VFX Central

Cẩm nang trở thành nghệ sĩ VFX (Visual Effects) cho người mới bắt đầu

Bài viết này dành cho những người mới bắt đầu, đang muốn tìm cho mình một nghề nghiệp để thỏa mãn niềm đam mê đối với phim ảnh, công nghệ, thiết kế, và nghệ thuật kỹ thuật số. Những người không hề hứng thú với công việc buôn bán hay trở thành bác sĩ, những người không muốn phải làm công việc văn phòng nhàm chán. Đây cũng có thể là một bài viết lý tưởng để bạn chia sẻ với cha mẹ hoặc bạn bè của mình, những người muốn hiểu VFX là gì mà tại sao bạn lại hào hứng và đam mê đến như vậy.

Hiệu ứng Hình ảnh – VFX là gì?

Về cốt lõi, Hiệu ứng Hình ảnh (Visual Effects, viết tắt là VFX) là quá trình tạo ra các hình ảnh kỹ thuật số để xử lý hoặc tăng cường các cảnh quay thực đã được quay trước đó. Nói cho dễ hiểu, trong quá trình làm phim sẽ có những cảnh quay quá nguy hiểm, không thực tế, quá đắt đỏ, mất thời gian, hoặc đơn giản là không thể quay được ngoài đời thực, và đây chính là lý do tại sao người ta cần đến VFX.

VFX không chỉ dành cho các bộ phim lớn, chúng còn xuất hiện thường xuyên trong các quảng cáo trên truyền hình (TV commercials), phim truyền hình, kiến trúc, và ti tỉ thứ khác.

Ví dụ tuyệt vời về VFX được sử dụng trong Avengers: Infinity War tạo ra bởi Framestore, VFX studio nổi tiếng ở London

Tại sao bạn muốn trở thành một nghệ sĩ VFX?

Có thể vì bạn đam mê công nghệ, sáng tạo, thích kể chuyện. Hay có thể là bạn yêu thích phim ảnh và muốn được dạo chơi trên phim trường với các ngôi sao điện ảnh. Hoặc cũng có thể bạn muốn một nghề nghiệp mà bạn có thể thoải mái làm việc ở bất kỳ đâu. Hoặc đơn giản chỉ là bạn thích vẽ và xây dựng mọi thứ trên máy tính. Có rất nhiều lý do khiến bạn muốn làm việc trong ngành công nghiệp VFX và bạn có thể yên tâm là ngành này có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp nhé.


Những vị trí và phòng ban chính trong ngành VFX

VFX là một quá trình phức tạp đầy thử thách và dài hơi, đòi hỏi một đội ngũ làm việc lớn và đa dạng. Điều này cũng đồng nghĩa với nhiều cơ hội nghề nghiệp cho lập trình viên (coders), họa sĩ minh họa (illustrators) và cả những công việc không liên quan đến nghệ thuật lắm như quản lý teams. Tất cả đều có vai trò quan trọng trong quá trình tạo ra VFX và dưới đây là một số phòng ban và chức danh phổ biến nhất trong ngành để bạn tham khảo.

Phòng Mỹ thuật – Art Department

Phòng Mỹ thuật chịu trách nhiệm biến kịch bản và tầm nhìn của đạo diễn thành những hình ảnh trực quan, sau đó chia sẻ với toàn bộ đội ngũ để hiểu được những thách thức về mặt kỹ thuật và sáng tạo đang ở phía trước. Những người nghệ sĩ làm việc trong mảng này gọi là concept artists và illustrators. Họ tạo ra mọi thứ từ các bảng phân cảnh (storyboards) cho đến các artworks thể hiện sản phẩm cuối cùng sẽ trông như thế nào.

Một ví dụ về concept art của sinh viên Ng Jian Zhi 

Phác thảo và dựng hình (Pre-viz)

Nghệ sĩ phác thảo và dựng hình (Pre-visualisation Artists) chịu trách nhiệm tạo ra các bản dựng 3D đầu tiên của cảnh quay VFX. Họ dùng artworks và các hình mẫu 3D cơ bản để tạo nên những phiên bản chất lượng thấp của các phân cảnh để đạo diễn có thể lên kế hoạch thiết lập vị trí cameras và những yêu cầu sáng tạo cũng như kỹ thuật khác.

Phòng sáng tạo và quản lý các thành phần trong VFX – Asset Department

Các thành phần như nhà cửa, đường xá, xe cộ, người, động vật, v.v… rất cần thiết trong VFX và được tạo ra bởi các nghệ sĩ tạo mô hình (modeling artists), họa sĩ kết cấu (texture painters), tạo bóng (shaders) và gắn xương (riggers).

Phòng Nghiên cứu và Phát Triển – Research and Development (RnD)

Được coi là một bộ phận rất kỹ thuật, các nghệ sĩ RnD chịu trách nhiệm xây dựng các phần mềm và công cụ mới để hoàn thành những công việc không thể thực hiện được hoặc đơn giản là quá tốn thời gian để làm. Vai trò này đòi hỏi một nền tảng rất vững chắc về khoa học máy tính và niềm đam mê giải quyết vấn đề.

Diễn hoạt – Animation

Về cơ bản, bất cứ thứ gì chuyển động trên phim đều cần phải được diễn hoạt. Cho dù đó là chiếc ghế nhỏ xíu hay là con tàu vũ trụ khổng lồ, nhân vật chính hay chỉ là con kiến bò qua, nếu chúng chuyển động thì sẽ chắc chắn cần đến một họa sĩ diễn hoạt (animator) để làm điều đó xảy ra.

