khảo:
Thecityfix / archdaily / centreforlondon
Bài viết: Tăng Quang
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Hiểu rõ tầm quan trọng của các sân chơi và không gian công cộng trong cuộc sống đô thị hiện đại, cũng như mong muốn tạo cảm hứng cho tinh thần sống gắn kết cộng đồng, Nam Long Group ra mắt cuộc thi thiết kế nhằm kết nối và tôn vinh những Kiến trúc sư, sinh viên tài năng. Cuộc thi Kiến tạo sân chơi gắn kết cộng đồng – The Shape of Community Space đang diễn ra từ 28/06 đến hết 28/08/2021 với những giải thưởng hấp dẫn lên đến hơn 200 triệu đồng. Theo dõi thông tin tại đây.
Để lại đánh giá