Chán bị kiểm duyệt trên mạng xã hội, bảo tàng Áo lên OnlyFans để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật khoả thân

Hội đồng quản trị du lịch Vienna của nước Áo vừa cho mở một tài khoản trên OnlyFans – mạng xã hội duy nhất cho phép trưng bày ảnh khỏa thân – để phản đối việc kiểm duyệt cứng nhắc đang diễn ra trên khắp các nền tảng mạng xã hội đối với các bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật của họ.

Vào tháng 7 năm ngoái, tài khoản TikTok của Bảo tàng Albertina đã bị tạm ngưng và sau đó bị khoá vì hiển thị các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Nhật Bản Nobuyoshi Araki có hình ngực phụ nữ, buộc bảo tàng này phải mở một tài khoản mới. Trước đó vào năm 2019 cũng đã có một sự cố tương tự xảy ra, khi Instagram cho rằng một bức tranh của Peter Paul Rubens đã vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng này, vốn cấm mọi ảnh khoả thân – ngay cả những tác phẩm “có tính chất nghệ thuật hoặc sáng tạo”.

Vào năm 2018, bức ảnh chụp bức tượng 25.000 năm tuổi Venus of Willendorf của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên cũng bị Facebook cho là khiêu dâm và bị xóa khỏi nền tảng này.

Bảo tàng Leopold cũng đã phải trải qua nhiều khó khăn để quảng bá bộ sưu tập ảnh khỏa thân của nghệ sĩ Egon Schiele trong một chiến dịch phát triển du lịch thành phố Vienna vào năm 2018, vì nhiều công ty quảng cáo ở Đức, Anh và Mỹ từ chối trưng bày chúng.

Một đoạn video ngắn mô tả bức tranh Liebespaar của Koloman Moser, được thực hiện để đánh dấu kỷ niệm 20 năm thành lập Bảo tàng Leopold cũng bị Facebook và Instagram từ chối đăng tải vì cho rằng nó “có khả năng khiêu dâm”.

Quá mệt mỏi, Hội đồng quản trị du lịch Vienna đã ra một quyết định táo bạo khi đem tất cả các tác phẩm này và nhiều hơn thế nữa lên OnlyFans, để những người hâm mộ tha hồ ngắm nhìn mà không sợ kiểm duyệt.

Helena Hartlauer, người phát ngôn của Hội đồng du lịch Vienna, cho biết thành phố và các trung tâm văn hóa của nó đã cay đắng nhận ra rằng “hầu như không thể” sử dụng các tác phẩm nghệ thuật khỏa thân trong các tài liệu quảng cáo.

“Tất nhiên bạn có thể không cần phải trưng bày ra hết, nhưng những tác phẩm nghệ thuật này rất quan trọng và thiết yếu đối với Vienna – khi bạn nghĩ về bức chân dung tự họa của Schiele từ năm 1910, đó là một trong những tác phẩm nghệ thuật mang tính biểu tượng nhất. Nếu chúng không thể được sử dụng trên một công cụ truyền thông mạnh như mạng xã hội, điều đó thật không công bằng và gây khó chịu. Đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ đến OnlyFans với mong muốn nghệ thuật được thể hiện một cách chân thực nhất.”, Hartlauer nói.

Những người đăng ký “nội dung 18+ của Vienna” trên OnlyFans sẽ nhận được Vienna City Card hoặc vé vào cửa để xem trực tiếp một trong các tác phẩm nghệ thuật.

Nước Áo đang nỗ lực quảng bá Vienna như một điểm đến du lịch kể từ khi chính phủ nước này nới lỏng các hạn chế biên giới đối với công dân nước ngoài.

Tuy nhiên, Hartlauer cho biết chiến dịch có tên “Vienna strips on OnlyFans” này không chỉ nhằm để khuyến khích khách du lịch; nó cũng nhằm nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn kiểm duyệt mà các nghệ sĩ đương đại đang phải đối mặt.

Trớ trêu thay, những rào cản vẫn còn đó sau quyết định xuất hiện trên OnlyFans. Twitter, Facebook và Instagram đều từ chối các liên kết đến nền tảng này, yêu cầu Hội đồng quản trị du lịch của Vienna phải liên lạc với họ.

Hartlauer cho biết những trở ngại khi phát động chiến dịch đã chứng minh quan điểm của họ về sức mạnh ngấm ngầm của các nền tảng truyền thông xã hội trong việc ảnh hưởng và ngăn chặn sự biểu đạt nghệ thuật.

“Chiến dịch này của chúng tôi không phải là giải pháp cuối cùng cho mối quan hệ trục trặc giữa thế giới nghệ thuật và mạng xã hội, tuy nhiên… chúng tôi muốn bảo vệ các giá trị và niềm tin của mình,” Hartlauer nói. 

“Vienna luôn nổi tiếng là thành phố của sự cởi mở.”

Theo: The Guarrdian