Một ví dụ về diễn họa, tác phẩm của Joyce Kambey

Kết hợp chuyển động – Matchmove

Matchmove là việc theo dõi chuyển động để kết hợp dữ liệu 3D vào cảnh quay. Để các thành phần 3D trông thật nhất có thể, cần phải có một camera ảo với những bước di chuyển y hệt như camera trong cảnh quay thật. Và đây là lý do cần có các nghệ sĩ kết hợp chuyển động (matchmove artists). Nhiệm vụ của họ chính là sử dụng các cảnh quay thực tế và tạo ra một camera ảo để tất cả các phòng ban lấy đó làm nền tảng làm việc.

Mô phỏng Hiệu ứng – FX Simulation

Nhiệm vụ chính của một nghệ sĩ FX là thiết kế và tạo hoạt ảnh cho hiệu ứng, làm mô phỏng chuyển động và các hệ thống hạt cũng như chất lỏng. Những yếu tố như lửa, nước, vải, tóc, các vụ nổ và nhiều thứ khác đều được các nghệ sĩ FX tái tạo lại sao cho chân thật nhất có thể. Đây là một công việc rất phức tạp và đầy kỹ thuật, nhưng tính sáng tạo rất cao.

Những tác phẩm VFX được tạo ra bởi phần mềm Houdini

Ánh sáng – Lighting

Lighting artists chịu trách nhiệm áp dụng tất cả các hiệu ứng ánh sáng cho cảnh quay kỹ thuật số. Họ sẽ xem xét các nguồn sáng của cảnh quay thật rồi áp dụng ánh sáng ảo để làm cho các thành phần 3D được thêm vào trông chân thật như thể chúng cũng tồn tại trong chính cảnh quay đó vậy.

Vẽ phông – Matte paint

Vẽ phông là tạo ra một hình ảnh bằng kỹ thuật vẽ truyền thống hoặc bằng kỹ thuật số, để tạo ra cảnh tượng mà các nhà làm phim không thể thực hiện trong đời thực. Điều này có thể là do cảnh quan này không tồn tại, hoặc khó khăn về mặt tài chính để di chuyển đến địa điểm thật để quay. Thường matte paint sẽ được áp dụng cho các background và phong cảnh.

Tách nền – Rotoscoping

Rotoscoping là kỹ thuật tạo mờ cho một thành phần trong phim để nó có thể được tách ra khỏi vị trí đó và dán trên một nền khác. Phông xanh cũng có thể làm được việc này nhưng chỉ đối với những đối tượng ở phía trước phông xanh mà thôi. Còn những đối tượng cụ thể khác trong nền thì vẫn cần đến rotoscoping để tách ra.

Tổng hợp – Compositing

Compositing là việc sắp xếp tất cả các yếu tố trong một cảnh quay bao gồm cảnh thật do diễn viên đóng (live action), tranh mờ (matte paint), các đồ họa vi tính (CGI), 3D, ánh sáng, các hiệu ứng, v.v… và kết hợp chúng lại một cách liền mạch để tạo nên cảnh quay cuối chân thật nhất có thể.

Ảnh: The Rookies

Sản xuất – Production

Ngoài ra còn có một số vai trò dành cho những người thích công việc quản lý nhóm, ngân sách và lịch trình. Đứng đầu công việc sản xuất ở một studio đó chính là VFX Producer, là người làm việc chặt chẽ với VFX supervisor để quản lý toàn bộ quy trình của dự án, xác định các nguồn lực cần thiết, thuê nghệ sĩ và đội ngũ, quản lý ngân sách và đảm bảo dự án được giao đúng tiến độ. Các vai trò phổ biến khác bao gồm Giám đốc Sản xuất (Production Manager) và điều phối viên sản xuất (Production Coordinator) với nhiệm vụ hỗ trợ nhà sản xuất liên lạc với nghệ sĩ, cảnh báo và giải quyết các vấn đề cũng như theo dõi tiến độ và đảm bảo mọi thứ luôn đi đúng kế hoạch và lịch trình.


Những kỹ năng quan trọng cần có để trở thành nghệ sĩ VFX

Có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp dành cho những người trong ngành VFX. Đối với những ai quan tâm đến các vai trò sáng tạo và kỹ thuật, chắc chắn có một số kỹ năng quan trọng bạn nên tập trung rèn luyện.

Các kỹ năng này không liên quan đến phần mềm và công nghệ, những thứ này có thể được tiếp thu sau trong quá trình đào tạo cụ thể. Tuy nhiên, những kỹ năng dưới đây là nền tảng bạn nên có để có thể trở thành một nghệ sĩ VFX thực thụ:

  • Hiểu về ánh sáng và bối cảnh
  • Thẩm mỹ về thị giác
  • Biết vẽ
  • Có kiến thức về điêu khắc và giải phẫu học
  • Cơ học và chuyển động
  • Niềm đam mê với phim ảnh
  • Có óc quan sát thế giới xung quanh
  • Kỹ năng giao tiếp
  • Nhiếp ảnh

Thu nhập khi làm việc trong ngành VFX?

Dưới đây là mức lương trung bình cho từng giai đoạn khác nhau trong ngành VFX. Thông tin được lấy từ nhiều cơ sở dữ liệu của chính phủ Mỹ và các cuộc khảo sát trong ngành khác nhau, vào năm 2019.

Ảnh: The Rookies

Mức độ đầu vào – Entry Level Artist
US: $22,000 – $52,000

Cấp cao – Senior Artist
US: $67,000 – $100,000

Cấp quản lý – Supervisors & Management
US: $100,000 – $136,000

This article is translated and compiled using materials from:
– Original article source: Beginners Guide to VFX
– Original author: The Rookies
The Rookies is the ultimate support network for young artists. We offer comprehensive training, free portfolios, and exciting career opportunities in film, games, animation, and more. Let us help you transform your passion into a thriving creative career.”