Không còn là giấc mơ viễn tưởng, chip não Neuralink đang dần biến thành công cụ thực tế để những người mất khả năng vận động có thể kết nối lại với thế giới

Bradford Smith, bệnh nhân mắc ALS (xơ cứng cột bên teo cơ), mất hoàn toàn khả năng nói và cử động, vừa trở thành người thứ ba trên thế giới được cấy chip não của Neuralink. Điều phi thường là: anh có thể tự chỉnh sửa video và đăng lên YouTube mà không cần chạm tay vào máy tính – tất cả chỉ nhờ vào suy nghĩ.
Công nghệ đứng sau kỳ tích này là BCI: giao diện não – máy tính, với một con chip nhỏ bằng 5 đồng xu xếp chồng được cấy chính xác vào vỏ não vận động bằng robot, nhằm đảm bảo không ảnh hưởng mạch máu và chức năng thần kinh. Chip không đọc “tư duy bằng lời”, mà giải mã các tín hiệu thần kinh liên quan đến chuyển động có chủ đích.

Ban đầu, Smith cố gắng tưởng tượng việc di chuyển tay để điều khiển chuột, nhưng không thành công. Sau nhiều thử nghiệm, nhóm kỹ sư phát hiện: “chuyển động tưởng tượng của lưỡi” lại cho tín hiệu mạnh và chính xác hơn – mở ra cách điều khiển mới bằng ý nghĩ.
Không dừng lại ở đó, Smith còn lấy lại được giọng nói nhờ AI. Nhóm phát triển đã dùng video cũ ghi lại giọng thật của anh trước khi phát bệnh để huấn luyện mô hình trí tuệ nhân tạo, giúp tái tạo âm thanh và lồng tiếng cho video mà anh thực hiện. Nhờ đó, người đàn ông từng hoàn toàn mất giọng nay có thể “nói lại” qua chính video của mình.
Trước đó, tháng 2/2024, bệnh nhân đầu tiên cấy ghép chip Neuralink có thể di chuyển chuột máy tính, chơi cờ vua và Civilization 6 bằng suy nghĩ. Đến tháng 7/2024, bệnh nhân thứ hai có thể sử dụng ứng dụng phần mềm CAD để thiết kế phụ kiện sạc cho máy in 3D và chơi Counter-Strike 2.

Neuralink, do Elon Musk đồng sáng lập năm 2016, đặt mục tiêu tạo ra kết nối giữa não người và máy móc – bước đệm để con người hợp nhất với AI trong tương lai. Musk từng tuyên bố ông sẽ cấy chip vào cơ thể khi công nghệ này đủ an toàn để ứng dụng đại trà.
💡 Cập nhật tin công nghệ và bình luận cùng Cộng đồng sáng tạo RGB – Creative Vibes
Để lại đánh giá