Từ đầu tháng 7 năm ngoái, xưởng phim Illumination đã chính thức công chiếu bộ phim Despicable Me 2 (tên tiếng Việt: Kẻ cắp mặt trăng 2), phần kế tiếp của phần 1 rất thành công năm 2010. Trong vòng nhiều tháng liên tiếp sau đó, ‘bom tấn Minions’ đã liên tục xô đổ các kỷ lục doanh thu phòng vé trên toàn cầu.
Despicable Me 2 là một thắng lợi lớn “mang về lợi nhuận cao nhất trong lịch sử 100 năm của hãng phim Universal (đối tác của Illumination) và xếp hạng Á quân trong danh sách những bộ phim đạt doanh thu phòng vé cao nhất năm 2013 (sau “Người sắt 3”).
Despicable Me 2 (2013)
Khởi chiếu: Tháng 7/2013
Chi phí sản xuất: 76 triệu USD
Doanh thu tại thị trường Mỹ: 367,5 triệu USD
Doanh thu thị trường toàn cầu: 918,5 triệu USDDespicable Me (2010)
Chi phí sản xuất: 69 triệu USD
Doanh thu toàn cầu: 543 triệu USD
(Nguồn: Box Office Mojo).
Với những chú Minions ngộ nghĩnh, Illumination đang là một trong những studio sản xuất phim hoạt thành công nhất hiện nay dù mới hiện diện trong làng phim chưa bao lâu. Thành công quá đỗi với thể loại hoạt hình, nhưng tuổi thơ của CEO Illumination – người đàn ông đã mang về hàng trăm triệu USD từ bộ phim hoạt hình với ‘những con Minions’ – lại rất… không liên quan đến hoạt hình.
Niên thiếu không hoạt hình vì… cha mẹ
Là một cậu bé trưởng thành ở New York vào thập niên 70, Chris Meledandri chưa bao giờ xem bất kỳ bộ phim hoạt hình nào. Những kinh nghiệm làm phim đầu đời được ông học hỏi từ những đạo diễn gạo cội như Woody Allen, Stanley Kubrick và Martin Scorsese, hơn là từ Walt Disney. Điều này hình thành từ cách nuôi dạy con cái khá đặc thù và phổ biến ở một số gia đình, nơi mà cha mẹ cư xử với con cái như những người trưởng thành. “Những bộ phim mà tôi được tiếp xúc chính là kiểu phim mà cha mẹ tôi yêu thích, hoàn toàn trái ngược và khác xa với dạng phim phù hợp với trẻ con”, ông nói với chút buồn bã.
Chris Meledandri, CEO của Hãng phim Illumination Entertainment, chụp ảnh tại văn phòng ở Santa Monica.
Vài thập kỷ sau, cậu bé từng bị cách ly với thú vui giải trí phù hợp với lứa tuổi ngày nào, đã trở thành một người đàn ông gây đột phá trong thể loại phim hoạt hình.
Despicable Me 2, sản xuất bởi hãng Illumination Entertainment (công ty do Meledandri sáng lập năm 2007), là bộ phim hoạt hình đạt doanh thu cao nhất năm 2013, vượt xa các đối thủ như Disney hay DreamWorks Animation. Đây là phần tiếp theo của phiên bản Despicable Me năm 2010, nói về tên trộm siêu đẳng Gru với đôi chân gầy guộc và đội quân Minions đặc biệt.
Meledandri là một người kiệm lời và luôn cẩn trọng mỗi khi trả lời các câu hỏi, khác hẳn với khuôn mẫu của các ông trùm Hollywood thường thấy. Tuy nhiên, Meledandri đang là một trong số những ngôi sao đang lên của ngành công nghiệp điện ảnh nhờ những bộ phim ăn khách như Despicable Me và series bom tấn Kỷ Băng Hà (Ice Age) vẫn đang dẫn dầu trong nhóm phim hoạt hình ở 20th Century Fox.
Đến với Hollywood nhờ làm phụ việc và chăm sóc… chó
Đường đến Hollywood của Meledandri khởi nguồn nhờ sớm được tiếp xúc với các đạo diễn nổi tiếng trong thập niên 70. Niềm đam mê với điện ảnh càng lớn hơn khi ông theo học tiếng Anh ở Đại học Dartmourth, được dìu dắt bởi người thầy David Thomson, nhà phê bình phim – sử gia nổi tiếng người Anh. “Ông ấy quả thực đã củng cố tình yêu của tôi với điện ảnh và khát khao biến nó thành công việc của cả cuộc đời tôi”, Meledandri chia sẻ.
Chris Meledandri
Sinh năm: 1959, tại thành phố New York
Giáo dục: 1982: Cử nhân Anh văn , Đại học Dartmouth
Sự nghiệp:
1981-1986: Trợ lý Dan Melnick
1990: Chủ tịch Công ty Thép Dawn
1993: Giám đốc sản xuất Cool Runnings
1993: Gia nhập 20th Century Fox
1998: Chủ tịch sáng lập bộ phận hoạt hình của 20th Century Fox
2002: Giám đốc sản xuất bộ phim Kỷ Băng Hà (Ice Age)
2007: Sáng lập Illumination Entertainment, công ty con của Universal
2010: Phát hành Despicable Me
2012: Phát hành The Lorax
2013: Phát hành Despicable Me 2
Gia đình: Kết hôn với Leslie, có 2 con trai
Một tháng trước ngày tốt nghiệp vào năm 1980, bố của Meledandri, một nhà thiết kế thời trang, đã mất đột ngột vì một cơn đau tim. Meledandri phải tạm gác việc học của mình và lo tìm việc kiếm sống. Dan Melnick, nhà sản xuất phim ‘All That Jazz and Straw Dogs’, bạn với bố của Meledandri, đã đề nghị Meledandri về làm phụ việc cho ông.
