Concept Art là một trong những công việc thiết kế truyền thông được sử dụng rất nhiều hiện nay, không chỉ cho phim ảnh, sách báo, truyện tranh, hoạt hình mà phần lớn còn được dùng trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Simon Stalenhag là một concept artist người Thụy Điển tài năng trong lĩnh vực này, ông đã làm việc cho tựa game nổi tiếng: Ripple Dot Zero và vài tựa game khác nữa. Hãy cùng RGB tìm hiểu thêm về buổi trao đổi tuyệt vời với ông về chuyên môn cũng như cuộc sống và nghề nghiệp hiện tại của ông nhé.
1) Đầu tiên, tôi xin cảm ơn ông vì đã tham gia cuộc phỏng vấn này, đó là một vinh dự cho chúng tôi khi có cơ hội giới thiệu nhiều hơn về ông với độc giả. Tôi xin bắt đầu buổi phỏng vấn về việc từ khi nào sự đam mê về vẽ minh họa và nghệ thuật của ông bắt đầu nhen nhóm?
Tôi bắt đầu vẽ từ khi còn là một đứa trẻ. Ông ngoại tôi là một họa sĩ ngành quảng cáo và ông ấy rất biết cách động viên người khác. Ông ấy có tất cả những vật dụng đặc biệt cho ngành này và ông ấy cho phép tôi sử dụng bao nhiêu tùy thích. Cụ thể hơn, vào một khoảng thời gian năm 1988, khi tôi được 4 tuổi và bắt đầu thường xuyên lui tới văn phòng tại nhà của ông ngoại.
2) Ông thường tham khảo những nghệ sĩ nào?
Những nghệ sĩ theo trường phái truyền thống về thiên nhiên hoang dã hoặc phong cảnh như Bruno Liljefors, Anders Zorn và Lars Jonsson. Và nhiều họa sĩ vẽ tranh phong cảnh người Nga khác. Và đối với lĩnh vực thiết kế cơ khí và các phương tiện vận chuyển tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ những nghệ sĩ như Syd Mead và Ralph Mcquarrie, nhưng sự lôi cuốn mãnh liệt nhất đến từ các Concept Artist đương đại như Ian Mcque, Scott Robertson và Ryan Church.
3) Phong cách của ông có phần chịu ảnh hưởng từ khoa học viễn tưởng và chủ nghĩa hiện thực. Ông đã phát triển phong cách này như thế nào và xin hãy thử mô tả phong cách này?
Tôi bắt đầu vẽ và tô màu những chú chim từ khi còn nhỏ. Tôi là đứa trẻ rất hướng ngoại. Gia đình tôi nghỉ mát ở vùng ngoại ô Stockholm, chúng tôi có căn nhà nghỉ mùa hè và thường đến đó cắm trại vào các dịp lễ. Vì vậy về cơ bản tôi đã có phong cách vẽ cảnh vật từ lúc lên 8. Rồi trong những năm đầu đôi mươi, tôi rất có hứng thú với khoa học viễn tưởng và cách thiết kế theo lối đó.
Tôi phát hiện ra những nét tương đồng giữa Syd Mead và Ralph Mcquarries và phát triển niềm đam mê đối với việc thiết kế cơ khí và các phương tiện vận chuyển, mặc dù tôi chẳng bao giờ dám thử sức một mình. Tôi ngưỡng mộ nhưng vẫn giữ khoảng cách với phong cách này. Cũng giống như đối với loài khủng long. Tôi luôn có niềm đam mê lớn đối với lịch sử tự nhiên và đặc biệt là với loài khủng long nhưng tôi không đủ tự tin để vẽ chúng. Quá khó. Nhưng cuối cùng tôi cũng hít một hơi sâu và tập tành vẽ. Vậy là, hai năm trước tôi đã phối hợp những niềm đam mê nghệ thuật khác nhau – phong cảnh, khủng long và khoa học viễn tưởng vào thể loại nghệ thuật mà bạn thấy trên simonstalenhag.se.
4) Hãy cho chúng tôi biết thêm về quá trình sáng tạo ra một bản vẽ của ông?
Nó đòi hỏi cả núi hình ảnh. Tôi luôn mang theo máy ảnh bên mình và thư viện ảnh của tôi tính từ 2002 đến giờ đã có hơn 40,000 tấm ảnh. Đôi khi tôi bắt đầu với một bản vẽ trắng và cứ thế hoàn thành việc vẽ vời nhưng hầu hết tôi bắt đầu bằng việc xem lướt qua bộ ảnh. Khi đã tìm được bức ảnh ưng ý tôi sẽ bắt đầu làm việc với nó.
Tôi xóa đi những yếu tố mà tôi không thích và thêm thắt nội dung vào bức ảnh. Tôi xử lý nó như với đất sét. Tương tự khi tôi đặt bố cục thiết kế cơ khí và kiến trúc cơ bản. Khi đã có được bản phát họa ưng ý tôi bắt đầu lại với việc chà màu (scratch). Tôi tạo ra những mẫu đơn giản từ bản phát họa đó rồi bắt đầu dựng nên các bản chi tiết của bản phát thảo, từng lớp một, theo kiểu truyền thống ở một mức độ trung bình, như việc dùng bột màu.
Đây là khi tôi bắt đầu lại và xử lý cẩn thận bản phát thảo đó như một sự tham khảo cho bản dựng hình độ phân giải cao (high res render). Tôi cố tránh những hiệu ứng kỹ thuật số như các bộ lọc (filters), đổ dốc (gradients) và làm mọi thứ với những đường cọ như thế này:
5) Ông đã tạo ra một vũ trụ hoàn toàn mới và rất lôi cuốn qua những bức vẽ mà chúng ta có thể thấy ngay trên trang nhất website của ông, xin hãy chia sẻ thêm về điều này và làm cách nào ông có được những ý tưởng đó?
Điều này có thể suy đoán được từ khoảng thời gian và nơi tôi đã lớn lên. Tôi lớn lên vào những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 tại Thụy Điển, buổi đầu thời kỳ hiện đại của sự tư nhân hóa và hệ thống phúc lợi của chính phủ diễn ra mạnh mẽ. Nhưng chúng tôi vẫn có những cơ quan nhà nước lớn phụ trách điện, viễn thông và truyền hình.
Thời đó người ta không lạm dụng công nghệ nhiều, khác với việc sử dụng điên cuồng ngày nay. Trong các bức họa của tôi, tôi chỉ suy luận rằng chính phủ to lớn này đang vận hành những dự án nghiên cứu có tác động đến từng phần của xã hội nơi mà những bức họa đang được thực hiện một cách chân thực nhất. Đại loại như siêu cơ sở nghiên cứu thực nghiệm nằm sâu dưới lòng đất đi kèm với những con khủng long đang đi lang thang trong các công viên hay vườn hoa.
6) Công việc hàng ngày của ông diễn ra như thế nào?
Đây là văn phòng của tôi. Đó là một căn nhà gỗ nhỏ tôi thuê ở ngoại ô Stockholm, cùng khu vực nơi tôi lớn lên. Tôi dậy sớm vào mỗi sáng, tầm khoảng 7 giờ. Tôi ra ngoài đi dạo một lúc và ăn sáng lúc 8 giờ. Tôi thích bắt đầu công việc trước 9 giờ, nếu không tôi sẽ cảm thấy bồn chồn và lo lắng. Tôi thường nghỉ ngơi khá lâu, đôi khi là trong buổi chiều khi tôi lại đi dạo một quãng nữa. Khi trở về, tôi tiếp tục công việc khoảng vài giờ nữa.
Bạn gái tôi là nhạc sĩ nên khi cô ấy ra ngoài biễu diễn tôi thường không ngừng làm việc cho đến 8, 9 giờ tối. Nhưng nếu cô ấy ở nhà, chúng tôi sẽ cố dành thời gian cho nhau. Bởi vì công việc của chúng tôi đều liên quan đến việc sáng tạo với thời gian làm việc không cố định, nên chúng tôi thực sự phải sắp xếp thời gian của cả hai với nhau. Đôi khi điều đó rất khó.
7) Là một nghệ sĩ truyền thông đa phương tiện, xin hãy cho chúng tôi biết lĩnh vực mà ông thích làm nhất? Và tại sao?
Tôi thực sự yêu thích làm việc với mực và bút chì. Tôi không phải sử dụng nó nhiều trong công việc cuối cùng mà tôi làm. Ngồi làm việc bên máy tính và nhìn vào màn hình một lúc khiến tôi cảm thấy không thoải mái và tẻ nhạt.