“Đó là một bước nhảy vọt để đến với huyền thoại… một huyền thoại của Los Angeles và ngành điện ảnh”. Công việc đầu tiên của ông khá trái ngược với thế giới hào nhoáng ở Hollywood. “Trách nhiệm của tôi quanh quẩn từ việc chăm sóc chó cho đến bác sĩ thú y, mua quà giáng sinh và chuyển phát nhanh những hộp phim 35mm để Melnick có thể xem phim ở nhà ông ấy”.
Tuy nhiên những kinh nghiệm mà Meledandri đã thu lượm được là vô giá. “Tôi có đầy đủ quyền tham gia và tiếp xúc đến mọi khía cạnh sản xuất một bộ phim, từ các cuộc đối thoại đầu tiên về ý tưởng, phát triển kịch bản, lập kế hoạch, lập ngân sách và tiếp thị. Đó là những nền tảng căn bản nhất”, ông nói. Những năm sau đó, ông Meledandri bắt đầu dấn thân vào nghiệp điều hành sản xuất phim với bộ phim Footloose và Cool Runnings, bộ phim nói về biệt đội xe trượt Jamaica của Disney trước khi ông chuyển qua hãng phim 20th Century Fox.
‘Duyên nợ’ với hoạt hình: Kiếm tỷ đô nhờ không ngán thất bại
“Khi tôi đến Fox, họ nhìn tôi và nói, nào, anh phải biết về dạng phim gia đình (family films), khi đã làm phim ở Disney chứ”.
Chính điều này là cơ duyên dẫn ông đến với các bộ phim mà ông làm việc cùng cố tác giả – đạo diễn John Hughes, là Ferris Bueller’s Day Off và The Breakfast Club, trước khi về điều hành bộ phận phim gia đình mới của Fox. Nơi đây đã đưa ông đến với thể loại phim hoạt hình.
Trong thời gian đầu, dự án Titan A.E. của ông – kết hợp giữa phim hoạt hình truyền thống với các hình ảnh tạo bởi máy tính (CGI – computer generated imagery) – đã “thất bại thảm hại và vô cùng bi đát… tôi đã may mắn vì công việc của mình không bị ảnh hưởng”. Tuy nhiên phòng thu vẫn kiên trì với Meledandri. Sau đó, Meledandri quyết định làm bộ phim tiếp theo hoàn toàn bằng công nghệ CGI, thông qua Blue Sky Studio, một công ty nhỏ ở New York, không bao giờ sản xuất thứ gì dài quá 3 phút. Kết quả là Kỷ Băng Hà và một loạt phim bom tấn khác lần lượt ra đời, trước khi Meledandri nghỉ việc ở Fox để sáng lập Illumination Entertainment (công ty con của Universal Pictures).
Công ty mẹ Universal sở hữu một nửa số cổ phần ở Illumination. Steve Burke, CEO của NBC Universal, mới đây đã ca ngợi Despicable Me 2 là bộ phim mang về lợi nhuận cao nhất trong lịch sử 100 năm của hãng phim này. Tuy nhiên, những tín đồ của series Despicable Me sẽ phải chờ hơn 3 năm nữa khi phần 3 ra mắt vào giữa năm 2017.
Chi phí thấp + Quốc tế hóa = Doanh thu khủng
Illumination vẫn duy trì việc hoạt động phụ thuộc để giảm chi phí, ông Meledandri lý giải. “Tất cả quyết định của các nhà sản xuất đều được đưa ra trên bàn họp từng ngày một”.
Meledandri cũng tận dụng triệt để tốc độ toàn cầu hóa nhanh chóng trong nền công nghiệp điện ảnh: khoảng 2/3 doanh thu của một bộ phim hiện nay đến từ các thị trường quốc tế chứ không phải từ Hoa Kỳ – mảnh đất vàng của thập kỷ trước – bởi vậy mà công ty của ông cũng mang hương vị quốc tế. Rất nhiều bộ phim hoạt hình đã được hoàn thành tại Paris, sau khi Illumination (nhờ Universal tài trợ vốn) mua lại Mac Guff Ligne, một xưởng phim kỹ thuật số ở Pháp.
Pierre Coffin, một trong hai đạo diễn bộ phim Despicable Me, là người Pháp. Theo Meledandri, những hình ảnh độc đáo của bộ phim, từ phông nền và các ngôi nhà, cho đến tạo hình có phần ‘kỳ dị’ của các nhân vật, đều mang “phong cách châu Âu do nhóm Pháp tạo nên”.
Sự pha trộn giữa các chuyên gia Âu và Mỹ đã được dự tính trước từ khi thành lập công ty. “Chúng tôi đang cố gắng xóa tan định kiến rằng khán giả toàn cầu đang thưởng thức những bộ phim Mỹ”, Meledandri cho biết. “Chúng được tạo nên bởi một nhóm cộng sự với đủ mọi màu da”.
Ở nơi mà cái tôi khác biệt luôn được đề cao, thì mô hình chi phí thấp và quốc tế tập trung của Illumination đã giúp Meledandri giành được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ. “Đó là một mô hình đặc biệt và nó không nhất thiết phải tốt hơn bất cứ mô hình nào cả. Nhưng nó đã và đang hoạt động rất tốt với chúng tôi”, ông nói.
Để lại đánh giá