8) Xin ông hãy chia sẻ cho chúng tôi những lời khuyên hữu ích dành cho những họa sĩ trẻ.
1. Hãy lưu ý đến cái nhìn tinh tế của bạn, đừng phí công vào những chi tiết không giúp ích cho việc đồ họa, mỗi chi tiết được thêm vào giống như một dẫn chứng tốt nên làm tăng thêm sự rõ ràng cho những gì bạn đang cố thể hiện. Lần nào tôi cũng thất bại trong việc này.
2. Suy nghĩ trước khi vẽ. Biết được những gì bạn đang cố thể hiện trước khi đặt bút vẽ là điều cốt yếu. Cho dù đó chỉ là một bản phát thảo nhanh.
3. Đừng để ý quá nhiều vào những gì người khác đang làm, hãy nhìn xem họ đã làm NHƯ THẾ NÀO, và có lẽ việc để ý xem TẠI SAO họ lại làm điều đó xem ra cũng thú vị, nhưng đâu đó bạn cũng nên bước vào thế giới và thêm thắt điều gì đó mới mẻ.
4. Hãy tìm thêm các nguồn ý tưởng khác thay vì tìm đến những họa sĩ khác. Hãy kể tên vài nơi có thể khơi nguồn cảm hứng sáng tạo của bạn. Bên cạnh đó vẫn còn có sách, nhạc, thơ, kiến trúc, sân khấu, phim ảnh, thuật in ấn, lịch sử, khoa học, nghệ thuật làm gốm và đôi khi cả việc đan móc len chẳng hạn ^^ có thể giúp mở rộng thêm ý tưởng cho bạn.
5. Hãy cởi mở với những lời phê bình nhưng hãy thận trọng. Sự quan trọng của đặc tính này đã được thổi phồng khỏi sự cân đối của nó bởi công việc truyền tin của ngành giải trí. Họ gọi đó là thông tin phản hồi và quá trình làm việc lập đi lập lại nhưng điều này đã được vay mượn từ thế giới của sự phát triển phần mềm và điều này không nhất thiết là con đường dẫn đến sự mới lạ. Dĩ nhiên, sự phê bình có ích khi cần giải quyết những kỹ năng cơ bản của nghề. Nhưng nếu bạn có một ý tưởng, không cần biết đó là về kỹ thuật hay chủ đề, nó sẽ cộng hưởng với bạn, mặc kệ người khác nghĩ gì.
9) Hãy chia sẻ 5 trang web mà ông thường xuyên truy cập?
1. Wikipedia. Một trang mà có lẽ ai cũng đã biết.
2. Newscientist.com. Đây cũng là trang tôi vào xem mỗi ngày.
3. The Conceptrobots và conceptships blog. Các trang này một khi bắt đầu lướt xem thì chẳng thể nào dừng lại được.
4. Conceptart.org – Đây là nơi đã dạy tôi cách vẽ digital. Một diễn đàn khổng lồ với cả núi sự giúp đỡ cho người mới bắt đầu.
5. ffffound.com – tôi đã bị sự đơn giản và nội dung của nó lôi cuốn .
10) Xin một lần nữa cảm ơn thời gian ông đã dành cho chương trình, xin hãy để lại lời nhắn nhủ cuối cho những ai đang bắt đầu gia nhập ngành này.
Hãy nghiêm túc chọn lấy các ý tưởng của riêng bạn và dành thời gian nhận ra chúng. Hãy cẩn thận đừng lãng phí thời gian trở thành một thợ chỉnh photoshop cho những ý tưởng của người khác.
Về Tác Giả
Tên thật là Marcos Torres, ông hiện tại là nghệ sĩ tạo hình (graphic artist) người Brasil. Bạn có thể biết thêm về ông tại Website,Tumblr hoặc Flickr .
Các bạn có thể tìm hiểu thêm về Simon qua các đường dẫn sau:Website: http://www.simonstalenhag.se/
Twitter: https://twitter.com/simonstalenhag
Red Bubble: http://www.redbubble.com/people/simonstalenhag
Tumblr: http://simonstalenhag.tumblr.com/
Ban biên tập RGB | Chuyển ngữ: Phú Vinh (theo abduzeedo.com)
Để lại đánh giá